Năm lên 8 tuổi, Fernando được đi học nơi trường các cha Salésiens Don Bosco ở Estoril. Đây là lần đầu tiên cậu bé được hưởng niềm vui cuộc đời, được đi học và được đùa chơi với bạn bè. Nhưng nhất là cậu bé được nhìn thấy lần đầu tiên bức tượng Đức Mẹ MARIA. Cậu bé như bị bức tượng Đức Mẹ thôi miên. Cậu cứ chiêm ngắm mãi không chán. Cùng năm đó, Fernando xưng tội và rước lễ lần đầu.
Kể từ khi được rước Đức Chúa GIÊSU ngự vào lòng, Fernando chỉ có một ước nguyện duy nhất:
– Trông thấy mẹ cũng đi nhà thờ và tiến lên bàn thánh rước lễ như cậu.
Cứ mỗi buổi tối, trước khi lên giường ngủ, Fernando thường quỳ gối và chắp tay cầu nguyện cho mẹ. Vào mỗi sáng Chúa Nhật, cậu bé lại nắm tay mẹ và nói:
– Mẹ ơi, hôm nay là Chúa nhật, mẹ có đi tham dự thánh lễ với con không?
Và mỗi lần như thế, bà Giuseppina tìm cách trốn tránh:
– Con không thấy là mẹ có quá nhiều việc phải làm sao?
Lần khác, bà mẹ trả lời:
– Con không thấy là trời mưa, mà chúng ta chỉ có một chiếc dù thôi sao?
Fernando nài nĩ:
– Không sao mẹ ạ. Chúng ta cùng che dù chung, chật một chút đâu có sao!
Lần này, bà Giuseppina đành nhượng bộ. Bà cùng đi với con đến nhà thờ. Nhưng Fernando còn phải kiên nhẫn đợi thêm 8 năm nữa, mới được hạnh phúc trông thấy mẹ tiến lên bàn thánh, quỳ gối rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
Tháng 10 năm 1950, Fernando xong bậc tiểu học. Thấy cậu bé thông minh và đạo đức, Linh Mục hiệu trưởng trường ở Estoril gửi cậu vào trường Trung Học chuyên nghiệp của các cha dòng Salésiens ở thủ đô Lisboa. Nơi đây, Fernando chọn nghề nhà in. Tháng Giêng năm sau, Fernando viết cho mẹ:
– Con gửi cho mẹ mấy tờ giấy in lời chúc mừng của con. Chúng thật đẹp. Nhưng rồi mẹ sẽ thấy là các tờ giấy in sẽ còn đẹp hơn nữa vào những lần tới. Con sẽ cố gắng hết sức mình. Con chỉ hơi sợ về các hình vẽ thôi. Nhưng như Chúa đã giúp con trong tam cá nguyệt đầu, chắc chắn Chúa sẽ tiếp tục giúp con vào các tam cá nguyệt tới.
Fernando mỗi ngày một cao lớn. Tuổi thơ đã qua. Giờ đây cậu bước vào tuổi dậy-thì. Từ một cậu bé ôn hòa, Fernando từ từ đổi thành một thiếu niên nhanh nhẹn, nhưng hơi nóng nảy. Cậu dễ nổi giận và phản ứng tức khắc, nhất là những lúc bị bạn bè chọc tức.
Năm 1953 là thời điểm ghi dấu cuộc thay đổi đời sống của Fernando. Năm ấy cha Renato Ziggotti (1892-1983) được bầu làm Bề trên Tổng Quyền thứ V thay thế cha thánh Gioan Bosco (1812-1888). Cha Ziggotti là một Linh Mục thánh thiện, theo sát con đường giáo dục của vị sáng lập dòng. Nhiều tiếng đồn truyền đi trong giới học sinh các Cha Salésiens:
– Cha thánh Gioan Bosco đang trở lại nơi con người Cha Renato Ziggotti!
Tháng 10 năm 1953, cha Ziggotti đến thăm trường ”Trung Học chuyên nghiệp” ở thủ đô Lisboa. Khi gặp các bạn trẻ, cha nhắn nhủ:
– Các con thân mến. Trước khi từ biệt các con và trở lại Torino, Bắc Ý, cha muốn nhắn nhủ các con ba điều. Thứ nhất, hãy yêu mến Đức Mẹ MARIA và chạy đến cùng Đức Mẹ như người Mẹ thật của các con. Thứ hai, hãy trở nên người bạn và người noi gương thánh Domenico Savio (1842-1857) cùng ba trẻ chăn chiên làng Fatima, trong sự yêu chuộng đức trong sạch và trong việc chu toàn bổn phận của các con. Thứ ba, hãy trở thành một tín hữu Công Giáo đạo đức, trước khi trở thành một người thợ chuyên nghiệp giỏi.
Buổi gặp gỡ và những lời nhắn nhủ của cha Renato Ziggiotti trở thành điểm tham chiếu giúp cậu thiếu niên Fernando Calò cương quyết bước đi trên con đường nên thánh. Cậu nhận những lời khuyên ấy như kim chỉ nam cho cuộc sống thiêng liêng của mình.
Nơi ”trường trung học chuyên nghiệp”, đặc biệt có hai học sinh nổi tiếng là ngổ nghịch và bất trị. Nhưng các Linh Mục Salésiens không muốn đuổi ra khỏi trường. Các Cha liền nghĩ ra một diệu kế. Cha hiệu trưởng gọi Fernando đến và nói:
– Cha muốn nhờ con giúp một tay trong việc lôi cuốn các bạn vào con đường kỷ luật. Vậy con hãy chọn thêm 2-3 người bạn khác làm thành một nhóm linh hoạt, có sức điều động các bạn trẻ sống tử tế.
Fernando nhận lời đề nghị của Cha hiệu trưởng. Hai ngày sau, Fernando đến gặp Cha và nói:
– Con xin chọn hai người bạn nổi tiếng nghịch ngợm, hợp tác với con trong cuộc chiến bảo vệ kỷ luật nhà trường.
Cha hiệu trưởng hơi lộ vẽ ngạc nhiên, nhưng Cha không phản đối. Và Fernando đã thành công. Trước tiên, Fernando đã giúp hai người bạn ngổ nghịch trở nên thuần thục và từ đó, cả ba họp thành những người dẫn đầu các bạn khác trong việc tuân giữ kỷ luật nhà trường.
Tháng 3 năm 1956, Fernando Calò bước vào tuổi 17. Fernando đi hành hương Fatima. Cậu viết trong nhật ký:
– Con đã rước lễ. Tín hữu hành hương đông nghẹt. Nhưng con vẫn có thể dành thời giờ tạ ơn Chúa. Con cầu nguyện cách riêng cho gia đình con, cho bạn bè, cho các bề trên và cho chính con.
Cuộc hành hương Fatima còn ẩn dấu một ước nguyện khác của Fernando. Đó là cầu nguyện cho bà Giuseppina Perreira, mẹ cậu, được ăn năn trở lại. Trước đó một năm, với sự đồng ý của Cha giải tội, Fernando đã dâng mình cho Đức Mẹ MARIA và hứa giữ mình trinh khiết để xin Đức Mẹ cho mẹ cậu được ơn sống đạo đàng hoàng. Và Đức Mẹ đã nhận lời. Bà Giuseppina Perreira đã xưng tội và đã cùng con rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU.
Trong một tuần tĩnh tâm, Fernando đã ghi ba điều ước muốn:
– giảm tính tò mò và giữ con mắt
– trở thành tông đồ truyền bá lòng kính mến Đức Mẹ
– trở thành linh mục.
Nhưng cậu thiếu niên anh dũng Fernando Calò đã không thực hiện được ước nguyện thứ ba. Trong một buổi đá banh, Fernando bị té đập đầu vào trụ giữ banh và ba tháng sau, ngày 26-7-1956, Fernando Calò êm ái trút hơi thở cuối cùng, hưởng dương 17 tuổi.
… Êm dịu thay ánh sáng, hạnh phúc thay cặp mắt được thấy ánh mặt trời! Người nào được sống lâu năm, tận hưởng đi cho sướng; nhưng phải nhớ rằng những chuỗi ngày đen tối sẽ dài lâu, và những gì sẽ đến đều là phù vân cả! Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi, những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói: ”Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả!” Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ, vò nước bể ngay tại hồ chứa nước, ròng rọc gãy, vụt rơi xuống giếng sâu. Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho THIÊN CHÚA hơi thở NGười đã ban cho mình(Sách Giảng Viên 11,7-8 / 12,1+6-7).
(Teresio Bosco, ”Magone Michele e Fernando Calò”, Editrice Elle Di Ci, Torino-Leumann, 1993)
Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt