* Phần I: Tại sao chúng ta tin? * Phần II: Kitô hữu tuyên xưng đức tin * Phần II: Phụng vụ – Bí tích – Đoạn I * Phần II: Phụng vụ – Bí tích – Đoạn II * Phần III: Đời sống trong Chúa Kitô – Đoạn I * Phần III: Đời sống trong Chúa Kitô – Đoạn II * Phần IV: Kinh nguyện Kitô giáo |
***
PHẦN II: PHỤNG VỤ – BÍ TÍCH
(193 – 278)
193. Có một liên kết hữu cơ giữa các Bí tích không?
– Các bí tích đều là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng chính là nguồn gốc các Bí tích. Người ta phân biệt: có những bí tích khai tâm dẫn đưa vào đức tin, đó là Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể; có những bí tích chữa lành, đó là Bí tích Giải Tội, Xức Dầu Bệnh Nhân; có những bí tích phục vụ cho sự hiệp thông và sứ vụ, đó là Bí tích Hôn Phối và Truyền Chức Thánh. [1210 – 1211]
– Bí tích Rửa Tội liên kết ta với Chúa Kitô. Bí tích Thêm Sức ban cho ta Thánh Thần của Người. Bí tích Thánh thể hiệp nhất ta với Người. Bí tích Giao Hoà giúp ta làm hòa với Chúa Kitô. Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân Chúa Kitô dùng để chữa lành, ban sức mạnh, an ủi. Nhờ Bí tích Hôn Phối, Chúa Kitô ban tình yêu Người cho tình yêu ta và ban sự trung tín của Người cho ta. Nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục nhận lấy trách nhiệm hướng dẫn các Kitô hữu, nhận lấy quyền tha tội và cử hành Thánh lễ.
? Khai tâm có nghĩa là dẫn vào, là cho một người gia nhập vào một cộng đoàn nhờ Thánh Thần của Chúa Kitô.
1. Bí tích Rửa Tội
194. Bí tích Rửa Tội là gì?
– Bí tích Rửa Tội là nền móng cho tất cả đời sống Kitô hữu, vì bí tích đó là cửa dẫn vào Hội thánh. Nhờ Bí tích Rửa Tội, ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được trở thành chi thể của Chúa Kitô, và được hiệp thông với Thiên Chúa. [1213 – 1216, 1276 – 1278]
– Bí tích Rửa Tội là bí tích làm nền móng, ta phải lãnh nhận trước các bí tích khác. Bí tích này kết hợp ta với Chúa Kitô, dìm ta vào cái chết cứu độ trên thập giá và nhờ đó giải thoát ta khỏi quyền lực tội lỗi, làm cho ta được tái sinh trong Đức Kitô để sống vĩnh hằng. Vì Bí tích Rửa tội là một giao ước với Thiên Chúa, nên người được rửa tội cần phải tỏ ý chấp nhận và nói “đồng ý”. → 197
Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người. – Ep 4,5-6
Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. – Mt 28,19-20
Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy sống cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày, không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ, ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng. – Rm 13,12-14
“Nhờ Bí tích Rửa Tội, mỗi trẻ em như được đón nhận vào một câu lạc bộ tình bạn không thể nào tan rã dù khi em còn sống hay khi đã chết… Câu lạc bộ ái hữu này là gia đình của Thiên Chúa mà trẻ em được làm thành viên, nó luôn luôn theo bên em dù trong lúc đau khổ, trong những đêm đen của cuộc đời. Thiên Chúa sẽ mang đến ủi an, nâng đỡ và ánh sáng.” – Đức Bênêđictô XVI, 8-1-2006
195. Bí tích Rửa Tội được cử hành thế nào?
– Theo hình thức xưa: người rửa tội dìm người lãnh xuống nước 3 lần. Nhưng ngày nay, thường là người rửa tội đổ chút nước trên đầu 3 lần, trong khi đó, đọc công thức: “(Tôi) rửa con, (ông, bà, anh, chị, em) NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN”. [1229 – 1245, 1278]
– Nước có ý chỉ việc thanh tẩy và đời sống mới, điều này đã có trong phép rửa sám hối của Gioan Tẩy giả. Việc rửa bằng nước “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” còn hơn là một dấu hiệu ăn năn đền tội và trở lại, đó là một cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Do đó mà có các dấu hiệu phụ thêm là xức dầu, mặc áo trắng và nến Phục sinh.
196. Ai có thể được rửa tội, và người được rửa tội cần điều gì?
– Bất cứ ai chưa được rửa tội, họ có thể được rửa. Điều cần duy nhất nơi người được rửa tội là đức tin, họ phải tuyên xưng công khai khi lãnh Bí tích Rửa Tội. [1246 – 1254]
– Người đã theo Kitô giáo không phải chỉ thay đổi cách nhìn về thế giới, họ cam kết đi vào con đường khai tâm (khóa dự tòng) để trở nên một người mới nhờ ơn bí tích Rửa tội, và nhờ việc bản thân họ trở lại. Nhờ thế họ là chi thể sống động của thân thể Chúa Kitô.
? Khoá dự tòng. Trong Hội Thánh sơ khởi những người lớn muốn được rửa tội (dự tòng) được sửa soạn trong 3 giai đoạn, trong khóa dự tòng này họ được khai tâm về đức tin và tham dự dần dần vào việc cử hành Lời Chúa, cho đến khi họ được nhận lãnh Bí tích Thánh Thể.
“Quà tặng mà các em mới sinh ra đã nhận được phải giúp cho các em đảm nhận lấy để sau này khi lớn lên các em sử dụng một cách tự ý và có trách nhiệm. Tiến trình lớn lên này sẽ dẫn các em tới lãnh nhận bí tích Thêm sức để hoàn thành bí tích Rửa tội và để mỗi em được lãnh nhận ấn tín của Chúa Thánh Thần.” – Đức Bênêđictô XVI, 8-1-2006
197. Tại sao Hội Thánh lại rửa tội con nít?
– Từ rất xa xưa, Hội Thánh đã thực hành việc rửa tội con nít vì một lý do là: trước khi chúng ta quyết định theo Chúa, thì Chúa đã quyết định chọn ta rồi. Hội Thánh muốn chứng tỏ Bí tích Rửa Tội là một ơn phúc, là món quà, Chúa đón nhận ta không điều kiện. Cha mẹ con nít là những người muốn điều tốt nhất cho con cái họ, cũng muốn chúng được rửa tội, để chúng được thoát khỏi ảnh hưởng tội Tổ tông và quyền lực sự chết. [1250 – 1282]
– Cho con cái được rửa tội đòi phải khai tâm vào đức tin cho nó. Có người lấy lý do sai lầm là để nó tự do chọn, nên đã hoãn không cho nó được rửa tội, đó là một bất công. Cũng như người ta không thể hoãn lại tình yêu chăm lo đối với con cái để chờ sau này khi nó chọn lựa. Thật là một bất công nếu cha mẹ Kitô giáo cũng hoãn lại không cho con được hưởng ơn thánh trong bí tích Rửa tội. Cũng như ai sinh ra đều có khả năng nói, nhưng họ phải học để nói, cũng như ai sinh ra đều có khả năng tin, nhưng họ phải học để tin. Không thể bó buộc ai phải nhận lãnh bí tích Rửa tội. Ai đã nhận bí tích Rửa tội khi còn bé bỏng thì sau này phải “xác nhận” việc đó trong đời sống mình, nghĩa là phải đồng ý cho việc rửa tội sinh hoa kết quả.
198. Ai được làm Phép Rửa Tội?
– Thông thường: giám mục, linh mục, phó tế làm Phép Rửa Tội. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp, bất cứ Kitô hữu nào cũng có thể làm Phép Rửa Tội, bằng cách đổ nước trên đầu người lãnh nhận và đọc rằng: “Tên…, TÔI RỬA con, (ông, bà, anh, chị, em) NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN”. [1256 – 1284]
– Bí tích Rửa Tội rất quan trọng đến nỗi dù không phải là Kitô hữu cũng có thể làm, miễn là cố ý làm điều Hội Thánh làm khi rửa tội.
199. Bí tích Rửa Tội có phải là cách duy nhất để được cứu rỗi không?
– Đối với những ai đã đón nhận Tin Mừng và đã biết Lời Chúa Giêsu dạy: “Thầy là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14,6), Bí tích Rửa Tội là con đường duy nhất cho họ đến cùng Thiên Chúa để được cứu độ. Nhưng vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người, và mọi người đều được mời gọi để được cứu độ nên dù một người không có cơ hội học biết về Chúa Kitô và đức tin, mà họ tìm Chúa cách chân thành và sống theo lương tâm mình, họ cũng gặp ơn cứu độ. Họ được rửa tội bằng lòng muốn. [1257 – 1261, 1281, 1283]
– Thiên Chúa đã liên kết việc cứu rỗi với các bí tích. Vì thế, Hội Thánh phải không ngừng trao ban cho nhân loại. Từ chối sứ mệnh này là phản bội lệnh truyền của Chúa. Nhưng chính Chúa không bị trói buộc vào các bí tích của Người. Nơi nào Hội Thánh chưa đến được, hoặc không làm được – dù do lỗi của Hội Thánh hoặc vì các lý do khác – chính Chúa mở ra cho con ngưởi một đường khác để được cứu rỗi. → 136
200. Điều gì xảy ra khi lãnh Bí tích Rửa Tội?
– Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên chi thể của thân thể Chúa Kitô, anh chị em của Đấng Cứu chuộc, con cái Thiên Chúa. Chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, thoát khỏi sự chết, được lãnh số phận sống vui trong Đấng Cứu chuộc ta. [1262 – 1274, 1279 – 1280]
– Được rửa tội có nghĩa là lịch sử đời tôi được chìm đắm trong dòng chảy tình yêu của Chúa. Đức Bênêđictô XVI nói: “đời tôi thuộc về Chúa Kitô chứ không còn thuộc về tôi nữa… Được Chúa tháp tùng, vâng, được Chúa đón nhận vào tình yêu của Người, tôi được thoát khỏi sợ hãi. Chúa bao bọc tôi và mang tôi đi tất cả nơi nào tôi đi, Người là chính sự sống”. → 126
Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. – Rm 6,4
Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. – 1 Tm 2,4
Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” – Ga 3,5.
Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa. – Rm 14,8
Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. – 1 Cr 12,13
Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. – Rm 8,17
201. Khi lãnh Bí tích Rửa Tội, người ta nhận một tên, điều này có ý nghĩa gì?
– Qua tên ta nhận khi lãnh Bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa như nói với ta: “Ta đã gọi tên con, con thuộc về Ta” (Is 43, 1). [2156 – 2159, 2165 – 2167]
– Khi được rửa tội, con người không bị tan biến trong một khối vô danh, trái lại nhân cách của họ được xác nhận. Nhận một tên khi được rửa tội có nghĩa là: Chúa biết ta, Người nói với ta, “tốt”, “được” và đón nhận ta đời đời với tất cả nét đặc thù của ta. → 361
“Tôi được mời gọi để làm hoặc để là cái mà không ai khác được mời gọi. Trên trái đất của Chúa, tôi có một chỗ trong chương trình của Chúa mà không ai có như vậy. Dù tôi giàu hay nghèo, bị khinh dể hay được trọng vọng bởi người đời, Chúa biết tôi và gọi tôi bằng chính tên tôi.” – Hồng y John Henry Newman
202. Tại sao Kitô hữu chọn tên thánh khi rửa tội?
– Vì không có gương mẫu nào và không có sự giúp đỡ nào tốt hơn là của các thánh. Nếu ta có vị thánh làm bổn mạng, đó là ta có một người bạn bên Chúa. [2156 – 2159, 2165]
2. Bí tích Thêm Sức
203. Bí tích Thêm Sức là gì?
– Thêm Sức là bí tích hoàn tất Bí tích Rửa Tội. Nhờ Bí tích Thêm Sức, Đức Chúa Thánh Thần ban ơn xuống cho ta. Bất cứ ai tự ý quyết định sống như con cái Chúa và xin ơn Thánh Thần xuống qua sự đặt tay và xức dầu thánh sẽ nhận được sức mạnh để làm chứng nhân cho tình yêu Chúa trong lời nói và việc làm. Nhờ đó họ trở nên phần tử đã cam kết và có trách nhiệm đầy đủ của Hội thánh Công giáo. [1285 – 1314]
– Khi một huấn luyện viên cho một cầu thủ nào vào trong sân, ông đặt tay trên vai và chỉ dẫn mấy lời. Điều này giúp ta có thể hiểu được Bí tích Thêm Sức: Có việc đặt tay, có việc đi vào trường đời. Nhờ Chúa Thánh Thần ta biết ta phải làm gì. Người động viên toàn bộ con người chúng ta và điều người đòi hỏi vang lên trong tai ta. Ta cảm thấy sự giúp đỡ của Người. Ta không làm Người mất tin tưởng và sẽ làm cho trận đấu có lợi cho Người. Chỉ cần ta muốn, và ta lắng nghe Người. → 119 – 120
? Bí tích Thêm Sức: Cùng với Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thánh Thể, Bí tích Thêm Sức hợp thành “bộ ba bí tích khai tâm vào Kitô giáo”. Như Chúa Thánh Thần đã hiện xuống vào Lễ Ngũ Tuần trên các Tông đồ đang tập hợp, Người cũng hiện xuống với mọi người đã được rửa tội đang xin Hội Thánh ơn Chúa Thánh Thần. Bí tích Thêm Sức củng cố họ và tăng sức để họ làm chứng cho Chúa Kitô.
? Dầu Thánh là dầu ôliu hợp với nhựa thơm. Đức Giám mục thánh hiến trong Lễ Dầu của Tuần Thánh để dùng trong Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền chức Linh mục và Truyền chức Giám mục, trong lễ thánh hiến bàn thờ và chuông. Dầu tượng trưng cho niềm vui, sức mạnh và sức khoẻ. Những ai được xức dầu thánh phải làm cho hương thơm của Chúa Kitô toả lan.
