1. Em Lương Dân, một Lương dân hiền lành, chân chất vào xin Lễ cho vợ mới mất, khoe mới xây mộ cho vợ xong, rồi cho xem hình mộ xây… Nhân tiện Em cảm ơn nửa tạ gạo tớ gởi tặng, đúng lúc đang lo thiếu gạo cho ba con thơ dại.
Vợ Em quê miền Trung vào Nam lập nghiệp, họ gặp nhau, nên vợ nên chồng.
Thủ tục về phần đời thì xong; về phần Đạo thì kể như… không có. Nghĩa là bất hợp pháp về phần Đạo.
Giáo xứ chỉ ‘phát hiện’ vợ Em Đạo gốc, khi những ngày cuối đời, trong cơn bạo bệnh, muốn gặp Linh mục. Tạ ơn Chúa, Vợ Em đã lãnh nhận các phép Bí tích cuối đời quan trọng, đã Hòa giải với Chúa (Xưng tội), nhất là đã lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trước khi lìa đời.
Lúc tớ chở gạo vào biếu, Em không có nhà…
Vấn đề nằm ở chỗ này… Vào nhà Em, tớ thấy bàn nhựa nhậu mấy người với bát đũa, hàng chục chai bia Sài Gòn uống hết, đang vứt lung tung…
Thú thực tớ đã… nghĩ xấu về Em, chợt hối hận vì… lỡ gởi gạo cho Em… dẫu biết rằng dân miền Nam như Em tính cách phóng khoáng, vô lo…
Em cho biết lý do ‘cục ly’: mấy anh em phụ xây mộ vợ không tính công ngồi nhâm nhi tí… hai két bia do anh em mua ủng hộ… Em xin lỗi vì bữa cha mang gạo không có nhà, nghe anh trai của anh rể đổ bệnh đi bệnh viện nên đi thăm.
2. Tớ nhớ truyện Khổng tử cùng học trò đi thuyết khách thời đói khổ, bữa đói bữa no…
Đại khái, khi học trò thân quý nhất nấu cơm (Nhan Hồi thì phải !), chẳng may cơn gió mạnh thổi tung nắp nồi cơm… Nồi cơm bẩn bụi…Cậu học trò đã gạt phần cơm bẩn, và vì đang thiếu thốn đói khổ- hạt cơm là hạt vàng nên không thể đổ bỏ phần cơm bẩn đấy nên anh đã ăn… Trong phòng, Khổng tử thấy, rồi nghi ngờ học trò xấu bụng, lén lút ăn vụng…
Khi dọn cơm, Khổng tử bóng gió xa xôi, bảo phải cúng tạ tội với trời đất vì nồi cơm không còn sạch…
Lúc này cậu học trò nấu cơm mới nói: Nồi cơm sạch rồi… Rồi kể việc cơn gió mạnh bất thần đi qua làm bung nắp, bụi bẩn bay vào nồi cơm, nhưng bây giờ nồi cơm đã sạch, bởi cậu đã hớt phần cơm bẩn và đã ăn, kể như cậu đã ăn phần cơm của mình. Rồi kính cẩn mời thầy và các bạn dùng cơm, còn anh kể như đã ăn…
Hiểu ra chuyện, thấy tấm lòng cao qúy của trò thân tín, biết mình hiểu lầm học trò, Khổng tử ngửa cổ lên trời than:- Ngay cả việc xem tận mắt vẫn có thể hiểu sai.
3. Mừng cho Em đã tìm được công việc ổn định, sau nhiều tháng bỏ việc để ở nhà lo cho vợ nằm bệnh.
Buồn hơn cho em… Số tiền ít ỏi của người nghèo khổ đã bị bảo hiểm xã hội (BHXH) xén một miếng khá to không thương tiếc. Nếu tính theo cách tính hiện thời, mỗi tháng em phải đóng BHXH và các loại bảo hiểm khác tổng cộng 32%
[1], đấy là chưa kể phí… công đoàn ‘bù nhìn’.Nghĩa là mỗi một triệu mồ hôi nước mắt em tìm được phải bị … xẻo mất 320.000 đồng. Lương của em 4,2 triệu, giờ chỉ còn 3 triệu hơn chút. (Vợ chết, một mình phải cưu mang 3 đứa con thơ, còn đi học… Với thu nhập thế, trong một xã hội đắt đỏ, đủ mọi thứ thuế đổ trên đầu Dân… quả là một quả… núi đè trên thân phận gầy gò ốm yếu Em !…)
Bảo hiểm Xã hội là chính sách tốt, nhưng phần ‘xẻo’ bảo hiểm nhiều quá, cao nhất khu vực[2]– nhất là những công nhân nghèo như Em, cần từng đồng cho cuộc sống liệu có… ác không ?
