Dưới lăng mộ bị phá hủy của tiên tri Giôna, một cung điện cổ và chứng cứ vừa được phát hiện đã chứng minh sự tồn tại của triều đại vua Assyria từng được đề cập trong Kinh Thánh.
Nằm sâu bên trong những đường hầm mà bọn trộm mộ đào ngang dọc dưới nơi đặt lăng mộ của tiên tri Giôna (tên chính thức của nơi này là Nebi Yunus) ở thành phố cổ Nineveh (Iraq), các nhà khảo cổ học đã phát hiện những dòng chữ khắc trên đá có niên đại cách đây 2.700 năm, mô tả về giai đoạn trị vì của quốc vương hùng mạnh tên là Esarhaddon. Nơi đây đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cho nổ tung khi Nineveh rơi vào tay lực lượng này từ tháng 6.2014 – 1.2017.Sau khi thực hiện hành vi báng bổ đối với lăng ở Nebi Yunus vào năm 2014, các tay súng IS tích cực đào hầm với hy vọng có thể tìm thấy cổ vật quý để tuồn ra thị trường chợ đen. Tuy nhiên, tại nơi từng bị IS cố gắng phá hủy, lịch sử một lần nữa đã lộ diện, dù dưới dạng tàn tích còn lại của một triều đại từng lừng lẫy.
Giải mã những dòng chữ khắc
Trong báo cáo trên chuyên san khảo cổ, ôngAli Y. Al-Juboori, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Syria tại Đại học Mosul cho hay, nhóm của ông đã tìm được chứng cứ về giai đoạn trị vì của vua Esarhaddon, nhân vật từng được đề cập trong SáchIsaiah và Ezra.Tổng cộng có 7 bảng đá khắc chữ, có niên đại từ năm 672 trước công nguyên, được tìm thấy tại 4 đường hầm bên dưới khu vực được xem là linh thiêng của người theo Kitô giáo lẫn Hồi giáo. Nội dung của số cổ vật được xoay quanh triều đại của vua Esarhaddon, và tuyên bố ông đã cho xây dựng lại các thành phố cổ Babylon và Esagil trong thời gian trị vì.

Một bản khắc viết: “Cung điện của Esarhaddon, nhà vua hùng mạnh, vị vua của thế giới, vua của người Assyria, người cai quản Babylon, vua của Sumer và Akkad, vua của các vị vua ở vùng thượng – hạ Ai Cập và Kush (một vương triều cổ xưa nằm ở phía nam Ai Cập ở Nubia)”. Có thời điểm người Kush từng cai trị Ai Cập, theo những bản khắc được tìm thấy ở các nơi khác. Những dòng chữ bên dưới lăng mộ tiên tri Giôna còn đề cập đến chuyện vua Esarhaddon đánh bại các thủ lĩnh Kush và chọn ra người trị vì mới cho Ai Cập. Bên cạnh đó, một bản khắc cho biết quốc vương Esarhaddon “đã cho xây dựng lại đền thờ của vị thần tối cao của người Assyria là Aššur”, tu bổ lại những bức tượng của các vị thần thời đó. Lịch sử triều đại Esarhaddon cũng được ghi lại hậu thế, theo đó ông là con của Sennacherib (trị vì từ năm 704 đến 681 trước công nguyên) và là hậu duệ của Sargon II (triều đại 721-705 trước công nguyên). Sargon II cũng được người Assyria xem là “vua của cả thế giới”.

Hiểu thêm về nhân vật trong Kinh Thánh
Học giả Al-Juboori cũng đã dịch 4 bảng chữ liên quan được tìm thấy ở Nineveh, gần di tích Nergal Gate, vào giai đoạn 1987 đến 1992. Những cuộc xung đột kéo dài tại khu vực đã khiến các nhà nghiên cứu Iraq khó có thể công bố phát hiện lúc đó. Các bảng chữ này được xác định có niên đại từ thời vua Sennacherib, và đều có nội dung nói về vị vua “cho xây mới những bức tường thành bên trong và cả bên ngoài Nineveh, và nâng chúng lên cao chót vót như núi”. Các nhà khảo cổ học cũng khai quật được một số bản khắc gần lăng mộ tiên tri Giônatrong các cuộc khảo sát từ năm 1987-1992. Một trong số này ghi lại những cuộc trường chinh của vua Esarhaddon, bao gồm Cilicia (nằm ở bờ nam của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), và Sidon (hiện thuộc Li Băng).

Vua Esarhaddon còn được cho là đã trùng tu lại cung điện đã bị phá hủy một phần của vua cha Sennacherib, nhân vật từng được mô tả trong Cựu Ước, trong trận chiến Nineveh vào năm 612 trước công nguyên.“Vua Sennacherib xứ Assyria ập đến và xâm chiếm Judah. Ông ta đã vây hãm nhiều thành phố với mưu đồ muốn chiếm đoạt riêng cho mình”. Theo những gì tìm được, vua Esarhaddon đã cai quản Assyria từ năm 681 đến 669 trước công nguyên. Ông đã tháo chạy đến Nineveh sau khi cấu kếtvới các anh em ám sát cha mình là Sennacherib. Khi đến Nineveh, Esarhaddon ra lệnh lưu đày toàn bộ huynh đệ và tự lên ngôi vua.

Tuy nhiên, những gì còn sót lại từ thời đại huy hoàng ngày xưa đang đối mặt với nguy cơ biến mất. Ngoài việc phá hủy mọi ngẫu tượng tại những nơi đã giành quyền kiểm soát, các tay súng IS còn đào trộm nhiều khu vực linh thiêng bằng công cụ thô sơ và không hề có chuyên môn về khai quật.
LING LANG