Với ca từ thật đẹp và sâu sắc không chỉ khơi gợi tinh thần đạo đức của đôi bạn trẻ khi chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân mà còn dẫn dắt mọi người khi tham dự Thánh Lễ chiêm nghiệm về đời sống hôn nhân gia đình.
Nếu như nhạc phẩm “ Nguyện Cầu Cho Nhau” của Tác giả Phanxicô là lời cảm tạ của đôi hôn nhân, nguyện cầu Thiên Chúa thương ban ân phúc thì nhạc phẩm “ Diễm Tình Ca 3” của Tác giả – Nhạc sĩ, Linh mục Thành Tâm lại là lời khấn nguyện, xin Mẹ Maria nâng đỡ chở che đời sống hôn nhân gia đình.
Một cách định nghĩa ngắn gọn, “diễm tình” chính là “mối tình đẹp đẽ”.
+ Mối tình đẹp đẽtrong hôn nhân Công giáo
“Chiều hôm nào tiếng hát bay cao
Quỳ bên nhau trước Đấng tối cao
Hứa yêu nhau,trao câu thề chung sống trọn đời”.
Khi đôi hôn nhân cùng “hứa yêu nhau, trao câu thề chung sống trọn đời” trước mặt đại diện Hội Thánh là Vị Linh mục và sự hiện diện của cộng đoàn, là khi đó họ đang “ đụng chạm” một cách thành kính đến Lời Thiên Chúa dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19,6).
Một cách suy diễn, nếu như “thao tác hóa khái niệm” sự chung thuỷ là những viên gạch thì sự chung sống trọn đời sẽ là ngôi nhà; Và ngôi nhà được tạo dựng nên do bởi sự kết nối của những viên gạch.
Trong bối cảnh đời sống xã hội ngày nay, sự thiếu vắng chung thủy trong đời sống hôn nhân gia đình luôn diễn ra một cách phổ biến, là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ly hôn; Thực trạng ly hôn ngày càng gia tăng về mặt số lượng do “ chất lượng tình yêu” ở những đôi vợ chồng sút giảm, họ xem giải pháp ly hôn là một phương thức hữu hiệu để giải phóng người ta ra khỏi một cuộc hôn nhân thất bại. Những số liệu điều tra xã hội “đo lường sự chung thủy” hiện nay sẽ làm cho mọi người không khỏi băn khoăn và giật mình khi:
– Trong số những người đã có gia đình, 70% đàn ông và 60% phụ nữ đã từng “ăn phở”. Thật đáng… giật mình khi biết rằng cứ ba gia đình thì có tới hai không chung thủy (1).
– 90% các vụ ly dị bắt nguồn từ việc vợ hoặc chồng đã từng “ ăn vụng” một lần nào đó trong thời gian chung sống ( 2)…
– Và ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 60.000 vụ ly hôn. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa trong 4 đôi đi đăng ký kết hôn thì 1 đôi ra tòa.
[http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/168841/70…]
Mặt khác, theo thống kê của Trung tâm Tư vấn hạnh phúc gia đình, các vụ ly hôn hiện nay bắt nguồn từ ba nguyên nhân chính: (3)
– Không hợp về tính cách;
– Thiếu hòa hợp về tình dục;
– Ngoại tình. [http (1),(2),(3)://vietbao.vn/Doi-song-Gia-dinh/Ly-hon…]
Khi nhận diện ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn, chúng ta sẽ thấy rõ nét hơn những giá trị nhân bản trong giáo lý hôn nhân Công giáo. Thật ra thì những nguyên nhân gây ra sự ly hôn nêu trên là không mới bởi từ lâu đã được Giáo hội tiên liệu và xác định là những tiêu điểm căn bản, nhất thiết những đôi tiền hôn nhân cần được giáo dục thấm nhuần.
Để làm rõ tính ưu việt của hôn nhân Công giáo, xin trích dẫn kết quả của một nghiên cứu xã hội về hôn nhân như sau:
– Tỷ lệ người Mỹ theo Công giáo có xu hướng ly dị ít hơn nhiều so với những người theo tôn giáo khác hay không tôn giáo. Dẫn chứng là tỷ lệ những người kết hôn theo đạo Công giáo có xu hướng ly dị ở mức 28% so với 32% những người theo tôn giáo khác và 40% những người không theo tôn giáo nào. Ngoài ra, những cặp vợ chồng khi kết hôn đều là người Công giáo cũng có tỷ lệ ly hôn ít hơn người Công giáo kết hôn với người ngoài đạo.
– Nguyên nhân là những người theo Công giáo luôn được đòi hỏi thực hiện bổn phận với nhau và thực tập nếp sống đạo. Những người có theo đạo thường xuyên tham gia những hoạt động tôn giáo có “nguy cơ” ly dị ít hơn hẳn so với những trường hợp còn lại. Chẳng hạn, người theo đạo nhưng không thường xuyên đi lễ thì tỷ lệ ly dị ở mức 60%, so với 38% ở những người chăm đi lễ.
