Con cái bạn sẽ tiếp thu được rất nhiều điều từ những quan điểm khác nhau, điều này không có nghĩa là bạn ngừng cố gắng để bảo vệ trẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực có thể tránh được. Bạn không nên gạt bỏ những giới hạn cần thiết để giữ cho trẻ được an toàn. Mỗi một bậc cha mẹ đều có trách nhiệm đặt ra những giới hạn cho con cái của mình.
***
Mặc dù bạn nhận ra và chấp nhận rằng bạn không thể bảo vệ con cái khỏi mọi điều, nhưng trách nhiệm của bạn với tư cách làm cha mẹ chính là đặt ra những quy tắc và những giới hạn giúp trẻ đưa ra những lựa chọn đúng. Trẻ sẽ tiếp cận với những điều bạn không đồng ý; đó là điều bạn phải chấp nhận và cần chuẩn bị. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn phải bạn trở nên dễ dãi trong lập trường của mình về những điều có thể hoặc không thể chấp nhận, xem đó là điều không thể tránh được và rồi hạ thấp chuẩn mực của bạn về những vấn đề thực sự quan trọng.
***
Con cái cần biết cách cư xử với người khác, biết yêu thương, bao dung và thông hiểu với những người không cùng những chuẩn mực và niềm tin. Chúng cần học biết làm thế nào để có được ích lợi từ những điều tốt và giá trị trong thế giới, và chúng cũng cần học được nhận thức vững chắc và niềm tin kiên định rằng những điều người khác làm không phải lúc nào cũng đúng và tốt đối với chúng.
***
Tất cả những bậc cha mẹ tốt đều đặt ra những giới hạn và dạy con cái mình biết tuân theo. Nếu cha mẹ muốn nuôi dạy con cái bằng một chuẩn mực hợp lý bao gồm những giá trị và những nguyên tắc đạo đức, họ phải đặt ra giới hạn. Buộc con trẻ tuân theo một chuẩn mực nào đó và định ra những hình phạt khi chúng không tuân theo không phải chỉ có trong niềm tin Kitô giáo. Đó là một phần trong việc giáo dục con cái.
Bạn có thể xem xét việc bàn luận với con trẻ về một số luật lệ mà những trẻ con thuộc những niềm tin khác phải tuân giữ, điều này có thể giúp trẻ nhận ra rằng chúng không phải ở trong hoàn cảnh đặc biệt, và không lạ gì khi bạn cũng có những luật lệ nào đó cho chúng phải tuân giữ. Những trẻ nhỏ Do Thái tuân theo một chế độ ăn kiêng. Trẻ nhỏ Hồi giáo rửa tay trước khi cầu nguyện. Một số Kitô hữu tin rằng đánh bài hoặc nhảy nhót là sai trái… Hoàn toàn bình thường khi có những niềm tin tôn giáo hoặc những phán quyết và tuân theo.
Những điều trên là những ví dụ dựa trên niềm tin, nhưng cũng còn có những ví dụ thực tế khác nhau giữa các gia đình, những vấn đề cha mẹ cho là không tốt hoặc những luật lệ riêng mà họ cảm thấy cần thiết; ví dụ như: con cái không được ra đường một mình, hoặc không được ăn những thức ăn không dinh dưỡng, hoặc không được lướt web, xem TV, sở hữu điện thoại di động, hoặc yêu cầu con cái phải có mặt ở nhà đúng vào giờ cố định trong ngày, hoặc không được hẹn hò, không được đeo khoen hoặc xăm mình cho đến khi chúng lớn đến một độ tuổi nào đó và còn nhiều điều khác.
Những bậc cha mẹ có đủ thứ luật lệ đặt ra đối với con cái, và bạn hoàn toàn có quyền đặt ra luật lệ cho những vấn đề bạn cho là quan trọng và bắt trẻ phải tuân theo. Bạn có thể giải thích cho con cái rằng một số bạn bè của chúng có thể sẽ không hiểu tại sao bạn lại đặt ra những luật lệ cho những việc nào đó, và một số có thể chế giễu chúng hoặc sẽ làm chúng buồn, nhưng điều ấy không thể làm cho những luật lệ trở nên quái lạ hoặc sai trái. Nếu bạn có thể giúp con cái hiểu những điều này và giúp chúng nhìn nhận đúng đắn, thì những luật lệ đặt ra sẽ giúp trẻ được an toàn hơn.
***
Khi cuộc sống của con cái bạn có những thay đổi, hoặc chúng kết bạn mới, hoặc đổi trường, hoặc bước vào một giai đoạn phát triển tâm sinh lý mới, bạn cần chuẩn bị để xem xét lại những luật lệ và quyết định xem điều nào là quan trọng và cần thiết cho sức khoẻ, sự an toàn và tinh thần lành mạnh cho con cái của bạn, và điều nào có thể không còn cần thiết nữa. Có thể bạn cần phải sẵn lòng điều chỉnh một số luật lệ hoặc nguyên tắc không còn quan trọng, đồng thời không nhượng bộ và kiên định với những luật lệ và nguyên tắc quan trọng. Bạn muốn trẻ được an toàn, nhưng cũng nên thực tế trong việc nhận định sự trưởng thành và những gì bạn mong đợi nơi trẻ.
Những giới hạn cần phải thực tế là điều hết sức quan trọng và sẽ mang lại kết quả tốt khi con trẻ hiểu và nhìn thấy sự cần thiết của những giới hạn. Ví dụ, hiểu rằng những luật lệ được đặt ra để giữ cho chúng được an toàn, khoẻ mạnh, hoặc bảo vệ chúng theo cách nào đó.
***
Bạn không thể bắt con cái tuyệt đối tuân theo bạn trong mọi lĩnh vực, mà không có thắc mắc hoặc trải qua thời gian trải nghiệm. Có lẽ bạn cũng nhận ra rằng việc áp đặt những niềm tin của bạn nơi trẻ thường không mang lại kết quả tốt. Một phần trong việc chuẩn bị cho con cái trở nên khôn ngoan, trở thành người có hiểu biết và biết đưa ra quyết định đúng chính là để trẻ tự khám phá tiến trình đưa ra quyết định, cung cấp cho trẻ những thông tin và sự giúp đỡ cần thiết, và tin tưởng trẻ đưa ra được những quyết định phù hợp với lứa tuổi của chúng trong những giới hạn an toàn.
***
Khi trò chuyện với trẻ về những vấn đề quan trọng đối với cả hai, cần có những cách trò chuyện có thể làm cho vấn đề trở thành những trải nghiệm tốt, ví dụ như phản ứng điềm tĩnh trước những lời nói lạ lùng của trẻ, linh hoạt trong việc áp dụng những luật lệ và những mong đợi của bạn dành cho trẻ trong những trường hợp thích đáng; vạch ranh giới giữa những gì là quan trọng đối với sự an toàn, khoẻ mạnh của trẻ và những gì chỉ là do cá nhân bạn thích chứ không thật sự là điều quan trọng.
***
Thái độ của bạn phải là: “Con cái của tôi sẽ tiếp xúc với rất nhiều thứ – tốt, xấu và trung tính. Chúng cần một nền tảng vững chắc về điều tốt và xấu để quay trở lại. Chúng cần sự hướng dẫn và giúp đỡ của tôi để học và tiếp nhận thông tin. Công việc của tôi chính là giúp chúng đủ mạnh mẽ để đưa ra những quyết định đúng đắn khi những điều kiện và hoàn cảnh thay đổi”.