Sáng nay mình có dịp nói chuyện với ông Lâm Thứ, Phó Giám đốc sở CA Vĩnh Phú. Chuyện lan man, chuyện dông dài, nhưng chủ điểm vẫn là “Hội nhập văn hóa”, “Đồng Hành với Dân Tộc” .
Ông Lâm Thứ không được hài lòng khi thấy Thư chung của HĐGM/VN năm 1980 chưa được thực hiện ở đây. Nhìn về quá khứ, ông muốn phiền trách Giáo hội Công giáo, một Giáo hội mà ông cho là tây quá : nhà thờ tây, chuông tây, áo lễ tây, nghi thức tây.
– Ông ạ, ngoài này các cụ vẫn chưa chịu đồng hành với dân tộc, vẫn chưa dám đốt nhang trong nhà thờ, vẫn chưa cho giáo dân ăn đồ cúng đâu…
– Tôi đi được vài nơi và thấy có thay đổi nhiều. Ví dụ : ở quê tôi có đốt nhang rồi.
– Tại ông về đấy… nhưng mà còn nhiều cái vẫn tây lắm.
– Xin ông thông cảm với Giáo hội chúng tôi. Thực ra có nhiều cái đã được quốc tế hóa rồi, dân tộc nào cũng sử dụng được. Tôi xin đơn cử một ví
+ Ông và tôi đều để tóc ngắn theo kiểu tây phương. Vào thời Phan Chu Trinh, giới trẻ vận động dân ta bỏ búi tó, để tóc ngắn theo tây phương.
+ Ông và tôi đều mặc áo sơmi. Sơmi bởi tiếng Pháp là Sơmidơ đấy ông ạ.
+ Ông và tôi đều mặc quần tây. Ngoài Bắc mình gọi là quần frăng. Frăngxơ là nước Pháp đấy.
+ Ông và tôi đều đi xăngđan. Xăngđan bởi tiếng Pháp là xăngđalơ đấy ông ạ.
Chúng ta tây hóa ở cái vỏ bên ngoài, dù là từ đầu đến chân thật, nhưng ông và tôi vẫn là người Việt Nam trăm phần trăm. Linh mục chúng tôi có mặc áo lễ tây, sắm chuông tây, xông hương như tây…, thì chúng tôi cũng vẫn là người Công giáo Việt Nam thôi…, và trong cách thức đó chúng tôi vẫn không xa rời tổ quốc và dân tộc của mình.
Ông Lâm Thứ gật gù tỏ vẻ thông cảm.
Nói vậy cho xuôi chuyện thôi, chứ thật ra mình cũng vẫn còn băn khoăn chưa biết phải hội nhập văn hóa thế nào, vì văn hóa Việt Nam là gì thì mình cũng vẫn chưa thấu suốt được. Thầy Trần Thái Hiệp (Linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp, cố Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse) đã phải thú nhận rằng :
“Văn hóa của mỗi dân tộc là một cái gì cứ bàng bạc, cứ ẩn hiện khó mà định hình nó được. Nó có đấy, nhưng nó dài rộng bao nhiêu, hình thù thế nào, thì khó mà biết. Nó giống như củ hành. Củ hành được kết thành bởi nhiều lớp vỏ (tạm gọi là thế). Bóc đi một lớp, củ hành vẫn không thay bản chất. Bóc bỏ thêm một lớp nữa, rồi một lớp nữa… thì nó vẫn là củ hành. Văn hóa cũng vậy. Chính vì thế có lúc mình hoảng hồn tưởng rằng mình đã vong bản rồi, chỉ vì thấy mình mặc như tây, đi giày tây, ở nhà tây, đi cầu tây… Nhìn kỹ lại mới thấy mình vẫn là Việt Nam”.
Cám ơn thầy Trần Thái Hiệp, vì chính thầy đã cho con cái kiến thức này.
Sàigòn, ngày … 5-1994 .
Mình thơ thẩn đếm bước trên đường X. Bỗng thấy một ngôi nhà nguyện xinh xinh nằm ngay bên vỉa hè. Mình vào viếng Chúa một lát. Mình đã biết ngôi nhà nguyện này từ hơn ba mươi năm về trước. Kiến trúc kiểu tây, nhưng đơn sơ, sáng sủa, khang trang và ru hồn. Bây giờ có thay đổi một chút. Giảng đài có khắc chữ “ngôn” ( Lời, bằng chữ Hán). Trên bàn thờ vẫn có tam cấp như kiểu xưa, nhưng nhà tạm được thiết kế theo kiểu đông phương.
