A. Trong Cựu Ước
1. Thiên Chúa ra lệnh tạc hình tượng hai Thiên Thần Kêrubim bằng vàng xoè cánh che Hòm Bia. (Xh, 25,18-20)
2. Ngài ban cho ông Môsê hai tấm Bia Đá Chứng Ước. Chính Ngài viết Lề Luật lên đó. (Xh 31,18)
3. Ngài ra lệnh ông Môsê đẽo hai Bia Đá giống như trước để Ngài ghi lại trên đó Lề Luật đã ghi. Lý do là ông Môsê đập Bia vỡ tan tành khi thấy Dân Chúa thờ tượng con bò vàng! (Xh 34,4)
4. Ngài linh ứng cho vua Ðavít. Ông ta đưa Solomon bản phác hoạ Bàn Thờ bằng vàng ròng và mẫu Xe Ngai bằng vàng có hình hai Kêrubim xòe cánh che Hòm Giao Ước. (1 Ký sự 28,18-19)
5. Trong Ðền Thờ, trên tường bên trong và gian giữa, có hình chạm Kêrubim. (Ez 41,15)
6. Ngài dạy ông Môsê làm một con rắn và treo nó lên cây cột (étandard) để ai bị rắn cắn, nhìn lên rắn, sẽ được sống. (Ds 21,8)
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa vẫn vô hình. Tuy nhiên, câu chuyện có tựa đề ”Vật lộn với Thiên Chúa” đã nói lên phần nào sự hiện diện của Ngài qua ngoại hình của một người nam để ông Giacóp CẦU XIN người nam ấy chúc phúc. Ngoài ra, Thiên Sứ của Chúa đã hiện ra với ông Môsê và Chúa cũng dạy ông ta chớ lại gần đám lửa giữa bụi gai, phải cởi dép ra nơi đất thánh, đừng lại gần Ngài. Cho nên, ông ta phải che mắt lại vì sợ nhìn thấy Ngài như thế nào đó.
Vậy thì xin đặt câu hỏi: Chẳng lẽ, khi đọc các phần vừa nêu, khi xem các bức tranh minh hoạ các phần ấy, khi đến viếng những di tích từ Cựu Ước, Kitô hữu không tỏ lòng tôn kính sao?
Tóm lại, trong Cựu Ước, còn rất nhiều hình tượng khác nữa là những biểu trưng (représentations) giúp Dân Chúa NÂNG TÂM HỒN LÊN TỚI NGÀI vô hình, sẽ trở thành hữu hình trong Tân Ước!
B. Trong Tân Ước
Trước khi nói về việc người Công giáo và Chính Thống giáo thờ tượng ảnh, tôi xin kể mẫu chuyện như sau:
Trong bài giảng về Bí tích Thêm Sức tại quê tôi, Đức Tổng Nguyễn Kim Điền nói: ”Anh kia nhờ người ta vẽ cho mình một cánh tay để mà THỜ, mà tưởng nhớ đến ba mình bởi vì ba anh ta đã hiến quá nhiều máu cho anh ta được sống. Đó là việc làm tỏ lòng THỜ cha, KÍNH Mẹ, THỜ mẹ, KÍNH cha.” Nói xong, ngài quay người lại, đưa tay chỉ lên Thánh Giá và dạy: ”Chúng ta cũng thờ Chúa Cứu Thế đã hiến Thân cho chúng ta được sống đời đời.”
Sau đây, xin nêu ra một số câu hỏi mà tôi đã dùng trong những lần đối thoại với người kết tội Công giáo đã vi phạm Điều Răn của Chúa: ”Chớ thờ hình tượng.”
1. Nếu là Bà Êlidabet, ông có tôn thờ Chúa là Trái của Lòng Trinh Nữ Maria không?
2. Nếu là mục đồng, là một trong ba nhà bác học (ba vua), ông có thờ lạy Hài Nhi nằm trong máng cỏ không?
3. Nếu là Tiên tri Simêon, ông có ẵm Hài Nhi mà thờ lạy Ngài không?
4. Nếu là Gioan Tẩy Giả, ông có tôn thờ Thần Khí Chúa như chim câu xuống trên Chúa Giêsu và lưu lại trong Ngài không?
5. Nếu là Phêrô được Chúa cho thấy Ngài biến hình trên núi Tabôrê, ông có tôn thờ Ngài không?
6. Nếu là phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng theo Thánh Luca (7,36-49), ông có lấy dầu thơm đắt tiền lau và hôn chân Chúa không?
