Cuối năm, thị trường hàng hóa trở nên nhộn nhịp, đa dạng khác thường. Thời điểm này, mức tiêu thụ thực phẩm được xem là nhiều nhất trong năm; Kế đến là thị trường hoa tết tràn ngập, khoe sắc khắp nơi; Các nhà xe, hãng máy bay mở hết công xuất để đáp ứng nhu cầu khách lữ hành…
Tết với người kinh tế khá giả là chuyện không khó, nhưng với người nghèo luôn là nỗi lo toan vất vả. Tuy nhiên, bằng khả năng có thể người ta vẫn luôn nỗ lực để gia đình có một cái tết tử tế, đàng hoàng. Nhưng có lẽ, dù giàu hay nghèo khi tết đến xuân về nếu trong gia đình hội đủ những thành viên và vui vẻ thuận hòa bên nhau thì đó mới thật sự là mùa xuân viên mãn.
Gia đình là hơi ấm mùa xuân
Chuyên ngành xã hội học quan điểm về gia đình gồm gia đình truyền thống với nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu và gia đình hạt nhân chỉ với hai thế hệ là cha mẹ và con cái chung sống. Gia đình là nơi các thành viên có thể có quan điểm sống khác nhau, là nơi vẫn luôn tồn tại những mâu thuẫn, bất đồng, những vui buồn và cả những giọt nước mắt của hạnh phúc, của khổ đau… Tuy là thế nhưng gia đình luôn mãi là một kho báu của yêu thương.
Người ta thật có lý khi cho rằng cơm mẹ nấu luôn ngon. Bỏ qua khía cạnh ẩm thực thông thường thì cơm mẹ nấu luôn có một loại gia vị yêu thương hòa quyện gia vị mặn nồng từ những giọt mồ hôi của người cha mà chẳng thể mua được; Cơm mẹ nấu sẽ thật sự ngon lành khi bên mâm cơm tề tựu đầy đủ những thành viên, đong đầy ánh mắt trìu mến, những nụ cười sảng khoái, những mẩu chuyện râm ran…đó là nơi chốn khi xa người ta hằng mang theo nỗi nhớ và tìm về. Nên buồn thay, ở đâu đó vẫn có những thân phận không thể có một nơi chốn như thế để tìm về.
Tết đến xuân về, những cụm từ thắm tươi, huy hoàng, đề huề, sum vầy, đoàn viên… thường được vận dụng để biểu tả trạng thái hạnh phúc, no đầy. Người ta cũng thường dùng cụm từxuân tha hương để nói về cảm giác chênh vênh của người xa nhà vào dịp tết. Có lẽ rằng, nhạc phẩm “ Xuân Này Con Không Về” của bộ ba nhạc sĩ Trịnh – Lâm – Ngân (Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân) vẫn luôn chuyên chở được nỗi niềm tết xa nhà cho dù hoàn cảnh ai đó trong thực tế không hẳn đã giống như nhân vật trong nhạc phẩm.
Và khi hơi thở mùa xuân, hương vị ngày tết đang đến thật gần và gõ cửa từng nhà thì những người con xa quê thường luôn canh cánh mong chờ ngày tết đoàn viên bên gia đình, đây là tâm trạng hoàn toàn chính đáng vì: “ Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”.
Lòng khoan dung và sự chia sẻ là “Chất xúc tác Mùa Xuân”
Hành vi xin lỗi, làm lành với nhau và việc chia sẻ tinh thần, vật chất không thấy được xếp vào tập tục của người Việt khi tết đến xuân về.
Không biết từ bao giờ, nói lời xin lỗi với nhau đã trở thành một thói quen, một hành vi văn hóa thật đẹp khi những ngày giáp Tết, người ta thường tìm đến nhau để hàn gắn những bất hòa trong năm cũ, nói với nhau lời xin lỗi. Trong không khí rộn ràng sắc xuân, người ta như thấy đất trời rộng mở, muốn hít thở thật sâu không khí mùa xuân để mong được tâm trạng thanh thản; Và khi nói lời xin lỗi, tự khắc sẽ thấy nhẹ nhàng rồi người ta nhận được sự khoan dung nơi người khác để hướng tới một năm mới chan hòa, tốt đẹp hơn.
