Có nhà thờ đặt nhà tạm ở chính giữa bức tường phía đầu cung thánh; những nhà thờ khác cũng đặt nhà tạm ở bức tường phía đầu cung thánh nhưng lại dịch sang một bên, phía bên kia hoặc không có gì hoặc có một tòa nhỏ tôn vinh Sách Thánh nằm đối xứng với nhà tạm; có nơi nhà tạm được đặt ở xa bức tường phía đầu cung thánh hoặc xa hẳn cung thánh; thậm chí có những nhà thờ, khách lạ chẳng biết nhà tạm ở đâu… Chắc chắn, những ai chịu trách nhiệm xây mới hay sửa chữa nhà thờ, vì bàn thờ và nhà tạm vẫn còn là tiêu điểm kiến trúc của thánh đường, cho nên thường tự hỏi: vị trí của Nhà tạm ở đâu là thích hợp nhất? Để giải đáp những vấn nạn ở trên, bài viết sau đây sẽ giới thiệu đôi nét lịch sử và thần học về nhà tạm, từ đó, cùng với những tài liệu hướng dẫn của Giáo Hội, rút ra những thực hành cần thiết và thích hợp liên quan đến vị trí của nhà tạm.
A. Lịch sử
Nhà tạm, tiếng Hipri là mishkan nghĩa là cư ngụ và La ngữ là tabernaculum nghĩa là một cái lều, bởi vì đối với người Do Thái thưở xưa, nhà tạm chính là một đền thánh hay cung thánh di động, có thể mang đi được, có hình như một cái lều trại, được làm theo sự chỉ dẫn chi tiết mà Thiên Chúa ban cho ông Môsê (x. Xh 25—31; 35 –40). Khi người Do Thái phải lang thang trong hoang địa và trước khi xây dựng được đền thờ Giêrusalem, Nhà tạm đặc biệt này chính là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa cho dân được tuyển chọn, là nơi thông truyền ý muốn của Ngài và là nơi thờ tự của những bộ tộc người Hipri.
Nhà tạm ngày xưa giống hệt như cái lều hình chữ nhật và được gọi là “lều hội ngộ” do những người Do Thái dựng lên mỗi khi đóng trại. Nó được che bởi những bức rèm làm từ lông con dê, màu sắc sặc sỡ và có trang trí hình các thiên thần; còn cái mái của lều thì được làm bằng da con cừu đực. Bên trong nhà tạm được chia làm hai phòng: Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh. Chúng tách biệt nhau bởi bức rèm hay bức màn che.
Phòng bên ngoài hay Nơi Thánh có 3 vật dụng:
[1] Một cái bàn ở bên phải (phía bắc) mà trên đó người ta đặt 12 ổ bánh tiến hay bánh của Mặt (Nhan) [nghĩa là bánh luôn luôn ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, ở trước nhan Chúa] (x. Xh 25,30); tại đền thờ Giêrusalem, bánh này như là của lễ dâng lên Thiên Chúa và sau đó, được đề cập trong Mt 12, 3-4: “Chúa Giêsu đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng?4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi”;
[2] Một bàn hương án (ở phía tây);
[3] Một chân đèn dầu 7 nhánh ở phía trái (phía nam).
Ở phòng trong hay Nơi Cực Thánh được coi là nơi cư ngụ (mishkan) thực sự của Thiên Chúa Itraen – Đấng ngự trên ngai tòa một cách vô hình. Ngai tòa này ở trên cái bệ cứng bằng vàng (nắp xá tội) nằm trên Hòm Bia Giao Ước. Mỗi đầu của nắp (xá tội) Hòm Bia đều có tượng thiên thần (thần hộ giá) . Hòm Bia này là một cái hộp bằng gỗ được phủ vàng ròng cả trong lẫn ngoài, bên trong có chứa những tấm bia Mười Điều Răn (Chứng Ước) được Môsê mang xuống từ núi Sinai (x. Xh 25,10-22). Hằng năm, người Do Thái vẫn tiếp tục tôn vinh Thiên Chúa – Đấng trung thành đối xử đầy yêu thương với họ trong suốt thời gian ở hoang địa – bằng việc cử hành ngày lễ Lều Tạm kéo dài 8 ngày.
Đến khi có đền thờ do vua Salomon xây dựng tại Giêrusalem (năm 950 trước công nguyên), nhà tạm này không còn được dùng nữa, nhưng các yếu tố của nhà tạm, nhất là Hòm Bia Giao Ước đã được đem vào đền thờ.
Bước sang thời đại Kitô giáo, nhà tạm trong các nhà thờ là nơi lưu giữ Thánh Thể. Thế nhưng, trong Thánh Lễ ngày xưa, người ta sử dụng hết bánh rượu trên bàn thờ, không có vấn đề để lại hay lưu giữ Thánh Thể. Nếu có fermentum, thì đem về dinh đức giáo hoàng và người ta sẽ đem theo khi dâng Thánh Lễ statio (chặng viếng) kế tiếp. Một thời gian sau, người ta có nghĩ tới “viaticum” (của ăn đàng) cho bệnh nhân không thể tham dự Thánh Lễ nên để lại một ít Mình Thánh vừa đủ cho họ. Vào thời Giáo Hội sơ khai, Mình Thánh Chúa thường được cất giữ tại tư gia để các bệnh nhân và những người không thể tham dự buổi cử hành được rước lễ và nhằm tránh những cuộc bách hại. Khi chiếu chỉ
Ban đầu, nhà tạm lưu giữ Thánh Thể là một cái tủ nhỏ hay một vật chứa giống chiếc hộp (pyx) để cất giữ Mình Thánh Chúa như ngày nay. Đã từng có lúc, nhà tạm được đặt ở bên trong phòng thánh xa khỏi gian chính của nhà thờ hoặc nhà tạm là một hộp chứa (thường làm bằng vàng) – có hình dáng chim bồ câu (nên được gọi là columba) và có thể di chuyển – được treo trước bàn thờ bởi những dây xích đẹp như thấy bên Đông phương; hoặc nhà tạm được đặt ở trong một ngọn tháp (thường làm bằng bạc). Bên Tây phương cũng có thói quen giữ lại một ít Mình Thánh, nhưng không thấy nói gì tới columba gì cả.
Vào thế kỷ XIII, Duranto (1296) đã minh chứng là một số ít nhà thờ đã có nhà tạm cất giữ Mình Thánh. Cách chung, nhà tạm giống như một cái tủ có trang hoàng chi tiết đẹp đẽ, thường làm bằng gỗ, được gắn vào bức tường phía bên phải hay bên trái của bàn thờ hoặc để trong phòng thánh. Thời gian này, cũng đã xuất hiện đèn cung thánh nhằm diễn tả sự hiện diện của Chúa Kitô. Công đồng Laterano thứ IV năm 1215 đã ra sắc lệnh đòi nhà tạm phải được khóa cẩn thận, đặt ở nơi sạch sẽ và dễ thấy.
Cuối thế kỷ XIV, những kiến trúc bằng đá đặc biệt để cất giữ Bánh Thánh bắt đầu được xây dựng, nhất là tại Bắc Âu. Cùng lúc đó, tại các nhà thờ bên Đức và Hòa Lan, chổ để nhà tạm thường được thấy là một tòa tháp cao. Tòa tháp này thường ở phía bắc của bàn thờ và độ cao hầu như vươn tới trần nhà. Chẳng hạn như tòa tháp Thánh Thể ở nhà thờ St. Laurence (Nuremberg) cao tới 18,70m; ở nhà thờ thánh Phêrô và thánh Phaolô tại khu Weil der Stadt, tháp cao trên 11m; ở nhà thờ Đức Bà thuộc vùng Lübeck, tháp cao 9,5m…[i]Nhìn chung, cho đến thời kỳ này, Thánh Thể được lưu giữ theo 4 loại hình sau : 1] Trong một cái tủ nhỏ có khóa như thói quen bắt nguồn từ Giáo Hội sơ khai; 2] Trong một cái tủ nhỏ đặt trong bức tường ở khu vực của kinh sĩ hay trong một tủ nhỏ được gọi là “Nhà Bí Tích” có cấu trúc giống như một tòa tháp được gắn vào bức tường gần bàn thờ; 3] Trong một hộp chứa có hình “chim bồ câu” (columba) được treo ở phía trên bàn thờ; 4] Trong một nhà tạm trên chính bàn thờ hay bức tường sau bàn thờ.