204. Kinh Thánh nói gì về Bí tích Thêm Sức?
– Trong Cựu ước người ta chờ mong Thánh Thần xuống trên Đấng Messia. Chúa Giêsu đã sống cuộc đời trong Thánh Thần với tình yêu và hiệp thông hoàn hảo với Cha trên trời. Thánh Thần Chúa Giêsu là Thánh Thần người dân Israel mong đợi, cũng chính là Thánh Thần Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ của Người, là Thánh Thần đã xuống trên các môn đệ vào ngày lễ Ngũ tuần (50) sau Lễ Phục Sinh. Và cũng là Thánh Thần của Chúa Giêsu xuống trên những người lãnh bí tích Thêm sức. [1285 – 1288, 1315]
– Trong sách Công vụ Tông đồ, viết khoảng vài thập niên sau Chúa Giêsu chết, ta thấy ông Phêrô và Gioan “đi kinh lý để ban Phép Thêm Sức”; cả hai đặt tay trên các tân tòng “mới chỉ được rửa tội nhân danh Chúa Giêsu” để lòng họ được tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Các Tông đồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ, họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. – Cv 8,14-16
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tâm hồn tổn thương, báo cho kẻ bị cầm tù họ được tha, và cho các tù nhân được giải thoát. – Is 61,1
205. Người lãnh bí tích Thêm sức được hưởng những gì?
– Khi lãnh Bí tích Thêm Sức, người đã chịu Phép Rửa Tội được in một dấu ấn vĩnh viễn, chỉ lãnh một lần và làm cho họ trở thành Kitô hữu mãi mãi. Ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần ban xuống hoàn thành ơn Bí tích Rửa Tội, làm cho họ trở nên chứng nhân của Chúa Kitô trong cả cuộc sống. [1302 – 1305, 1317]
– Lãnh nhận Bí tích Thêm Sức là ký một “giao ước” với Chúa. Người chịu Phép Thêm Sức nói: “Vâng con tin Chúa, Chúa của con. Xin ban cho con Thần trí của Chúa để con hoàn toàn thuộc về Chúa, không bao giờ xa cách Chúa, và con làm chứng cho Chúa suốt đời con, với tất cả tâm hồn và thể xác, bằng hành động cũng như lời nói, trong cả những ngày tốt lẫn ngày xấu”, và Chúa nói: “Ta cũng vậy, Ta tin con, con của Ta, và Ta ban Thánh Thần Ta cho con, đúng vậy, ban chính Ta. Ta sắp hoàn toàn thuộc về con. Ta không bao giờ xa cách con, ở đời này cũng như trong đời sống vĩnh hằng. Ta sẽ ở trong linh hồn và thân xác con, trong hành động và lời nói của con. Dù con có quên ta, ta vẫn luôn có mặt trong những ngày tốt và những ngày xấu”. → 120
Xin hãy tạo dựng cho tôi tấm lòng trong sạch, lạy Chúa, một khí phách mới, xin đặt vào lòng tôi. – Tv 51,12
Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can. – Gc 4,8
Ta đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, chúc lành và chúc dữ. Nhưng ngươi hãy chọn lấy sự sống ngõ hầu ngươi được sống, ngươi và dòng dõi ngươi. – Đnl 30,19
206. Ai được lãnh Bí tích Thêm Sức? Họ phải chuẩn bị thế nào?
– Những ai là Kitô hữu (đã lãnh Bí tích Rửa Tội), có ơn nghĩa Chúa, đều được nhận lãnh Bí tích Thêm Sức. [1306 – 1311, 1319]
– “Có ơn nghĩa Chúa” là không phạm tội nặng. Phạm tội nặng là rời khỏi Chúa, và chỉ có thể làm hoà với Chúa nhờ Bí tích Giao Hoà. Một bạn trẻ Kitô hữu sửa soạn lãnh Bí tích Thêm Sức là bước vào một giai đoạn trong những giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời mình. Bạn sẽ phải làm mọi sự để hiểu đức tin bằng cả tâm hồn và trí lực mình, bạn phải cầu nguyện Chúa Thánh thần, một mình và với người khác, phải làm hoà với bản thân, với người thân cận, và với Chúa, nhờ việc xưng tội cũng giúp bạn gần gũi với Chúa khi bạn không phạm tội nặng. → 316 – 317
“Điều quan trọng đó là bắt đầu một cách quyết tâm.” – Thánh Têrêsa Avila
207. Ai được ban Bí tích Thêm Sức?
– Thông thường việc ban Bí tích Thêm Sức dành cho giám mục. Nhưng khi cần, giám mục có thể uỷ cho linh mục quyền ban Bí tích Thêm Sức. Trường hợp nguy tử, bất cứ linh mục nào cũng được ban Bí tích Thêm Sức. [1312 – 1314]
208. Bí tích Thánh Thể là gì?
– Là bí tích Chúa Giêsu hiến ban Mình và Máu Người cho chúng ta, để chúng ta cũng hiến mình ta cho Người trong tình yêu và kết hợp với Người khi rước lễ. Nhờ rước lễ, chúng ta được liên kết với một Thân Mình Chúa Kitô là Hội thánh Công giáo. [1322, 1324, 1409]
– Sau khi lãnh Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, Bí tích Thánh Thể là bí tích thứ ba giúp khai tâm vào Kitô giáo. Bí tích Thánh Thể là trung tâm mầu nhiệm của toàn bộ các bí tích, vì hiến tế trong lịch sử của Chúa Giêsu trên thập giá được thể hiện một cách ẩn giấu và không đổ máu trong lúc truyền phép. Vì thế, Bí tích Thánh Thể là “nguồn suối và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu” (Hiến chế về Hội Thánh 11). Tất cả đều quy hướng về Thánh Thể: không có gì tốt lành hơn mà ta có thể có được. Khi ta ăn bánh được bẻ ra, ta được hiệp nhất với Đấng đã trao hiến thân mình cho ta trên thập giá. Khi ta uống chén, ta được hiệp nhất với Đấng đã đổ máu mình ra vì ta, trong hiến tế của Người. Chúng ta không sáng kiến ra nghi lễ này. Chính Chúa Kitô cử hành Bữa Tiệc Ly sau cùng với các môn đệ, trước khi người chịu chết. Người tự hiến cho các môn đệ dưới hình bánh rượu và khuyên họ cử hành bí Tích Thánh Thể từ giờ phút đó và sau này khi Người đã chết. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy! (1 Cr 11,24) → 126, 193, 217
? Eucharistia tiếng Hy Lạp là tạ ơn, tiếng dùng để chỉ kinh nguyện tạ ơn trong phụng vụ thời Hội Thánh sơ khởi, kinh này đọc trước khi biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Về sau được dùng để chỉ việc cử hành thánh lễ.
“Thiên Chúa chắc sẽ ban cho ta một điều tốt lành lớn hơn, nếu có điều nào tốt lành hơn là hiến tặng chính mình Người.” – Thánh Gioan Maria Vianney (1786-1859, cha sở xứ Ars)
“Hiệu quả đích thực của bí tích Thánh Thể là chuyển đổi con người thành Thiên Chúa.” – Thánh Tôma Aquinô.
209. Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể khi nào?
– Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trước ngày Người chịu chết vào buổi tối trước khi Người bị trao nộp (1 Cr 11,23), Người tập họp các Tông đồ ở Nhà Tiệc Ly và Người cùng với họ cử hành Bữa Tiệc Ly. [1323, 1337 – 1340]
Trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và người yêu thương họ đến cùng. – Ga 13,1
210. Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể thế nào?
– Thánh Phaolô kể lại như sau: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em, trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11,23-25).
– Đoạn tường thuật này là cổ xưa nhất ta có được về những gì đã xảy ra trong nhà Tiệc ly, do Thánh Tông đồ Phaolô kể lại. Thánh Phaolô không chứng kiến tận mắt, nhưng Người truyền lại điều đã được bảo quản như một mầu nhiệm thánh và đã được thực hiện trong phụng vụ của cộng đoàn Kitô giáo trẻ trung. → 99
“Làm thế nào Chúa Giêsu có thể ban Mình và Máu Người? Bằng cách biến đổi bánh thành Thân xác Người và rượu thành Máu Người, và Người ban Mình Máu Người trước khi chịu chết, Người đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” – Đức Bênêđictô XVI, 21-8-2005
“Ta là thức ăn của người mạnh, hãy lớn lên và ăn Ta. Nhưng con không biến đổi Ta trong con như biến đổi một thức ăn mà đúng ra là con sẽ được biến đổi thành Ta.” – Thánh Augustinô, thời ngài trở lại với Chúa
211. Bí tích Thánh Thể đối với Hội Thánh quan trọng thế nào?
– Việc cử hành Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của sự thông hiệp của Kitô giáo. Nhờ Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh mới trở thành đích thực là Hội Thánh. [1325]
– Không phải vì ta góp tiền giúp nhà thờ, không phải vì ta hiểu đúng, cũng không phải vì ta đã gắn bó với xứ này xứ nọ mà ta làm nên Hội Thánh, nhưng là vì trong Bí tích Thánh Thể, ta tiếp nhận Mình Chúa Kitô, và mỗi lần ta dần dần trở nên Thân Thể Chúa Kitô.
“Không rước lễ thì giống như chết khát bên dòng suối.” – Thánh Gioan Vianney
“Trong Thánh Thể ta nên một với Thiên Chúa, như lương thực nên một với thân xác.” – Thánh Phanxicô Salêsiô
“Ta phải quyện đời ta quanh Thánh Thể. Mắt hướng về Chúa là Ánh sáng; trái tim đặt rất gần trái tim thánh của Chúa; cầu xin Người ơn để tuyên xưng Người, tình yêu để yêu mến Người, can đảm để phụng sự Người. Tìm kiếm Người bằng tâm tình sốt sắng.” – Mẹ Têrêxa
212. Bữa Tiệc của Chúa Giêsu với chúng ta được gọi tên là gì và có ý nghĩa gì?
– Có nhiều tên gọi khác nhau giúp ta hiểu về mầu nhiệm phong phú của hiến tế thánh này: Thánh Lễ, Hy Lễ, Bữa Tiệc của Chúa, Bẻ Bánh, Cuộc Tập họp Tạ ơn, Cuộc Tưởng nhớ sự Khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa, Phụng vụ Thần Thánh, Mầu nhiệm thánh, Hiệp lễ thánh. [1328 – 1332]
? Hiến tế thánh, thánh lễ, hy lễ: hiến tế duy nhất của Chúa Kitô đã được hoàn tất và vượt trên mọi hiến tế, hiến tế ấy có mặt trong cử hành Thánh Thể. Hội thánh và các tín hữu hiệp nhất với nhau bằng lễ vật riêng trong hiến tế của Chúa Kitô.
? Bữa tiệc của Chúa: mỗi cử hành Thánh Thể luôn luôn là bữa tiệc ly duy nhất mà Chúa đã cử hành với các môn đệ, và đồng thời cũng là cử hành trước bữa tiệc mà Chúa sẽ cử hành vào thời sau hết với nhân loại đã được cứu rỗi. Không phải chúng ta là những con người đã làm nên lễ, mà là chính Chúa mời gọi chúng ta đến lễ, còn Chúa thì có mặt ở đó cách mầu nhiệm.
? Bẻ bánh: đây là nghi lễ cổ xưa trong bữa ăn của Do Thái mà Chúa Giêsu dùng trong bữa tiệc ly cuối cùng để bày tỏ Người tự nộp mình vì chúng ta (Rm 8,52). Sau khi sống lại các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh. Vì thế các Kitô hữu thời đầu tiên dùng “bẻ bánh” để chi việc cử hành phụng vụ của Tiệc ly.
? Cuộc tập họp tạ ơn: Việc cử hành bữa tiệc của Chúa cũng được thực hiện trong tập họp các tin hữu để tạ ơn Chúa, đây là biểu lộ hữu hình về Hội Thánh.
? Tưởng nhớ cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa: Khi cử hành Thánh Thể, cộng đoàn không tôn vinh chính mình, cộng đoàn luôn luôn khám phá và tôn vinh cuộc vượt qua cứu độ của Chúa Giêsu sang cõi sống, nhờ việc chết và sống lại của Người ngay trong thời hiện tại này.
? Phụng vụ thần thánh, mầu nhiệm thánh: Việc cử hành Thánh Thể tập hợp Hội Thánh trên trời và dưới đất trong một lễ. Nên người ta gọi là bí tích cực thánh vì trong các lễ vật được dâng lên có Chúa Giêsu hiện diện, đó là điều thánh thiêng nhất trên thế giới.
? Hiệp lễ thánh: gọi là hiệp lễ thánh bởi vì chúng ta nên một với Chúa Kitô trong thánh lễ, và nhờ kết hợp với Người chúng ta nên một với nhau.
“Chúng ta không được để đời mình xa lìa Thánh Thể. Làm như thế, ta sẽ suy nhược. Người ta hỏi: “Các Sơ tìm đâu ra sức mạnh và niềm vui để phục vụ?” – Trong Thánh lễ không phải chỉ có việc rước lễ, mà thánh lễ còn làm dịu đi cơn đói của Chúa Giêsu. Người nói: “Hãy đến với Ta”. Người đói linh hồn ta.” – Mẹ Têrêsa Calcutta
213. Những phần chính của Thánh lễ là phần nào?
– Thánh lễ có 2 phần chính: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. [1346 – 1347]
– Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, Thiên Chúa muốn nói với ta và ta nghe đọc các bài đọc rút từ Cựu và Tân ước, cũng như một bài đọc từ Phúc Âm. Đây cũng là lúc giảng lễ và đọc lời nguyện chung cho mọi người. Tiếp theo là Phụng vụ Thánh Thể gồm việc dâng bánh rượu, rồi truyền phép bánh rượu và rước lễ.