Đường nét, màu sắc và thể khối rất hoàn chỉnh đến mức độ mình cảm thấy thoải mái liền. Phải chăng đây là hội nhập văn hóa, là trở về với dân tộc ? Hội nhập văn hóa được Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ đánh giá rất cao và gọi là “vấn đề khẩn trương” (SVĐCĐ, 52). Hội nhập văn hóa đang thôi thúc mọi người và đang được thể hiện trong thánh nhạc, hội họa tôn giáo, nghi thức phụng vụ, kiến trúc thánh đường… Mừng quá !
Mình giã từ nguyện đường và tiếp tục đếm bước trên vỉa hè. Niềm vui của nguyện đường không còn nữa. Bứt rứt quá chừng ! Rõ ràng cái nhà tạm hồi nãy giống hệt cái cổng tam môn… Đình, chùa, cung điện ngày xưa đều có cổng tam môn. Cổng có ba cửa.
Cửa lớn ở giữa chỉ mở khi có rước kiệu, hoặc có nhân vật lớn đi qua, thường thì đóng im ỉm. Thiện nam tín nữ thì ra vào qua hai cổng phụ : nam bên tả, nữ bên hữu. Qua cổng tam môn rồi thì tới tiền sảnh; sau tiền sảnh là chính điện; sau chính điện là hậu cung.
Chính điện là nơi quan trọng nhất. Nhân vật quan trọng ngồi ở đây. Sự việc quan trọng diễn ra ở đây. Thần thánh ngự ở đây. Cổng chỉ là nơi qua lại. Nếu có ai dừng chân ở cổng tam môn thì người ấy nhất định phải là người lính gác, hoặc người hành khất. Nếu nhà tạm là nơi Chúa ngự mà được thiết kế theo hình cổng tam môn, thì hóa ra cổng tam môn là nơi dừng chân của chú lính gác, của người hành khất và của… Chúa Giêsu Thánh Thể nữa !
Nhà nguyện ấy ơi. đừng để Chúa ngự ở cổng tam môn nữa! Tội nghiệp !
Chữ “ngôn” (bằng Hán tự) khắc ở giảng đài cũng làm mình thắc mắc. Đó là văn hóa của dân tộc ? Đúng thế. Dân tộc ta đã sử dụng chữ Hán gần hết dòng lịch sử. Thi sĩ làm thơ bằng chữ Hán. Văn thư của Nhà Nước được viết bằng chữ Hán. Văn tự bán ruộng, bán trâu trong dân gian cũng được thảo bằng chữ Hán. Tuy nước ta có chữ Nôm từ lâu lắm (Từ bài văn Tế Cá Sấu của Hàn Thuyên, thế kỷ13), nhưng nôm na là cha mách qué. Chữ Hán mới là chữ của văn học.
Nhìn thấy chữ “ngôn” (bằng Hán tự) trên giảng đài, mình không cảm thấy đó là nơi công bố Lời Chúa, mà ngậm ngùi nghĩ đến ngàn năm nô lệ giặc Tàu….
Nha Trang,… 11-1974
Hôm nay đại hội trao đổi về hội nhập văn hóa. Ai nấy đều muốn có một nghi thức phụng vụ mang sắc thái Việt Nam. Đức cha Nguyễn Văn Thuận có một nhận xét buồn về nghi thức phụng vụ đang được thử nghiệm và đã được trình bày trên báo Phụng Vụ. Ngài nói :
“Chủ tế mặc áo thụng, đội mũ cánh chuồn và phủ phục trước bàn thờ thì được rồi; còn thầy phó tế mà mặc áo dài đen, thắt lưng đỏ thì… khôi hài quá. Đó là y phục của thằng lính lệ. Lính lệ trong dinh các quan ngày xưa là dân điếu đóm… Phải nghiên cứu cho thật sâu mới được. Phải có ý kiến của các chuyên gia mới được. Trở về với văn hóa dân tộc mà thiếu nghiên cứu sâu sắc thì…” .
Đức cha Nha Trang bỏ lửng ở chữ thì. Mình bèn điền ngay vào chỗ trống ấy cho đầy đủ ý nghĩa “thì là nhập nhằng văn hóa”.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo