Tác giả bài này vừa kém thông minh vừa ít hiểu biết trong các vấn đề có liên quan, nên chắc chắn không khỏi sai lầm. Nếu vậy thì viết làm gì? Tôi chỉ xin chia sẻ cái hiểu biết giới hạn của mình, một phần vì nhiều người hỏi, nhất là các em trong lứa tuổi trung và đại học, và nhiều thầy cô cũng hỏi, nên tôi cố gắng học hỏi và trả lời theo sức của mình. Hy vọng các học giả chân chính sẽ viết các bài khác hay hơn, rõ hơn, đầy đủ hơn sau khi họ đọc bài kém cỏi này. Phần lớn tư tưởng được trình bày ở đây là từ Giáo sư John Haught thuộc đại học Georgetown, qua hai cuốn sách God After Darwin (xuất bản năm 2000) và Deeper Than Darwin (2003) mà tôi chỉ hiểu một phần nhỏ. Một văn kiện quan trọng hơn, mà chính GS Haught cũng thường nhắc tới, là bài huấn từ của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho ủy ban Khoa Học Tòa Thánh vào ngày 22/10 năm 1996, mà tôi xin trích dẫn dưới đây (độc giả có thể xem toàn bộ bản văn tiếng Anh tại http://www.ewtn.com/library/PAPALDOC/JP961022.HTM) .
Vấn Đề Đức Tin
Loài người từ khỉ mà ra? Chứ không phải do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng nên và ban cho một linh hồn giống hình ảnh Ngài sao? Nhiều người Công Giáo đã quá quen với câu hỏi đó. Thuyết tiến hoá còn đưa ra nhiều vấn đề khác, ít quen thuộc hơn nhưng còn nan giải hơn. Tôi chỉ xin đưa ra một vài thí dụ về các vấn đề này.
Vũ trụ dưới con mắt của thuyết tiến hóa rất tàn khốc. Ông Trời như bất cần, để cho các loài thụ tạo dành sống, tiêu diệt nhau, theo nguyên tắc chọn lựa tự nhiên (natural selection) vô tư. Như vậy đâu phải là một Thiên Chúa tình thương đã tạo dựng như Giáo Hội Công Giáo dạy?
Vũ trụ biến chuyển bất ngờ, không thể tiên đoán bước kế tiếp được, theo thuyết tiến hóa. Như vậy có một Thiên Chúa toàn năng và biết hết mọi sự không? Nếu có Thiên Chúa đó, thì thuyết tiến hóa không thể đúng được, mà chỉ nói lên sự dốt nát của con người thôi?
Cái vũ trụ quan mà đa số mọi người hiện đang chấp nhận là một vũ trụ quan rõ ràng, có trật tự, và có ý nghĩa: từ vật vô tri, đi lên tới các thảo mộc, rồi tới động vật, rồi tới con người, và trên hết là Thiên Chúa. Mỗi bậc cách biệt hẳn nhau, thí dụ như con người khác hẳn con thú. Chúng ta có lẽ đã xây dựng sự hiểu biết về đức tin Công Giáo trên cái vũ trụ quan này. Khi thuyết tiến hóa cho thấy cái vũ trụ quan đó có lẽ là quá đơn sơ đến độ sai lầm, chúng ta đâm lo lắng là không biết đức tin của chúng ta có bị thuyết tiến hóa gạt bỏ cùng với cái vũ trụ quan đơn sơ kia không.
Vũ trụ quan của thuyết tiến hóa ra sao? Vũ trụ đã có từ 13.7 tỉ năm trước—có lẽ ông
Đây là vấn đề cho người Công Giáo: nếu thuyết tiến hóa đúng, có còn chỗ đứng cho đức tin Công Giáo nữa không? Để bảo vệ đức tin người Công Giáo có cần tấn công thuyết tiến hóa không? Thuyết tiến hóa là một phần của khoa học, mà khoa học của con người bất toàn, nên thuyết tiến hóa cũng bất toàn, vậy ta có nên dẹp khoa học bất toàn này ra khỏi lãnh vực đức tin và khỏi lo tới nó nữa hay không? Thuyết tiến hóa có thể song hành với đức tin không? Thuyết tiến hóa có thể giúp đức tin phát triển bằng cách giúp ta hiểu và yêu mến Chúa hơn không? Và đức tin có thể hướng dẫn thuyết tiến hóa không?
