Giải đáp:
Đây hiện là vấn đề “nóng bỏng”, “nhức nhối” của bao người công giáo chúng ta, từ các giám mục, linh mục, đến cha mẹ và nhất là các bạn trẻ công giáo.
Tỷ lệ người công giáo tại nước ta thấp, chỉ 6-7% dân số, nên không tránh khỏi tình trạng kết hôn với người không có đạo. Nếu mọi cuộc hôn nhân tự nó là “phiêu lưu”, thì hôn nhân khác đạo càng “phiêu lưu” hơn. Nhà văn Pháp Saint-Exupéry có câu nói nổi tiếng: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Khi nên vợ chồng thì người ta kể mọi sự là của chung: chung nhà, chung cửa, chung con cái, tiền bạc để chung, chung chia vui buồn đời sống, cố gắng để tâm đồng ý hợp trong mọi vấn đề, thế mà niềm tin tôn giáo vốn là một việc hệ trọng của cuộc sống, đáng lẽ cũng phải chung một con đường, thì ở đây chồng vợ hai người hai hướng, có khi xung khắc nhau nữa. Tôn giáo, đáng lẽ là yếu tố vun đắp tình yêu vợ chồng, thì có khi lại trở thành chướng ngại cho hai người. Chính vì thế, các phụ huynh thường không muốn con cái mình kết hôn với người ngoại đạo, vì muốn tránh cho các con không lâm vào những tình cảnh ngang trái này.
Ngoài ra, hôn nhân khác đạo còn phiêu lưu ở chỗ người không có đạo đâu có biết và tôn trọng những chuẩn mực luân lý như người trong đạo, ví dụ về vấn đề chung thủy, một vợ một chồng, ngừa thai, phá thai, ly dị… Đã có nhiều người công giáo đứng trước những áp lực, những lựa chọn từ người bạn đời không công giáo để bị ly dị, bị chồng phụ bạc ngoại tình, bị buộc phá thai, ngừa thai không theo như Giáo Hội Công giáo.
Không thể “vơ đũa cả nắm” để nói mọi hôn nhân khác đạo đều thất bại, có những cuộc hôn nhân như thế này rất hạnh phúc, hòa hợp, còn hơn những hôn nhân cùng đạo ; cũng không nên khinh thường để “lao đầu” vào hôn nhân khác đạo. Phải tùy từng trường hợp mà quyết định. Vậy, cha xin đề ra một số tiêu chuẩn để các bạn trẻ xem xét rồi quyết định:
1. Người không công giáo có đứng đắn, đàng hoàng, là một người lương thiện, biết giữ lời, biết tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của bạn không ?
2. Người đó quan niệm thế nào về niềm tin tôn giáo, có tin vào một Đấng Tối Cao, biết kính sợ Ngài không (ít là như thế, còn hơn là một người chủ trương vô thần).
3. Quan điểm của người ấy về sự chung thủy, một vợ một chồng, về vấn đề ngừa thai, phá thai. Nếu người ấy không cùng quan điểm với bạn thì hãy cắt đứt quan hệ, vì không thể hạnh phúc với người như thế đâu.
4. Bạn tìm hiểu gia đình người đó thế nào, có niềm tin tôn giáo nào không, có tôn trọng niềm tin của bạn không ?
5. Bạn đừng ngần ngại đặt vấn đề tôn giáo, việc giữ đạo với người bạn, lắng nghe quan điểm của họ, thuyết phục họ tin vào Chúa, để cả hai “cùng nhìn về một hướng”.
6. Bạn chân thành trao đổi, xin ý kiến của cha mẹ và người thân của bạn, cha xứ nữa, để họ giúp bạn xem xét vấn đề và lựa chọn.
7. Sau cùng, xin bạn tâm niệm rằng: Thà không lấy chồng, còn hơn lấy người không tôn trọng niềm tin, tôn giáo của bạn, vì bạn sẽ không thấy hạnh phúc trong đời hôn nhân đâu.
ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Long
(WGP.Hưng Hóa 22.01.2017)