Hỏi:
Thưa Cha!
Con có quen một người, anh ấy có đề cập đến chuyện kết hôn với con sau này, nhưng có một điều trở ngại anh ấy là người Phật giáo. … Gia đình con thì không cho con quen với người ngoại đạo. Khi con nói với anh là nhà con như vậy, thì anh nói nếu vậy thì anh sẽ theo đạo.
Nhưng có một điều con thắc mắc là, khi anh ấy theo đạo rồi còn việc cúng bái thì như thế nào thưa Cha? Nhà anh có lập bàn thờ cúng, các anh chị của anh ấy đã có vợ có chồng và có nhà riêng, còn mỗi anh, và anh lại là con út, nên việc cúng bái trong nhà là anh phải lo hết. Vậy không biết sau này khi chúng con kết hôn rồi thì anh ấy có thể tiếp tục cúng bái bàn thờ được nữa không thưa Cha? Kính mong Cha giúp đỡ và cho con những giải pháp tốt nhất để thuận tình gia đình hai bên.
Con xin chân thành cảm ơn Cha.
Đáp:
Việc hôn nhân khác đạo không phải là một việc đơn giản, trái lại nó là một vấn đề quan trọng cần phải được suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh để đi đến quyết định khôn ngoan. Việc “trở lại” hay theo đạo Công Giáo phải là một quyết định tự do, độc lập có suy nghĩ một cách có trách nhiệm và sáng suốt. Không phải chỉ theo đạo để lấy vợ nhưng theo đạo là tự do chấp nhận một niềm tin Công giáo và sống theo những giáo lý của đạo Công giáo một cách tích cực. Khi đã theo đạo Công Giáo thì không được cử hành các nghi thức tôn giáo theo giáo huấn của đạo cũ nữa. Nếu vì bất cứ lý do nào mà không bỏ được thì, tốt hơn, không nên vội vàng theo đạo Công giáo.
Tuy nhiên, cũng nên phân biệt việc thờ phượng và tôn kính đối với các bậc tổ tiên.
Ngày 02/10/1964, Tòa Thánh ban phép cho các Đấng Bản quyền Việt Nam được áp dụng huấn dụ Plane Compertum Est (ban hành ngày 8 tháng 12 năm 1939) của Bộ Truyền Giáo liên quan đến việc tôn kính các tổ tiên trong nước Việt Nam.
Ngày 14/6/1965, các giám mục đã họp tại Đà Lạt và ra thông cáo chi tiết về vấn đề này.
Tại Nha Trang ngày 14/11/1974, các giám mục thuộc Ủy ban Giám mục về Truyền Bá Phúc Âm đã ký tên ban hành những quyết định như sau:
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ ấy không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên, và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ những thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày kỵ nhật được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã…, và giảm thiểu canh cải những lễ vật để biểu dương đúng ý thành kính biết ơn ông bà, như dâng hoa trái hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, vì đó là lễ nghi tỏ lòng biết ơn hiếu kính và trình diện với ông bà.
5. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như giáo hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành hoàng, quen gọi là Phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các yêu thần, tà thần.
Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm, nên khéo léo giải thích cho người ta hiểu việc tôn kính tổ tiên và các vị anh hùng liệt sĩ, theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn giáo liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải thảo kính cha mẹ, đó là giới răn quan trọng sau việc thờ phượng Thiên Chúa”.
Hy vọng ít điều chia sẻ này có thể giúp giải quyết vấn đề liên quan đến hôn nhân và tôn giáo.
Lm. Phi Quang