Giáo Huấn của Giáo Hội về Thuyết Tiến Hóa
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại thông điệp Humani generis của ĐGH Piô XII năm 1950, trong đó nói rõ rằng không có gì xung khắc giữa thuyết tiến hóa và đức tin, với điều kiện là ta để ý tới một số vấn đề.
ĐTC Gioan Phaolô II công nhận giá trị của thuyết tiến hóa, không chỉ coi nó là một giả thuyết hoang đường, “… những kiến thức [khoa học] mới nhất cho chúng ta thấy sự tiến hoá [xác thực] hơn là một giả thuyết. Thật đáng thán phục khi thấy các nhà nghiên cứu đã từng bước một chấp nhận [tính khả thi] của thuyết này sau khi đã có một chuỗi những khám phá mới trong các lãnh vực tri thức khác nhau. Không phải vì [mục đích] tìm tòi hay chế tạo, nhưng là do kết quả của những cuộc nghiên cứu độc lập mà [người ta] đã thấy được điểm quy chiếu [của các ngành khoa học]; điểm quy chiếu này tự nó đã là một chứng cứ hùng hồn cho thuyết tiến hoá (fresh knowledge has led to the recognition that evolution is more than a hypothesis. It is indeed remarkable that this theory has been progressively accepted by researchers, following a series of discoveries in various fields of knowledge. The convergence, neither sought nor fabricated, of the results of work that was conducted independently is in itself a significant argument in favour of this theory).
Ngài không gạt thuyết tiến hóa ra khỏi lãnh vực đức tin, “Huấn quyền của Hội Thánh quan tâm trực tiếp đến câu hỏi của sự tiến hoá… (The Church’s Magisterium is directly concerned with the question of evolution…)” Ngài nhận xét rất tinh tế và chính xác rằng có nhiều thuyết tiến hóa chứ không phải một, “We should speak of several theories of evolution.”
Ngài còn kết luận bài huấn từ đó rằng vấn đề vấn đề sự sống liên quan trực tiếp đến chính Thiên Chúa. Söï soáng thuoäc veà Thieân Chuùa. Ngaøi laø Thieân Chuùa haèng soáng: “Even more, ‘life’ is one of the most beautiful titles which the Bible attributes to God. He is the living God.”
Phản Ứng và Thuyết Minh Định (Intelligent Design)
Một số người Thiên Chúa Giáo (Công Giáo cũng như Tin Lành) không đồng ý với Đức Thánh Cha. Họ cho rằng thuyết tiến hóa là duy vật và sai lầm. Chỉ một ít người nhắm mắt đi theo thuyết Tạo Dựng, tức là tin vào nghĩa đen của Cựu Ước, theo đó vũ trụ chỉ mới có quãng 6000 năm. Chúng ta nên gạt thuyết này qua một bên. Chính thánh Augustine, từ thế kỷ thứ 5 sau công nguyên, đã coi những người hiểu lầm Thánh Kinh như vậy là một điều xấu hổ và nguyên nhân làm người khác coi thường Giáo Hội. Một thuyết mới hơn, và phần nào có uy tín hơn, tạm gọi là thuyết minh định (intelligent design, thuyết này dưạ trên quan niệm rằng sự sống quá phức tạp để có thể cho rằng đó chỉ là sản phẩm của ngẫu nhiên). Người phổ biến thuyết này là một luật sư, Phillip Johnson. Ông viết cuốn Darwin on Trial (1991). Đa số những người theo nhóm này là Tin Lành bảo thủ, tuy nhiên cũng có vài người Công Giáo, như ông Michael Behe.
Vắn tắt thì thuyết này có một cái đúng và nhiều cái sai. Cái đúng là không chấp nhận một thuyết tiến hóa đặt nền móng trên một triết lý duy vật. Cái sai chính là thuyết minh định tự coi mình là khoa học, nhưng bản chất của nó chỉ là một triết lý chống lại duy vật. Thuyết này cho rằng sự chọn lọc tự nhiên, căn bản của thuyết tiến hoá, là duy vật. Tuy nhiên, thuyết tiến hóa đâu nhaát thieát phải là duy vật. Như ĐTC Gioan Phaolô II nói, có nhiều thuyết tiến hóa, chỉ một trong những thuyết này dựa trên duy vật, và Giáo Hội không chấp nhận thuyết đó.
Có một số hệ thống triết học, như thuyết duy vật, là vô thần và không được Giáo Hội chấp nhận. Ngoài ra, Giáo Hội đã dùng nhiều hệ thống triết học khác nhau như những ngôn ngữ bất toàn để diễn tả một đức tin sâu thẳm trong một thời gian nào đó, thí dụ như thánh Augustine dùng triết học của Platô, hay thánh Tôma dùng triết học Aristotle. Những triết học đó chỉ là những ngôn ngữ của thời đại, có phần nào chính xác, nhưng không toàn hảo. Ngôn ngữ triết học thích hợp trong khung cảnh thuyết tiến hóa có lẽ là triết lý về quy trình (process philosophy) của toán học gia Alfred North Whitehead (1861-1947). Những hệ thống triết học này vượt qua tầm mức của bài này (và của tác giả nữa). Điểm chính ở đây là đức tin dùng ngôn ngữ của triết học, nhưng không lệ thuộc vào một hệ thống mà thôi. Như vậy có nghĩa là có những lúc con người phải suy nghĩ và diễn tả lại những điểm không thay đổi cũng như những hiểu biết mới của đức tin trong một ngôn ngữ mới.
Thuyết minh định chưa có thể so sánh với thuyết tiến hóa trong lãnh vực khoa học: cả khoa sinh vật học (biology), ngày nay dựa hoàn toàn trên thuyết tiến hóa, trong khi chưa có một bài khảo cứu nào của nhóm theo thuyết minh định được xuất bản trên bất cứ tập san khoa học nào (peer review journals). Chúng ta cũng tạm gác thuyết này qua một bên và trở về với thuyết tiến hóa.
Đặc Tính Của Thuyết Tiến Hóa
Về mặt căn bản, thuyết tiến hoá chủ trương mọi sinh vật đều bị biến đổi theo dòng thời gian. Từ đơn giản đến phức tạp, nêu hội đủ thời gian và điều kiện thay đổi của môi trường. Có nghiã rằng sự bất biến, thường hằng không thuộc về sự sống. Vì có sống là có thay đổi. Nhưng những thay đổi này không xảy ra nếu không có sự chọn lọc tự nhiên và thời gian tiệm tiến. Đó là ba đặc tính chính của thuyết tiến hoá: thay đổi, chọn lọc, và tiệm tiến.
Đặc tính đầu tiên là có những đột biến hoặc thay đổi mới lạ (accidents, mutations). Những đột biến này gây khó khăn đủ các nơi. Chính trong khoa học cổ điển, một nguyên tắc căn bản và thiết yếu là sự kiện có thể lập lại được (replicable) trước đến giờ, và mãi về sau sẽ luôn luôn như thế, thì mới có thể tiên đoán được. Hệ thống kinh tế tư bản, dù nổi tiếng về vấn đề phát triển những đường hướng mới, vẫn sợ thay đổi và coi sự ổn định (stability) như một giá trị cao, thí dụ như thị trường có ổn định, luật pháp có vững vàng (predictable) thì mới khuyến khích việc đầu tư. Những nền chính trị độc tài cũng sợ những ảnh hưởng mới. Ngay thuyết minh định kể trên cũng muốn loại bỏ cái thực sự là mới, bằng cách cho cái mới này vào sự tiền định của Thiên Chúa: con người ngu si cứ tưởng là mới, chứ Thiên Chúa đã tính như vậy từ lâu rồi, không có gì phải ngạc nhiên hay lo lắng. Ngay trong dân gian, chúng ta cũng hay nghe bà con an ủi nhau, “thôi thế là ý Chúa,” cho dù đó là điều hãi hùng!
