Vào khoảng năm 1300 ông Môshê được Thiên Chúa kêu gọi và giao cho nhiệm vụ đưa dân Do thái ra khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập. Cuộc xuất hành đó đã là một cuộc hành hương kéo dài 40 năm qua Sa mạc Sinai, trước khi vào Đất Hứa khoảng năm 1250 trước công nguyên. Trong sách Xuất Hành nổi bật nhất là gương mặt của ông Môshê, người duy nhất đã được nói chuyện mặt giáp mặt với Thiên Chúa. Và cuộc sống của ông cũng là cuộc sống của một người lữ hành, một người bị bứng rễ, được mời gọi từ từ bước vào cuộc sống lữ hành. Ông đã chết mà không được vào Đất Hứa.
Thật ra, khi đọc kỹ và sâu biến cố xuất hành, chúng ta thấy đây không chỉ là việc từ một vùng đất nô lệ bước sang một miền đất tự do, cho bằng một cắt đứt với an ninh yên ổn thoải mái của một cuộc sống định cư, và từ việc tôn thờ tà thần là bối cảnh xã hội tôn giáo của nó, để lên đường trong niềm tin bị Thiên Chúa thử thách. Thiên Chúa mời gọi từ bỏ “cái có” để chiếm hữu cái “là”, từ bỏ những cái cột buộc giam cầm biến con người thành tù nhân, để chiếm hữu phẩm giá và sự tự do là người và là con cái Chúa. Nơi chốn nở rộng ra và được biến đổi vì sự trung thành được tìm kiếm và một căn tính được khẳng định, trong một thách đố triệt để đối với việc tầm thường hóa sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cuộc hành trình tiến về núi Sinai được miêu tả với các phạm trù của cuộc hành hương. Chương 5 sách Xuất Hành viết: “Khi ấy, ông Mô-sê và ông A-ha-ron đến nói với Pha-ra-ô: “Giavê, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: Hãy thả cho dân Ta đi, để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc.” Pha-ra-ô đáp: “Giavê là ai, khiến ta phải nghe lời mà thả cho Ít-ra-en đi? Ta chẳng biết Giavê, cũng sẽ không thả cho Ít-ra-en đi.” Hai ông nói: “Thiên Chúa của người Híp-ri đã hiện ra với chúng tôi. Xin cho chúng tôi đi ba ngày đường vào sa mạc để tế lễ Giavê, Thiên Chúa chúng tôi; nếu không, Người sẽ dùng dịch hạch hay gươm giáo mà giết chết chúng tôi.” Vua Ai-cập nói với các ông: “Mô-sê và A-ha-ron, sao các ngươi lại muốn xúi dân bỏ việc? Đi lao động đi! ” Pha-ra-ô nói: “Bây giờ dân trong nước thì đông, mà các ngươi lại muốn cho chúng nghỉ lao động!” (Xh 5,1-5).
** Sau khi Thiên Chúa giáng xuống trên Pharao và toàn dân Ai Cập 10 tai ương: nước biến thành máu, ếch nhái, muỗi, ruồi nhặng, ôn dịch, ung nhọt, mưa đá, châu chấu, cảnh tối tăm và các con đầu lòng Ai cập bị sát hại, Pharao đang đêm triệu vời ông Môshê và ông Aharon đến và nói: “Cả các ngươi lẫn con cái Israel, đứng lên, đi ra, không được ở giữa dân ta nữa! Đi mà thờ phượng Giavê như các ngươi đã nói! Cả chiên cừu, bò bê của các ngươi cũng hãy đem đi như các ngươi đã nói. Đi đi và cầu phúc cho cả ta nữa” (Xh 12,31-32).
Cuộc đi qua Biển Đỏ đã đuợc miêu tả như một cuộc rước kiệu hành hương. Núi Sinai được cho thấy với các đòi buộc của trung tâm thờ tự. Lễ nghi ký kết giao ước hoàn thành tại đó cũng nhắc tới nó. Cả các trình thuật sau này trong Thánh Kinh cũng cho thấy việc tiến tới Đất Hứa, trở thành “đất thánh” như một cuộc hành hương: truyền thống tư tế quan niệm nó như môt cuộc rước có chính Thiên Chúa hướng dẫn. Chương 13 sách Xuất Hành miêu tả cuộc giải phóng ra khỏi Ai Cập như sau: “Giavê đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày cột mây đi trươc dân không rời, ban đêm cột lửa cũng vậy” (Xh 13,21-22),
Bên trong lộ trình này có Lều Gặp Gỡ”, là đền thánh lưu động trong đó Giavê Thiên Chúa hiện diện và sống trà trộn với cuộc sống của dân Ngài, và đi trước như chiến lợi phẩm trong các cuộc di chuyển của dân Israel. Sự kiện này làm nảy sinh ra một nền thần học về sự hiện diện cụ thể của Thiên Chúa giữa dân Ngài, duới hình của ánh sáng hay đám mây gọi là Shekinah. Biểu tượng lễ nghi này không phải là phụ thuộc chút nào, trái lại nó cống hiến cho chúng ta một nền thần học yểm trợ cho nền tu đức thánh kinh cưu ước, sẽ được lấy lại trong các Thánh Vịnh hành hương hay Thánh Vịnh lên đền, tức các thánh vịnh từ 119 tới 134, được tín hữu do thái hát khi đi hành hương lên Giêrusalem. Chính Chúa Giêsu cũng đã cùng cha mẹ hát các thánh vịnh ấy mỗi khi hành hương lên Gierusalem, và sau này cùng với đoàn tông đồ và các môn đệ.
