Việc tổ chức Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho năm học giáo lý mới là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, vì điều ấy tạo ra một bầu không khí phấn khởi, vui tươi làm động lực thúc đẩy các em cố gắng và hăng say hơn trong việc học hỏi giáo lý.Và đặc biệt là góp phần kêu gọi sự quan tâm và đánh động ý thức trách nhiệm của các bậc phụ huynh-một nhân tố cộng tác rất quan trọng trong việc giáo dục đức tin con em của mình.
Việc giáo dục một con người, đặc biệt là một Kitô hữu trẻ bao giờ cũng là sự kết hợp nhịp nhàng giữa ba chiều kích gia đình, xã hội và giáo hội. Xét trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, quả là có sự khập khiểng trong cái thế kiềng ba chân đó. Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục giới trẻ trong một xã hội mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận định về nó một cách thẳng thắn trong bài “ Quan điểm của HĐGMVN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” đó là: “ Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lĩnh vực, kể cả môi trường cần đến sự thực nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này”. Xã hội thì tràn ngập những hiện tượng giả dối, tiêu cực, các giá trị đạo đức như những bức tường bị sụp đổ thành mảng lớn. Môi trường giáo dục, nơi được xem là ngôi đền thiêng của xã hội thì lại như lời ca thán của một giáo sư đầu ngành toán học như sau: “Nền giáo dục ở ta không giống bất kỳ nền giáo dục nào. Nó không chỉ xa rời thực tế mà còn dạy con người thiếu trung thực ngay ở tuổi mầm non. ( Báo Thanh Niên Chủ nhật ). Hay như nhận định của cố thạc sĩ xã hội học Nguyễn thị Oanh thì nền giáo dục của chúng ta hiện nay là: “ Một nền giáo dục từ thế hệ này qua thế hệ khác không nhấn mạnh đủ đến đạo dức của con người mà tính trung thực là cái trục”. Trong bối cảnh đó, rõ ràng chúng ta không thể an tâm như thế hệ của cha ông ta trước đây là có thể hoàn toàn tin tưởng,giao phó sự nghiệp giáo dục con của mình cho nhà trường và xã hội. Vì thế, trách nhiệm của hai chiếc chân còn lại là gia đình và giáo hội trở nên nặng nề hơn.
Một thực tế phải nhìn nhận là tại Việt Nam thiếu các tổ chức quần chúng gọi là xã hội dân sự đúng nghĩa. Các tổ chức này góp phần tích cực tạo điều kiện cho người dân liên kết với nhau tham gia những hoạt động mang lại lợi ích xây dựng cuộc sống, giúp phát triển xã hội trong tinh thần dân chủ và công bằng. Mở trường, được hợp sức tham gia các hoạt động giáo dục là một trong những hoạt động của tổ chức xã hội dân sự mà các tôn giáo nói chung và giáo hội Công Giáo Việt Nam nói riêng không được phép tham gia.Vì thế, cơ hội tiếp xúc với trẻ của những người làm công tác giáo dục đức tin là không có. Tại một số các quốc gia cho phép các cơ sở tôn giáo tham gia công tác giáo dục, được phép mở trường, đặc biệt là ở các lứa tuổi thanh thiếu niên và cả đại học, trong chương trình học, họ được đưa cả chương trình giáo lý vào giảng dạy một cách chính thức trong chương trình học. Rõ ràng với cách giáo dục như thế, đứa trẻ được phát triển rất cân đối về trí dục cũng như đức dục. Đạo đức làm người được giáo dục một cách thiết thực và sâu sắc, góp phần tích cực trong việc xóa bỏ sự lệch chuẩn trong việc thiết lập bậc thang các giá trị sống của con người.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục của các dòng tu chỉ là những nhà giữ trẻ hay những lớp mẫu giáo, vì thế rõ ràng khả năng tiếp cận với giới trẻ của giáo hội là rất hạn chế. Mỗi tuần chỉ còn biết quy tụ các em trong một giờ học giáo lý trong khuôn viên nhà thờ. Chưa kể với một chương trình giáo dục nhồi nhét một cách phi văn hóa thì việc có được một giờ giáo lý vào ngày Chúa Nhật cũng là một nổ lực và hy sinh rất lớn của các em. Vì thế, dù rất thao thức cho tương lai giới trẻ của Việt Nam hiện nay và dù rất nổ lực, rất cố gắng trong những khả năng có thể thì giáo hội Việt Nam hiện này cũng “ đành phải đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt Nam, và vì không có quyền nhập cuộc, đành đóng vai một quan sát viên bất đắc dĩ” (TC 2007, sô19) và không thể có những hoạt động thực sự hiệu quả góp phần thay đổi cục diện tương lai giới trẻ hiện nay khi mà “ cánh cửa giáo dục vẫn còn khép chặt” ( TC 2007 số 19).