Dẫu biết đóng BHXH ‘cơm không ăn gạo còn đó’, tiền đóng BHXH chẳng mất đi đâu. Nhưng người nghèo đang thiếu cơm, chạy ăn từng bữa mà ‘thu gạo’ tích lũy thái quá có… công tâm không ?
Cay nghiệt hơn, việc sử dụng tiền BHXH tức mồ hôi nước mắt của công nhân không minh bạch, thiếu rõ ràng… Mới đây, ‘ai đó’ đã lấy quỹ tiền BHXH cho công ty Thuê Tài Chính hai (TC II), tính ra trên 10.000 tỉ đồng, kết cục ‘nợ ở cấp độ 5- coi như mất trắng’[3].
Nói ‘ai đó’- bởi trong cơ chế luôn ‘đúng quy trình’ đầy vô cảm này chẳng thấy ai chịu trách nhiệm, mà thực chất nếu pháp luật còn chút liêm sỉ đáng phải đưa ra xử Tòa án, phạt tù.
Lời của một vị đại biểu trên diễn đàn Quốc hội năm nào: “Tại sao Người lao động không đóng BHXH thì đòi xử lý hình sự, trong khi chúng ta lấy tiền của họ cho vay và làm thất thoát thì lại không ai chịu trách nhiệm?” vẫn đang bỏ ngoài tai ‘đầy tớ’ đầy thách thức.
Mới đây, một bài báo phân tích chi ly BHXH: “Giả sử lương bạn 5 triệu, bạn đóng 8% lương, công ty đóng 18% lương. Mỗi tháng bạn và công ty nộp 26% lương = 1,3 triệu. Năm 1, bạn có 13 triệu. Năm 2, bạn đóng thêm 13 triệu + 13 triệu năm 1 + 6% lãi 13 triệu của năm 1 = 26.780.000 đồng. Năm 3 bạn có 41.386.800 đồng… Bạn đi làm năm 25 tuổi, nghỉ hưu năm 65 tuổi, tức bạn nộp BHXH 30 năm (giả sử bạn nghỉ làm 10 năm). Đến năm thứ 30 bạn có 1,27 tỷ đồng. Tiền lãi mỗi tháng là 5,135 triệu đồng. Nhưng bạn chỉ nhận được từ BHXH 75% lương = 3,75 triệu/tháng. Như vậy bạn chưa nhận đủ phần lãi và mất luôn phần tiền gốc” [4].
Như vậy, theo phân tích sáng rõ, có tính khoa học, vượt qua ‘hiện tượng’ chủ quan của bài viết trên, té ra BHXH còn có tính chất ‘cướp ngày’ nữa.
Cướp của người nghèo cả bạc tỉ chứ không phải chuyện nhỏ.
Không biết đây có phải ‘thời rực rỡ nhất’ lịch sử mà ‘ai đó’- nghe dân gian đồn thuộc bậc quan hàng tứ tụ đương thời hí dị (!)
Lm.Đaminh Hương Quất
——————–
[1] x.http://ketoanthienung.org/tin-tuc/quy-dinh-ve-ty-le-dong-bhxh-bhyt-bhtn-moi-nhat.htm
[2] Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức đóng BHXH (gồm BH hưu trí, BH y tế, BH thất nghiệp) tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (DN đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn. Trong khi đó, cùng khu vực, Malaysia chỉ phải đóng BHXH chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%, còn Thái Lan 5%…. x.http://m.tienphong.vn/xa-hoi/dan-viet-dong-bhxh-cao-nhat-khu-vuc-bao-hiem-noi-gi-1035792.tpo
[3] x. Quỹ BHXH coi như mất trắng 1052 tỉ (web)
[4] x. JB Nguyễn Hữu Vinh, Tuổi hưu và Bảo hiểm, http://www.ijavn.org/2017/05/vntb-tuoi-huu-va-bao-hiem-xa-hoi.html