Năm 1939, Hitler đã khai mào chiến tranh thế giới thứ hai khi tấn công Balan. Năm 1941 quân Đức đã quyết định tiêu diệt người Do thái, và họ bắt đầu kế hoạch tàn sát 11 triệu người Do thái ở Chấu Âu. Khi đó tại Balan có 4 triệu người Do thái, chiếm 10% dân số cả nước. Vì thế quân Đức đã tổ chức những trại tập trung ngay trên đất Balan để tiêu diệt người Do thái, trong đó có trại tập trung Auschwitz.
Ngay cả khi chính họ là đối tượng bách hại của quân Đức, người Balan đã phát động một chiến dịch giúp đỡ người Do thái, do các tổ chức và hiệp hội bí mật của Balan hướng dẫn, trong đó có Hội đồng trợ giúp người Do thái, được gọi là “Zegota”, được thành lập năm 1942.
Giáo hội Balan cứu giúp người Do thái
Giáo hội Balan cũng dấn thân, tổ chức trợ giúp vật chất, che dấu người Do thái trong các tu viện và đan viên, kêu gọi giúp đỡ họ dưới mọi hình thức, trên hết là gương sáng của các Giám mục, linh mục và nữ tu, những người đã sống lý tưởng t yêu thương Ki-tô giáo dành cho tha nhân, trong thời khắc đen tối và vô nhân đạo.
Khi đó, quân Đức áp dụng một đạo luật ở Balan: những ai giúp đỡ người Do thái, dưới bất cứ hình thức nào, cũng phải nhận án tử hình. Nhưng dù cho nguy hiểm đến mạng sống, người Balan đã cứu sống rất nhiều người Do thái; người ta tính rằng khoảng 1 triệu người Balan bằng những cách thế khác nhau đã cứu được khoảng 300 ngàn người Do thái.
Danh sách những người Balan cứu giúp người Do thái cũng có tên của các Giám mục và linh mục. 11 trong số 13 Giám mục trong vùng vẫn ở lại Balan trong cuộc diệt chủng và đã tham gia cứu giúp người Do thái. Một giám mục di cư đến Anh quốc cũng đã lên tiếng trên Radio Luân đôn để tố cáo tội ác chống lại người Do thái của quân phát xít Đức.
Gia đình Ulma
Gia đình Ulma, một gia đình nông dân bình thường, làm nghề thuộc da ở làng Markowa, miền đông nam Balan, nơi bị quân Đức chiếm đóng, thuộc vào số những người Balan anh hùng đã giúp đỡ người Do thái. Đối với họ, không có so đo tính toán, hay sợ hãi, chỉ đơn giản là cứu giúp người khốn cùng, bị đối xử bất công, vô nhân đạo. Vào khoảng cuối năm 1942, dù cho sống trong hoàn cảnh nghèo khổ và biết rằng sẽ gặp nguy hiểm, gia đình Ulma đã cho 8 người Do thái ẩn trú trong gia đình họ. Một cảnh sát đã tố cáo với quân Đức việc gia đình Ulma đang che dấu người Do thái. Sáng ngày 24.03.1944, 5 tên lính Đức và một số cảnh sát đã đến trước nhà của gia đình Ulma. Những người lính Đức bắt đầu bắn những người Do thái, sau đó đến đôi vợ chồng trẻ nhà Ulma: Józef 44 tuổi và Wiktoria 32 tuổi, khi đó bà Wiktoria đang mang thai đứa con thứ 7.
Một nhân chứng kể lại: “Vào lúc quân Đức xử bắn tại gia đình Ulma, người ta nghe thấy những tiếng la hét than khóc khủng khiếp. Những đứa trẻ cầu cứu với cha mẹ các em khi họ đã bị giết chết . Đó là một cảnh thật đau lòng.” Vài phút sau đó, viên sĩ quan chỉ huy quyết định sát hại cả 6 đứa trẻ con cái của ông bà Ulma, để “cho cộng đồng không gặp rắc rối”. 6 đứa trẻ ở các độ tuổi: 8 tuổi, 6 tuổi, 5 tuổi, 4 tuổi, 3 tuổi và 1,5 tuổi. Thế là trong vòng vài phút, hơn một chục mạng người đã bị sát hại.
Trên đường hiển thánh
Năm 1995, ông bà Józef và Wiktoria Ulma được Ủy ban Do thái công nhận là “Người công chính giữa các dân nước”. Giáo hội Công giáo nhìn nhận lòng đạo đức nhiệt thành của họ cũng như hành động anh hùng được thúc đẩy bởi tình yêu Ki-tô giáo đối với tha nhân. Vào năm 2003, án phong chân phước cho gia đình Ulma bắt đầu được tiến hành tại giáo phận Przemyśl và đầu năm 2017, Vatican đã cho phép tách hồ sơ phong chân phước của gia đình Ulma khỏi hồ sơ chung của các vị tử đạo Balan. Như thế, tiến trình điều tra và hoàn tất hồ sơ phong chân phước cho gia đình này sẽ được tiến hành nhanh chóng hơn.
Để ghi nhớ sự hy sinh của gia đình Ulma, hồi tháng 11 vừa qua (2018), Đức tổng Giám mục giáo phận Przemyśl và Quỹ Gia đình Ulma đã tổ chức một cuộc triễn lãm tại đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Roma để vinh danh họ.
Hồng Thủy
(VaticanNews 13.12.2018)