214. Cơ cấu Thánh lễ như thế nào?
– Thánh lễ bắt đầu bằng cuộc tập họp các tín hữu và rước linh mục cùng các người giúp lễ. Sau lời chào của linh mục, là việc thú tội chung của tất cả, rồi kết thúc bằng kinh Xin Chúa thương xót. Các Chúa Nhật (trừ Mùa Chay và Mùa Vọng) và các ngày lễ kính, lễ trọng thì hát hoặc đọc Kinh Vinh danh. Lời cầu nguyện của ngày mở đầu cho một hoặc hai bài đọc Cựu ước và Tân ước. Rồi đến lời tung hô Alleluia trước khi công bố Phúc Âm. Chúa nhật và lễ trọng, sau Phúc Âm có bài giảng lễ. Cũng trong các Chúa Nhật và lễ trọng, sau giảng lễ, cộng đoàn tuyên xưng đức tin bằng Kinh Tôi Tin Kính, rồi đến lời cầu nguyện chung.
Phần hai thánh lễ bắt đầu bằng việc sửa soạn lễ vật và kết thúc bằng lời nguyện trên lễ vật. Đỉnh cao của thánh lễ là kinh nguyện Thánh Thể, được mở đầu bằng kinh Tiền tụng và kinh Thánh Thánh Thánh. Lúc này là lúc bánh rượu được biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Kinh nguyện Thánh Thể kết thúc bằng kinh Tán tụng và dẫn đến Kinh Lạy Cha. Sau đó là lời cầu bình an, kinh Chiên Thiên Chúa, rồi bẻ bánh và cho rước lễ, thông thường chỉ cho rước hình bánh là Mình Chúa Kitô thôi. Thánh lễ kết thúc trong tĩnh lặng, tạ ơn, bằng một kinh cuối cùng rồi đến chúc lành của linh mục. [1348 – 1355]
? Truyền phép hoặc thánh hiến một người, một vật, một nơi là dâng hiến dành để phụng sự Thiên Chúa. Trong thánh lễ tiếng này được dùng để chỉ kinh nguyện mà linh mục đọc lại Lời Chúa Kitô đọc trong Bữa Tiệc ly trên bánh và rượu để bánh rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô nhờ phép của Chúa Thánh Thần.
? Hiệp lễ hay rước lễ là tiếp nhận Mình và Máu Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu. Theo luật chung chỉ được rước lễ trong thánh lễ; trong trường hợp đặc biệt như các bệnh nhân có thể rước lễ ngoài thánh lễ. Rước lễ dù chỉ nguyên tiếp nhận hình bánh mà thôi cũng là hiệp lễ đầy đủ Chúa Kitô.
? Xin Chúa thương xót đây là kinh rất cổ xưa để tôn kính các thần linh hoặc vua chúa, được dùng để hoan hô Chúa Kitô, vào khoảng năm 500 (Kyrie eleison là tiếng Hy Lạp) trong phụng vụ Rôma và tây phương.
? Vinh danh là bài ca hoan hỷ của các thiên thần hát trên các mục đồng (Lc 2,14) vào đêm Noel, nó mở đầu bài ca vãn Kitô giáo rất cổ xưa từ thế kỷ IX. Đây là bài ca tụng ngợi khen Thiên Chúa một cách trọng thể.
? Alleluia (gồm hai chữ Do Thái: halel là ngợi khen tôn vinh, Yahvé là tên Thiên Chúa, có nghĩa là ta hãy ca tụng Thiên Chúa). Tiếng reo vui mừng này được lặp đi lặp lại 24 lần trong các thánh vịnh trước khi đọc Lời Chúa trong Phúc Âm.
? Bài giảng lễ (tiếng Hy Lạp là homilein, có nghĩa là nói ngang hàng với ai theo tình người). Trong thánh lễ vị giảng thuyết có nhiệm vụ công bố Tin Mừng, giúp đỡ các tín hữu và khuyến khích cổ võ họ loan báo Tin Mừng và đem ra thực hành. Bài giảng lễ dành riêng cho giám mục, linh mục và phó tế. Khi không có các ngài, trong một vài phụng vụ, giáo dân có thể được mời giảng.
? Thánh Thánh Thánh là một trong những kinh cổ xưa nhất trong thánh lễ, phát xuất từ thế kỷ VIII trước công nguyên, và không thể được loại bỏ. Kinh này vừa lấy lại bài ca của các thiên thần Sêraphim trong Isaia 6,3; vừa là lời reo mừng trong thánh vịnh 118,25, cốt để ngợi khen Chúa Kitô đang có mặt trong lễ.
? Biến thể, các nhà thần học dùng từ này để cắt nghĩa làm thế nào Chúa Giêsu có thể hiện diện trong bí tích Thánh Thể dưới hình bánh hình rượu: bánh rượu vẫn có “hình” bề ngoài không thay đổi, nhưng cái “bản thể” hoặc bản tính của bánh và rượu đã biến thành Mình và Máu Chúa Kitô, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần lúc đọc các lời truyền phép.
? Lạy Chiên Thiên Chúa. Nhắc đến chiên Thiên Chúa (Xh 12) nhờ hiến tế chiên mà dân được giải thoát khỏi nô lệ Ai Cập. Thánh Gioan Tẩy Giả đã áp dụng hình ảnh chiên vào Chúa Giêsu (Ga 1,29: đây Chiên Thiên Chúa). Nhờ Chúa Giêsu bị dẫn đi giết như con chiên, ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được làm hòa với Thiên Chúa. Kinh cầu để ngợi khen Chúa Kitô “Lạy Chiên Thiên Chúa” được đưa vào thánh lễ từ thế kỷ VII.
? Kinh Tán tụng (tôn vinh) là kinh long trọng kết thúc một kinh tôn vinh Thiên Chúa, chẳng hạn kết thúc kinh nguyện Thánh Thể: Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Kinh Tán tụng có khi hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi: Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Kinh này thường dùng để kết thúc kinh nguyện Kitô giáo.
215. Ai làm chủ sự việc Cử hành Thánh lễ?
– Chính Chúa Giêsu làm chủ sự toàn bộ việc cử hành Thánh lễ. Giám mục hoặc linh mục là đại diện Chúa Giêsu, là người Chúa đã uỷ quyền trong Bí tích Truyền Chức Thánh. [1348]
– Đây là đức tin của Hội Thánh: vị chủ sự ở trên bàn thờ “thay mặt Chúa Kitô là Đầu”, có nghĩa là các linh mục không phải chỉ là thay chỗ hoặc được Chúa Kitô truyền để làm mà vì các ngài đã được thánh hiến (truyền chức), nên chính Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh hành động qua các ngài. → 249 – 254
216. Chúa Giêsu hiện diện cách nào khi Thánh lễ được cử hành?
– Chúa Giêsu hiện diện cách mầu nhiệm và thực sự trong Thánh lễ. Mỗi khi Hội thánh ngày nay vâng lệnh Chúa: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, mà bẻ bánh, và dâng chén, thì Hội thánh cũng làm một việc như xưa Chúa làm: Chúa Kitô dâng mình làm lễ tế cho chúng ta; chúng ta thực sự được chia sẻ với Người lễ hi sinh Chúa Kitô dâng chỉ một lần trên thập giá, nay được dâng lại trên bàn thờ, Người thực hiện việc cứu độ chúng ta. [1362 – 1367]
217. Khi Thánh lễ được cử hành, điều gì xảy ra cho Hội Thánh?
– Mỗi lần Hội Thánh cử hành Thánh lễ, Hội thánh trở về nguồn suối mà Hội Thánh phát sinh và Hội thánh được đổi mới không ngừng. Nhờ “ăn” Mình Chúa Kitô, Hội thánh trở nên “Thân thể Chúa Kitô” (một tên khác chỉ Hội Thánh). Trong lễ hi sinh của Chúa Kitô, Đấng ban mình cho chúng ta, cả xác và hồn, đều có chỗ cho cả cuộc sống của ta: từ việc lao động đến mọi đau khổ, niềm vui, tất cả đều có thể hiệp nhất với Chúa Kitô. Nếu ta dâng lên Chúa qua cách này, ta sẽ được biến đổi, ta làm đẹp lòng Chúa, và trở nên như bánh tốt lành nuôi sống cho mọi người. [1368 – 1372, 1414]
– Chúng ta không ngừng trách Hội Thánh dường như chỉ là một cuộc họp những con người tốt nhiều hay ít. Thực ra, Hội Thánh hình thành mỗi ngày cách mầu nhiệm trên bàn thờ. Thiên Chúa hiến mình cho mỗi người và muốn mỗi người biến đổi nhờ hiệp lễ, nhờ rước Người. Một khi được biến đổi, ta phải biến đổi thế giới. Còn những chuyện khác liên quan đến “Hội Thánh là gì” đều là phụ thuộc. → 126, 171, 208
Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. – 1 Cr 11,26
218. Chúng ta phải làm gì cho xứng đáng để tôn sùng Chúa hiện diện trong hình bánh và hình rượu?
– Vì Thiên Chúa thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu đã được truyền phép, nên chúng ta phải lưu giữ với lòng trọng kính hết sức, và thờ lạy Thiên Chúa cũng là Đấng Cứu chuộc chúng ta trong Phép cực trọng Mình và Máu thánh Chúa. [1378 – 1381, 1418]
– Nếu sau lễ còn Mình Thánh Chúa, phải lưu giữ trong các bình thánh và đặt trong Nhà Tạm. Nhà Tạm phải là nơi được tôn kính hơn cả. Mỗi lần đi ngang qua phải bái kính. Thật ra ai muốn đi theo Chúa Kitô thực sự thì phải nhận ra Chúa trong những người nghèo nhất và phụng sự Chúa qua người nghèo. Kitô hữu cũng phải kiếm giờ để có thể tôn thờ Chúa thinh lặng trước Nhà Tạm và bày tỏ tình yêu mến Chúa.
? Nhà Tạm (lều) cảm hứng từ hòm bia giao ước trong Cựu ước, Hội thánh coi nhà tạm như nơi cao quý nhất để giữ gìn Thánh Thể (Chúa Kitô dưới hình bánh).
? Bình hương là đồ vật được dùng trong dịp đặt Thánh Thể, là Chúa Kitô, cho các tín hữu tôn thờ.
219. Người Công giáo thường phải tham dự bao nhiêu Thánh lễ?
– Hội Thánh buộc mọi người Công giáo tham dự thánh lễ các Chúa Nhật và các lễ buộc. Bất cứ ai thực sự tìm làm bạn với Chúa Giêsu, sẽ đáp lời mời của Chúa đến dự Tiệc thánh này càng nhiều càng tốt. [1389 – 1417]
– Nói rằng người Công giáo đích thực buộc phải dự các lễ Chúa Nhật và lễ buộc thì cũng rất chính đáng như nói rằng hai tình nhân thì buộc phải ôm hôn nhau. Không ai có thể có mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu mà lại không đến với nơi Người đã hẹn gặp. Vì thế, từ xưa đến nay Thánh lễ luôn luôn là “trái tim của Chúa Nhật”, là điểm hẹn quan trọng nhất của tuần lễ.
220. Tôi cần dọn mình cách nào để có thể lên Rước lễ?
– Tôi cần phải là người Công giáo, và nếu lương tâm nghĩ mình đang có tội trọng thì phải xưng tội đã. Trước khi tới gần bàn thờ, bạn phải làm hoà với người thân cận. [1389 – 1417]
– Trước đây ít năm có thói quen không ăn gì trong 3 tiếng đồng hồ trước rước lễ, vì muốn cho mình sửa soạn rước Chúa Kitô. Ngày nay, Hội Thánh truyền dạy giữ chay ít là một tiếng đồng hồ. Một dấu hiệu tỏ lòng tôn kính khác là ăn mặc cho xứng đáng, vì thực ra đây là cuộc hẹn gặp với Chúa của vũ trụ.
Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ được lành sạch. – Mt 8,8
Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. – 1 Cr 11,27-28
221. Việc rước lễ thay đổi tôi thế nào?
– Mỗi lần rước lễ, tôi được kết hợp với Chúa Giêsu chặt chẽ hơn, làm cho tôi trở nên phần tử sống động của Thân mình Chúa Kitô, đổi mới ơn thánh tôi đã nhận trong Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức, và làm cho tôi mạnh sức để chiến đấu chống lại tội lỗi. [1391 – 1397, 1416]
“Chúng ta chia sẻ Mình Máu Chúa Kitô chỉ có mục đích được biến đổi nên Mình Máu Chúa mà ta lãnh nhận.” – Thánh Lêô Cả, giáo hoàng
“Chúng ta bẻ một bánh để được thuốc bất tử, giải độc sự chết, và được lương thực sống đời đời với Chúa Giêsu.” – Thánh Inhaxiô Antiôkia
“Chúng ta có nhiều việc phải làm. Các bệnh viện, các người sắp chết đầy dẫy khắp nơi. Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện hàng ngày, tình yêu của chúng ta với Chúa Kitô trở nên thân thiết hơn, tình yêu với những người khác được nhẫn nại hơn, tình yêu với người nghèo đầy thương cảm hơn, và ơn gọi đã tăng số gấp đôi.” – Mẹ Têrêxa
222. Có thể cho người không phải là Công giáo rước lễ được không?
– Rước lễ là diễn tả sự hợp nhất của Thân mình Chúa Kitô. Để thuộc về Hội thánh Công giáo, người ta phải được Rửa tội trong Hội thánh Công giáo, chia sẻ đức tin, sống hợp nhất với Hội Thánh. Cho nên thật là mâu thuẫn nếu Hội thánh Công giáo mời người chưa chia sẻ đức tin và đời sống với Hội Thánh rước lễ. Điều này làm cho dấu hiệu của Bí tích Thánh Thể không còn đáng tin cậy nữa. [1398 – 1401]
– Các tín hữu Chính thống có thể tự cá nhân xin rước lễ trong thánh lễ Công giáo, vì người theo Chính thống cũng tin vào bí tích Thánh Thể như Hội thánh Công giáo, dù cộng đoàn họ chưa sống hoàn toàn hiệp nhất với Công giáo. Còn với các thành viên các niềm tin Kitô giáo khác, chỉ có thể cho rước lễ trong trường hợp khẩn cấp nặng và nếu họ có đức tin đầy đủ vào sự hiện diện của Thánh Thể. Mục tiêu và ước mong của phong trào đại kết là đạt tới việc cử hành Thánh Thể chung cho cả Kitô hữu Công giáo với Tin Lành; tuy nhiên, thật là sai lầm, và tới nay chưa được phép tổ chức các cuộc cử hành Bữa Tiệc Ly chung, bao lâu việc Thân mình Chúa Kitô hiện diện chưa làm cho tất cả có cùng một niềm tin và họp thành một Hội thánh duy nhất. Các cuộc hội họp đại kết khác, trong đó các Kitô hữu có niềm tin khác nhau cùng cầu nguyện với nhau, đó là một việc tốt, được Hội thánh Công giáo ước mong.
“Các Kitô hữu Tin lành có thể được rước lễ “nếu gặp nguy hiểm có thể chết”, nếu không có thừa tác viên của cộng đồng họ có thể cho rước lễ… nếu họ thật tình xin. Tuy nhiên họ phải bày tỏ họ có niềm tin Công giáo đối với bí tích này và phải có những tâm tình thích hợp.” – Giáo luật 844 §4.
223. Việc rước lễ cho ta được sự sống đời đời như thế nào?
– Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ, và cả chúng ta rằng, một ngày kia được dự tiệc với Chúa. Vì thế, mọi Thánh lễ đều là “tưởng niệm cuộc Khổ nạn hồng phúc”, tâm hồn chúng ta được tràn đầy ân sủng để bảo đảm cho chúng ta được sống đời đời. [1402 – 1405]
Chương 2: Các bí tích chữa lành
4. Bí tích Sám Hối và Giao Hoà
224. Tại sao Chúa Giêsu ban cho chúng ta Bí tích Sám Hối – Giao Hoà và Xức Dầu Bệnh Nhân?
– Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu Người trong việc Người đi tìm những ai đã hư hỏng và chữa những ai đau yếu. Đó là lí do Người ban cho chúng ta Bí tích Sám Hối và Giao Hoà, để giải thoát ta khỏi tội, và Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân để ta được mạnh sức phần xác và phần hồn. [1420 – 1421] → 67
Con người đến tìm và cứu những kẻ đã hư mất. -Lc. 19,10
225. Bí tích Sám Hối và Giao Hoà còn có những tên gọi nào?
– Bí tích Sám Hối và Giao Hoà còn gọi là Bí tích Tha Thứ, Bí tích Trở Lại, Bí tích Giải Tội. [1422 – 1424, 1486]
226. Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta đã được giao hoà với Thiên Chúa, vậy tại sao còn cần đến một Bí tích Giao Hoà riêng rẽ nữa?
– Bí tích Rửa Tội đã lôi kéo chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết, đưa chúng ta đến đời sống mới làm con Thiên Chúa, nhưng Bí tích Rửa Tội không giải thoát chúng ta khỏi sự yếu đuối và hướng chiều về đàng tội. Vì thế, chúng ta cần một nơi để hoà giải nhiều lần cùng Thiên Chúa. Nơi đó gọi là nơi Giải tội. [1425 – 1426]
– Xưng tội không phải là theo “mốt”, xưng tội có vẻ khó và lúc đầu cần cố gắng nhiều. Nhưng đây là một trong những ơn huệ lớn cho đời ta, vì luôn có thể được bắt đầu lại – bí tích này quả thực làm mới lại, bỏ bớt gánh nặng tội lỗi và trở ngại đã qua, khi được ta đón nhận trong tình yêu và đầy sức lực mới. Thiên Chúa đầy lòng thương xót và ước mong tha thiết của Người là ta van xin lòng thương xót của Người. Ai đã xưng tội là mở cuốn sách đời mình sang một trang mới, trắng tinh. → 67-70
Nghe thấy thế, Chúa Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” – Mc 2,1.
Nếu ta nói mình không có tội là ta nói dối mình, không có sự thật trong ta. – 1 Ga 1,8
227. Ai đã lập ra Bí tích Sám Hối – Giao Hoà?
– Chính Chúa Giêsu đã lập bí tích Sám hối Giao hòa, khi Người hiện ra cho các Tông đồ vào chiều lễ Phục sinh, và truyền cho các ông rằng: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. Ga 20,22 [1439 – 1485]
– Không ở đâu mà Chúa Giêsu đã minh hoạ chuyển động của Bí tích Sám hối hoà giải tốt hơn là trong dụ ngôn ta quen gọi là “đứa con hoang đàng” (mà trọng tâm chính là “người cha đầy lòng thương xót”); ta đi lạc đường, ta hư hỏng, ta không thể đối mặt với đời ta. Thế mà Cha chúng ta vẫn chờ mong tha thiết, chờ mong bằng lòng ao ước khôn cùng; Người tha thứ khi ta trở về; Người đón nhận ta luôn luôn, lặp đi lặp lại, Người tha thứ tội lỗi cho ta. Chính Chúa Giêsu đã tha thứ tội lỗi cho nhiều người; việc này đối với Người còn quan trọng hơn việc làm phép lạ. Người xem đó như dấu hiệu lớn hơn cả báo cho biết Nước Thiên Chúa đang đến, vì mọi thương tích được chữa lành, mọi nước mắt phải khô đi. Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà Người dùng để tha tội. Chúng ta trao thân vào tay Cha trên trời khi chúng ta tìm đến linh mục để xưng tội. → 314, 524
Người con nói với Cha: Thưa Cha, con thật đắc tội với trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con Cha nữa… Nhưng người Cha liền bảo đầy tớ rằng: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu. – Lc 15,21-22
228. Ai có quyền tha tội?
– Chỉ một mình Thiên Chúa có thể tha tội. Chỉ mình Chúa Giêsu có thể nói “Ta tha tội cho con” (Mc 2,5), vì Người là Con Thiên Chúa. Còn các linh mục có thể tha tội chỉ vì Chúa Giêsu, đã ban quyền đó cho họ, để họ thay mặt Chúa mà tha tội. [1441 – 1442]
– Có người nói rằng tôi cứ trực tiếp với Chúa không cần linh mục. Nhưng Chúa lại muốn khác. Chúa biết rõ ta, vì ta thường lấy những lý lẽ tốt để biện minh cho mình, và chúng ta dễ bỏ qua tội của mình coi như chỉ là chuyện lỗ lã mà thôi. Vì thế Chúa muốn ta phải nói với Chúa về tội của ta, và xưng thú ra trước mặt Chúa. Nên Chúa trao quyền này cho linh mục: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23).
229. Điều gì đưa người ta đến chỗ ăn năn thống hối?
– Khi con người nhìn nhận tội lỗi của mình, thì nảy sinh ra một ước muốn trở nên tốt hơn, điều đó gọi là ăn năn thống hối. Chúng ta đạt được sự ăn năn tội, khi nhận thấy giữa tình yêu của Chúa và tội lỗi của ta có sự mâu thuẫn trái nghịch. Ta đau lòng vì tội ta đã phạm. Ta quyết tâm thay đổi đời sống và trông cậy Chúa giúp đỡ. [1430 – 1433, 1490]
– Thực tại của tội lỗi thường bị dồn nén đi. Nhiều người còn cho rằng ta chỉ cần nhờ khoa tâm lý để chiến đấu chống lại mặc cảm tội lỗi. Nhưng điều quan trọng là phải có ý thức thực sự về tội lỗi của mình. Cũng như khi chạy xe, khi đồng hồ báo hiệu đã vượt quá tốc độ cho phép, thì không phải lỗi tại đồng hồ, mà lỗi tại người lái xe. Ta càng gần gũi Chúa là ánh sang, thì vùng tối của ta sẽ hiện rõ ràng. Nhưng Chúa không phải thứ ánh sáng đốt cháy, mà Người là ánh sáng chữa lành. Vì thế, ăn năn hối hận đẩy ta bước vào ánh sáng giúp ta tái lập lại hoàn toàn. → 312
“Sám hối bắt nguồn từ việc nhận ra sự thật.” – Thomas Stearns Eliot (1888-1965, văn sĩ Anh-Mỹ).
“Phải trỗi dậy ngay lập tức khi ngã xuống. Không bao giờ để cho tội lỗi ở trong trái tim giây phút nào.” – Thánh Gioan Vianney
“Sám hối là gì? Là rất đau buồn vì ta đã sống như vậy.” – Marie Von Ebner-Eschenbach (1830-1916, văn sĩ người Áo).
“Thiên Chúa đánh giá rất cao lòng sám hối. Chỉ cần có lòng sám hối một chút ở trần gian, miễn là thành thật, cũng làm Chúa quên hết mọi tội lỗi, đến nỗi dù là quỷ dữ Chúa cũng tha hết tội cho chúng nếu chúng có thể sám hối.” – Thánh Phanxicô Salêsiô.
“Dấu hiệu của lòng sám hối thành thật là tránh xa các dịp tội.” – Thánh Bernard de Clairveaux
“Thống hối là phép Rửa Tội thứ hai, phép Rửa tội bằng nước mắt.” – Thánh Gregory Nazianze
230. Việc đền tội là gì?
– Đền tội là trả lại hay đền bù sự gì bất công mình đã sai phạm. Đền tội không phải chỉ làm trong ý nghĩ, nhưng phải tỏ ra trong việc bác ái và liên đới với người khác. Người ta cũng đền tội bằng cầu nguyện, ăn chay, giúp người nghèo về tinh thần và vật chất. [1434 – 1439]
– Việc đền tội thường bị hiểu lầm. Nó không phải là khinh dể mình, hoặc bối rối sai lầm. Không phải là cứ lặp đi lặp lại không ngừng rằng ta xấu quá. Việc đền tội giải thoát ta và khuyến khích ta lại lên đường.
“Sau khi sa ngã, hãy đứng dậy ngay. Đừng bao giờ để tội trong lòng dù một lúc.” – Thánh Gioan Vianney
231. Đâu là 2 điều kiện căn bản để Kitô hữu được tha tội?
– Hai điều kiện căn bản là: Kitô hữu ăn năn trở lại, và Linh mục nhân Danh Chúa tha tội cho người ấy. [1448]
? Tha tội: Việc tha tội của linh mục là tha thứ có tính cách bí tích một hay nhiều tội sau khi một người đã sám hối để xưng tội. Công thức để tha tội là: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho… ơn tha thứ và bình an. Vậy tôi (cha) tha tội cho… nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. – Ga 20,23
Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi. – 1 Pr 4,8
“Thiên Chúa biết hết mọi sự. Nhất là Người biết sau khi xưng tội ta lại bắt đầu phạm tội. Dầu vậy Người vẫn tha. Người tha đến nỗi cố tình quên cả trong tương lai (ta sẽ phạm tội) để vẫn cứ tha thứ.” – Thánh Gioan Vianney
232. Trước khi vào toà xưng tội, tôi phải làm gì?
– Những điều căn bản cho mọi lần xưng tội là: xét mình, ăn năn. dốc lòng chừa, có ý sửa đổi, xưng tội, đền tội. [1450 – 1460; 1490 – 1492; 1494]
– Xét mình phải làm theo chiều sâu, dù biết không bao giờ là hoàn toàn. Không ăn năn hối hận thành thật, chỉ nói ở đầu lưỡi thì không được khỏi tội. Việc dốc lòng chừa không tái phạm cũng cần thiết. Tội nhân phải tuyệt đối tự mình xưng tội ra với cha giải tội. Sau cùng xưng tội cũng bao gồm việc đền bù hay là đền tội mà cha giải tội chỉ định để tội nhân sửa lại sai lầm đã gây ra.
233. Phải xưng những tội nào?
– Tất cả mọi tội nặng ta nhớ được sau khi đã xét mình, và thấy nó chưa được xưng, thì khi xưng ra sẽ được tha thứ hết. [1457]
– Thực ra người ta thường ngại đi xưng tội, nguyên việc phải chịu trách nhiệm về mình đã là một bước đầu để tìm lại sức khỏe nội tâm rồi. Điều đó thường giúp ta nghĩ rằng ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng phải có can đảm để thú tội và những thiếu sót của mình cho một linh mục (nghĩa là cho Thiên Chúa). Một linh mục cũng có thể ban phép giải tội cho một nhóm người (người ta gọi là giải tội tập thể), mặc dầu trước đó những người này chưa xưng tội cá nhân, nhưng chỉ được giải tội tập thể trong trường hợp khẩn cấp quan trọng (như gặp chiến tranh, gặp máy bay tấn công, hoặc nhóm người đó gặp nguy hiểm có thể chết) → 315 – 320
“Tôi còn đáng bị phạt hơn bạn! Bạn đừng ngại đi xưng tội.” – Thánh Gioan Vianney
234. Khi nào người Công giáo buộc phải xưng những tội nặng?
– Khi đủ tuổi khôn, tín hữu phải xưng các tội nặng. Hội Thánh mạnh mẽ khuyên phải xưng tội nặng một năm ít là một lần. Dù sao, khi biết mình mắc tội nặng, tín hữu phải đi xưng tội trước khi rước lễ. [1457]
– Hội Thánh hiểu đủ tuổi khôn là tuổi trẻ em có thể dùng lý trí để học biết phân biệt tốt xấu. → 315-320
“Nghĩ rằng ta phải sống sao để không bao giờ cần được tha thứ, nghĩ thế không đúng. Chấp nhận sự yếu đuối của mình, nhưng luôn đứng lại trên đường, không đầu hàng, trái lại cứ tiến bước về phía trước và luôn luôn trở lại nhờ bí tích Giao hòa để lại lên đường và nhờ thế lớn lên cho Chúa, tất cả được chín chắn lên trong hiệp thông với Chúa.” – Đức Bênêđictô XVI, 17-2-2007
235. Tôi có được xưng tội, nếu không có tội nặng không?
– Không có tội nặng thật thì không buộc xưng tội. Nhưng xưng tội là một ơn lớn để được chữa lành, và làm cho người ta được kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa. [1458]
– Ở các cuộc hội họp hoặc ngày giới trẻ thế giới, người ta thấy đâu đâu cũng có giới trẻ tìm đến bí tích Hòa giải. Các Kitô hữu coi trọng ước muốn theo Chúa Kitô thì tìm nơi bí tích này niềm vui lại lên đường với Chúa. Ngay các vị thánh cũng thường đi xưng tội. Khi có thể, các ngài cần để lớn lên trong khiêm tốn và bác ái, và để được ánh sáng tốt lành của Chúa chiếu soi tận góc nhỏ của tâm hồn.