Chúng ta đang sống trong một xã hội đang phát triển với một tốc độ chóng mặt. Giới trẻ vị choáng ngợp, bị hấp dẫn với sự phát triển vượt bực của ngành công nghệ thông tin, khoa học, y tế với những phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại. Nhưng giống như một viên thuốc dù tính năng của nó có hữu hiệu đến đâu vẫn có những tác dụng phụ đối với người sử dụng. Cũng vậy, bên cạnh những tiện ích, những kiến thức bổ ích, cái hay, cái đẹp của một thế giới văn minh, hiện đại đem lại vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề “lợi bất cập hại”, những phát sinh tiêu cực có ảnh hưởng xấu đến đời sống đức tin của giới trẻ công giáo. Giữa những lượng kiến thức và thông tin ồ ạt, ngổn ngang ở nhiều lĩnh vực mà giới trẻ dễ dàng tiếp xúc qua internet như hiện nay thì việc định hướng cho họ có một tư duy thật, một giá trị thật quả là điều không dễ dàng.
Trong những hoàn cảnh đầy khó khăn và phức tạp đó, gia đình càng phải ý thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giáo dục đức tin cho con cái. Một nếp nghĩ sai lầm nhưng tồn tại rất phổ biến trong não trạng của đa số các bậc phụ huynh đó là cho rằng việc dạy giáo lý, giáo dục đức tin cho con em mình là chuyện của linh mục quản xứ và các thầy cô giáo lý viên. Nhưng thực tế rõ ràng gia đình là môi trường rất thuận lợi để hạt giống đức tin được nẩy mầm và phát triển cách tốt nhất. Một đời sống hôn nhân chuẩn mực và giá trị truyền thống gia đình là điều kiện tốt để kiến tạo một môi trường thuận lợi để Lời Chúa được rao giảng một cách hữu hiệu qua chính gương sống của từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là của các bậc cha mẹ.Trong môi trường này, chính người cha, người mẹ là những người có trách nhiệm hướng dẫn giáo dục con cái sống bác ái, yêu thương, tôn trọng sự thật, giúp con cái phát triển hài hòa và đầy đủ các giá trị nhân văn.
Theo giáo lý của giáo hội và giáo huấn của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và cả của Đức Bênêdicto XVI thì cha mẹ là giáo lý viên đầu tiên của con cái, là kẻ đầu tiên có trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái. Lời nhắn nhủ cách đặc biệt về vai trò của phụ huynh các gia đình Công giáo trong việc giáo dục nhân cách con em mình của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt trong trong thư chung gởi Cộng đồng Dân Chúa nhân năm học 2010 đến nay như vẫn còn nguyên giá trị khi Ngài cho rằng : “ Việc giáo dục không phải là truyền đạt một kiến thức nhưng là trao ban một sự sống, vì thế cần phải có gương sáng. Không thể dạy trẻ sống lương thiện nếu người lớn sống gian dối. Các bậc phụ huynh, nhất là các vị lãnh đạo tinh thần hãy nêu gương đời sống đức tin sống động thể hiện trong đời sống công bằng, bác ái, quảng đại, vị tha. Có đức tin, con người sẽ có lương tâm trong sáng và sẽ biết làm những điều tốt đẹp. Đó chính là khởi điểm quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục thế hệ tương lai, giáo dục để trẻ em nên người và biết làm người trước khi làm người tri thức. “ Tiên học lễ, hậu học văn” là thế .”
