Hỏi: Tôi thấy hầu như các linh mục, sau phần cho Rước lễ, đều tráng chén bằng nước mà thôi. Nhưng Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma [GIRM] cũng nói rằng việc tráng chén có thể sử dụng cả rượu và nước. Thưa cha, tại sao một phương pháp lại áp đảo hầu như hoàn toàn phương pháp kia? Nếu có người muốn sử dụng cả nước và rượu, thì cách thức làm ra sao? – J. F.,
Đáp: Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma [GIRM] nói như sau trong số 279:
“Các chén thánh được vị tư tế, phó tế hay thầy có chức giúp lễ tráng lau sau rước lễ hoặc sau Thánh Lễ, nên làm việc này tại bàn phụ. Tráng chén bằng nước hoặc bằng nước và rượu, và người tráng uống hết. Ðĩa thánh được chùi bằng khăn lau.
Phải liệu sao Máu Thánh còn lại sau khi cho rước được uống hết tại bàn thờ” (bản dịch tiếng Việt của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).
Việc tráng chén này dựa vào việc tráng chén của hình thức ngoại thường, mà trong đó việc tráng chén bằng nước và rượu là một qui định.
Chữ đỏ trong Sách lễ với hình thức ngoại thường qui định tiến trình như sau:
“Sau khi cho Rước lễ, linh mục cất mọi Bánh thánh còn lại vào Nhà Tạm, sau đó ngài cầm chén thánh và người giúp lễ rót rượu vào chén thánh. Linh mục uống rượu và đọc thầm: “Lạy Chúa, (Quod ore súmpsimus, Dómine, pura mente capiámus), những gì chúng con đã rước trong miệng chúng con, xin cho chúng con rước với tâm hồn thanh sạch; và xin cho của lễ đời tạm này trở nên cho chúng con phương thuốc đời đời.
“Rượu và nước được đổ trên các ngón tay của linh mục vào chén thánh. Trong khi ngài làm khô các ngón tay, ngài đọc thầm:
“Lạy Chúa (Corpus tuum, Domine, quod sumpsi, et Sanguis, quem potavi), xin cho Mình Chúa mà con đã ăn và Máu Chúa mà con đã uống, đến tới các bộ phận sâu thẳm nhất của con, và làm cho không còn vết tội ở lại trong con, là người đã được nuôi dưỡng với Bí tích tính tuyền và thánh thiện này. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen”
“Linh mục uống rượu và nước, lau chén thánh và lấy khăn đậy lại”.
Phần cổ xưa nhất của nghi lễ này là phần đầu tiên, sự làm sạch miệng (“ablutio oris”), trong đó linh mục uống một chút rượu để bảo đảm rằng không còn chút Mình Thánh Máu Thánh nào trong miệng nữa. Trong một số nghi thức phụng vụ Đông phương, chủ tế cũng có thể dùng một chút bánh thánh. Có bằng chứng của sự thực hành này từ ít là thế kỷ thứ tư.
Ở một số nơi, cũng có tập tục là các tín hữu cũng uống chút rượu hay nước sau khi Rước lễ. Lý do cho việc này là vì Giáo Hội vẫn còn sử dụng bánh có men cho Thánh lễ, nên khi rước lễ, người ta phải nhai. Có bằng chứng cho thấy rằng dấu vết của tập tục này còn tồn tại ở nhiều vùng của châu Âu cho đến đầu thế kỷ 20.
Lúc đầu, sự thanh tẩy các ngón tay và tráng chén được thực hiện sau thánh lễ, nhưng không có luật hoặc quy định đặc biệt vể việc này. Các quy tắc đầu tiên xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ chín, và ban đầu chỉ dùng nước mà thôi. Chúng tôi tìm thấy tài liệu đầu tiên của việc dùng rượu trong truyền thống đan tu của thế kỷ 11. Trong một số trường hợp, việc này được phát triển thành một nghi lễ chi tiết, trong đó chén thánh được tráng ba lần.
Lúc đầu, bàn tay hoặc ít nhất là các ngón tay được rửa sạch trong một cái chậu gần bàn thờ. Bằng chứng sớm nhất của việc rửa các ngón tay trên chén thánh là từ một nguồn tài liệu dòng Đa Minh năm 1256. Nguồn tài liệu này nói rằng, do thiếu một cái chậu phù hợp, thì tốt hơn nên rửa các ngón tay bằng nước trên chén thánh, và sau đó uống nước này cùng với rượu, mà trước đó đã được sử dụng để làm sạch các ngón tay. Tài liệu này cũng là một trong các tài liệu đầu tiên nhắc đến việc sử dụng một miếng vải lau, mà sau này trở thành khăn lau chén thánh.
Các tập tục này dần dần lan rộng nhưng không trở nên phổ quát, cho đến khi được đưa vào luật bởi Sách lễ Rôma của thánh Giáo hoàng Piô V vào năm 1570.
Còn hiện nay thì sao? Làm thế nào một linh mục tráng chén bằng rượu và nước trong hình thức thánh lễ bình thường?
Tôi đề nghị rằng việc tráng chén nên được thực hiện theo cách thức đơn giản nhất. Khi tráng chén, nên rót rượu và nước vào chén thánh rồi uống hết. Tỉ lệ của rượu và của nước là tùy vào linh mục. Vì mục đích thực tiễn, một sự pha trộn khá loãng là được ưa thích hơn, trước tiên nhằm tránh làm dơ khăn lau chén thánh.
Việc chỉ sử dụng nước để tráng chén thánh đã chiếm ưu thế, do sự thực hành sau các cải cách phụng vụ. Sự xuất hiện việc đồng tế thánh lễ và việc cho Rước lễ khá thường xuyên dưới hai hình đòi hỏi có nhiều hơn một chén thánh được tráng. Ngoài ra cũng có nhiều bình thánh hơn, trong đó một số cần phải được tráng bằng nước. Tất cả điều này làm cho việc sử dụng cả rượu và nước để tráng chén là ít thực tế hơn, và vì vậy không đáng ngạc nhiên khi sự lựa chọn hợp pháp của việc sử dụng cả rượu và nước để tráng chén đã bị gác qua một bên.
(Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ/ Zenit.org 4-2-2014)