Thế kỷ 18, một nhà thờ đã được xây dựng trên bờ thung lũng sông Hudson của bang New York, phục vụ cho các giáo dân di cư từ xứ Ireland xa xôi đến vùng đất mới ở châu Mỹ.
Nhà thờ Công giáo đầu tiên được xây dựng ở bang New York là nhà thờ Thánh Phêrô trên đường Barclay, TP New York, với phần móng đã được thực hiện vào năm 1785 và hoàn tất trong năm sau. Tuy nhiên, không lâu sau đó, làn sóng di cư của hàng ngàn người Ireland đã buộc giáo phận phải xây nhà thờ lớn hơn, giờ đây được đặt tên là Nhà thờ Thánh Patrick, tọa lạc trên đường Mulberry. Và sự có mặt của các di dân Ireland cũng đã giúp đạo Công giáo lan tỏa vượt ngoài ranh giới của Manhattan.

Thời hoàng kim
Giữa những năm 1820 và 1860, hàng ngàn người nhập cư từ Ireland đã được tái định cư tại làng Cold Spring thuộc hạt Putnam để làm việc cho nhà máy sắt West Point Foundry. Người chủ của nhà máy, ông Gouverneur Kemble, quyết định rằng các công nhân và gia đình của họ cần phải có một nơi để thờ kính Chúa và thực hành đạo. Thế là ông quyên tiền lẫn mảnh đất cần thiết để xây dựng nhà thờ Công giáo đầu tiên ở phía bắc Manhattan. Đến năm 1833, ông Kemble thuê kiến trúc sư người Anh Thomas Kelah Wharton để vẽ nên thiết kế phù hợp cho nhà thờ.
Kiến trúc sư Wharton, lúc đó mới 19 tuổi, đã chọn phong cách Hy Lạp Phục Hưng, vốn là kiến trúc phổ biến đối với các nhà thờ được xây dựng ở “tân thế giới” vào thời điểm đó. Thế là những viên gạch đỏ truyền thống được phủ vữa stucco trắng. Các cây cột được thiết kế theo kiểu Tuscan, một phiên bản đơn giản hơn của phong cách Doric thường thấy trong các kiểu đền thờ như Điện Parthenon của thần Athena. Công trình xây dựng đã được hoàn tất vào năm 1833 và ngôi thánh đường mới – nhà thờ Đức Bà – trở thành cột trụ tinh thần trong đời sống tôn giáo của cộng đồng Công giáo Cold Springs đang ngày càng mở rộng. Theo một bản tin trên báo địa phương vào năm 1834, các tín hữu đã nô nức đến nhà thờ trên những chiếc thuyền. Nội dung câu chuyện được mô tả hết sức tỉ mỉ trên báo, theo đó một ban nhạc đã cùng biểu diễn với dàn đồng ca địa phương trong một lễ hội, tiếng nhạc và lời ca vui mừng vang vọng khắp các vùng núi xung quanh.

Trong cuộc nội chiến giữa các tiểu bang Mỹ kéo dài từ năm 1861 đến 1865, nhà máy sắt trở thành nơi sản xuất vũ khí quan trọng của bang New York, và cũng là địa điểm thử nghiệm vũ khí mới. Sự cố liên tục xảy ra trong quá trình thử súng gây nên những tổn hại nặng nề cho các bức tường của nhà thờ, buộc người quản lý nhà máy khi đó là đại tá Robert P. Parrott phải chi tiền cho công tác sửa chữa. Tuy nhiên, nhà thờ chẳng bao giờ có thể khôi phục lại vẻ huy hoàng ban đầu. Việc trùng tu vô tội vạ đã bổ sung những đặc điểm của kiến trúc thời Victoria vào cấu trúc Hy Lạp Phục Hưng nguyên thủy. Sau đó, dự án xây dựng tuyến đường sắt chạy ngang nơi này đã dần khiến người dân trong vùng lãng quên ngôi thánh đường cạnh bờ sông.

Sự hồi sinh
Đến năm 1906, nhà thờ đầu tiên ở bắc Manhattan đã bị bỏ hoang. Một trận hỏa hoạn vào năm 1927 càng thúc đẩy quá trình tàn phá nơi này. Tuy nhiên, không phải tất cả đều biến mất. Nhà thờ đã được khôi phục vào năm 1971, khi một liên minh gồm nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau, từ Công giáo đến Do Thái giáo, đã hợp lực gây quỹ, mang lại trang sử mới cho ngôi thánh đường. Nữ diễn viên gạo gội của Mỹ Helen Hayes cũng tham gia vào dự án hồi sinh nhà thờ Đức Bà và bà từng nói rằng: “Tôi thấy nhà thờ tồn tại một cách trơ trọi, bị lãng quên, nằm trên cao nhìn xuống dòng sông Hudson yêu dấu, và tôi gần như bật khóc”.
Nhóm liên tôn đã mua lại bất động sản liên quan đến nhà thờ này từ Tổng Giáo phận New York. Kế đến, họ thuê kiến trúc sư Walter Knight Sturges giám sát việc trùng tu. Đến năm 1977, công trình ven sông một lần nữa mở cửa. Ngày nay, nơi đây trở thành địa điểm cầu nguyện dành cho công chúng mà không do tôn giáo nào quản lý. Những con người đến từ mọi tôn giáo tụ tập về đây, trong ngôi nhà chung trên bờ sông Hudson để dự chương trình hòa nhạc vào mỗi Chúa nhật, và sự kiện này trở thành điểm nhấn nổi tiếng của bang New York. Được sửa tên là “nhà nguyện Trùng Tu”, cái tên vẫn còn sử dụng cho đến ngày nay, công trình này được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và trở thành nhân chứng quan trọng cho sự khởi nguồn của đức tin Công giáo tại thung lũng Hudson.
BẠCH LINH