Đến thế kỷ XVI, thông thường, nhà tạm được đặt ở trên bàn thờ chính. Đó là mệnh lệnh của đức giám mục Matteo Giberti dành cho giáo phận Verona (Ý) của ngài. Tập tục này lan truyền khắp miền bắc nước Ý. Chính thánh Charles Borromeo, tổng giám mục Milan (năm 1560) đã hạ lệnh di chuyển nhà tạm của nhà thờ chính tòa từ trong phòng thánh ra một bàn thờ (không phải bàn thờ chính). Sách Lễ Rôma được hiệu đính và ban hành bởi Đức Pio V vào năm 1570 (Thánh Lễ Tridentino) vẫn chưa dự định đặt nhà tạm trên bàn thờ. Tuy nhiên, năm 1614, đức giáo hoàng Phaolô V đã ra luật đặt nhà tạm trên một vài bàn thờ tại các nhà thờ thuộc giáo phận Rôma. Nhằm chống lại sự chối từ của các anh em Thệ Phản không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô nơi phép Thánh Thể, việc đặt nhà tạm thậm chí trên một bàn thờ cao đã lan truyền khắp nơi. Nhà tạm, hoặc được đặt trên bàn thờ chính, hoặc trong một nhà nguyện đặc biệt, trở nên ngày càng lớn hơn và được trang hoàng nhiều hơn đến độ vượt quá bàn thờ. Đến ngày 21/08/1863, Thánh Bộ Lễ Nghi cấm sử dụng nhà tạm treo hình chim bồ câu và Nhà Bí Tích, Thánh Bộ ra lệnh rằng các nhà tạm phải theo cách thức Rôma, nghĩa là đặt nhà tạm giữa bàn thờ.
Trước công đồng Vatican II, Thánh Lễ thường được cử hành trực tiếp phía trước nhà tạm (chủ tế quay lên). Ngày nay, do cuộc cải cách phụng vụ của công đồng Vatican II, bàn thờ đã được kéo ra khỏi bức tường và có một vị trí riêng ở giữa cung thánh; còn nhà tạm cũng có một vị trí riêng, thường có thể để trên bàn thờ cũ không còn dùng cử hành Thánh Lễ nữa, hay gắn trên bức tường phía sau bàn thờ, hay trong một phòng nguyện riêng biệt. Tất cả đều đồng ý rằng vị trí thích hợp cho nhà tạm là ở trong một phòng nguyện của nhà thờ. Điều này cho phép các tín hữu chú tâm vào cử hành Thánh Thể trong Thánh Lễ và nhằm tạo thuận lợi cho các tín hữu tôn thờ Thánh Thể và cầu nguyện riêng tại một không gian khác.
Ngày nay, nhà tạm có thể được làm bằng các chất liệu khác nhau như gỗ, đá hay kim loại và có hình khối tròn (hình trụ, hình cầu) hay khối chữ nhật. Trong nhà tạm thường sẽ có bình thánh (ciborium) chứa đựng Mình Thánh Chúa và có mặt nguyệt (luna – lunette) giữ Mình Thánh Chúa. Mặt nguyệt sẽ được đặt vào trong mặt nhật (monstrance) để trưng bày khi chầu Thánh Thể và ban phép lành Mình Thánh Chúa.
B. Thần học
Cần xác định ngay từ đầu rằng nhà tạm không phải là một trong những tiêu điểm của phụng vụ Thánh Lễ. Thậm chí, nhà tạm cũng không phải là đối tượng bắt buộc trong cấu trúc nhà thờ. Các lý do được đưa ra như sau:
– Thứ nhất, Giáo Hội thời sơ khai lưu giữ Thánh Thể chỉ vì mục đích cho các bệnh nhân hiệp lễ. Ngày nay, việc lưu giữ Thánh Thể, xét như Của Ăn Đàng, là để cho bệnh nhân và những người khác rước lễ bên ngoài Thánh Lễ; đồng thời, việc lưu giữ Thánh Thể là để các tín hữu đến tôn thờ Chúa Giêsu dưới hình thức Mình Thánh mà quen được gọi là viếng Thánh Thể hay chầu Thánh Thể. Việc tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể nảy sinh là do bởi lòng sùng mộ sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô trong nhiệm tích Thánh Thể mà các tín hữu không có nhiều thời gian chiêm ngắm Ngài sau khi tư tế truyền phép và giơ cao trong Thánh Lễ. Vì vậy, các tín hữu cần có một nơi Chúa hiện diện thường xuyên để họ có thể đến chiêm ngắm Ngài, cầu nguyện cách tư riêng với Ngài và họ đã đến trước nhà tạm.
