Thời gian trôi qua thật nhanh. Mới đó mà đã gần 45 năm, kể từ ngày tôi đặt chân lần đầu tiên vào Viện Dưỡng Lão Messina với nhiệm vụ là bác sĩ. Lúc ấy tôi hoàn toàn không biết đây là Viện Dưỡng Lão do Các Tiểu Muội Người Nghèo điều khiển. Câu chuyện xảy ra cách hết sức tình cờ, nếu có thể nói được là ”tình cờ”!
Hôm ấy tôi nhận điện thoại của một nữ tu mời tôi đến kê toa thuốc cho một cụ ông mà tôi quen biết từ mấy năm qua. Tôi nhanh chân đến ngay.
Bước vào Viện Dưỡng Lão điều đập vào mắt tôi trước tiên là cái trật tự ngăn nắp, sạch sẻ của toàn ngôi nhà. Rồi đến hình ảnh các cụ ông cụ bà ăn mặc tươm tất, tề chỉnh. Nhưng nổi bật nhất là bầu khí lan tỏa tình thương. Các Tiểu Muội Người Nghèo chăm sóc các vị lão thành trong cử điệu khiêm tốn, nhẹ nhàng và tươi vui. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh các Tiểu Muội quỳ dưới đất để rửa chân cho các cụ ông cụ bà. Bước vào nhà bếp tôi trông thấy một Tiểu Muội đang bận rộn bên các nồi-niêu xoang-chảo thật bự để chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Sau đó tôi được biết tên Chị là Angelina.
Tôi tò mò hỏi Các Tiểu Muội cho biết nghệ thuật nào giúp Các Chị có thể giữ cho toàn ngôi nhà ngăn nắp và điều hành toàn Viện Dưỡng Lão trong an vui hòa điệu như thế? Bởi vì, vào thời kỳ ấy, chưa có hệ thống trợ tá xã hội như bây giờ. Các Tiểu Muội Người Nghèo mau mắn giải thích cho tôi hiểu chính là nhờ sự hiện diện của THIÊN CHÚA Quan Phòng! Rồi Mẹ Bề Trên Ludovina nhanh nhẹn nói thêm:
– Càng nhiều tin tưởng càng được THIÊN CHÚA Quan Phòng lo liệu tất cả, tất cả! Phải, tất cả! Có thể nói được rằng mỗi Viện Dưỡng Lão của chúng tôi là một ngôi nhà mang tên ”THIÊN CHÚA Quan Phòng”.
Hội dòng Tiểu Muội Người Nghèo do thánh nữ Jeanne Jugan (1792-1879) thành lập tại Pháp vào năm 1840 trong bối cảnh nghèo đói khốn khổ của người dân Pháp vào thời kỳ đó.
Chính cái ngày ”tình cờ” hồng phúc ấy đã làm nẩy sinh nơi tôi ơn gọi trợ giúp các vị cao niên. Tôi tức khắc chọn ngành chuyên môn nghiên cứu về lão-bệnh-học (geriatria) và lão-chứng-học (gerontologia), nghĩa là tất cả những gì liên quan đến tình trạng già nua của cơ thể con người. Tôi bỗng cảm thấy mình trở thành người anh em của Các Tiểu Muội Người Nghèo. Chúng tôi thuộc về cùng một gia đình và cùng phục vụ các vị lão thành.
Từ ngày đó đến nay đã gần 45 năm. Hiện tại tôi là bác sĩ về hưu. Thế nhưng, bao lâu Chúa còn ban cho tôi sức khoẻ và bao lâu Chúa còn cho phép, nghĩa là bao lâu Chúa muốn, thì tôi xin dâng hiến trọn thời giờ cùng khả năng chuyên môn để trợ giúp các vị cao niên. Bù lại, tôi cũng nhận lãnh không biết bao nhiêu tri ân trìu mến từ phía Các Tiểu Muội Người Nghèo cũng như từ phía các cụ ông cụ bà đơn sơ chất phác, nghèo tiền của nhưng giàu tình thương. Thêm vào đó, cách cư xử tự nhiên giản dị của Các Tiểu Muội Người Nghèo khiến cho tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Tôi coi Viện Dưỡng Lão như chính nhà của tôi vậy.
… ”Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo, đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi. Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi, đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo. Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm, đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ. Kẻ khốn khổ nài van, con đừng từ chối, gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi. Đừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn, kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con. Ai cay đắng trong lòng mà nguyền rủa con, thì Đấng Tạo Thành ra nó sẽ nghe lời nó thỉnh nguyện .. Hãy lắng nghe kẻ nghèo và nhã nhặn chào lại họ. Hãy giải thoát người bị áp bức khỏi tay phường áp bức, đừng hèn nhát khi con phải xét xử. Đối với trẻ mồ côi, con hãy xử như một người cha, và với mẹ của chúng, hãy xử như một người chồng; được vậy, con sẽ nên như người con của Đấng Tối Cao, và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa” (Huấn Ca4,1-10).
(”Incontri Sereni”, Bollettino trimestrale delle Piccole Sorelle dei Poveri, anno XLVI, n. 188, Gennaio-Marzo 2007, trang 41-42)