Không đúng vậy, ông David Brog đã trả lời trong cuốn “In Defense of Faith: The Judeo-Christian Idea and the Struggle for Humanity” (Encounter Books). Ông Brog là một tác giả người Do Thái và giám đốc điều hành tổ chức “Christians United for
Phải, có những lúc trong quá khứ tôn giáo nghiêng về sự thiếu khoan dung, nhưng chúng ta phải vượt lên trên những bất toàn của truyền thống tôn giáo để nhận ra nhiều lợi ích khác của di sản tinh thần này, ông Brog giải thích như thế. Ông nhận xét, chúng ta không sinh ra thì đã tốt lành, và trong quá khứ hầu hết người ta phân chia thành các bộ lạc, dòng giống và quốc gia, nước này chống với nước kia. Ông vạch ra rằng, truyền thống Do Thái-Kitô Giáo đã đưa đến sự thay đổi quyết liệt với ý tưởng rằng mọi người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và chúng ta được kêu gọi hãy yêu thương người thân cận hết lòng.
Ông Brog gọi điều này là “ý niệm Do Thái-Kitô Giáo” và ông nói đó không phải là một phát minh của Tây Phương, nhưng nó tiếp tục linh hứng nguyên tắc xử thế cao đẹp nhất của chúng ta cho đến thời gian hiện nay.
Ông nói thêm, lòng thương cảm của chúng ta đối với một nạn nhân trận động đất ở Haiti, hay một nạn nhân bệnh AIDS ở Phi Châu, là một hành động vị tha ngoại lệ trong lịch sử nhân loại, và đó là nhờ truyền thống Do Thái-Kitô Giáo.
Thập Tự Chinh và Toà Thẩm Tra
Một trong những chương của sách nhìn đến điều mà ông Brog coi là những hư cấu về hành động hung ác. Chính yếu nó đề cập đến Thập Tự Chinh và Toà Thẩm Tra Tây Ban Nha, là các đề tài hầu như không thể tránh khi Kitô Giáo bị tấn công. Ông Brog xác nhận, thật đúng là cả hai giai đoạn lịch sử này đã nhìn thấy những vi phạm hung ác, nhưng chúng ta cần để ý đến điều xảy ra trong cái nhìn đúng đắn.
Thập Tự Chinh xảy ra trong một thời kỳ chiến tranh liên tục giữa thế lực Kitô Giáo và Hồi Giáo. Trong những sự xung đột này, người Hồi Giáo thường là kẻ tấn công, và cũng thường là kẻ chiến thắng. Vì thế, ông Brog cho rằng, thật không đúng khi diễn tả Thập Tự Chinh là một loại khát máu và thiếu khoan dung của tín hữu Kitô. Đúng ra đó là một trong những loạt xung đột giữa hai văn hoá. Có những hành động tàn bạo của các lực lượng Kitô Giáo trong Thập Tự Chinh, nhưng ông Brog lý luận, ngay từ đầu các nhà lãnh đạo Kitô Giáo đã tìm cách ngăn chặn bạo lực bất chính này.
Khi nói đến Toà Thẩm Tra, ông Brog giải thích, Giáo Hội thường là một trở ngại phải vượt qua và là một kềm hãm những việc làm thái quá chứ không phải là một hỗ trợ sự bách hại quá đáng này. Thật đúng là vào năm 1478, Đức Giáo Hoàng Sixtus IV đã ra sắc lệnh cho phép Toà Thẩm Tra Tây Ban Nha, nhưng ông Brog nói rằng, ngay khi Vatican biết được sự thái quá của Toà Thẩm Tra, Toà Thánh đã can thiệp để tìm cách ngăn chặn. Nhiều giáo hoàng trong những năm sau đó đã tiếp tục các biện pháp để kềm chế Toà Thẩm Tra.
Trong phần kết của đoạn này, ông Brog xác nhận rằng Giáo Hội Công Giáo không phải là động lực thúc đẩy đằng sau bạo lực bài Do Thái của Thập Tự Chinh hay Toà Thẩm Tra, mà trái lại đã tìm cách giới hạn những bạo lực như vậy. Do đó, hai tình tiết này không chứng minh rằng tôn giáo là một nguồn gốc lớn lao của sự xung đột con người. Tuy nhiên, ông cảnh giác, chúng cho thấy nhu cầu cần phải tỉnh thức đừng để tôn giáo bị thối nát bởi bản tính xấu xa của con người.
Sự Sống Con Người
Một trong những chương sách nghiên cứu vấn đề bất khả xâm phạm của sự sống con người. Ông Brog so sánh điều này với thói quen giết trẻ em của Đế Quốc La Mã. Luật La Mã cho phép giết một bé trai bị tật nguyền hay yếu ớt và giết bất cứ bé gái nào, dù có lành mạnh đến đâu. Người Do Thái cũng như Kitô Hữu đều mạnh mẽ chống đối điều này và xác nhận rằng giết người vô tội thì không hợp pháp. Ông Brog lý luận, lý do duy nhất mà ngày nay ở Tây Phương chúng ta nhìn nhận sự bất khả xâm phạm và bình đẳng của mọi người là nhở ở di sản Do Thái-Kitô Giáo.