– Thứ hai, việc lưu giữ Thánh Thể là thứ yếu so với việc cử hành Thánh Lễ. Thật vậy, các tài liệu của Giáo Hội đều đề cập việc cử hành Thánh Thể mới là ưu tiên và mới thực sự là trung tâm đời sống Kitô hữu của giáo xứ, giáo phận cũng như và toàn thể Hội Thánh. Bởi thế, không gian rộng lớn của nhà thờ được ưu tiên thiết kế cho hành động này, cho sự tham dự tích cực của các thành viên của cộng đồng. Cũng chính việc cử hành tích cực này làm cho tòa nhà thờ thành một không gian thánh chứ không phải chỉ do sự hiện diện của Thánh Thể được lưu giữ.
– Thứ ba, để diễn tả cách tốt nhất dấu chỉ Thánh Thể – sự hiệp nhất của cộng đồng tín hữu qua việc chia sẻ một bánh – một chén và cộng đồng trở thành một thân mình Chúa Kitô – Mình Thánh nên được lưu giữ bên ngoài khu vực bàn thờ ngay từ đầu lễ thì tốt hơn. Nói cách khác, không có lý do nào để cử hành Thánh Thể nếu như đã có Thánh Thể ở đó rồi. Sách Nghi Lễ Giám Mục “Caeremoniale Episcoporum” (NLGM) số 49 nói rõ rằng nếu có một nhà tạm lưu giữ Mình Thánh ở trên hay ở gần nơi đức giám mục cử hành Thánh Lễ thì nên chuyển Thánh Thể đến một nơi khác và để nhà tạm trống rỗng. Điều này cũng được áp dụng cho Thánh Lễ Tiệc Ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, nghĩa là, phải để trống nhà tạm ngay từ đầu lễ.
– Thứ tư, sau Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh, sẽ có nghi thức rước kiệu và tôn thờ Mình Thánh Chúa. Điều này nhằm nhấn mạnh: chầu Thánh Thể thụ động phát xuất từ việc cử hành Thánh Thể cách chủ động. Còn đối với các Thánh Lễ khác, nếu đặt Mình Thánh để tôn thờ sau Thánh Lễ, thì nên sử dụng Bánh Thánh vừa mới được truyền phép ngay trong chính Thánh Lễ đó. Những người tham dự cũng nên hiệp lễ từ chính Mình Thánh được thánh hiến trong chính Thánh Lễ họ tham dự.
Tuy vậy, nhà tạm vẫn là nơi Chúa Kitô hiện diện, Ngài là Thiên Chúa bất khả phân với thịt và máu, với thần tính và nhân tính của Ngài. Bởi thế, cần phải có một nơi xứng đáng cho sự hiện diện này. Nhà tạm như thế thay thế cho Hòm Bia Giao Ước xưa kia. Nhà tạm hoàn tất cách trọn vẹn những gì mà Hòm Bia Giao Ước thể hiện: đó là nơi cực thánh, là lều của Thiên Chúa, và là ngai tòa của Người. Một thánh đường không có sự hiện diện của Thánh Thể, thánh đường đó đã chết. Ngược lại, nếu một nhà thờ luôn có ánh sáng đèn (nến) cháy trước Nhà tạm, nhà thờ này sống động và trổi vượt hơn ngôi nhà xây dựng bằng gạch đá.