“Mặc dù đôi khi có vụng về, việc xưng tội là dịp quyết định để ta tìm lại được vẻ tươi mát của Tin Mừng nhờ đó ta được tái sinh. Ở đó ta học biết loại bỏ những hối hận của mình bằng một hơi thổi, như đứa trẻ thổi vào chiếc lá mùa thu đang quay cuồng. Ta tìm được ở đó hạnh phúc của Thiên Chúa, khởi đầu của niềm vui hoàn hảo.” – Thầy Roger Schutz
236. Tại sao chỉ có linh mục mới được tha tội?
– Không ai có thể tha tội, nếu Thiên Chúa không ban quyền và năng lực để tha tội nhân danh Người. Giám mục là người ưu tiên được chỉ định để tha tội. Còn linh mục là người cộng tác với giám mục trong việc tha tội này. [1461–1466; 1495] → 150, 228, 249 – 250
“Sự thật thà mà ta chứng tỏ với một người anh em không liên quan gì tới chuyện xưng tội. Việc xưng tội được thực hiện đối với Chúa trên trời, và ở dưới đất đối với một người đã nhận được một sứ mệnh.” – Thầy Roger Schutz
237. Có tội nào nặng đến nỗi linh mục bình thường không tha được không?
– Có những tội mà con người hoàn toàn quay lưng lại với Chúa vì mức độ nặng nề của nó thì họ mắc vạ “tuyệt thông”. Để chứng tỏ mức độ nặng nề đó, chỉ có giám mục tha vạ này. Trong ít trường hợp, chỉ độc nhất Đức Giáo hoàng tha vạ tuyệt thông. Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử (vì phần rỗi linh hồn), bất cứ linh mục nào cũng được tha mọi tội và vạ tuyệt thông. (Người Công giáo trực tiếp phá thai thì mắc vạ tuyệt thông). [1463]
? Vạ tuyệt thông là hình phạt không được lãnh các bí tích.
238. Linh mục, sau khi giải tội có được nói ra điều mình biết trong tòa Giải tội không?
– Không bao giờ, dù bất cứ trường hợp nào, linh mục phải tuyệt đối giữ sự bí mật của toà Giải tội. Bất cứ linh mục nào nói ra cho người khác điều gì mình đã nghe biết trong toà Giải tội sẽ tức khắc bị vạ tuyệt thông. Dù cảnh sát, công an hỏi, linh mục cũng không được nói hoặc làm dấu hiệu gì. [1467]
– Hầu như không có linh mục nào mà không coi trọng việc giữ bí mật tòa giải tội. Có những linh mục liều chết hoặc chấp nhận bị hành hạ để giữ lòng trung thành. Vì thế, ta có thể nói cởi mở và không phải dè dặt với một linh mục, ta cứ tin ở ngài cách an toàn, vì nhiệm vụ của ngài lúc giải tội là hoàn toàn làm “cái tai của Thiên Chúa”.
239. Hiệu quả tích cực của Bí tích Giải Tội là gì?
– Bí tích Giải Tội cho tội nhân làm hoà với Thiên Chúa và Hội Thánh, được trở lại làm con Chúa và lại được Chúa yêu thương. [1468-1470, 1496]
– Giây phút sau khi ban phép tha tội giống như nước từ hoa sen tưới xuống sau khi thể thao, như luồng gió mát sau cơn bão mùa hè, như được thức dậy dưới tia sáng mặt trời, như người lặn không bị trọng lực hút… Hoà giải với Chúa là lại được làm con Chúa, được yêu mến, được đón nhận vào tình yêu Người, được hòa thuận lại với Người.
“Cứ yêu mến Chúa Giêsu, đừng sợ, dù bạn có phạm mọi tội trên đời. Chúa Giêsu sẽ lặp lại lời này cho bạn: ‘Tội con nhiều, nhưng đã được tha, vì con yêu mến nhiều’.” – Thánh Padre Piô (1887-1968, một trong các vị thánh bình dân nhất ở Ý)
240. “Bệnh tật” được hiểu như thế nào trong Cựu ước?
– Trong Cựu ước, bệnh tật thường được coi như thử thách lớn lao khiến người ta phải nổi loạn, nhưng trong bệnh tật người ta có thể nhận ra bàn tay của Chúa. Các ngôn sứ cũng coi bệnh tật không nhất thiết là lời nguyền rủa, cũng không luôn là kết quả do tội cá nhân. Tuy nhiên người chịu đau khổ của mình cách kiên nhẫn cũng có thể giúp người khác kiên nhẫn như vậy. [1502]
Cần phải được ứng nghiệm lời Tiên tri Isaia: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. – Mt 8,17
Chúa Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” – Mc 2,17
241. Tại sao Chúa Giêsu tỏ ra quan tâm đến các bệnh nhân nhiều đến thế?
– Chúa Giêsu đến trần gian để bày tỏ cho thấy tình yêu của Chúa. Người có mặt khi chúng ta đặc biệt bị đe dọa sợ hãi: khi ta bệnh tật Chúa muốn cứu chữa ta cả xác lẫn hồn, Người mời gọi ta tin nơi Người và nhận ra rằng Nước Chúa đang đến. [1503 – 1505]
– Đôi khi ta cũng phải mắc bệnh tật để ý thức rằng: mọi người đều cần đến Chúa dù là có bệnh tật hay không. Bởi vì ta được sống là nhờ Người. Vì thế, các bệnh nhân và các tội nhân thường có bản năng đặc biệt ham muốn điều cốt yếu là được sống còn. Ngay thời Tân ước, chính những bệnh nhân là những người tìm cách đến gần Chúa Giêsu; họ cố gắng tìm cách chạm đến Chúa vì có một sức mạnh phát xuất từ Người, và Người chữa lành cho mọi người (Lc 6,19). → 91
“Giữa sự xấu hơn của thế giới Kitô giáo và sự tốt hơn của thế giới ngoại giáo, tôi luôn chọn thế giới Kitô giáo vì thế giới Kitô giáo dành một chỗ cho những người không bao giờ có thể có được chỗ đó trong thế giới ngoại giáo: đó là những người bệnh tật, ốm đau, già nua và yếu đuối, và họ được một điều còn tốt hơn là một chỗ: đó là được tình yêu thương đối với những người mà trong thế giới ngoại giáo và không có Thiên Chúa, người ta đã coi và vẫn còn coi họ là vô ích vô dụng.” – Heinrich Boll (1917-1985, văn gia Đức)
“Người bệnh tật cảm nghiệm được các sự việc tốt hơn mọi người khác.” – Reinold Schneider (1913-1958, văn sĩ người Đức)
242. Tại sao Giáo Hội phải chăm sóc cách riêng cho người bệnh?
– Chúa Giêsu cho ta biết: Thiên đàng đau khổ với ta khi ta đau khổ dưới đất. Thiên Chúa còn muốn chúng ta nhận ra Người nơi “người anh em bé mọn nhất” (Mt 25, 40). Đó là lí do tại sao, Chúa Giêsu muốn việc chăm sóc người bệnh, người nghèo phải là nhiệm vụ chính của các môn đệ. Người truyền dạy: “Hãy chữa lành bệnh tật” (Mt 10, 8), và Người hứa ban quyền thiêng cho môn đệ “Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, sẽ đặt tay chữa lành bệnh nhân” (Mc 16,17). [1506 – 1510]
– Một trong những đặc tính nổi bật của Kitô giáo là luôn luôn dành trọng tâm chăm sóc bệnh nhân, người già và những người nghèo túng. Mẹ Têrêsa là người đón nhận những người đang hấp hối ở đường phố Calcutta chỉ là một Kitô hữu như mọi Kitô hữu khác, nhưng Mẹ đã nhìn thấy Chúa Kitô trong những người bị mọi người loại bỏ và chạy trốn. Nếu Kitô hữu là Kitô hữu đích thật, thì từ nơi họ sẽ toát ra một ước muốn an ủi, nâng đỡ, được thực hiện trong hành động. Họ có thể giúp người khác khỏi bệnh phần xác, nhờ sức mạnh của Thánh Thần. (đặc sủng chữa bệnh → Đặc Sủng)
“Việc lo lắng cho người nghèo phải là một ưu tiên: cần phải giúp đỡ họ như họ là chính Chúa Kitô vậy.” – Thánh Benoît de Nursie (khoảng 480-547, đấng sáng lập dòng Biển Đức)
“Và chúng tôi còn có lời thề là hứa trở nên người tận tâm phục vụ các người bệnh tật của Chúa chúng ta.” – Luật dòng Thánh Jean de Malte
243. Ai được lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân?
– Bất cứ người Công giáo nào sức khoẻ đến hồi liệt nặng đều được lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. [1514 – 1515, 1528 – 1529]
– Ta có thể lãnh bí tích này nhiều lần trong suốt đời. Ngay cả người trẻ cũng có lý do để xin lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân trong trường hợp sắp được giải phẫu nặng. Trong những trường hợp như vậy nhiều Kitô hữu còn muốn xưng tội nữa, họ muốn trình diện với Chúa một lương tâm trong trắng, nếu họ không bình phục.
244. Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được trao ban thế nào?
– Nghi lễ cốt yếu của Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là xức dầu thánh trên trán và 2 bàn tay, trong khi đó linh mục đọc lời xức dầu. [1517 – 1519, 1531]
Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. – Gc 5,14
245. Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân ban những ơn nào?
– Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân ban ơn an ủi, bình an, sức mạnh và kết hợp tình trạng phiền não và đau đớn của bệnh nhân với những đau khổ của Chúa Kitô cách sâu xa hơn, vì Chúa đã có kinh nghiệm với sự sợ hãi và chịu những đau đớn của ta nơi thân xác Người. Với nhiều bệnh nhân, Bí tích Xức Dầu còn ban cho họ sức khoẻ phần xác. Nhưng nếu Chúa muốn gọi họ về quê trời, Người ban cho họ sức mạnh hồn xác để chiến đấu lần cuối cùng. Trong hết mọi trường hợp, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân ban hiệu quả là ơn tha các tội lỗi đã phạm. [1520 – 1523, 1532]
– Nhiều bệnh nhân sợ bí tích này và từ chối cho đến giờ chót vì họ nghĩ rằng đây là một thứ án tử. Nhưng quả thật là trái ngược lại: vì xức dầu bệnh nhân là một bảo đảm cho sự sống. Mọi Kitô hữu đang bị bệnh tật đeo đuổi cần phải loại bỏ những cảm nghĩ sợ hãi và sai lầm. Hầu hết các bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm nặng có trực giác vào lúc nhất định này là không có gì quan trọng cho bằng trở nên đồng hình đồng dạng ngay tức thì và vô điều kiện với Đấng đã thắng sự chết và là sự sống: Chúa Giêsu, Đấng cứu chúng ta.
Dù tôi qua thung lũng tối tăm tôi không sợ gì vì Chúa ở gần tôi; cây gậy của Chúa có đó khiến tôi an lòng. – Tv 23,4
Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời. – Ga 6,54
246. Ai được ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân?
– Chỉ các Giám mục và linh mục được ban bí tích Xức dầu bệnh nhân: chính Chúa Kitô ban qua các vị này, vì các Ngài đã được Truyền chức thánh. [1516 – 1530]
“Khi ban bí tích này, linh mục đọc: “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ… để Người giải thoát… khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa… và thương làm cho… được thuyên giảm”.” – Nghi thức Xức dầu bệnh nhân
247. “Của ăn đàng” nghĩa là gì?
– Khi bệnh nhân được “rước lễ” lần sau hết trước khi chết, Hội thánh quen gọi là rước lễ như của ăn đường, để đi về với Chúa. [1524 – 1525]
– Ít khi việc rước lễ lại cần thiết cách cốt tử hơn là lúc con người sắp hoàn thành cuộc vượt qua chấm dứt cuộc sống đời này: trong thế giới mai sau, cuộc sống sẽ là hiệp thông với Chúa Kitô.
Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, sẽ được sống muôn đời. Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết. – Ga 6,54
“Hạnh phúc muôn đời là tình trạng mà việc chiêm ngưỡng là lương thực.” – Simone Weil (1909-1943, triết gia và nhà thần bí Pháp)
248. Tên của các Bí tích phục vụ sự hiệp thông trong Hội Thánh là gì?
– Người đã được Rửa Tội và Thêm Sức được lãnh nhận 2 bí tích ban cho họ một sứ mạng đặc biệt trong Hội Thánh và một sứ vụ do Chúa kêu gọi, đó là Bí tích Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. [1533 – 1535]
– Hai bí tích này có một điểm chung là phục vụ người khác. Không ai chịu chức thánh cho riêng mình và không ai kết hôn cho riêng mình. Hai bí tích này nhắm tới xây dựng Dân Chúa, nghĩa là những cái máng để tình yêu Chúa tưới cho thế giới.