Chúng ta thấy đặc tính đầu tiên này của thuyết tiến hóa gây trở ngại đủ mọi nơi, chứ không riêng gì cho nền thần học cổ truyền. Mặt khác, chính cái mới lạ này rất đẹp. Hơn nữa, những điều mới lạ không xa lạ gì trong kinh nghiệm của con người. Không những các họa sĩ, văn sĩ sáng tạo những cái mới, mà những kinh nghiệm của mỗi người chúng ta luôn mới lạ, như khi mới lập gia đình, mới có con, mới mất việc, v.v… Gần hơn nữa, mỗi người luôn luôn có cảm nhận mới: tôi chưa bao giờ có cảm nhận như tôi đang cảm nhận ở giây phút này, trong hoàn cảnh này, ở tuổi này. Trước đây cũng như sau này chính tôi cũng như mọi người không ai còn có cảm nhận y như vậy nữa. Kinh nghiệm chủ quan (subjective) này khoa học tân tiến nhất cũng chưa biết cách dùng.
Chúng ta thường nói Thiên Chúa là đấng chân thiện mỹ. Cái đẹp (mỹ) cần cả hai phần: cái mới lạ cũng như cái trật tự. Chỉ có trật tự thì mất đi một phần thiết yếu của cái đẹp, và nhất là mất đi sự sống, mà chỉ còn lại cái máy. Khoa vi tính ngày ngay đang cố dùng máy móc tối tân nhất để bắt chước phần nào cái mới lạ của sự sống này qua khoa tri thức nhân tạo (artificial intelligence). Vũ trụ, với sự sống, vượt qua những cỗ máy này xa, vì luôn có sự mới lạ bất ngờ. Vì sự mới lạ này đẹp, ta càng thán phục Thiên Chúa đã dựng nên một vũ trụ đẹp như vậy. Có khi nào chúng ta quá sợ hãi, không dám nhìn ra cái đẹp này, nên tìm mọi cách từ chối đặc tính này của vũ trụ? Có phải vì vậy mà một số người phải chống thuyết tiến hóa tới cùng, vì thuyết tiến hóa nhận ra cái đẹp khó chấp nhận này trong vũ trụ?
Chúng ta chỉ nói qua hai đặc tính nữa của thuyết tiến hóa: sự chọn lọc tự nhiên (natural selection) và lịch sử lâu dài hoặc tiệm tiến (deep time). Sự chọn lọc tự nhiên cho chúng ta cái trật tự, là một trong hai đặc tính của cái đẹp đã bàn ở trên. Lịch sử lâu dài có thể diễn tả sự kiên nhẫn của Thượng Đế.
Đức Tin và Khoa Học
Tôi xin trình bày sơ qua một vài cách nhìn khác nhau về sự liên hệ giữa đức tin và khoa học. Một cách là xung đột: chấp nhận một trong hai. Ai theo đức tin thì đừng để khoa học hạn hẹp của con người hạn hẹp làm chia trí; quên khoa học đi, chỉ nhìn đức tin mà thôi. Ai theo khoa học thì bỏ đức tin, vì đức tin chỉ là cái nạng của người dốt, cho những người mê tín, ở vào thời đại khoa học chưa phát triển. Khá nhiều thày cô trong các đại học có quan niệm này.
Một cách khác nữa là lẫn lộn (confabulation). Thuyết sáng tạo (Creationism, cho rằng vụ trụ này được dựng nên theo tiến trình y hệt sách Sáng thế trình bày) là một thí dụ của cách này, coi thánh kinh như sách khoa học.
Một cách nữa là tách rời (separation): khoa học bàn về thế giới này, còn đức tin bàn về giá trị của con người cũng như đời sau. Hai cái không liên quan tới nhau. Có lẽ khá nhiều người đi theo cách này, một phần vì không biết cách nối giữa hai phần nên giữ chúng tách biệt.
Có lẽ cách hấp dẫn nhất và được bàn thêm dưới đây là củng cố cho nhau (confirmation). Sự thật nào mà khoa học có thể làm sáng tỏ được thì trở thành một phần của cuốn thánh kinh sống trong thiên nhiên, giúp con người hiểu thêm về Thiên Chúa và về chính mình, dù tự khoa học không thể đưa tới cái hiểu biết này được, mà chỉ là một phần chất liệu đưa tới sự hiểu biết này. Đồng thời, đức tin cũng có thể gợi ý và cảm hứng cho khoa học, cho dù thần học không thay thế cho khoa học được.