Thần học về Nhà tạm còn được hiểu thông qua:
Nghi thức khánh thành phòng nguyện Thánh Thể
Nghi thức này được cử hành sau Lời Nguyện Hiệp Lễ, trong đó, sẽ có một cuộc rước di chuyển từ bàn thờ – nơi hành động Thánh Thể đã diễn ra – sang đến phòng nguyện lưu giữ Thánh Thể. Điều này rõ ràng phân biệt giữa sự tham dự tích cực của mọi người [qua việc ăn và uống trong cử hành Thánh Thể] với sự tham dự thụ động của họ vào giờ tôn thờ Thánh Thể. Vị tư tế sẽ mang trong đoàn rước hộp đựng Mình Thánh (pyx) thường dùng để cho các bệnh nhân hay những người cận tử rước lễ, chứ ngài không mang bình thánh (ciborium). Điều này ám chỉ rằng Thánh Thể lưu giữ nơi nhà tạm trước hết được dùng làm của ăn đàng (viaticum) cho người hấp hối và được dành cho các anh chị em bệnh nhân hiệp lễ. Nghi thức này, cũng như cử hành sau Thánh Lễ Tiệc Ly, nhằm nhấn mạnh rằng: việc lưu giữ Thánh Thể tuôn trào ra từ cử hành Thánh Thể. Tòa nhà thờ được kiến thiết cho tất cả tín hữu tham dự Hy Lễ Tạ Ơn một cách chủ động; còn phòng nguyện Thánh Thể được thiết lập cho việc đạo đức cá nhân. Các khía cạnh chủ động và thụ động đó của Thánh Thể không thể đòi hỏi tín hữu chú tâm cùng một lúc và trong cùng một không gian. Mỗi nơi cần có thời gian và không gian riêng[ii]. Tức là không nhất thiết nhà tạm ở trong cung thánh của nhà thờ.
Làm phép nhà tạm mới
“Nghi thức khánh thành phòng nguyện Thánh Thể” không trình bày việc làm phép nhà tạm nhưng đề nghị một thời gian cầu nguyện thinh lặng trước khi đặt hộp đựng Mình Thánh vào trong nhà tạm. Đây là một dấu chỉ đầy giá trị vì nó chỉ ra một trong những khía cạnh của tôn thờ Thánh Thể là thinh lặng cầu nguyện.
Khi một nhà tạm mới được gắn vào một nhà thờ cũ đang khi làm mới, cơ hội để hướng dẫn dân chúng hiểu biết tầm quan trọng của nhà tạm sẽ được thực hiện qua việc làm phép nhà tạm mới diễn ra trong cử hành Hy Lễ Tạ Ơn. Lời nguyện làm phép nhấn mạnh một trong những lý do của việc lưu giữ Mình Thánh là để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể.
Sau hiệp lễ, hộp đựng Mình Thánh hay bình thánh chứa Mình Thánh Chúa còn lại trong Thánh Lễ sẽ được đặt trên bàn thờ. Giống như cuộc rước trong “Nghi thức khánh thành phòng nguyện Thánh Thể” và rước kiệu Thánh Thể sau Thánh Lễ Tiệc Ly, Thánh Thể sẽ được rước đến nhà tạm mới hay nhà tạm vừa mới được làm lại[iii]. Vị tư tế, với khăn phủ vai, tùy nghi có thể chọn mang hộp chứa Mình Thánh (pyx) hay bình thánh (ciborium), ngài sẽ ở trong đoàn rước được dẫn đầu bởi người cầm bình hương, người cầm thánh giá và các thừa tác viên mang nến. Nếu chọn mang hộp chứa Thánh Thể thì sẽ làm nổi bật mục đích của việc lưu giữ Thánh Thể là dành cho người cận tử (viaticum) và những bệnh nhân. Còn nếu chọn mang bình thánh thì sẽ làm nổi bật việc hiệp lễ ngoài Thánh Lễ. Khi đoàn rước tới nhà tạm, tư tế đặt hộp chứa Thánh Thể hay bình thánh vào trong nhà tạm. Vẫn để cửa nhà tạm mở, ngài bỏ hương vào bình hương, quỳ xuống và xông hương Thánh thể. Sau thời gian vắn thinh lặng cầu nguyện, ngài đóng cửa nhà tạm[iv].
Nếu không có cuộc rước, do nhà tạm đặt quá gần bàn thờ, thì sau Lời Nguyện Hiệp Lễ, vị chủ sự sẽ đặt hộp chứa Thánh Thể hay bình thánh vào trong nhà tạm, quỳ gối, xông hương, thinh lặng cầu nguyện trong giây lát rồi đóng cửa nhà tạm[v]. Tiếp đến là ban phép lành trên dân chúng và giải tán họ theo cách thông thường của Thánh Lễ.