Với biến cố định cư, tín hữu do thái, dù không lang thang như xưa kia trong sa mạc Sinai trước khi vào Đất Hứa nữa, nhưng vẫn phải luôn luôn có tâm tình hành hương trong cuộc sống tinh thần. Đây cũng là lý do tại sao sách Đệ Nhị Luật, qua miệng lưỡi ông Môshê, khích lệ dân Do thái hãy duy trì nơi mình một con tim hành hương.
** Chương 8 sách Đệ Nhị Luật viết: “Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà Giavê, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Giavê phán ra. Bốn mươi năm qua, áo anh (em) mặc đã không rách, chân anh (em) đã không sưng lên. Suy nghĩ lại, anh (em) phải nhận biết rằng Giavê, Thiên Chúa của anh (em), giáo dục anh (em), như một người giáo dục con mình. Anh (em) phải giữ các mệnh lệnh của Giavê, Thiên Chúa của anh (em), mà đi theo đường lối của Người và kính sợ Người… Anh (em) hãy ý tứ đừng quên Giavê, Thiên Chúa của anh (em), mà không giữ các mệnh lệnh, quyết định và thánh chỉ của Người, mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay. Khi anh (em) được ăn, được no nê, khi anh (em) xây nhà đẹp để ở, khi anh (em) có nhiều bò và chiên dê, nhiều vàng bạc và nhiều mọi thứ của cải, thì lòng anh (em) đừng kiêu ngạo mà quên Giavê, Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh (em) ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh (em) chưa từng biết, để bắt anh (em) phải cùng cực và thử thách anh (em), hầu làm cho anh (em) được hạnh phúc trong tương ai”. (Đnl 8,2-6.11-16).
Việc hành hương được cơ cấu hoá và đuợc xác định như là phạm trù phụng tự, qua đó người ta cử hành ơn gọi và điều kiện du hành vĩnh cửu, bởi vì đất thật của Israel sẽ luôn luôn là sa mạc của giao ước. Như thế nó trở thành việc thay thế điều kiện du mục: việc thực hành nó giúp ý thức về việc tuỳ thuộc một tình huynh đệ rộng lớn hơn là khung cảnh riêng tư mà các chi tộc khác nhau có khuynh hướng khiến cho quên đi. Và thế là nảy sinh ra nhiều trung tâm thờ tự có nguồn gốc thời các tổ phụ như Shilo, Bethel, Sikhem, Dan, Ghilgal, Bersabea, là các trung tâm thờ tự và hành hương nổi tiếng nhất. Dĩ nhiên là có ảnh hưởng của dân tộc Canaan, nhưng việc đọc hiểu trở lại của dân Israel cũng độc đáo. Bên cạnh các trung tâm thờ tự và hành hương đó người ta cũng biên soạn các “truyền thống kinh thánh”, đưa ra ánh sáng các câu chuyện anh hùng ca thời các tổ phụ và thời xuất hành.
** Tầm quan trọng được ban cho các trung tâm thờ tự kéo theo hậu qủa là một loại địa phương hoá Thiên Chúa, cả khi biết rằng Thiên Chúa không bị hạn chế hay bị cột buộc vào bất cứ nơi nào. Đó là sự trở lại việc coi trọng các lễ nghi và các sự vật. Phụng tự, mà người ta cử hành tại các trung tâm thờ tự đó, hướng tới chỗ tự ban cho mình một sự hữu hiệu hầu như tự động, đe dọa sự dấn thân cá nhân. Nhiều văn bản kinh thánh cho chúng ta thấy sự căng thẳng này. Các truyền thống cổ xưa không coi các trung tâm thờ tự như các nơi ở của Thiên Chúa, nhưng như các nơi gắn liền với các lần hiện ra của Thiên Chúa. Đó là nền thần học của các vụ hiện ra, chẳng hạn như kể trong chương 28 sách Sáng Thế: “Gia-cóp ra khỏi Bơ-e Se-va và đi về Kha-ran. Cậu đến một nơi kia và nghỉ đêm tại đó vì mặt trời đã lặn. Cậu lấy một hòn đá ở nơi đó để gối đầu và nằm ngủ ở đó. Cậu chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống. Và kìa Giavê đứng bên trên thang mà phán: “Ta là Giavê, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của I-xa-ác. Đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi. Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc. Nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi.” Gia-cóp tỉnh giấc và nói: “Quả thật, có Giavê ở nơi này mà tôi không biết! ” Cậu phát sợ và nói: “Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác.” Sáng hôm sau, Gia-cóp dậy sớm, lấy hòn đá cậu đã gối đầu, dựng lên làm trụ và đổ dầu lên đầu trụ. Cậu đặt tên cho nơi đó là Bết Ên; trước đó, tên thành ấy là Lút” (St 28, 10-19). Trung tâm thờ tự Betel bắt nguồn từ đó.
Điều này cũng có giá trị đối với Lều Tạm, là “ngai của Giavê” , như kể trong chương 33 sách Xuất Hành: “Ông Mô-sê lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Giavê thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. Mỗi khi ông Mô-sê ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Mô-sê cho đến khi ông vào trong Lều. Mỗi khi ông Mô-sê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Giavê đàm đạo với ông Mô-sê. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình. Giavê đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau. Rồi ông Mô-sê trở về trại; nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giô-suê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó.” (Xh 33, 7-11; Ds 11,16.24-26; Đnl 31, 14 tt.). Trong truyền thống Sử Biên Hòm Bia đã trở thành một sự hiện diện năng động của Giavê, đi đầu các đạo binh của Israel và ở với họ. Đây là nền thần học của sự hiện diện, được cải biến từ các trung tâm thờ tự của người Canaan.
TMH 537
Linh Tiến Khải
(RadioVaticana 10.06.2018)