Khi tết đến xuân về, những tổ chức tôn giáo, xã hội hay cá nhân thường tìm đến những hoàn cảnh đau bệnh, nghèo khó, lang thang, cơ nhỡ… để chia sẻ hòng giúp họ vơi đi nỗi buồn ngày xuân ngày tết. Đến với hoàn cảnh khó khăn, người ta mới cảm nhận được ranh giới giữa hạnh phúc và bất hạnh một cách rõ nét nhất và đó luôn là sự khác biệt. Những hoàn cảnh khó khăn, với họ một ngày là một “cuộc chiến” của mưu sinh, của sự chống chọi với đau bệnh, của những thân phận muốn thoát khỏi sự kỳ thị hay định kiến xã hội… Vậy nên, chia sẻ không phải là đánh mất mà chia sẻ là để niềm hạnh phúc được chan hòa từ cả hai phía, là niềm hạnh phúc được nhân đôi; Vì một lẽ, tạo hóa đã thật khéo khi kiến tạo mùa xuân là mùa của yêu thương.
Mùa Xuân trong đời sống Giáo hội
Tết đến xuân về, mọi người luôn cầu xin Chúa ban cho gia đạo một cái tết đoàn viên, dâng lời cảm tạ tri ân vì những ơn lành Chúa đã ban cho một năm đi qua được bình an và cầu xin một năm mới an khang. Nơi xứ đạo, sự chia sẻ tinh thần, vật chất vào dịp mùa xuân luôn là việc làm phổ biến khi từng phần quà, từng lời chia sẻ, động viên ân cần đến những gia đình giáo dân có hoàn cảnh khó khăn đã làm nên một mùa xuân yêu thương trong Chúa.
Tất cả mọi sự đều bởi Thiên Chúa trao ban nên ngày xuân ngày tết luôn là những ngày hồng ân có Chúa đồng hành. Phụng vụ Giáo hội dẫn dắt cộng đoàn tín hữu đồng hành với ngày xuân ngày tết không chỉ là giá trị truyền thống mà trên cả là yếu tố cốt lõi tâm linh, là mùa xuân của yêu thương, lòng khoan dung và bác ái.
Thánh lễ đêm Giao Thừa là thời khắc thiêng liêng để mọi người gắn kết trong mối tình thân con cái Chúa, cộng đoàn xin lỗi Chúa vì những lỗi lầm, cảm tạ tri ân vì những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho năm đã qua và xin Chúa thương ban bình an trong năm mới.
Đầu xuân, người ta thường chúc nhau bình an nhưng lời chúc có lẽ là chưa đủ vì sự bình an đích thực mới thật khó kiếm tìm. Cộng đoàn tín hữu tham dự thánh lễ ngày Mồng Một Tết cầu xin Thiên Chúa ban bình an trong năm mới chính là dấu chỉ bình an nơi mỗi tâm hồn và sự bình an đó không ở nơi đâu khác mà chính do bởi Thiên Chúa trao ban.
Mồng Hai Tết, Giáo hội mời gọi tín hữu hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ kể cả khi các ngài còn sống hay đã qua đời. Trọng tâm việc cử hành Thánh lễ ngày Mồng Hai Tết là dịp nhắc nhở mọi người hướng về nguồn cội, công đức sinh thành, dưỡng dục. Và như thế, việc bày tỏ đạo hiếu của người tín hữu không chỉ “ đóng khung” nơi mỗi gia đình mà tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Công giáo được lan tỏa rộng khắp trong toàn thể Giáo hội.
Ngày tết, trong tâm thế vui tươi phấn khởi người ta thường chúc nhau năm mới phát đạt. Trọng tâm Giáo hội cử hành thánh lễ ngày Mồng Ba Tết cầu xin Thiên Chúa thánh hoá công ăn việc làm là dịp để người tín hữu nhìn lại đời sống lao động và những thành quả lao động trong năm đã qua. Xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm trong năm mới và xin Ngài đánh động lòng trắc ẩn để mọi người biết chia sẻ thành quả lao động với tha nhân.