Vài Cách Đức Tin Chấp Nhận Thuyết Tiến Hóa
Ngay cả khi tín hữu chấp nhận thuyết tiến hóa, cũng có nhiều cách chấp nhận. Một cách là chiụ đựng (tepid tolerance). Sự quan phòng của Thiên Chúa huyền diệu, nên mình đâu biết gì mà bàn tới. Còn cái mà con người tưởng là mới lạ, chưa chắc đã là mới lạ trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Cách này có cái hay là nhận biết cái hữu hạn của con người, nhưng thật ra cũng không nói lên được điều gì khác.
Một cách khác là coi thuyết tiến hóa như một phương pháp Thiên Chúa dùng để dạy con người (divine pedagogy). Những đau khổ trong thiên nhiên giúp cho con người suy nghĩ về điều Thiên Chúa muốn dạy ta, như trong thư gửi Do Thái 12:6, “Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy.” Cái hay của cách này là phần nào giải thích được sự đau khổ, nhưng cũng có vấn đề: tại sao Thiên Chúa muốn dạy con người mà bắt biết bao nhiêu phần tử trong tạo vật đau khổ trong thời gian thật dài? Và Thiên Chúa muốn dạy gì?
Còn nhiều cách khác, nhưng tôi xin chú tâm vào một cách, đó là tìm hiểu Thiên Chúa qua chính sự tiến hóa của vũ trụ, và còn lạ tai hơn nữa là dùng những gì chúng ta biết được về Thiên Chúa để hướng dẫn sự nghiên cứu sự tiến hóa của vũ trụ.
Vũ Trụ Giúp Ta Hiểu Chúa Hơn
Linh mục Pierre Teilhard de Chardin, SJ (1881-1955), người Pháp, bị chính Giáo Hội đày qua Tầu vì Giáo Hội tại Âu Châu lúc đó chưa chấp nhận được ý tưởng của ngài. Ngài có những công trình khảo cứu tại Tầu, rồi chết âm thầm tại Mỹ. Sau khi ngài chết, sách của ngài mới được xuất bản và có ảnh hưởng sâu rộng ngay cả trong Công Đồng Vatican II.
Qua công trình khảo cổ của ngài, ngài khám phá ra chiều hướng trở nên càng ngày càng phức tạp hơn (gradual increase in complexity), từ tiền nguyên tử (pre-atomic matter), tới nguyên tử, tới phân tử (molecules), tới tế bào, v.v…, lên tới loài khỉ, rồi loài người; từ “geosphere”(ñòa caàu) tới “biosphere”(sinh caàu) tới “noosphere(trí caàu).” Một nguyên tắc nữa là đồng quy (centration), từ nhân nguyên tử (nucleus) tới trung tâm thần kinh (central nervous system), tới tự giác (self-aware), tới tôn giáo, và cuối cùng là tới Omega hay Thượng Đế. Như vậy Thiên Chúa mời gọi con người lên tới cùng Ngài, ngược lại với thuyết duy vật là chỉ có vật chất và đi về vật chất.
Nói một cách khác, tinh thần (spirit) là vật chất được quy nạp và nâng cao, còn vật chất (matter) là tinh thần bị phân hóa, chia rẽ. Như vậy tránh được cái nhìn nhị nguyên (dualism) giữa tinh thần và vật chất (như của Descartes). Điều đó cũng giải thích được là người có linh hồn vẫn có thể đi xuống, phân hóa, như chiến tranh hiện nay. Thiên Chúa mời gọi vũ trụ và con người đi lên, nhưng con người có tự do, có thể chọn đi xuống.
Từ Thần Học Tới Vũ Trụ Học
Chúng ta biết về Thiên Chúa qua Đức Kitô. Chúng ta hãy để ý tới vài đặc tính sau của Ngài: khiêm nhường, mầu nhiệm thập giá, ban trao chính thân mình (self-giving), và hứa hẹn (promising, opening up the future), mà sự tự hiến (self-emptying) của Đức Kitô là một đặc điểm thiết yếu, như trong bài kinh của Giáo Hội sơ khai được ghi lại trong thư gửi Philiphê 2:6-8,
2:6 Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
2:7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
2:8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
Một Tạo Hóa khiêm nhường như thế thì muốn töï nhường chỗ cho vũ trụ có tự do để tự phát triển, chứ không hành động như một kẻ độc tài.