7. Nếu là người được Chúa trừ quỷ, ông có sấp mình dưới chân Chúa mà thờ lạy Ngài không?
8. Nếu là phụ nữ bên giếng Giacóp, ông có làm như bà ta là thờ lạy Đấng Cứu Thế không?
9. Nếu là Maria, em của Ladarô, ông có sấp mình xuống dưới chân Chúa không?
10. Nếu là môn đệ Chúa trong Tiệc Tình Thương (Phép Thánh Thể) trước giờ Ngài chịu khổ nạn, ông có ”ăn Thịt Ngài và uống Máu Ngài” qua hình bánh và rượu, có thờ lạy hình bánh và rượu ấy không?
11. Nếu là người gian phi bị đóng đinh cùng hôm ấy, gần bên Chúa, biết ăn năn, ông có nhìn, thờ lạy Chúa cũng bị đóng đinh và cầu xin Ngài ”Lạy Chúa Giêsu…” như ông ấy không?
12. Nếu là một trong những người đứng canh Xác Chúa sau khi Ngài vừa trút hơi thở, ông có nói như họ và tôn kính Thân Xác Ngài là Con Thiên Chúa không?
13. Nếu là ông Tôma, được Chúa cho phép đưa ngón tay tra vào vết lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn Ngài, ông có thưa với Ngài ”Lạy Chúa và là Thiên Chúa của con!” không?
14. Nếu bị bắt vì Đạo Chúa, bị ép bước qua Thánh Giá kẻ trên đất, ông có nghe theo không?
15. Ông nghĩ sao về việc rất nhiều Nhà Thờ Tin Lành cũng có Thánh Giá, hình tượng và Sách Giáo Lý Tin Lành, Chứng Nhân Giêhôva, Mormon cũng có hình minh hoạ về Thiên Chúa…?
16. Kinh Thánh là Lời Chúa thì chúng ta phải tôn thờ. Nhưng, nếu ai đó xé từng Trang Kinh Thánh để làm chuyện bất kính như vậy, như kia, ông có đồng ý không?
17. Vào Ngày Tận Thế, được sống lại như mọi người, ông có thờ lạy Hình Hài Chúa Giêsu tái quang lâm để phán xét thế gian không?
18. Ngoài ra, Thiên Chúa ”ở giữa chúng ta” (mà Thánh Gioan chiêm ngưỡng), còn phán: ”Ai thấy Ta là thấy Cha.” (Gioan 14,9) Con người cũng mang Hình Ảnh của Ngài. Vậy thì ông có tôn trọng thân xác của con người do Chúa ”tạc thành” qua cha mẹ không?
Vào năm 1981, tại Bình Thuận, sau khi ngồi nghe Mục Sư… phê phán thật lâu người Công giáo về việc thờ ảnh tượng, tôi xin Mục Sư ấy cho phép mình đặt các câu hỏi như tôi đã nêu. Trước lúc tôi ra về, Mục Sư ấy mỉm cười, bắt tay tôi và nói: ”Thôi được. Tuỳ ý anh. Nếu cô ấy lấy anh, tôi sẽ không dứt phép thông công cả gia đình cô ta vì anh đúng và tôi cũng đúng.”
C. Lời kết
Theo thiển ý của tôi, cuộc trao đổi giữa tôi và Mục Sư kia cũng là một trong những cách đi tìm sự cảm thông giữa Anh-Em Kitô hữu. Ở Đức, rất nhiều Anh-Em Tin Lành mang Thánh Giá. Đến hôm nay, tại Wittenberg, Đức Quốc, trên tường giữa ngôi mộ ông Luther và toà giảng của ông, vẫn còn treo Bức Hình lớn tôn vinh Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Cứu Thế cũng là Thiên Chúa.(*) Và chẳng có ai phản đối điều này!
——————
(*) Chữ ”Krönung der Gottesmutter: Couronnement de la Mère de Dieu.” có nghĩa là ”dâng vòng hoa lên Mẹ Thiên Chúa”, tức là Vương Miện nơi Hình Mẹ vào thời ông Luther như đã nói.
Bài khác sẽ nói về ý nghĩa của các từ tiếng Việt như ”tôn thờ, kính thờ, tôn kính, thờ lạy…” (Trong Sách Giáo Lý hiện hành của Giáo hội Công giáo bằng tiếng Anh, Pháp, Đức…, không còn dùng các chữ Hy-La ”latria, hyperdulia, dulia”.)
Đức Quốc, 29.7.2011