1- Tại sao Phó tế không được rửa tội cho người lớn và sức dầu cho bệnh nhân ?
2- Các Tu sĩ có được phép giảng, chứng hôn, rửa tội và sức dầu bệnh nhân không ?
Trả lời :
Trước hết, cần nói qua về hàng Giáo sĩ và Tu sĩ trong Giáo Hội như sau:
1- Hàng Tu sĩ nam nữ ( Religious, consecrated men and women) là những người có lời khấn khó nghèo ( poverty) khiết tịnh ( chastity) và vâng phục ( obedience) trong một Tu Hội hay Nhà Dòng được thành lập hợp pháp ( theo giáo luật) để hoạt động trong Giáo Hội,
Giáo sĩ ( clerics) là những người có chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục. Giáo sĩ khác với Tu sĩ ở một điểm là giáo sĩ không phải khấn khó nghèo, chỉ khấn vâng phục và khiết tịnh hay độc thân ( celibacy) mà thôi.
Các Tu sĩ thuộc quyền của Bề Trên Tu Hội hay Nhà Dòng liên hệ. Nhưng khi làm việc trong một giáo hội địa phương hay địa phận ( Diocese) thì lại trực thuộc quyền và cho phép của giám mục giáo phận. Nghĩa là nếu giám mục không cho phép thì không Tu Hội hay Nhà Dòng nào được phép hoạt động trong một giáo hội địa phương. ( địa phận).
Các giáo sĩ ( phó tế, linh mục ) trực thuộc một Giám mục địa phương . Giám mục ( cũng là giáo sĩ hay tu sĩ) trực thuộc và chịu trách nhiệm trước Đức Thánh Cha, tức Giám mục Rôma, và là Thủ Lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, Đấng duy nhất thay mặt Chúa Kitô trong sứ mệnh và trách nhiệm cai quản Giáo Hội , nối nghiệp Thánh Phêrô
Các giáo sĩ là những người được tuyển chọn và huấn luyện để lãnh các chức thánh như Phó Tế, Linh mục và Giám mục để giảng dạy, thánh hóa và coi sóc dân Chúa được trao phó cho các ngài chăm lo về mặt thiêng liêng.
Đứng đầu một Giáo Phận hay Địa Phận ( Diocese) là một Giám mục do Đức Thánh Cha bổ nhiệm để trong coi một giáo hội địa phương hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và vâng phục Đức Thánh Cha cũng là Thủ lãnh của Giám mục Đoàn ( College of Bishops).
Giám mục địa phận được gọi là Giám mục chính tòa ( Ordinary=Diocesan Bishop). Giám mục chính tòa có thể có một, hai hay 3 Giám mục phụ tá( Auxiliary Bishops), phụ giúp để điều hành một Giáo phận hay Tổng Giáo phận ( Archdiocese). Giáo mục phụ tá không có quyền kế vị khi Giám mục chính tòa về hưu hay qua đời ( giáo luật số 403, triệt 1).Chỉ có Giám mục Phó ( Coadjutor) được quyền kế vị mà thôi. ( x giáo luật số 403, triệt 3 )
Giám mục chính tòa được sự cộng tác và vâng phục của các linh mục và Phó tế trong Địa phận. Chí có linh mục và Giám mục thuộc hàng Tư Tế ( Sacerdos), phó tế chỉ là giáo sĩ được thụ phong để phụ giúp linh mục và giám mục trong những nhiệm vụ được giáo phó.
