Hỏi: Tôi là một phó tế vĩnh viễn. Mới đây một người mẹ có đứa con được tôi rửa tội trước kia hỏi tôi, là tại sao chứng chỉ Bí Tích Rửa Tội của đứa bé được ký tên bởi cha xứ cũ của chúng tôi, chứ không phải bởi tôi, trong khi tôi là người rửa tội cho đứa bé ấy. Tôi đã kiểm tra và hỏi nhiều người, dường như đây là một thực tế phổ biến trong nhiều nhà thờ trong giáo phận chúng tôi. Thưa cha, liệu có luật nào nói về ai là người ký tên vào sổ Rửa Tội gốc hay không? – D. M.,
Đáp: Câu hỏi này được trả lời khá nhiều trong Điều 877 § 1 và Điều 878 của Bộ Giáo Luật:
“Điều 877 § 1. Cha Sở nơi cử hành Bí Tích Rửa Tội phải cẩn thận ghi ngay vào sổ Rửa Tội: tên của người lãnh Bí Tích Rửa Tội, của thừa tác viên, của cha mẹ, của người đỡ đầu và nếu có, của cả người làm chứng; nơi và ngày rửa tội, ngày và nơi sinh.
” Ðiều 878. Nếu không phải Cha Sở hay người đại diện Cha Sở ban Bí Tích Rửa Tội, thì thừa tác viên Bí Tích Rửa Tội, bất cứ là ai, phải báo cho Cha Sở tại nơi cử hành Bí Tích Rửa Tội biết, để ngài ghi vào sổ Rửa Tội theo Điều 877 § 1” (Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh thực hiện).
Do đó, phù hợp với các điều luật này, phận sự của linh mục quản xứ là làm sổ rửa tội. Ngài cần ghi tên của thừa tác viên Bí tích Rửa Tội, nếu bản thân ngài không làm phép rửa tội lần ấy. Ngài cũng có trách nhiệm gìn giữ sổ Rửa Tội và ghi thêm các sự kiện khác vào đó, chẳng hạn bí tich Hôn phối, khấn Dòng hoặc được truyền chức Linh mục.
Cha phó hoặc cha phụ tá thường cũng có năng quyền ghi sổ Rửa Tội và ký tên vào đó. Các thừa tác viên khác không ký tên vào sổ Rửa Tội, mặc dù ở một số nơi sổ Rửa Tội có dành chỗ cho thừa tác viên ấy ký tên.
Lý do đằng sau là Giáo Hội mong muốn một cách tổng quát rằng cha xứ là người cử hành Bí Tích Rửa Tội. Còn các vị khác cử hành Bí Tích Rửa Tội là do ủy quyền của Giám mục hoặc cha xứ.
Vì vậy, chẳng hạn Điều 862 đặt ra hạn chế này cho người cử hành Bí Tích Rửa Tội:
“Ngoại trừ trường hợp cần thiết, không ai được cử hành Bí Tích Rửa Tội trên lãnh thổ của người khác, dù rằng cho một người thuộc quyền của mình, nếu không có phép hợp lệ”.
Do đó, ngay cả một Giám mục thường không có thể cử hành Bí Tích Rửa Tội bên ngoài giáo phận của mình, ngoại trừ trong trường hợp cần thiết hoặc với sự cho phép. Điều luật này cũng có thể được xem như một sự áp dụng của Điều 857 § 2, vốn trao ưu tiên cho nhà thờ giáo xứ địa phương của một người là nơi rửa tội của người ấy:
“Điều 857 § 1. Ngoài trường hợp cần thiết, nơi thích hợp để Rửa Tội là nhà thờ hay nhà nguyện.
“§ 2. Theo luật, người lớn phải chịu phép Rửa Tội tại nhà thờ riêng của giáo xứ, nhi đồng tại nhà thờ xứ của cha mẹ, trừ khi có lý do chính đáng khuyên nhủ cách khác” (bản dịch Việt ngữ, như trên).
Trong khi tất cả các điều trên có thể là khô cứng và có tính kỹ thuật, nó là căn cứ cho sự việc rằng một người một được rửa tội trong Giáo Hội hoàn vũ là một thành viên của một cộng đồng Kitô hữu cụ thể. Nhà thờ giáo xứ địa phương thường là nơi mà đức tin cần được nuôi dưỡng, và là nơi mà người ta phát triền đến sự trưởng thành Kitô giáo.
Thật đúng là tính di động của nhiều xã hội có nghĩa rằng sự kết nối giữa một người và giáo xứ của người ấy thường là tạm thời. Tuy nhiên, giáo xứ luôn được mời gọi là sự biểu hiện của Giáo Hội như là gia đình của Thiên Chúa ở một nơi trên trái đất. Do đó, nó là trung tâm tự nhiên cho hầu hết các hoạt động cơ bản của đời sống tinh thần: sinh ra trong Bí Tích Rửa Tội, tăng trưởng nhờ Bí Tích Thêm Sức, nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, Bí Tích Thánh Thể, và thường thông qua sự phục vụ cho người khác, cam kết dứt khoát cho những người được mời gọi đến Bí Tích Hôn Phối hoặc thánh hiến cho Thiên Chúa, chữa lành cho các người đau khổ trong linh hồn hoặc thể xác, và ra đi với sự an ủi của lời cầu nguyện cộng đoàn cho người qua đời và các người còn ở lại.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 9-7-2013)