[http://www.cgvdt.vn/cong-giao-the-gioi…]
+ Mối tình đẹp đẽ trong hôn nhân Công giáo luôn có Mẹ Maria đồng hành
Dẫu biết rằng, chung thuỷ luôn là đặc điểm nổi trội trong hôn nhân Công giáo. Tuy nhiên, khi bước vào đời sống hôn nhân thì những đam mê cám dỗ thường luôn song hành và nó như là thách thức của sự dữ, luôn tìm cách len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống gia đình và đặt người ta trong trạng thái phải đương đầu. Ranh giới giữa sự chung thủy và sự bội tín sẽ là mong manh khi người ta tự dễ dãi với chính bản thân của mình; xem lạc thú là mục đích; hoặc như người ta muốn chứng tỏ cái tôi của mình… Do đó, việc tạo ra và duy trì sự chung thủy không phải là vấn đề dễ dàng khi chỉ do bởi ý muốn của con người mà hơn nữa, đời sống hôn nhân Công giáo luôn cần phải có sự nâng đỡ về mặt tâm linh, là điểm tựa để người ta cùng nhau kiến tạo gia đình hạnh phúc.
Người Công giáo thật là diễm phúc khi mọi người không chỉ có một người Mẹ mà vẫn luôn có những người Mẹ:
– Người Mẹ riêng của mỗi người và mỗi người chúng ta là “gia tài của Mẹ”;
– Người Mẹ của “nửa kia” của mình mà mỗi chúng ta vẫn hằng kính trọng;
– Những người Mẹ khác nữa mà chúng ta hân hạnh được làm con trong cuộc đời này như Mẹ đỡ đầu, Mẹ nuôi…
– Và người Mẹ Chung của tất cả, là “Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội”; Mẹ rất đẹp, Mẹ là ngôi sao sáng, là nguồn cậy trông; Luôn yên ủi, nâng đỡ mỗi khi chúng ta chạy đến cùng Mẹ, để xin mẹ ban cho sự bình an trong cuộc sống cũng như xin mẹ dắt dìu để tình yêu trong hôn nhân gia đình của mỗi người được chắp cánh bay cao, bay xa:
“Rồi mai đây,kiếp sống có đôi
Đời buồn vui mãi mãi bên nhau
Khấn xin Mẹ thương dắt dìu tình yêu dâng cao.
Tay đan tay nhịp bước đi trên đời
Xin yêu thương hạnh phúc đến cho người
Người em anh yêu,người em anh mến.Mẹ ơi trông đến…
Như chim kia nhịp cánh trên mây ngàn
Đôi tim con hoà khúc hát huy hoàng
Trọn đời yêu nhau, dù bao gian khó, có Mẹ đừng lo…”
Đời sống hôn nhân gia đình sẽ là trọn vẹn nếu không có chỗ cho sự tính toán đúng sai, lòng thù hận mà chỉ có chỗ cho tình yêu… Tuy nhiên, “ nhân vô thập toàn” nên đời sống vợ chồng không phải lúc nào cũng là màu hồng mà luôn có những lúc bị gam màu “ xám xịt” pha lẫn. Vì vậy, thời kỳ tiền hôn nhân là giai đoạn rất quan trọng để đôi hôn nhân tìm hiểu về nhau và Giáo hội luôn khuyến khích việc này thông qua việc học hỏi giáo lý hôn nhân.
Và trong cuộc sống, từng lúc, từng nơi người ta vẫn có thể đánh mất chính mình nhưng “ Lời thề hôm xưa” trước Thiên Chúa sẽ giúp con người ta thức tỉnh, đưa họ trở về với thực tại trong vòng tay yêu thương và rộng mở của Mẹ Maria:
“Mai sau đây gặp lúc phải âu sầu
Xin cho con đừng thế dễ quên lời
Lời thề hôm xưa cùng người yêu dấu,tình thương tha thứ…
Hay khi nao hạnh phúc đến dâng đầy
Xin cho con đừng thế dễ quên lời
Lời ca tri ân nhờ Mẹ thương đến,chở che đời con”.
Vâng, thưa Mẹ! Chúng con hiểu rằng, trong đời sống hôn nhân gia đình không hẳn chỉ có sự chung thủy không thôi mà chúng con phải luôn biết cộng đồng trách nhiệm; biết hy sinh và chia sẻ những vui buồn, những khó khăn vất vả trong cuộc sống; biết thường xuyên tham dự Thánh Lễ và nhiệt thành tham gia vào các hoạt động của Giáo hội; Đồng thời, chúng con luôn biết kiếm tìm về bên Mẹ thì đời sống hôn nhân gia đình của chúng con sẽ luôn mãi là một “ Diễm tình” phải không Mẹ!
Jos. Nguyễn Mừng [ GX. Duyên Lãng, Xuân Lộc]