“Các linh mục được truyền chức thánh để nên phương tiện cứu rỗi, không cho cá nhân mình, nhưng cho cả Hội thánh.” – Thánh Tôma Aquinô
249. Bí tích Truyền Chức Thánh gồm những cấp bậc nào?
– Bí tích Truyền Chức Thánh gồm có 3 cấp bậc: giám mục, linh mục, phó tế. [1554, 1593] → 140
“Chỉ có Chúa Kitô là linh mục duy nhất và đích thực, các vị khác chỉ là thừa tác viên của Người.” – Thánh Tôma Aquino
250. Việc truyền chức Giám mục có ý nghĩa thế nào?
– Việc truyền chức Giám mục là việc trao ban đầy đủ bí tích Truyền Chức Thánh cho linh mục để làm giám mục. Giám mục là vị kế tiếp các tông đồ và gia nhập đoàn Giám mục. Cùng với các Giám mục khác và Đức Giáo hoàng, từ nay ngài có nhiệm vụ trên toàn Hội thánh Công giáo, và cách riêng trong giáo phận. Hội Thánh trao ban cho ngài có quyền giáo huấn, thánh hoá và quản trị. [1555-1559]
– Chức vụ giám mục là chức mục vụ đích thực trong Hội Thánh vì nguồn gốc có từ các tông đồ, là những chứng nhân đầu tiên về Chúa Giêsu và chức đó làm cho chức mục vụ của các tông đồ Chúa Kitô thiết lập được tồn tại mãi. Đức Giáo hoàng cũng là một giám mục số một và đứng đầu Giám mục đoàn. → 92, 137
“Tôi phải khiếp sợ vì là giám mục đối với anh em nhưng tôi tự an ủi vì là Kitô hữu cùng với anh em. Đối với anh em tôi là giám mục, cùng với anh em tôi là Kitô hữu, một có ý chỉ trách nhiệm, một có ý chỉ ân sủng, một là nguy cơ, một là giải thoát.” – Thánh Augustinô
251. Giám mục quan trọng thế nào đối với một Kitô hữu Công giáo?
– Một Kitô hữu Công giáo buộc phải vâng lời Đức Giám mục của mình. Giám mục là đại diện Chúa Kitô. Giám mục thi hành trách nhiệm mục vụ. Cùng với các linh mục và các phó tế, là các phụ tá có thánh chức, đó là nguyên lý hữu hình và nền tảng của một Hội Thánh ở địa phương (giáo phận). [1560 – 1561]
“Tất cả anh em phải theo giám mục hướng dẫn, như Chúa Giêsu theo Đức Chúa Cha hướng dẫn… Đừng ai làm gì trong Hội Thánh mà không theo Giám mục.” – Thánh Inhaxiô Antiôkia
252. Bí tích Truyền Chức Thánh ban ơn gì?
– Bí tích Truyền Chức Thánh ban ơn Chúa Thánh Thần cho người nhận lãnh, nghĩa là Chúa Kitô ban quyền thánh chức cho họ qua sự đặt tay của Đức Giám mục. [1538]
– Làm linh mục không chỉ là nhận một chức vụ hoặc tác vụ. Nhờ Bí tích Truyền Chức, một linh mục nhận một quyền chuyên biệt và một sứ vụ đối với anh chị em trong đức tin. → 150, 251, 228, 236
253. Hội Thánh hiểu thế nào về Bí tích Truyền Chức Thánh?
– Các tư tế Cựu ước có sứ vụ là trung gian giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và dân của Người. Cũng như Chúa Kitô là “trung gian duy nhất” giữa Thiên Chúa và nhân loại (1 Tm 2,5), Người đã làm hoàn hảo và hoàn tất chức linh mục đó. Sau Chúa Kitô chỉ có các linh mục đã được truyền chức trong Chúa Kitô, trong hiến tế của Chúa Kitô trên thánh giá, qua sự kêu gọi của Chúa Kitô, và sứ vụ tông đồ. [1539 – 1553, 1592]
– Một linh mục Công giáo cử hành các bí tích không phải do quyền riêng của ngài, cũng không phải vì ngài hoàn hảo về luân lý (không may có khi ngài không được như vậy), nhưng ngài làm nhân danh Chúa Kitô. Nhờ có chức thánh, ngài được sức mạnh của Chúa Kitô để biến đổi, chữa lành, cứu thoát. Vì linh mục tự mình chẳng có quyền gì, ngài trước hết là tôi tớ để phục vụ. Tất cả các linh mục đều được coi là đích thực khi ngài luôn luôn khiêm tốn ngạc nhiên rằng mình đã được Chúa gọi. → 215
254. Việc truyền chức linh mục ban ơn gì?
– Khi truyền chức linh mục, giám mục xin sức mạnh của Thiên Chúa xuống trên người lãnh chức. Sức mạnh ấy in vào linh hồn một ấn tích còn mãi không bao giờ mất. Linh mục là người cộng tác của Giám mục, linh mục công bố Lời Chúa, ban các Bí tích, nhất là dâng Thánh lễ. [1562 – 1568]
– Trong thánh lễ, phong chức, bắt đầu là việc gọi tên các người được chọn. Sau bài giảng của Giám mục, người chịu chức hứa vâng lời Giám mục và các đấng kế vị. Việc phong chức được thực hiện bằng cử chỉ đặt tay của Giám mục và kinh nguyện kèm theo. → 215, 236, 259
“Linh mục tiếp tục công việc cứu rỗi của Chúa Kitô trên thế giới.” – Thánh Gioan Vianney
“Nếu người ta muốn phá Hội Thánh, họ bắt đầu tấn công linh mục, vì không còn linh mục, sẽ không còn thánh lễ, không còn thánh lễ thì sẽ không còn đạo Công giáo nữa.” – Thánh Gioan Vianney
255. Việc truyền chức phó tế ban ơn gì?
– Trong việc truyền chức phó tế, người lãnh được trao ban một sứ vụ riêng trong Bí tích Truyền Chức Thánh. Phó tế thay mặt Chúa Kitô Đấng đến để “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Trong nghi thức Truyền Chức có nói rằng: “Phó tế vì là thừa tác viên của Lời Chúa, của bàn thờ, và của đức Ái, Phó tế sẽ biến mình thành tôi tớ mọi người”. [1569 – 1571]
– Hình ảnh đầu tiên ta có về hàng phó tế là thánh Têphanô tử đạo. Khi các tông đồ của Hội thánh tiên khởi ở Giêrusalem bị tràn ngập bởi nhiều công việc bác ái, các ngài kêu gọi bảy người nam “để phục vụ cho bữa ăn” mà sau đó các ngài truyền phép. Một vị tên là Têphanô “có đầy ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa” đã hoàn thành mọi việc để phục vụ đức tin và những người nghèo của cộng đoàn. Suốt nhiều thế kỷ chức phó tế chỉ là chặng đường dẫn đến chức linh mục, nay chức phó tế đã trở thành chức vụ riêng biệt hoàn toàn, dành cho những người độc thân hoặc đã lập gia đình. Một đàng Hội thánh muốn nhấn mạnh đến việc phục vụ như đặc tính của Hội Thánh, và đàng khác Hội Thánh muốn, như trong Hội Thánh sơ khởi, phụ thêm cho các giám mục một chức vụ nhằm giúp đỡ các ngài, và để hoàn thành ngay trong lòng Hội Thánh những hoạt động mục vụ và xã hội. Việc phong chức phó tế cũng in một dấu ấn bí tích (ấn tích) không thể xóa bỏ cho đến suốt đời. → 140
? Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; Họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch. Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá, nếu không bị ai khiếu nại. Các trợ tá phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt. – 1 Tm 3,8.12
? Phó tế là bậc đầu tiên trong bí tích truyền chức thánh trong Hội thánh Công giáo. Như chính tên đã nói rõ, phó tế dấn thân trước hết trong các dịch vụ bác ái, và cũng có bổn phận giảng dạy, dạy giáo lý công bố Tin Mừng, giảng trong Thánh lễ, cử hành bí tích Rửa tội và Hôn phối, và phụ giúp trong các buổi cử hành.
256. Ai được lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh?
– Chỉ người nam giới, đã được Rửa tội trong đạo Công giáo, được Hội Thánh kêu gọi lên lãnh các chức phó tế, linh mục, giám mục, thì mới lãnh các chức vụ này thành phép. [1577 – 1578]
“Không ai có thể là linh mục tốt hơn Đức Mẹ. Mẹ có thể nói cách không do dự: “Đây là Mình Tôi”, vì Chúa Giêsu mà Mẹ đã ban cho ta, quả thực là mình của Mẹ. Nhưng Mẹ đã giữ nguyên địa vị tôi tớ hèn mọn của Thiên Chúa, đến nỗi chúng ta có thể chuyện trò với Mẹ như là Mẹ chúng ta. Mẹ là một người trong chúng ta, và chúng ta luôn luôn hợp nhất với Mẹ. Sau khi Con Mẹ qua đời, Mẹ tiếp tục sống trên trái đất để củng cố thêm sức cho các Tông đồ trong nhiệm vụ các ngài, để làm Mẹ các ngài, cho đến khi Hội Tthánh trẻ trung thành hình.” – Mẹ Têrêsa Calcutta
257. Nếu chỉ có nam giới được lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh thì nữ giới có bị kỳ thị không?
– Luật nói rằng: chỉ nam giới được lãnh chức thánh, không làm hạ phẩm giá nữ giới. Đối với Thiên Chúa, nam hay nữ đều có phẩm giá như nhau, nhưng mỗi giới có những bổn phận và đoàn sủng khác nhau. Hội thánh quen chọn người nam, chính vì Chúa Giêsu đã chỉ chọn người nam khi lập chức linh mục trong Bữa Tiệc Ly. Năm 1994, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố rằng: “Hội Thánh không có quyền truyền chức linh mục cho nữ giới, và mọi tín hữu của Hội Thánh phải dứt khoát tuân giữ quyết định đó”.
– Thời xưa không có ai đề cao phụ nữ bằng Chúa Giêsu (điều mà thời đó được coi là khiêu khích), Người đã đồng ý làm bạn với họ và bảo vệ họ. Nhiều phụ nữ đi theo Chúa Giêsu và Người đánh giá đức tin họ rất cao. Người đầu tiên làm chứng nhân cho việc Chúa Giêsu sống lại là phụ nữ, bà Maria Mađalena. Vì thế, người ta nói rằng bà là “một phụ nữ tông đồ giữa các tông đồ”. Dầu vậy việc truyền chức linh mục cũng như trách nhiệm mục vụ luôn luôn được truyền lại cho người nam. Các linh mục người nam phải thay mặt Chúa Giêsu để tập họp Hội Thánh. Chức linh mục là một chức vụ đặc biệt đòi hỏi người nam phải thi hành vai trò của người nam làm cha. Không có sự ưu thế nào của nam trên nữ. Các phụ nữ có vai trò trong Hội Thánh, như ta thấy qua Đức Maria một vai trò trung tâm không thua kém người nam, nhưng là vai trò của nữ giới. Bà Eva trở thành mẹ của mọi người đang sống (St 3,20). Xét theo là mẹ của mọi người đang sống, các phụ nữ có những tư chất và khả năng đặc biệt. Nếu không có cách thế riêng biệt mà chỉ phụ nữ mới có như dạy dỗ, loan báo Tin Mừng, sống bác ái, sống đạo đức và mục vụ, thì Hội Thánh “bị cắt cụt một nửa”. Khi những người nam trong Hội Thánh dùng chức vụ linh mục như công cụ của quyền lực, hoặc khi các người nữ không lo tận dụng những đặc sủng của mình, thì cả hai đã xúc phạm đến tình yêu và đến Thánh Thần của Chúa Giêsu.
258. Tại sao Hội thánh Công giáo đòi các linh mục và giám mục sống đời độc thân?
– Chúa Giêsu đã sống đời độc thân, và muốn dùng cách này để nói lên tình yêu của Người với Thiên Chúa Cha là không chia sẻ với ai. Cho nên việc theo lối sống của Chúa Giêsu và sống khiết tịnh không đôi bạn “vì Nước Trời” (Mt 19,12) đã có từ thời Chúa Giêsu, được coi như là dấu hiệu của tình yêu, của sự hiến dâng cho Thiên Chúa không chia sẻ, của sự tự nguyện hoàn toàn để phục vụ. Hội thánh Rôma đòi các linh mục, giám mục của mình theo lối sống độc thân này, trong khi các Giáo hội Công giáo Đông phương chỉ đòi các Giám mục của họ. [1579 – 1583, 1599]
– Theo Đức Bênêđictô XVI, sống độc thân không có nghĩa là “để cho tình yêu trống rỗng, trái lại nó phải mang ý nghĩa đó là người để cho tình yêu Thiên Chúa chiếm lấy mình. Một linh mục sống độc thân phải chứng tỏ rằng cuộc đời ngài có sinh sản bởi vì ngài làm cho tư cách là cha của Thiên Chúa và Chúa Giêsu được thể hiện. Đức Giáo hoàng còn nói với chúng ta rằng “Chúa Kitô cần những linh mục chín chắn và can đảm, có khả năng và thực hành tư cách đích thực là cha thiêng liêng”.