Mầu nhiệm thập giá là Thiên Chúa tham dự vào cái đau khổ của vũ trụ. Mà vì sao vũ trụ lại đau khổ? Thần học gia Karl Rahner giải thích đơn giản như sau: Thiên Chúa vô biên, ban tặng chính mình cho vũ trụ hữu hạn, nên vũ trụ phải vất vả chuyển mình để thăng hóa (transcend) lên với Thiên Chúa. Đau khổ là đặc tính của vật bất toàn, trên đường tiến về cùng Thiên Chúa.
Tại sao Thiên Chúa lại tạo nên vũ trụ bất toàn? Vì nếu vũ trụ toàn hảo thì lại là một phần của Thiên Chúa rồi, trong khi tình thương của Thiên Chúa muốn ban tặng cho vũ trụ một thực thể riêng (the other), với một tương lai riêng, với tự do, và với sự sống đẹp (vừa có điều mới lạ lại vừa có trật tự, như đã bàn ở trên. Trong cái tương lai riêng này, Thượng Đế không bỏ mặc vũ trụ, mà hứa hẹn cứu chuộc. (Tại sao lại có sự dữ [theodicy] là một vấn đề gai góc cho mọi nền thần học, vượt quá tầm của bài này.)
Trong khung cảnh lịch sử của cả nhiều tỉ năm này, phép Thánh Thể còn có ý nghĩa phong phú hơn nữa: tấm bánh miến không phải chỉ tượng trưng cho miếng bánh, mà tượng trưng cho cả một lịch sử phát triển, từ vật chất không sự sống, tới cây có sự sống mang hạt giống, tới việc Thiên Chúa nâng bánh này, là một phần kết tinh của vũ trụ cũng như lao công con người, lên thành chính mình máu Chúa. Đây là chiều hướng Thiên Chúa đưa vũ trụ lên tới chính Ngài, như cha Chardin đã diễn tả.
Dĩ nhiên còn nhiều vấn nạn mà tất cả nhân loại, kể cả các thần học gia, cần phải nghiền ngẫm hơn. Thánh Kinh dạy là Thiên Chúa trực tiếp ban linh hồn cho mỗi người. Điều này có ý nghĩa gì, và có thể đi chung với thuyết tiến hóa không? Có lẽ ta có thể hiểu là Thánh Kinh muốn diễn tả 2 điều: giá trị đặc biệt của loài người, và tính chất cá biệt của mỗi người; mỗi người có giá trị riêng và rất cao trước mặt Chúa. Hai điều này thuyết tiến hóa hoàn toàn đồng ý. Nhân loại có một giá trị đặc biệt vì chỉ con người mới có ý thức, mà chỉ ý thức mới đưa vũ trụ lên đến tôn giáo và tới Thiên Chúa. Và trong di truyền học (genetics, infomatics, mỗi cá nhân khác biệt, không ai giống ai; đó là căn bản cho giá trị riêng của mỗi người.
Sau khi nghiền ngẫm về những ý nghĩa trên của thuyết tiến hóa, có thể chúng ta hiểu Chúa một cách sâu đậm hơn, tâm tình hơn, ý nghĩa hơn, mà không trật khỏi Thánh Kinh, tông truyền, hay các giáo huấn khác của Giáo Hội, cho dù ta dùng những tư tưởng và ngôn từ lạ tai. Thiên Chúa cũng ban cho Giáo Hội những chủ chăn sáng suốt như ĐTC Gioan Phaolô II, người can đảm tuyên bố chấp nhận thuyết tiến hóa có điều kiện. Giáo Hội cũng cẩn trọng, đi chầm chậm, và những người con xuất sắc như cha Chardin cũng đã khiêm nhường đi với Giáo Hội. Chúng ta cũng có thể theo gương các vị đó, tin tưởng vào Thượng Đế để không phải lo sợ lý thuyết nào hết, và tận dụng mọi cái hay của các lý thuyết để đến gần Chúa hơn, trong khi sáng suốt gạt bỏ những điều trái sự thật, chăm chỉ học hỏi, can đảm phát triển, và khiêm nhường vâng phục. Đó có lẽ là đường tiến tới Thiên Chúa vậy, và bài này là một cố gắng đi trên bước đường đó.
Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
Xin cám ơn sự đóng góp của cha Trần Quốc Anh, SJ, cha Nguyễn Trung Kiên, SJ, cha Mai Hoàng, và anh Vũ Tiến Long. Tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sai xuất.