Trình thuật truyền cho thấy Đức Maria thắc mắc hỏi cho biết sự kiện Con Thiên Chúa làm người xảy ra như thế nào, vì mình không biết đến việc vợ chồng, và sứ thần Gabriel đã trả lời như sau: ”Thánh Thần sẽ ngự xuống trên tôn nương, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên tôn nương, vì thế, Đấng Thánh sẽ sinh ra được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Elidabét, người họ hàng với tôn nương, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,35-37).
Thuật lại biến cố Đức Maria đến viếng thăm bà Elidabét thánh sử Luca viết: ”Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dakharia và chào hỏi bà Elidabét. Bà Elidabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: ”Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như thế này. Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
Bấy giờ bà Maria nói: ”Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giầu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời”. Bà Maria ở lai với bà Elidabét độ ba tháng rồi trở về nhà” (Lc 1,39-56).
Như thế, tin bà Elidabét mang thai được sáu tháng trong tuổi già theo luật sinh vật lý không thể có con được nữa, là một bằng chứng cho thấy qủa thật không có gì mà Thiên Chúa không thể làm được. Ông Dakharia chồng bà là tư tế trong đền thờ Giêrusalem, thuộc nhóm Abigia, là nhóm thứ tám trong số 24 nhóm tư tế chia phiên nhau lo việc tế tự. Sự hiện diện của Đức Giêsu nhập thể trong cung lòng trinh trắng của Đức Maria đã khiến cho Gioan Tẩy Gỉa nhảy mừng trong lòng bà Elidabét, làm cho bà được đầy tràn Chúa Thánh Thần và cất tiếng chúc tụng Đức Maria là người có phúc nhất trong các phụ nữ của toàn gia đình nhân loại. Ở đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, ở đó có phúc lành, sư tươi vui và niềm hạnh phúc.
Chính vì biến cố viếng thăm đó, Đức Maria được gọi là ”Đức Bà viếng thăm” hay ”Đức Maria rất thánh viếng thăm”. Biến cố này cũng trở thành tên gọi của nhiều dòng nữ: chẳng hạn như dòng Thăm viếng của Đức Thánh Maria, dòng các Nữ tu thăm viếng Nhật Bản, dòng các Nữ tử nghèo Rất thánh Maria thăm viếng.
Năm 1263 Dòng Phancicô đã thành lập và cử hành Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng. Năm 1389 chính Đức Giáo Hoàng Urbano VI đã truyền cử hành lễ này trong toàn Giáo Hội. Trong khóa họp ngày 10-7-1441 Công nghị nhóm tại Basilea tái xác nhận lễ Đức Mẹ Thăm Viếng. Theo lịch phụng vụ cũ lễ được cử hành ngày 2-7, nhưng lịch phụng vụ mới đổi lại vào ngày 31 tháng 5, tức ngày cuối cùng của tháng 5 kính Đức Mẹ.
Tuy nhiên, trong nhiều thành phố Italia đã nhận Đức Mẹ Thăm Viếng làm Bổn Mạng, tín hữu vẫn cử hành lễ ngày mùng 2 tháng 7 một cách rất long trọng với các sắc thái của lễ hội bình dân. Thí dụ như Enna, nam Italia, Siena trung Italia với lễ múa cờ. Còn tại Matera thì từ năm 1389 tới nay có lễ Đức Bà della Bruna. Người dân vùng Matera đã cử hành lễ này từ hơn 600 năm qua, tức từ khi Đức Giáo Hoàng Urbano VI, nguyên Tổng Giám Mục Matera, thành lập lễ Đức Bà Thăm Viếng năm 1389. Nhưng các lễ kính Đức Mẹ đã được dân chúng mừng vài thế kỷ trước đó.
Người ta không biết rõ nguồn gốc lịch sử của lề này, vì có nhiều truyền thuyết khác nhau. Tương truyền rằng có một phụ nữ trẻ xin một nông dân cho bà đi nhờ xe bò để vào thành Matera. Khi tới nhà thờ Đức Bà Truyền Tin Piccianello, thì bà xuống xe và xin bác nông dân trao lại cho Đức Giám Mục một sứ điệp nói rằng bà là Mẹ Chúa Kitô. Khi Đức Giám Mục cùng giáo dân và hàng giáo sĩ chạy ra đón, thì tìm thấy một bức tượng Đức Mẹ. Mọi người để tượng lên một chiếc xe bò trang hoàng hoa lá rất đẹp rồi rước tượng Đức Mẹ vào thành.
Một tương tuyền khác kể lại sự kiện chiếc xe bò trang hoàng đẹp đẽ bị dân chúng xô vào phá hủy như sau. Để tránh cho tượng Đức Mẹ khỏi bị quân hồi giáo Saraceni đang bao vây thành phố cướp mất, người dân thành phố Matera dấu tượng Đức Mẹ trên một chiếc xe bò, rồi sau khi đem tượng Đức Mẹ tới một chỗ an toàn, họ phá hủy chiếc xe. Một vài sử gia địa phương thì cho rằng vào năm 1500 quận công Giovan Carlo Tramontano hứa với dân chúng là mỗi năm sẽ dâng cúng một chiếc xe bò mới trang hoàng thậtđẹp để mừng lễ Đức Mẹ cho trọng thể. Và để thử lòng ông quận công độc tài, sau khi rước kiệu Đức Mẹ xong thì dân chúng Matera nhào tới phá chiếc xe hoa, để bắt buộc quận công giữ lời đã hứa. Tuy nhiên, các chứng tá lịch sử đầu tiên liên quan tới chiếc xe hoa là năm 1690.
Về tên gọi ”Đức Bà della Bruna”, ”Đức Bà che chở” có nhiều giả thuyết khác nhau. Giả thuyết thứ nhất cho rằng từ ”Bruna” phát xuất từ tiếng của người Longobardo thời Trung Cổ ”brùnja” có nghĩa là ”áo giáp”, sự che chở của các hiệp sĩ. Như thế tên gọi này có nghĩa là ”Đức Bà áo giáp” hay ”Đức Bà che chở”. Có giả thuyết khác cho rằng nó phát xuất từ chữ Hebron là thành phố bên Giuđêa, nơi Đức Maria đến thăm bà Elidabét. Và giả thuyết thứ ba cho rằng mầu da bức tượng mầu nâu, ngăm ngăm.
Ngày nay tượng Đức Mẹ được đặt trong hộp kính trên bàn thờ Đức Bà Thăm Viếng trong nhà thờ chính tòa Matera. Trong nhà thờ chính tòa cũng có một bức họa vẽ cảnh Đức Mẹ viếng thăm bà Elidabét thuộc thế kỷ thứ XII. Lễ Đức Bà Thăm Viếng được dân chúng Matera cử hành như ngày lễ hội của thành phố.
Lễ bắt đầu từ 5 giờ sáng vởi cuộc rước của các mục tử, tượng Đức Mẹ trên chiếc xe làm bằng giấy trang hoàng rất đẹp đi ngang qua các đường phố chính với tiếng pháo nổ tưng bừng. Tiếp đến tượng được rước từ nhà thờ chính tòa cho tới giáo xứ Picciarello, do chính Đức Tổng Giám Mục chủ sự cùng với tất cả hàng giáo sĩ, có đoàn Hiệp sĩ của Đức Bà Bruna hộ tống. Vào ban chiều tượng ”Đức Mẹ che chở” lại đươc rước trở lại nhà thờ giáo xứ Piccianello đi qua các đường phố chính để trở lại nhà thờ chính tòa. Khi tới quảng trường trước nhà thờ chính tòa, xe đi chung quanh ba vòng như dấu chỉ Đức Mẹ bổn mạng che chở chiếm hữu thành phố. Sau đó tượng Đức Mẹ được tháo gỡ khỏi xe và đưa vào trong nhà thờ chính tòa.
Và bắt đầu phần cuối của lễ hội là cảnh dân chúng nhào tới đua nhau giật phá chiếc xe hoa. Sở dĩ có đoàn hiệp sĩ và các người thiện nguyện hộ tống chung quanh xe hoa chở tượng Đức Mẹ, là để ngăn chặn dân chúng, nhất là giới trẻ nóng lòng phá chiếc xe trước khi kết thúc cuộc kiệu. Dân chúng rất thích đem về nhà một mảnh giấy, hay vài cánh hoa lấy được từ xe kiệu của Đức Mẹ làm kỷ niệm và như dấu chỉ sự che chở may mắn của Đức Mẹ. Vì thế chỉ trong chốc lát chiếc xe kiêu Đức Mẹ chỉ còn trơ lại cái khung gỗ. Ngày lễ hội kết thúc với buổi bắn pháo bông vào ban tối. Năm sau sẽ lại có một chiếc xe hoa khác được một số các gia đình chuyên nghiệp trong thành phố thay nhau vẽ kiểu và trang hoàng rất lộng lẫy.
Tại Siena lễ Đức Mẹ Thăm Viếng trở thành lễ hội bình dân gọi là lễ Palio được cử hành trọng thể với các chương trình có sự tham dự tranh giải của mọi khu phố. Chiều hôm trước ngày lễ có buổi hát kinh chiều trọng thể. Hôm sau là lễ hội của thành phố với sự tham dự diễn hành của các đội múa cờ gồm hàng trăm thanh niên nam nữ mặc sắc phục mầu sặc sỡ theo kiểu thời Trung Cổ rất đẹp và các đội trống đệm nhịp cho các bạn trẻ. Đội nào múa đẹp và tung cờ cao nhất thì thắng giải.
TMH 326
Linh Tiến Khải