“Hội thánh Công giáo có ý thức rõ ràng rằng mình sẽ kéo theo một sự đảo lộn triệt để về các giá trị khi loại bỏ việc sống độc thân không? Việc sống độc thân của linh mục là một điên rồ của Tin Mừng, trong đó có chứa một chân lý ẩn giấu. Duy trì việc độc thân Hội thánh đặt mình vào lãnh vực vô hình, vào Mầu nhiệm Chúa Kitô.” – Frère Roger Schutz
259. Chức linh mục tổng quát của các tín hữu khác với chức linh mục do chức thánh thế nào?
– Qua Bí tích Rửa Tội, Chúa Giêsu đã cho chúng ta gia nhập vương quốc tư tế của Cha Người (Kh 1,6). Qua chức linh mục tổng quát, tất cả các Kitô hữu được gọi nhân danh Chúa để làm việc trong thế giới, đem phép lành và ơn phúc cho thế giới. Trong Bữa Tiệc Ly, khi Chúa uỷ quyền cho các tông đồ, là Chúa trang bị cho họ quyền ban bí tích để phục vụ giáo dân; những linh mục có chức thánh này thaymặt Chúa Kitô như là người chăn chiên của dân mình, và như đầu của Thân thể Chúa là Hội Thánh. [1546 – 1553, 1592]
– Từ “linh mục” có hai nghĩa gần giống nhau là linh mục và tư tế nhưng thường bị lẫn lộn, vì linh mục và tư tế khác nhau về nội dung cũng như cả về hình thức nữa (Công đồng Vatican II). Ta phải ngập tràn vui mừng khi nghĩ rằng những ai được Rửa tội đều là tư tế, bởi vì họ sống trong Chúa Giêsu Kitô và kết hợp với Chúa Giêsu ở chỗ Người là ai và Người làm gì. Tại sao ta không thường xuyên cầu nguyện để chúc lành của Thiên Chúa xuống trên thế giới? Đàng khác ta phải khám phá ra ân huệ mà Thiên Chúa ban cho Hội thánh đó là các linh mục có chức thánh, các ngài làm cho Chúa ở giữa ta. → 138
Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là dân của Thiên Chúa, xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương. – 1 Pr 2,9.10
Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. – 1 Pr 2,5
7. Bí tích Hôn Phối
260. Tại sao Thiên Chúa tạo dựng có người nam và người nữ cho nhau?
– Thiên Chúa tạo dựng có người nam và người nữ để họ “không còn là hai nhưng là một xương một thịt” (Mt 19,6). Như vậy họ phải sống trong tình yêu, phải sinh con cái, và trở nên chứng nhân của một Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta bằng tình yêu vô hạn. [1601 – 1605] → 64, 400, 417
Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, Ta sẽ chúc phúc cho ngươi, Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. – St 12,2
261. Bí tích Hôn Phối được thực hiện thế nào?
– Bí tích Hôn Phối được thực hiện do hai người nam và người nữ hứa với nhau trước Thiên Chúa và Hội Thánh. Thiên Chúa nhìn nhận cũng như đóng dấu cho ưng thuận đó để đôi nam nữ thực sự hoàn thành trong việc kết hợp hai thân xác. Dây liên kết của Bí tích Hôn Phối ràng buộc họ cho đến chết, vì chính Thiên Chúa đã nối kết. [1625 – 1631]
– Bí tích Hôn Phối là một quà tặng hỗ tương mà chồng vợ trao cho nhau. Linh mục hay phó tế nhân danh Hội thánh để trình bày cách hữu hình rằng hôn phối là một thực tại của Hội Thánh và xin chúc lành của Thiên Chúa xuống trên đôi hôn phối. Một cuộc hôn nhân chỉ được thực hiện nếu có sự ưng thuận kết hôn, nghĩa là nếu đôi bạn tương lai muốn kết hôn cách hoàn toàn tự do, không sợ hãi, không bị ép buộc và nếu không có gì ngăn trở sự kết hôn, do những bất tiện tự nhiên hoặc do Hội Thánh (đã kết hôn rồi, đã khấn sống độc thân).
“Làm sao diễn tả được hạnh phúc của hôn nhân mà Hội thánh sắp xếp? Đôi khi Kitô hữu được hiệp nhất bởi cùng một hy vọng, cùng một ước muốn duy nhất, cùng một kỷ luật chung, cùng một sứ vụ… không gì chia cách họ trong tinh thần cũng như trong thân xác. Ở đâu thân xác nên một thì tinh thần nên một.” – Tertulianô (160-220, văn sĩ Công giáo tiếng Latinh)
262. Điều gì cần để lãnh Bí tích Hôn Phối?
– Cần 3 điều này: nói lên ưng thuận cách hoàn toàn tự do; cam kết sống suốt đời, và chỉ quan hệ độc quyền với nhau về tình dục; sẵn sàng sinh con cái. Tuy nhiên, điều căn bản hơn cả về Bí tích Hôn Phối là đôi hôn nhân cần biết rằng họ chính là hình ảnh sống động của tình yêu Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh Người”. [1644 – 1654, 1664]
– Đòi hỏi hôn nhân phải một vợ một chồng và không thể phân ly, đối nghịch với việc nhiều chồng nhiều vợ mà Kitô giáo coi là một tội căn bản chống lại tình yêu và chống lại quyền con người. Đòi hỏi này cũng đối nghịch với việc mà người ta có thể gọi là “nhiều vợ nhiều chồng liên tục”, nghĩa là cứ liên tục quan hệ mà không muốn cam kết chỉ trong một lần ưng thuận duy nhất, không làm lại nữa. Đòi hỏi phải chung thuỷ trong hôn nhân quy kết là phải chung thủy suốt đời, và phải loại bỏ mọi quan hệ ngoài hôn nhân. Đòi hỏi phải đón nhận sinh con cái có nghĩa là đôi bạn Kitô hữu sẵn sàng đón nhận những đứa con mà Thiên Chúa muốn ban cho. Các đôi bạn không có con được Chúa kêu gọi đến một hình thức khác của việc “sinh sản”. Nếu khi cử hành hôn phối, một trong các yếu tố trên bị từ chối, thì không có hôn nhân.
“Các Kitô hữu không yêu thương khác với những người khác, nhưng họ được giúp đỡ nhiều hơn.” – Vô danh
“Một vợ một chồng, nhiều vợ nhiều chồng. Kitô giáo không chấp nhận nhiều vợ nhiều chồng, cũng như Nhà nước cấm hai vợ hai chồng.”
“Tình yêu đạt tới hoàn thành trong sự chung thuỷ.” – Kierkegaard
“Yêu ai là nhìn nhận họ như Thiên Chúa đã muốn họ như thế.” – Fedor Dostoïevski
“Một đôi bạn cởi mở là một đôi bạn không bao giờ khép kín trên chính mình.” – Théodor Weissenborn (1933-, văn sĩ Đức)
“Yêu ai là nhìn họ như tuyệt vời duy nhất mà người khác không thấy được.” – Francois Mauriac
“Yêu là yêu người khác như họ đang là, đã là và sẽ là.” – Michel Quoist (1921-1997, linh mục văn sĩ Pháp)
263. Tại sao Hôn phối không thể phân ly (bất khả phân)?
– Hôn phối không thể phân ly vì 3 lý do. Trước hết vì việc tự hiến cho nhau không giữ lại gì đó là chính bản tính của tình yêu. Rồi vì đó giống như là hình ảnh trung tín vô điều kiện của Thiên Chúa với thụ tạo của Người. Sau cùng vì nó diễn tả tình yêu hiến dâng của Chúa Kitô cho Hội Thánh Người, đến nỗi chết trên Thánh giá. [1605, 1612 – 1617, 1661]
– Vào thời kỳ mà 50% các đôi vợ chồng ly dị, tất cả các hôn nhân chung thuỷ với nhau là một dấu hiệu lớn, dấu hiệu về Thiên Chúa. Trên trái đất chúng ta có biết bao chuyện chỉ là tương đối, nên cần phải có những người tin rằng chỉ có Thiên Chúa là tuyệt đối. Do đó, những gì không tương đối là rất quan trọng, chẳng hạn phải tuyệt đối nói sự thật, hoặc phải tuyệt đối trung thành. Việc trung thành tuyệt đối trong hôn nhân chứng tỏ rằng đó không phải do khả năng của con người mà đúng hơn là do lòng trung thành với Thiên Chúa, Đấng luôn luôn trung tín dù chúng ta có phản bội bằng bất cứ cách nào, và dù chúng ta không biết là Thiên Chúa trung tín như vậy. Kết hôn tại nhà thờ là chứng tỏ chúng ta đặt tin tưởng hy vọng vào Thiên Chúa hơn là vào khả năng yêu đương của chúng ta.
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. – Ep 5,25-28
Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. – 2 Tm 2,13
Ghen ghét đốt nóng lên các cãi lộn, còn tình yêu che đậy mọi thứ xúc phạm. – Cn 10,12
Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. – 2 Cr 5,20
Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em. – 1 Pr 5,7
Mẹ đi đâu con sẽ đi đó. Mẹ lưu lại đâu con sẽ lưu lại đó. Dân của mẹ sẽ là dân của con. Thiên Chúa của mẹ sẽ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu con cũng sẽ chết ở đó. Xin Giavê xử tàn nhẫn với con và còn hơn thế nữa, nếu không phải chỉ cái chết mới làm con lìa mẹ. – Rt 16-17
264. Điều gì đe doạ đôi Hôn phối?
– Điều thực sự đe doạ đôi Hôn phối đó là tội. Điều phục hồi cho đôi hôn phối là tha thứ. Điều làm cho họ được mạnh mẽ là cầu nguyện và trông cậy vào Thiên Chúa hiện diện. [1606 – 1608]
– Sự xung đột giữa nam và nữ trong cuộc sống lứa đôi có khi dẫn tới ghen ghét nhau, đó không phải là dấu hiệu do hai giới không thể hoà hợp nhau; cũng không phải do có khuynh hướng di truyền làm cho bất trung, hoặc là có cản trở đặc biệt về tâm lý đối với việc kết hợp để sinh sống. Thực ra, nhiều đôi vợ chồng bị đe dọa bởi thiếu đối thoại với nhau, thiếu quan tâm đến nhau. Thêm vào đó, còn có vấn đề kinh tế và xã hội nữa. Nhưng vai trò chính vẫn là tội: ghen tuông, thống trị, gây gổ, mê dâm, không trung thành, và các nhân tố phá hoại khác. Vì thế, mỗi cặp vợ chồng rất cần đến tha thứ và hoà giải với nhau, nhờ Bí tích Hoà Giải.
265. Có phải mọi người đều được kêu gọi sống bậc Hôn nhân không?
– Không phải mọi người được kêu gọi sống đời Hôn nhân. Người sống độc thân cũng có thể có một cuộc sống nảy nở trong an vui hạnh phúc. Và một số người đó được Chúa Giêsu chỉ cho một con đường riêng; Chúa mời gọi họ sống độc thân vì Nước Trời (Mt 19, 12). [1618 – 1620]
– Nhiều người sống độc thân đau khổ vì cô đơn, và cảm nghiệm như mình thiếu thốn hoặc bất lợi. Người không lo toan đến vợ chồng hoặc gia đình thì được hưởng tự do và không lệ thuộc ai. Họ có thời giờ để làm những việc lý thú và quan trọng mà nếu họ lập gia đình thì không thể làm được. Có thể Chúa mời gọi họ chăm sóc những người đã bị mọi người bỏ rơi. Không hiếm khi Chúa gọi một người như thế để gần gũi với Chúa hơn. Đó là trường hợp người đó cảm thấy mình mong muốn không lập gia đình “vì Nước Trời”. Kitô hữu được ơn gọi như thế không bao giờ là vì họ coi rẻ việc hôn nhân hoặc coi rẻ đời sống tình dục. Chỉ có thể tự nguyện sống độc thân khi người ta sống trong tình yêu và vì tình yêu, như là dấu hiệu mạnh mẽ chứng tỏ Chúa quan trọng hơn tất cả. Sống độc thân là từ chối việc quan hệ tình dục, nhưng không từ chối tình yêu; họ đến gặp gỡ Chúa Kitô là hôn phu đang đến (Mt 25,6) với một trái tim đam mê.
266. Hôn nhân Kitô giáo được cử hành thế nào?
– Theo Luật, hôn nhân phải được cử hành cách công cộng. Linh mục hay Phó tế hỏi cô dâu chú rể về ý định thành hôn. Rồi đôi bạn nói với nhau “Tôi… nhận… làm vợ/chồng và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với… khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc khỏe mạnh, để yêu thương và tôn trọng mọi ngày suốt đời…”. Linh mục chúc lành cho những lời giao ước đôi bên đã trao cho nhau. Cuối cùng linh mục phê chuẩn chấp nhận đám cưới và ban phép lành. [1621 – 1624, 1663]
– Theo nghi thức cử hành hôn phối Rôma, vị chủ sự hỏi đôi hôn phối về sự tự do, về sự chung thuỷ, về sự đón nhận và giáo dục con cái. Mỗi bên trả lời riêng rẽ. Vị chủ sự hỏi: Anh chị sắp cam kết với nhau bước vào hôn nhân. Anh chị có tự do và không bị ép buộc không? Đôi bạn trả lời riêng rẽ: có. Chủ sự: để kết hôn anh chị có hứa yêu thương và kính trọng nhau suốt đời không? Đôi bạn trả lời riêng rẽ: có. Chủ sự: anh chị có sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa ban và giáo dục chúng theo Tin Mừng của Chúa Kitô và trong đức tin của Hội Thánh không? Đôi bạn trả lời riêng rẽ: có. Chủ sự: anh chị có sẵn sàng cùng nhau đảm nhận sứ vụ là Kitô hữu trong thế giới và trong Hội Thánh không? Đôi bạn trả lời riêng rẽ: có.
267. Phải làm gì khi một người Công giáo muốn kết hôn với một Kitô hữu không Công giáo?
– Đây là cuộc Hôn phối “hỗn hợp”, cần phải được Giáo quyền cho phép rõ ràng. Hội Thánh đòi đôi bên phải đặc biệt trung thành với Chúa Kitô, tránh gương xấu chia rẽ giữa đôi bên trong một gia đình nhỏ bé, và tránh dẫn đến chỗ bỏ thực hành đức tin. [1633 – 1637]
“Sự khác biệt về niềm tin giữa một bên Công giáo một bên được Rửa tội ngoài Công giáo không phải là ngăn trở không thể vượt qua được để kết hôn, khi cả hai đạt tới chỗ đóng góp chung cho nhau những gì mỗi bên đã nhận nơi cộng đoàn của mình, và giúp nhau biết cách mỗi bên trung thành với Chúa Kitô.” – Giáo lý Hội thánh Công giáo 1634
? Phép chuẩn: Giáo luật của Hội Thánh có nói đến phép chuẩn, đó là việc cho phép không giữ đúng luật Hội Thánh. Chỉ có giám mục hoặc Toà Thánh có quyền ban phép chuẩn.