Ước nguyện ngày xuân
Tết đến xuân về, mong sao chiếc giỏ người nội trợ có đủ thực phẩm cần thiết, người lao động xa quê có đủ áo quần, dép mới để đưa về những nơi trẻ thơ đang háo hức ngóng chờ.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, tai nạn giao thông đã và đang là một vấn nạn, luôn là điểm nóng vào dịp lễ tết thì mong sao những “ tay ga”, “ chân ga” hãy có trách nhiệm khi tham gia giao thông. Khi mà ngành chức năng không thể kiểm soát một cách trọn vẹn vấn đề an toàn thực phẩm thì người ta chỉ trông mong vào lương tâm của những nhà sản xuất, chế biến hay kinh doanh thực phẩm.
Mong sao những ly bia chén rượu chỉ là hành vi tô điểm sắc xuân chứ không phải mùa xuân là cơ hội để dòng bia rượu gia tăng lưu lượng, là tác nhân gây nên những nguồn cơn cho gia đình và xã hội. Mong sao những bước chân vội vã tìm đến trò sát phạt đỏ đen biết dừng lại để xóa đi những ánh mắt hoảng hốt nơi mỗi gia đình.
Mùa xuân này và tiếp diễn cuộc hành trình đức tin, chúng ta cùng nguyện cầu cho nhau và nguyện cầu cho những hoàn cảnh khó khăn để mọi người cùng được nương nhờ bình an trong Chúa. Hãy đánh động lòng khoan dung và loại trừ những hiềm thù, đố kỵ để đời sống của mỗi người xứng đáng thân phận con cái Chúa.
Xin Chúa kết nối những hoàn cảnh xa cách tìm về bên nhau hàn gắn và chia sẻ sự yêu thương. Xin Chúa đoái thương những thân phận kém may mắn, yếu thế, những người bị rào cản xã hội đang mất đi những cơ hội thì xin cho họ được xã hội và mọi người quan tâm trong tình hiệp nhất và yêu thương.
Xin Chúa soi sáng để mỗi gia đình chúng con dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn phó thác và cậy trông nơi Chúa, biết noi theo mẫu gương Thánh Gia Thất, tuy khó nghèo nhưng luôn là mực thước của yêu thương.
Nguyện xin Chúa thương ban ân phúc để chúng con có một mùa xuân yêu thương trong Chúa, một mùa xuân được Chúa đánh thức lòng trắc ẩn để chúng con được tiếp cận bến bờ yêu thương; Một mùa xuân yêu thương trong Chúa để chiếc mặt nạ cau có, cũ kỹ được cởi bỏ và thay vào đó là nụ cười thân ái.
Lời kết
Đến hẹn lại lên, xuân đến rồi xuân đi, xuân đi rồi xuân đến và cứ như thế người ta vẫn luôn đi tìm những mùa xuân cho riêng mình; là những mùa xuân có cả vui buồn lẫn lộn và “số lượng mùa xuân” của mỗi người không hẳn là ai cũng giống ai nơi kiếp chợ đời. Rồi khi chợt tỉnh, chợt nhớ người ta sẽ tìm về một mùa xuân khác, là Mùa Xuân Trên Cao và nơi đó “ Người Tình Xuân” giàu lòng thương xót luôn giang rộng vòng tay yêu thương đón chờ.
“…Mẹ ơi con hứa con sẽ trở về; Dù cho, dù cho xuân đã đi qua; Dù cho én từng bầy bay về ngàn; Dẫu gì rồi con cũng về; Chỉ bên Mẹ là mùa xuân thôi” là những ca từ thật hay, thật đẹp chất chứa tình cảm, nỗi niềm của người con hướng về mẹ trong nhạc phẩm “Mùa Xuân Của Mẹ” của bộ ba nhạc sĩ Trịnh – Lâm – Ngân.
Vay mượn những ca từ này để nói một cách khác đi và như là một lời xác tín rằng: “Chỉ bên Chúa mới là Mùa Xuân Trường Tồn”./.
Jos Nguyễn Mừng