Cụ thể, phó tế có năng quyền được công bố Phúc Âm khi giúp lễ cho linh mục hay Giám mục.Phó tế cũng được phép chia sẻ lời Chúa với sự cho phép của linh mục trực thuộc. Phó tế được chứng hôn, cử hành nghi thức an táng khi không có linh mục chủ sự Thánh lễ an táng.. Phó tế cũng được làm phép nước thánh và làm phép các ảnh tượng với công thức trong Nghi thức làm phép của Giáo Hội. Sở dĩ thế, vì nước thánh ( holy water) và các Ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh không phải là các Bí tích mà chỉ là Á bí tích thôi ( Sacramentals) nên Phó tế được phép làm. Thêm nữa, Phó tế được rửa tội cho trẻ em, không cho người lớn (adults) vì người lớn là tân tòng ( catechumens) nên phải học đạo trong chương trình gọi la RCIA ( Rites of Christian Initiation for Adults) để chịu 3 Bí Tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể một lượt. Do đó, Phó tế không rửa tội cho người lớn vì không được phép Thêm sức cho họ sau khi rửa tôi. Chỉ có giám mục là thừa tác viên chính của bí tích Thêm sức và có thể ủy nhiệm ( delegate ) cho các linh mục trực thuộc cử hành bí tích này.Lai nữa , phó tế không được xức dầu bệnh nhân vì chỉ có linh mục hay giám mục là thừa tác viên của bí tích này mà thôi. Cũng cần nói thêm là chỉ có linh mục và giám mục thuộc hàng tư tế ( sacerdos) nên mới có năng quyền cử hành các bí tích thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải, và Sức dầu bệnh nhân. (x. giáo luật số 1007). Phó tế không thuộc hàng tư tế nên không có năng quyền để cử hành các bí tích Thánh Thể, Hòa giái, và Sức dầu bệnh nhân.
Đó là trong trường hợp bình thường.Ngược lại, trong trường hợp nguy tử khi không có linh mục, thì phó tế hay bất cứ giáo dân nào- kể cả người chưa rửa tội- cũng được phép rửa tội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi theo ý Giáo Hội. ( x SGLGHCG số 1256 ; giáo luật số 861,triệt 2, số 868 triệt 2 )
2-Về câu hỏi thứ hai, xin được giải thích như sau:
Tu Sĩ nam có thể trở thành giáo sĩ khi được lãnh nhận các chức thánh như Phó tế, Linh mục hay Giám mục.( Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô là tu sĩ Dòng tên=Jesuit)
Thí dụ , các cha ĐaMinh, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Tên ( Jesuits) Dòng Ngôi Lời, Dòng Đồng Công v.v.
Các ngài vừa là Tu sĩ vì có lời khấn Dòng vừa là giáo sĩ vì có chức thánh linh mục hay Giám mục.Các linh mục giáo phận- hay còn gọi là các linh mục Triều- chỉ là giáo sĩ mà thôi, không phải là Tu sĩ đích danh,vì không có lời khấn Dòng như đã nói ở trên.
Do đó, nếu là linh mục, thì tu sĩ có thể cử hành tất cả các bí tích trừ bí tích truyền chức thánh ( Holy Orders) dành riêng cho Giám mục. Ngược lại, nếu tu sĩ chỉ có lời khấn Dòng mà không có chức thánh thì không được cử hành bất cứ bí tích nào ( trừ Rửa tội trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử) không được giảng Phúc Âm, chứng hôn và cử hành nghi thức an táng, không được làm phép nước thánh và các Ảnh tượng.
Cần nói rõ điều nay, vì có linh mục chánh xứ kia đã cho một nữ tu giảng trong Thánh Lễ và rửa tội cho trẻ em. Đây là điều không được phép làm.
Sở dĩ thế, vì lời khấn –dù là khấn trọng, khấn vĩnh viễn- thì cũng không phải là chức thánh như chức phó tế, linh mục hoặc giám mục, nên không có chức năng ( competence) để cử hành một bí tích nào, trừ bí tích rửa tội trong trường hợp nguy tử và không có linh mục hay phó tế có mặt.
Lời khấn của các tu sĩ có thể được tháo gỡ ( dispense) bởi giám mục địa phương nếu Tu Hôi hay Dòng thuộc địa phận. Nếu không thuộc Giáo phận thì Bề Trên Tổng Quyền của Dòng hay Tu Hôi sẽ tháo lời khấn theo đơn xin với lý do chính đáng. Các linh mục, ngược lại, muốn vô hiệu hóa chức thánh để hồi tục ( defrocking) thì phải có phép của Đức Thánh Cha.
Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn các câu hỏi được đặt ra.
Lm . Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn