Phỏng vấn với Đức cha Nicolas Brouwet, giám mục giáo phận Tarbes và Lourdes
Chủng viện là một thời kỳ cơ bản hết sức quan trọng. Nhưng luôn có những câu hỏi được đặt ra về hình thức và nội dung của việc đào tạo. Đức Giám Mục Nicolas Brouwet, nguyên Giám mục Phụ tá của Giáo phận Nanterre trả lời những vấn nạn trên.
Những chủng sinh trẻ tuổi vào chủng viện ở độ tuổi trung bình trên 25 tuổi. Tại sao các thầy phải chờ đợi 7 năm trước khi trở thành linh mục, thưa Đức Cha ?
Đây không phải là thời gian chờ đợi nhưng là một thời gian chuẩn bị cho sứ vụ thừa tác linh mục.
Trước tiên cần phải phân định : chủng sinh vào chủng viện bởi vì các thầy cảm nhận được tiếng gọi từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, tiếng gọi này phải được Giáo hội chứng thực. Một thầy trẻ tuổi cần được giúp đỡ để xem có phải thầy đã nhận được tiếng gọi đến từ Thiên Chúa hay không. Điều này chỉ có thể biết được theo thời gian. Thiên Chúa nói từ trong sâu thẳm của con người.
Cần phải có thời gian để nghe được tiếng gọi này. Cần phải có thời gian để thực sự sẵn sàng lắng nghe điều Thiên Chúa nói. Chủng sinh chỉ khám phá ra dần dần cách thế mà Thiên Chúa muốn hướng dẫn cuộc đời mình. Các thầy sẽ học đọc ra tiếng gọi của Chúa qua những ham muốn, những cảm xúc đang dâng trào, sự bình an, nỗi buồn, niềm vui, sự sợ hãi, qua một công việc thực sự tri thức để tìm ra lý lẽ hợp lý cho những yêu cầu của sự lựa chọn.
Chủng sinh cũng cần phải có thời gian để trưởng thành trong tiếng “Xin Vâng”, trưởng thành trong việc chấp thuận vâng theo tiếng gọi của Chúa. Cần phải có thời gian để sẵn sàng đón nhận những gì Thiên Chúa muốn hoàn tất nơi mình. Dần dần, trong suốt 7 năm, các thầy sẽ học luôn qui hướng về Chúa Kitô, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và thực sự trở thành những người con ngoan của Giáo hội : một Giáo hội hiện hữu, một Giáo hội đương thời, một Giáo hội cụ thể và một Giáo hội của Giáo phận nơi chủng sinh ở.
Tuy nhiên, bên cạnh sự biện phân cá nhân còn có sự phân định của Giáo Hội do Đức Giám Mục ủy thác cho Bề trên Chủng viện và Hội đồng cố vấn. Công việc phân định này diễn ra trong cuộc sống đời thường rõ ràng nhất. Chúng tôi nhận thấy để có một chủng sinh hạnh phúc trong Chủng viện, có đời sống cầu nguyện, biết dành thời gian để học tập, biết quan tâm đến việc truyền giáo, có tinh thần phục vụ, có tinh thần cộng tác, nhiệt thành trong công việc tông đồ… Tất cả những điều này cần phải có thời gian.
Cuối cùng, cần có thời gian để đào sâu tri thức với hai nhiệm vụ : trước hết, một linh mục tương lai phải cắm rễ sâu trong sự hiểu biết về Chúa Kitô, về Thánh Kinh và về Thánh Truyền, biết chuẩn bị cho sứ mạng giảng dạy, hướng dẫn cộng đoàn mà Linh mục sẽ được gửi tới. Hai là tri thức cần phải được mở ra hướng về Đức tin; và Đức tin cần công việc của lý trí để linh mục có thể “tường thuật niềm hy vọng trong ơn gọi của mình ” (1Pr 3, 15).
Mục đích sâu xa của những năm trong Chủng viện là gì?
Cốt lõi nơi một chủng sinh là tập trung hướng về Chúa Kitô, Người Mục Tử Nhân Lành. Mỗi ứng sinh vào Chủng viện luôn mang nơi mình một lịch sử, tri thức, giáo dục, kinh nghiệm, sở thích, lý tưởng, tính khí riêng. Mỗi chủng sinh thường có kinh nghiệm trong cộng đoàn nào đó. Và đào tạo linh mục không phải là “tiêu chuẩn hóa đồng nhất”, càng không phải huấn luyện các chủng sinh trong cùng một khuôn. Nếu Thiên Chúa đã kêu gọi các chủng sinh từ những sự khác biệt đó và đặt họ ở lại với nhau. Đó là những năm tập loại bỏ cá tính riêng và trau dồi sự giầu có ơn Chúa Thánh Thần mà họ đã lãnh nhận.
Tuy nhiên, Bí tích Truyền Chức Thánh sẽ đồng hóa các thầy với Chúa Kitô Mục Tử. Bởi Bí tích Truyền Chức, các tân linh mục sẽ nhận được Ân sủng ở giữa mọi người, như dấu chỉ của Chúa Kitô, Đấng dẫn dắt dân Người, loan báo Tin Mừng Cứu Độ và mang lại sự sống của Thiên Chúa qua các Bí tích. Điều này chỉ có thể đạt được nếu trái tim của linh mục thực sự hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa Cha và được sống động bởi một Tình Yêu sâu thẳm hướng về mọi người mà linh mục được sai đến. Tại sao lại là trái tim, vì trái tim là trung tâm của toàn thể con người. Trái tim này được mời gọi để trở nên đồng hình đồng dạng như Trái Tim của Chúa Kitô. Bởi vì linh mục sẽ dần dần tìm hiểu để đặt cuộc sống và các hoạt động của mình trong tay Chúa Cha và đem phân phát ánh mắt dịu hiền của Chúa Kitô, cái nhìn của niềm hy vọng, tin tưởng, lòng từ bi và bình an cho những người mà linh mục gặp gỡ trong cuộc sống.
|
Khi vào Chủng viện, các chủng sinh đều là những người tin, sốt sắng và quảng đại. Vậy tiêu chuẩn mới nào các chủng sinh phải đạt được để lãnh nhận chức thánh và để thi hành sứ vụ thừa tác linh mục?
Trước tiên, các chủng sinh phải hoàn toàn thực sự sẵn sàng dâng hiến cho Thiên Chúa. Dù ý thức hay không, các thầy vào Chủng viện với những dự định, những hình ảnh tốt đẹp của thừa tác vụ linh mục, lý tưởng về sứ mệnh tương lai, điều đó hoàn toàn bình thường và hợp pháp. Nhưng các thầy cũng cần phải học hỏi để tham gia vào kế hoạch của Thiên Chúa. Kế hoạch này thì rất hiếm trùng lặp với những gì các thầy đã dự kiến. Cần phải mở rộng không gian tự do cá nhân của lòng mình để hướng tới sự tự do của Thiên Chúa. Đó là Tình Yêu. Không có con đường nào khác.
Hơn nữa, nếu một chủng sinh đang ở trong con đường này, chủng sinh đó sẽ phải đương đầu và không thể tránh khỏi trước mầu nhiệm Thập Giá. Đó là dâng hiến hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa trong niềm cậy trông, kể cả những khoảnh khắc bất ngờ nhất, những giây phút của bóng tối làm chủng sinh mất thăng bằng, nơi mà người ta muốn kiểm soát các sự kiện theo cách của con người vì sợ tương lai. Đối diện trước thử thách hay thất bại, chủng sinh dễ nổi dậy hoặc lãng quên. Nhưng các thầy cũng có thể sát nhập vào mầu nhiệm Thập Giá trong khi đổi mới sự tự hiến mình cho Thiên Chúa, nhắc lại sự tin tưởng vào Thiên Chúa, khiêm tốn rút ra bài học về thất bại của bản thân và hy vọng hướng tới tương lai.
Cuối cùng, điều quan trọng là lớn lên trong Tình Yêu của Giáo Hội, để sứ vụ của linh mục không còn chỉ thực hiện các dự định cá nhân nhưng là một sự hợp tác thực sự trong sứ mạng với Đức Giám Mục Giáo phận. Vì vậy, thiên chức linh mục thật sự hiệu quả, trổ sinh hoa trái của Chúa Thánh Thần ” Đấng là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”.
Sr Maria Thiệu Chuyên chuyển dịch từ ” Il faut du temps”,