Sống đời hôn nhân, để đánh dấu giai đoạn chung sống 10, 25, 50 năm … nhiều gia đình, con cháu đã tổ chức những lễ tạ ơn mừng kỷ niệm cho cha mẹ mình thật hoành tráng. Đời tu, đờ tận hiến cũng thế. Khó để mà có được những dấu mốc kỷ niệm 25, 50 năm mừng … để rồi phải nói rằng được như thế lại càng có lý do để mừng hơn.
Thế nhưng, mừng kỷ niệm, mừng dấu ấn đó như thế nào lại là chuyện khác.
Thật giật mình khi vừa mới đến dự Thánh Lễ tạ ơn 25 năm linh mục của hai cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích và Phan Đức Hiệp – Dòng Chúa Cứu Thế hôm nay.
Trong mối thân tình, Cha Giuse Ngọc Bích mời tôi. Tưởng nghĩ sau Lễ sẽ có “lạc” như bao nhiêu dịp mừng khác nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ. Bất ngờ vì lẽ sau Lễ chỉ là ly nước trà với những mẫu chuyện tình thân chứ hoàn toàn không tiệc tùng, bia bọt như bao nơi mừng khác.
Cũng dễ hiểu bởi trong Thánh Lễ tạ ơn, cộng đoàn dân Chúa, có cả tôi được nghe kể về cuộc đời của những linh mục vào cái thời thập niên 90 đó.
Không cần phải nói nhiều, những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt là dấu ấn về một cuộc sống quá khó khăn trên những ai đã một thời sống trong giai đoạn đó.
Giai đoạn này, tu thì chỉ biết tu chứ không hề nghĩ đến ngày lãnh sứ vụ linh mục.
2 cha Giuse mừng kỷ niệm 25 năm nay chắc có lẽ cũng mang trong mình cảm nghĩ, kinh nghiệm, kỷ niệm như những cha lãnh sứ vụ linh mục cùng thời như thế này. Thời đó, các cha chỉ lãnh sự vụ một cách âm thầm chứ không hề công khai như bây giờ. Có những cha dù con mình được làm cha đó nhưng ông bà cố hoàn toàn không biết do hoàn cảnh không cho phép.
Sau những ngày tháng đó, mỗi người một nơi, mỗi người một việc để tìm kế sinh nhai chứ không còn được ở dưới mái trường đào tạo êm ấm như trước nữa. Thầy thì đi làm thuê, thầy thì đi dạy học để kiếm sống … trong đó, thầy Giuse Nguyễn Ngọc Bích lại “ôm” chiếc xích lô đầy kỷ niệm trong 5 năm trời ròng rã.
Có lẽ chính cái nghèo, cái khó khăn của thời đó đã đi vào tận xương tủy của các cha nên các cha khó quên cũng như sẽ diễn tả cung cách nghèo đó trong đời sống tu trì của mình. Chính vì thế, hai cha Giuse ngày hôm nay cùng nhau đi đến quyết định là không tổ chức “lạc” sau Thánh Lễ như bao Thánh Lễ tạ ơn khác.
Được biết, cũng gần đây, một số Thánh Lễ tạ ơn dấu ấn của đời linh mục được tổ chức không phải 1, 2 nơi mà là đến 5 nơi với số lượng bàn tiệc nghe xong … chóng mặt. Cha đã đánh dấu kỷ niệm đời linh mục của mình bằng nhiều bàn tiệc, nhiều nơi thật hoành tráng.
Cha mở tiệc mừng nhiều bàn và nhiều nơi theo tôi tưởng nghĩ cũng chẳng sai bởi lẽ đó là quyền của cha. Thế nhưng, xét trong cung cách của nhà tu, đứng ở góc cạnh của đời tu trì ta nên chăng nhìn lại cung cách tổ chức đó.
Hẳn nhiên, theo tôi nghĩ chẳng ai trách là sau Lễ mà không có “lạc”. Có chăng là trách là tại sao sau Lễ mà “lạc” lại nhiều quá ! “Lạc” nhiều kèm theo những hệ quả của nó là giáo dân phải đóng góp hay lại nhờ cậy vào sự giúp đỡ nào đó của những đại gia.
Trong cuộc sống, dĩ nhiên, ai cũng có quyền nhưng giữa cuộc sống bôn ba khó sống như bây giờ ta nên nhìn lại cách tổ chức “lạc” sau lễ tạ ơn như thế nào cho phù hợp với cung cách sống của ta. Có cần thiết phải yến tiệc linh đình trong khi nhiều mảng đời nghèo đói bên cạnh ta không đủ sống. Xung quanh ta vẫn còn biết bao nhiêu trái tim lỗi nhịp đập cần chỉnh sửa, bao nhiêu đôi mắt cần sáng nhờ sự chia sẻ của ta ? Bao nhiêu mái nhà rách nát đang cần ta chung tay xây sửa ?
Vẫn là quyền tự do lựa chọn của mỗi người, nhưng tôi vẫn thầm nghĩ rằng càng khiêm tốn, càng nhẹ nhàng bao nhiêu thì lòng càng thanh thản biết bao nhiêu.
Tham dự Thánh Lễ tạ ơn Ngân Khánh Linh Mục của 2 cha Giuse ngày hôm nay xong, tôi cảm thấy vui vì được chia sẻ, cảm nghiệm nghèo của đời linh mục của hai cha bằng ly nước trà đượm tình thắm thiết.
Vẫn mong có những Thánh lễ tạ ơn nhẹ nhàng và giản đơn như thế để nói lên tiếng nói, nói lên cung cách sống nghèo của Giáo Hội giữa cuộc đời mà người ta vẫn chạy theo phú quý giàu sang.
Mic Thanh Châu