268. Người Công giáo có được kết hôn với một người khác đạo không?
– Người Công giáo kết hôn với người theo một đạo khác (ví dụ Phật giáo), có thể là nguyên nhân gây khó khăn cho đức tin của bên Công giáo, và khó khăn cho con cái sau này. Vì có trách nhiệm đối với các tín hữu, Hội Thánh lập ra thủ tục xin tha ngăn trở khác đạo. Muốn cho cuộc hôn nhân như thế thành phép, Hội Thánh đòi phải xin tha ngăn trở khác đạo cách rõ ràng. Hôn phối này không phải là Bí tích. [1633 – 1637]
269. Vợ chồng không còn hợp ý, luôn “gây chiến” với nhau có được ly dị không?
– Hội Thánh luôn rất trọng kính khả năng của người ta trong việc giữ lời hứa và cam kết chung thuỷ với nhau suốt đời. Hội Thánh nhớ lời họ đã đoan hứa, và biết rằng mọi cuộc hôn nhân đều có nguy cơ gặp khủng hoảng. Họ cần đối thoại với nhau, cầu nguyện với nhau, có thể nhờ “tư vấn trị liệu” mở đường giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Nhưng luôn luôn vẫn phải hy vọng khi nhớ rằng trong Bí tích Hôn Phối còn luôn luôn có Người thứ ba ràng buộc, đó là Chúa Kitô. Người luôn hiện diện trong cuộc cam kết của đôi bạn. Tuy nhiên, có những người không thể chịu được nữa hoặc khi ai đó bị bạo hành thể xác hay tinh thần, họ có thể ly thân. Người ta gọi là ly thân (không còn chung sống), trường hợp này cần phải trình Hội Thánh. Trong những trường hợp này, ngay cả khi đời sống chung cắt đứt, hôn nhân vẫn còn giữ nguyên tính thành phép. [1629, 1649]
– Cũng có những trường hợp phát xuất do việc một bên hoặc cả hai bên đều không thích hợp với hôn nhân khi đã cam kết, hoặc khi sự ưng thuận không được đầy đủ. Hôn nhân như vậy không thành sự theo nghĩa pháp lý. Trong trường hợp đó, có thể nộp đơn xin chứng nhận là hôn nhân không thành sự ở toà án Hội Thánh có thẩm quyền.
Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng. – Ep 4,26-27
“Thực ra tình yêu được thử nghiệm trong việc trung thành, nhưng nó chỉ hoàn thành trong tha thứ.” – Werner Bergengruen (1862-1964, văn sĩ Đức)
270. Hội Thánh có lập trường thế nào với những người ly dị rồi tái hôn?
– Theo lời dạy của Chúa Giêsu, Hội Thánh vì tình yêu đón nhận họ cách yêu thương. Bất cứ ai thành hôn trong Hội Thánh, sau đó ly dị, rồi tái hôn, thì làm nghịch lại đòi hỏi rõ ràng của Chúa Giêsu là “hôn nhân bất khả phân ly”. Hội Thánh không thể xoá bỏ đòi hỏi này. Đã rút lại sự trung tín khi ly dị, rồi lại tái hôn, đó là phản lại với Bí tích Thánh Thể, là bí tích nói lên đặc tính Tình yêu Thiên Chúa không thể đảo ngược, không thể đổi thay. Do đó, những người tái hôn này đã sống trong tình trạng mâu thuẫn như thế, họ không được rước lễ. [1665, 2384]
– Đức Bênêđictô XVI nói rằng không phải giải quyết mọi trường hợp như nhau, đó là một “tình trạng đau khổ”, và ngài mời gọi các mục tử cần phân biệt những tình trạng khác nhau, để giúp đỡ về phần thiêng liêng, và bằng cách thích hợp nhất các tín hữu đó. (Bí tích Tình yêu, 29) → 424
“Những người ly dị tái kết hôn, mặc dầu trong tình trạng như vậy họ vẫn thuộc về Hội Thánh, Hội Thánh vẫn chăm chú theo họ cách đặc biệt, và ước mong họ cố gắng phát triển một lối sống Kitô hữu bằng cách vẫn tham dự Thánh lễ, nhưng không rước lễ; bằng cách nghe Lời Chúa, thờ lạy Chúa trong Bí tích Thánh Thể và cầu nguyện; bằng việc tham gia vào đời sống cộng đoàn; bằng việc đối thoại không ngần ngại với một linh mục hay một người hướng dẫn thiêng liêng, bằng việc tận tuỵ bác ái cụ thể và làm việc đền tội, bằng việc dấn thân để giáo dục con cái họ.” – Đức Bênêđictô XVI, Bí tích Tình yêu
271. Khi nói gia đình là Hội Thánh thu nhỏ nghĩa là gì?
– Hội Thánh ở trên quy mô lớn, gia đình ở trên quy mô nhỏ, đó là hình ảnh Tình yêu Chúa trong cộng đồng nhân loại. Thật vậy, mọi cuộc hôn nhân đều được hoàn thành khi mở ra cho người khác, cho con cái Thiên Chúa gửi đến, cho sự chấp nhận nhau, cho sự hiếu khách, cho việc phục vụ mọi người. [1655 – 1657]
– Điều quyến rũ nhất nơi các Kitô hữu của Hội Thánh đầu tiên, những người vừa mới theo “đạo”, đó là các Hội Thánh thu nhỏ. Một người đến và tin vào Chúa thường kéo theo cả gia đình họ; và nhiều người trở thành tín hữu và xin được Rửa tội (Cv 18,8). Nhiều gia đình trở về với Chúa đã trở thành những đảo nhỏ sống đạo trong một thế giới không đức tin, trở thành những nơi để cầu nguyện, để chia sẻ và để tiếp đón ân cần thân mật. Rôma, Côrintô, Antiôkia, những thành phố lớn thời xưa có rải rác nhiều Hội Thánh thu nhỏ, giống như những điểm chiếu sáng. Ngày nay, những gia đình được Chúa Kitô cư ngụ cũng có thể trở thành men làm cho xã hội chúng ta được đổi mới. → 368
“Nếu bạn muốn ai trở thành Kitô hữu, hãy mời họ sống trong nhà bạn một năm.” – Thánh Gioan Kim Khẩu
“Không ai lại không có gia đình trong thế giới này. Hội thánh là nhà, là gia đình của mọi người, đặc biệt của những người đau khổ và đang mang những gánh nặng.” – Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Gia đình
272. Các Á Bí tích là gì?
– Là các dấu tích thánh, hoặc các việc thánh có kèm theo sự chúc lành của Hội Thánh. [1667 – 1672, 1677 – 1678]
– Ví dụ: làm phép nước thánh, làm phép chuông, đàn, làm phép nhà, xe, làm phép tro ngày xức tro, lá dừa, nến phục sinh, làm phép hoa quả lễ Đức Mẹ Lên trời, phép lành khi hành hương…
273. Hội Thánh vẫn còn trừ quỷ sao?
– Mỗi lần Rửa Tội, có nghi lễ gọi là “trừ quỷ đơn giản” đó là lời cầu nguyện xin cho người sắp được Rửa tội thoát khỏi quỉ dữ và được mạnh sức chống lại “tên thủ lãnh và quyền lực của nó” đã bị Chúa Giêsu đánh bại. Còn nghi lễ trừ quỷ trọng thể là lời cầu nguyện mà Hội Thánh dựa vào uy quyền của Chúa Kitô xin cho các Kitô hữu đã được Rửa tội thoát khỏi ảnh hưởng và quyền lực tà thần. Hội Thánh ít khi dùng lời nguyện này, và chỉ sau khi kiểm tra rất nghiêm ngặt mới dùng. [1673]
– Những việc trừ quỷ mà ta thấy trong phim ảnh của Hollywood không có liên quan gì với những trừ quỷ mà Chúa Giêsu và Hội Thánh thực hiện. Chúa có quyền trên các sức mạnh của sự dữ, và Người có thể giải thoát những người bị quỷ ám. Người ban cho các Tông đồ quyền trục xuất các thần dữ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (Mt 10,1). Hội Thánh không làm gì khác cả ngoài việc linh mục có thẩm quyền trừ quỷ, đọc lời cầu nguyện trừ quỷ trên người đến xin ngài trừ. Cần phải kiểm tra trước để loại bỏ trường hợp mắc bệnh tâm thần (Việc này phải nhờ đến thầy thuốc tâm thần).
Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. – 1 Pr 5,8-9
? Trừ quỷ: Đây là kinh cầu nguyện để nhờ đó một người được che chở khỏi quỷ dữ hoặc thoát khỏi sự giam hãm của quỷ dữ.
274. Việc “đạo đức bình dân” quan trọng thế nào?
– Lòng đạo đức bình dân được biểu lộ qua sự tôn kính các thánh tích, rước kiệu, đi hành hương và các loại tôn sùng khác, đó là những việc giúp ta nhận ra tầm quan trọng của việc đức tin phải hội nhập vào văn hoá. Đó là việc tốt, bao lâu còn tùy thuộc vào Hội Thánh, và đưa dẫn tới Chúa Kitô, chứ không nhằm để “vào” Thiên đàng nhờ các việc đó, mà không cần nhờ tin vào ơn Chúa. [1674 – 1676]
“Đạo đức bình dân là một trong những sức mạnh của chúng ta, vì nó diễn tả những lời cầu nguyện ăn sâu vào tận thâm tâm con người. Ngay cả những người đã xa Hội Thánh, hoặc không có cảm thức nhiều lắm về đức tin, cũng có thể xúc động vì những hình thức cầu nguyện đó. Chỉ cần “làm cho sáng tỏ” các cử chỉ đó và “thanh tẩy”cái truyền thống đó, để tất cả được hội nhập trong đời sống Hội Thánh.” – Đức Bênêđictô XVI, 22-2-2007
275. Có được tôn kính các thánh tích không?
– Thánh tích có nghĩa là xương cốt của các vị thánh, hoặc là các vật dụng mà các ngài dùng. Tôn kính thánh tích là nhu cầu tự nhiên của con người, là cách tỏ lòng tôn kính sùng mộ các thánh. Tôn kính các thánh vì các ngài đã dâng hiến cả đời sống cho Chúa, đó là ta ca ngợi hành động của chính Chúa vậy. [1674]
? Thánh tích là những di vật của thân xác các thánh hoặc những đồ vật mà các ngài dùng.
276. Đi “hành hương” có mục đích gì?
– Một ít người đi hành hương để “cầu nguyện bằng đôi chân”, họ có kinh nghiệm bằng các giác quan rằng cả cuộc đời mình là một cuộc hành trình dài tiến về cùng Thiên Chúa. [1674]
– Trong Cựu ước dân
Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa”. Chân chúng ta đã đứng nơi cửa tiền đình, Giêrusalem. – Tv 122,1-2
“Hội Thánh bước đi vững vàng, tiến về đường hành hương của mình, giữa những thử thách trên đời và những an ủi của Thiên Chúa.” – Thánh Augustinô
“Những con đường của Thiên Chúa là những con đường mà chính Thiên Chúa đã mượn mà ngày nay ta phải bước đi cùng với Người.” – Dietrich Bonhoeffer
277. Chặng đường Thánh giá là gì?
– Theo Chúa Giêsu vác thánh giá lên núi Sọ bằng cách cầu nguyện và suy gẫm 14 chặng đàng là sự sùng kính rất cổ xưa trong Hội thánh, nhất là trong mùa Chay và Tuần Thánh. [1674 – 1675]
“Thánh giá của Chúa ôm ấp toàn thế giới. Đường thánh giá của Chúa đi ngang qua các lục địa và ngang qua cả thời gian. Theo dõi đường thánh giá, chúng ta không thể chỉ là những khán giả vô tư. Chúng ta cũng phải tham gia vào đường thánh giá và phải tìm xem chỗ của chúng ta là chỗ nào. Chúng ta đang ở đâu?” – Đức Bênêđictô XVI, 14-4-2006
“Thánh giá của bạn. Sự khôn ngoan vô cùng tự đời đời đã tặng ban cho bạn thánh giá như một món quà quý báu. Thánh giá này trước khi trao cho bạn, Người đã nhìn bằng đôi mắt biết hết mọi sự, Người đã suy nghĩ trong trí tuệ thần linh của Người, Người đã nghiên cứu với sự công chính dịu dàng của Người, Người đã đo để xem nó có to quá không, đã cân để xem nó có quá nặng không. Rồi Người đã chúc lành cho nó bằng danh Thánh của Người, Người đã xức dầu bằng ân sủng của Người, và nó được thấm nhuần sự an ủi của Người. Rồi Người còn đánh giá sự can đảm của bạn, và ngay bây giờ Người từ trời đến với bạn, như ân huệ của Thiên Chúa nhân lành, ân huệ của tình yêu thương xót của Người.” – Thánh Phanxicô Salêsiô
278. Việc an táng Kitô hữu có đặc điểm gì?
– An táng Kitô hữu là việc được cộng đoàn Công giáo thực hiện để cầu cho người quá cố được ơn phúc. Lễ nghi an táng bày tỏ nỗi đau buồn của thân nhân người đã qua đời, tuy nhiên, qua lễ nghi, Hội thánh muốn làm nổi bật đặc tính Vượt qua để phục sinh của cái chết Kitô giáo. Chúng ta chết trong Chúa Kitô để có thể cử hành lễ Phục sinh với Người. [1686 – 1690]
“Nhờ cái chết mà ta không xa lìa nhau, vì ta đều đi cùng một đường, và ta sẽ lại gặp nhau tất cả ở cùng một nơi.” – Thánh Simêon người Thessalônica (1429, nhà thần học)
Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà Hưu dưỡng Linh mục Cần Thơ