Đó là độ tuổi mà rất nhiều người trẻ làm những việc ngu xuẩn, ngông cuồng và gặp rắc rối; lẽ dĩ nhiên nếu chúng đi theo hướng ấy và không có ai giúp chúng quay trở lại, mọi việc sẽ đi từ tệ hại đến tệ hại hơn.
Độ tuổi thiếu niên là lúc có những quyết định, và đó là thời gian khó khăn và nguy hiểm. Chúng cố tìm ra vị trí của chúng trong cuộc sống, nơi mà chúng thích hợp, và điều đó làm chúng lo lắng. Có thể hơi khó khăn khi sống cùng chúng, và ngay cả bản thân chúng cũng cảm thấy khó khăn với chính mình, bởi vì chúng đang ở trong tình trạng khó khăn, một tình trạng không ổn định. Chúng có thể rất hay tưởng tượng không thực tế, và cùng lúc rất hay chỉ trích ba mẹ và những người lớn khác nếu họ không hoàn hảo.
Chuyển đổi từ trẻ con thành người lớn giống như bước đi trên một sợi dây kéo căng, một sợi dây cao, và những đứa trẻ thiếu niên cần có ai đó, cha mẹ hoặc một hình mẫu mạnh mẽ nào đó để giúp chúng tìm thấy sự cân bằng và giữ vững để chúng đi qua.
Có thể những đứa trẻ tuổi thiếu niên không tỏ ra như thế, nhưng chúng thật sự cần sự lãnh đạo, chúng muốn sự chỉ dẫn, và chúng biết chúng cần nó. Chúng muốn có được sự giúp đỡ, nhưng bạn cần phải tạo được sự tin tưởng cho chúng. Chúng phải biết rằng bạn yêu chúng và đang cố gắng giúp đỡ chúng.
Khi trẻ con bước vào độ tuổi thiếu niên, chúng bắt đầu muốn tự quyết định và tự sống cuộc sống của riêng mình. Đó là một phần hoàn toàn tự nhiên khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Lẽ dĩ nhiên, lúc ấy, ba mẹ nên dạy chúng làm thế nào để có được những quyết định đúng đắn, và nếu chúng không làm được, mọi thứ trở nên rối rắm, mất kiểm soát. Khi việc đó xảy ra, có lẽ dường như đã muộn, nhưng bắt đầu muộn vẫn tốt hơn không làm gì cả – và không bao giờ quá muộn với sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Khi 4 đứa con đầu của tôi bước vào giai đoạn tuổi thiếu niên, tôi đã cố gắng hướng dẫn chúng trải qua quá trình ra quyết định, nhưng rồi tôi để cho chúng tự quyết định. Tôi bảo: “Con biết điều gì đúng, điều gì sai. Con nghĩ mình nên làm gì?”
Chúng thường nhờ tôi hoặc mẹ của chúng quyết định thay chúng, như thế chúng sẽ không phải gánh vác trách nhiệm nếu như mọi việc không diễn tiến tốt. Hoặc chúng cố thuyết phục chúng tôi đồng ý cho chúng làm điều gì đó chúng biết là không nên làm, như thế, chúng tôi là người có lỗi chứ không phải chúng.
Nhưng tôi đã nói với chúng: “Đừng hỏi bố. Con biết điều gì đúng, điều gì sai. Con nghĩ mình nên làm gì?” Về sau, chúng thường hạnh phúc vì chúng tôi đã để chúng quyết định, bởi vì chúng biết đó là cách phải làm và việc ấy giúp chúng cảm thấy được tin tưởng và được tôn trọng, đó là điều rất quan trọng trong độ tuổi này.
Hầu hết mọi lúc chúng biết điều gì đúng, và chúng thực hiện những lựa chọn đúng đắn. Thậm chí sau một hoặc hai sự lựa chọn sai, chúng thường quay lại và có được quyết định đúng đắn sau một lời khuyên nhỏ được đưa ra một cách khôn ngoan. Tôi tin rằng hầu hết trẻ thiếu niên sẽ hành động giống như thế nếu nhận được đầy đủ tình yêu thương, sự kiên nhẫn và thông hiểu.
Việc dạy dỗ và chỉ bảo trẻ thiếu niên là một công việc khó khăn, đầy hy sinh, và đôi khi là một việc kinh hoàng, nhưng nó cũng có những điều ly kỳ và những phần thưởng mà chỉ có nó mới mang lại được.