Tuy nhiên, trong thực tế khi mà chủ nghĩa tôn thờ vật chất đang hoành hoành trong mọi ngõ ngách của tâm hồn và trong cuộc sống, vì mãi mê chạy theo nhu cầu tiêu thụ vật chất ngày càng cao trong mọi sinh hoạt, vì chịu đựng nhiều áp lực trong công việc, rất nhiều bậc phụ huynh đã thực sự xem nhẹ việc giáo dục đời sống đức tin, nhân bản cho con cái bằng chính gương sống không lành mạnh của mình. “Đạo đức là sống hơn là nói” – Chantal Delsol, giáo sư triết, văn sĩ, đã phát biểu như thế khi chia sẻ cảm nhận của bà về các chương trình mới của học đường. Vả quả thật, làm sao có thể nhắc nhở con cái về điều răn thứ nhất và thứ ba của Đức Chúa Trời khi bản thân cha mẹ mãi mê làm ăn bỏ cả việc giữ lễ ngày Chúa Nhật hay tham dự trễ tràng, lấy có ngoài cổng nhà thờ? Làm sao dạy con cái tuân giữ bảy và thứ tám khi cha mẹ thực hiện những phi vụ làm ăn, những hợp đồng móc ngoặc để tư lợi cho gia đình những lợi nhuận khổng lồ nhưng đầy bất công và phi lý? Làm sao bảo con cái giữ điều răn thứ sáu và thứ chín trong khi cha mẹ sống buông thả trong những mối quan hệ tình cảm bất chính, đắm chìm trong những quyến rũ đầy thú đam mê của xã hội? Đó là chưa nói đến một số phụ huynh tuy không rơi vào các tình trạng nêu trên, nhưng lại vì quá lo lắng cho sự nghiệp học hành và sự thành đạt cho tương lai của con cái, nên cũng không thể dành một giờ-một con số ít như không thể ít trong thời gian biểu học tập của con mình, để tham gia học giáo lý. Rất nhiều phụ huynh trả lời thẳng thừng với cha quản xứ hoặc thầy cô giáo lý viên rằng: “ Cháu không thể tham gia giờ học giáo lý đó vì ngay giờ học đó, cháu phải đi học thêm”.
Hiện tại, chúng ta đã có một hệ thống dạy và học giáo lý vừa đúng với tín lý của Hội Thánh vừa mang tính giáo dục nhân bản cao, đáp ứng một nhu cầu rất thiết thực đó là bù đắp vào lỗ hổng rất lớn trong chương trình giáo dục tại Việt Nam hiện nay. Đây là một món quà rất quý giá mà thông qua những người quan tâm đến sự tồn vong và phát triển của tương lai giới trẻ và giáo hội Việt Nam, Chúa đã gửi thương đến cho chúng ta. Hãy tạ ơn Chúa và hãy tạo điều kiện cho món quà ấy giúp con em mình phát triển chiều kích tâm linh-một điều không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Mà muốn phát triển chiều kích tâm linh thì chúng ta không thể không tìm hiểu Thánh Kinh nghĩa là không học giáo lý. Vì đó là cơ hội để “ các em cần được tiếp cận với Lời Chúa thường xuyên để Lời Chúa trở thành một loại hình văn hóa chi phối nếp nghĩ, cung cách ứng xử, các hoạt động của các em một cách tự động, tự nhiên” (Trích Vì tương lai của xã hội và giáo hội của LM Giuse Nguyễn văn Nghĩa). Đồng thời, những hoạt động giáo lý như trại tĩnh tâm, trại hè, các trò chơi tìm hiểu Thánh Kinh, hoạt động bác ái…là những phương thế giáo dục kỹ năng làm việc chung, cung cách ứng xử, tình liên đới một cách rất hiệu quả. Qua những hoạt động cụ thể ấy khả năng và tính cách các em được phát triển một cách tự nhiên, hài hòa, giúp các em trưởng thành hơn trong nhận thức và niềm tin đồng thời hoàn thiện bản thân mình.
Ước mong các bậc cha mẹ hãy tích cực cộng tác với công cuộc giảng dạy giáo lý đang được tổ chức tại giáo xứ, giáo phận của mình bằng cách nhắc nhở con cái ý thức tầm quan trọng của việc học giáo lý và biết ưu tiên sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ các giờ học giáo lý. Đồng thời bản thân mình cũng trở thành người giáo lý viên gần gũi, yêu thương với những bài dạy bằng “gương đời sống đức tin sống động thể hiện trong đời sống công bằng, bác ái, quảng đại, vị tha”. Hãy giúp cho con cái mình có một chọn lựa đúng đắn khi biết chọn Thiên Chúa là ưu tiên của cuộc đời mình và tiền bạc, danh vọng, tài năng là những yếu tố phụ tùy mà chúng ta sẽ dần trang bị sau. Vì Chúa Giêsu đã dạy rằng: “ Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ ban cho thêm”.
Điền Phương Thảo