Ông nói thêm, “Hầu hết các nền văn hoá trong suốt lịch sử nhân loại không bao giờ đạt đến điểm này.”
Nếu một số triết gia thời Khai Sáng chấp nhận và quý trọng ý niệm về sự bất khả xâm phạm của sự sống con người, thật khó để cho rằng họ đã góp phần cho hành động này, vì theo ông Brog, ý tưởng này được thấy ngay trong Kinh Thánh mà hầu hết các triết gia đã đọc.
Ông xác nhận, sự nguy hiểm ngày nay là khoa học đang phá vỡ bức tường phân cách giữa con người và con vật, và đang đối xử với con người cũng chỉ như một con vật. Chúng ta thường bị cảnh giác về sự nguy hiểm khi tôn giáo lẻn vào các lãnh vực không thuộc về tôn giáo, nhưng khi đề cập đến lãnh vực luân lý, ông Brog nhận xét, khoa học cần phải nhường bước vì nó thiếu khả năng.
Ông Brog cảnh cáo, “Khi khoa học mạo hiểm vào các lãnh vực ngoài khả năng để đi vào lãnh vực luân lý, nó thường để lại các xác chết sau dấu chân của nó.”
Sự lưu ý này cũng áp dụng cho triết lý, ông Brog nói tiếp. Trong khi chúng ta được hưởng mọi ích lợi từ truyền thống cổ điển và các triết gia thời Khai Sáng, nhưng những gì triết lý có thể dậy chúng ta thì có giới hạn.
Truyền thống Do Thái-Kitô Giáo đóng góp cho nhân loại một giá trị vượt trên các tài năng và sự góp phần của cá nhân chúng ta. Không may, ông lý luận, triết thuyết trần tục rất thường tìm cách phá vỡ tình trạng này và đưa chúng ta vào một hệ thống giá trị thật ít tốt lành.
Trong những sự nguy hiểm mà ông Brog kể ra là thuyết ưu sinh (eugenic), phổ thông trong các thập niên 1920 và 30, nó biện hộ cho sự huỷ diệt khả năng sinh sản những người được gọi là thấp kém, và được phê chuẩn như một cách thực hành hợp pháp bởi một thẩm quyền đầy đủ là Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Chúng ta đừng nghĩ đây là một sự kỳ quặc trong lịch sử, vì ông Brog nói rõ, ngày nay có những triết gia như Peter Singer là người ủng hộ việc giết trẻ em và mê tử (euthanasia).
Sự Ích Kỷ
Một chương mang tựa đề “Transcending Our Selfish Genes” (vượt trên gien ích kỷ của chúng ta) được dành để cho thấy rằng cả hai tôn giáo Do Thái và Kitô Giáo đều đặt tầm quan trọng của việc yêu tha nhân. Chương này được dựa trên những gì được viết trong chương thứ nhất của cuốn sách đầu tiên trong Kinh Thánh, là Sáng Thế Ký, trong đó chúng ta được bảo rằng Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Chúa. Ông Brog khẳng định rằng, đây rất có thể là ý tưởng cách mạng độc nhất trong toàn thể lịch sử nhân loại.
Tin tưởng vào điều này hàm ý rằng chúng ta chấp nhận con người có giá trị trên các tạo vật khác và là nền tảng của mọi nhân quyền. Nó không chỉ thiết lập giá trị tối thượng của từng con người, nhưng còn xác định sự bình đẳng của mọi người.
Trong một đoạn lý thú khác, ông Brog giải thích rằng tình yêu tha nhân thì ở tâm điểm của truyền thống Do Thái, ông bác bỏ ý tưởng rằng vào thời của Đức Giêsu, Do Thái Giáo bị biến đổi chỉ còn là sự tuân thủ luật lệ và nghi thức một cách khô cứng, lạnh lùng.
Tuy nhiên, ông nhìn nhận, có những khác biệt giữa Do Thái và Kitô Giáo. Nhưng, đặt sang một bên những vấn đề thần học khác biệt giữa hai bên, ông Brog giải thích, khi đề cập đến vấn đề luân lý chắc chắn có sự quan hệ rõ rệt. Cũng như Do Thái Giáo, Kitô Giáo nhấn mạnh đến nhu cầu hành động nhân danh đức ái mà nó rao giảng. Hơn thế nữa, ông nhận xét, tấm gương tột đỉnh của hành động bác ái là cái chết trên thập giá của Đức Giêsu.
Chuyển sang ngày nay, ông nhận xét rằng chủ đề đức ái mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chọn làm đề tài cho tông thư đầu tiên thì rất quan trọng.
Ông Brog nhận xét, chúng ta có thể bất đồng ý về vấn đề có một Thiên Chúa hay không, nhưng chúng ta không thể từ chối rằng truyền thống Do Thái-Kitô Giáo từng là phương tiện chính yếu mà nhờ đó chúng ta có được sự tiến bộ về đạo đức học. Tẩy chay tôn giáo chỉ dẫn đến việc gia tăng sự đau khổ và sự dữ của con người.
Lm John Flynn, LC
(ZE100725 – Pt Giuse TVNhật lược dịch)