C. Thực hành
Cách chung, những hướng dẫn của Giáo Hội, từ tài liệu Inter Oecumenici (số 95) năm 1964 và Eucharisticum Mysterium (số 53) năm 1967 của Thánh Bộ Lễ Nghi cho đến tài liệu Inaestimable Donum (số 24) ra năm 1980, Giáo Luật số 938#2 (1983) và Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rô-ma (số 314) năm 2002đều đề nghị rằng: tùy theo cấu trúc của thánh đường và thể theo các tục lệ địa phương, Mình Thánh Chúa được lưu giữ trong nhà tạm, nơi trang trọng và nổi bật của thánh đường, có dấu nhận biết, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện. Theo thói quen, chỉ có một nhà tạm, không thể di chuyển, làm bằng vật liệu vững chắc, không trong suốt, và phải đóng kín để tránh tối đa mọi nguy cơ phạm thánh (bất khả xâm phạm)[vi]. Nói rằng chỉ có một nhà tạm trong một thánh đường là vì nhằm trung thành với dấu chỉ của sự hiệp nhất và mục đích của việc lưu giữ Thánh Thể[vii]. Điều này cũng giống như chỉ có một bàn thờ trong một nhà thờ, để trong một cộng đồng – Nhiệm Thể Chúa Kitô – một bàn thờ sẽ đại diện cho một Chúa Kitô – Ngài làm đầu Hội Thánh – và cùng với nhau giữa đầu và thân mình, tất cả cử hành một Hy Lễ tạ Ơn. Một cộng đoàn tín hữu cùng nhau quy tụ dưới sự lãnh đạo của một mục tử – đức giám mục giáo phận – hay vị đại diện của ngài, vị mục tử tại gíao xứ, và cử hành cùng một Hy Lễ Tạ Ơn.
Như trên đã đề cập, nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa được được đặt trong nhà thờ hay nhà nguyện ở một chỗ nổi bật, dễ thấy, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện[viii], do đó, sẽ là một lạm dụng nghiêm trọng nếu như bỏ xó nhà tạm vào một phòng nào đó hay vào một nơi phía sau nhà thờ hoặc đặt đằng sau chỗ ngồi của giáo dân. Không thể nói vị trí như thế là “nổi bật” nếu như dân chúng không thể thấy nhà tạm từ gian chính nhà thờ hay họ không thể tìm thấy nhà tạm một cách dễ dàng[ix].
Thật ra nhà tạm có thể đặt trong cung thánh[x]hay ngoài cung thánh, nhưng đặt ngoài cung thánh (trong một phòng nguyện) thì tốt hơn. Lý do là vì: thứ nhất, khi cử hành Thánh Lễ, nhà tạm không có chức năng phụng vụ, tiêu điểm của cử hành phụng vụ là bàn thờ, giảng đài, và ghế chủ tọa chứ không phải nhà tạm; thứ hai, vị trí ngoài cung thánh sẽ tạo dễ dàng cho các tín hữu muốn cầu nguyện và chầu Thánh Thể riêng tư mà không bị chia trí khi có những cử hành khác trong nhà thờ hay khi có khách du lịch đến tham quan nhà thờ…Một phòng nguyện đúng là khu vực lý tưởng hơn để đặt nhà tạm. Nơi đây, việc chầu Thánh Thể liên tục có thể diễn ra; thứ ba, có thể dễ dàng trang trí những tranh ảnh thánh trong phòng nguyện nhằm nâng cao tâm hồn những ai đến đây cầu nguyện cá nhân. Bởi những lý do tích cực trên đây, cho nên khi lập đồ án xây dựng nhà thờ mới, không thể không nghĩ tới việc xây dựng một phòng nguyện lưu giữ Thánh Thể[xi]. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ nên áp dụng cho các nhà thờ chính tòa, đền thánh hay những ngôi nhà thờ lớn mang tính lịch sử.
Còn việc chọn lựa đặt nhà tạm trong cung thánh thường áp dụng cho các nhà thờ nhỏ và các nhà thờ giáo xứ, nơi đây, thật khó có thể đặt nhà tạm trong một nhà nguyện lưu giữ Thánh Thể tách biệt hay trong khu vực cánh ngang (chái) của nhà thờ. Đối với trường hợp này, vị trí tốt nhất của nhà tạm là ở trên trục trung tâm của nhà thờ, phía đầu cung thánh và phải xa khỏi bàn thờ để bày tỏ sự khác biệt giữa cử hành Thánh Thể cách chủ động và tôn thờ Thánh Thể cách bị động; nhưng ở vị trí này, không nên làm cho người ta chú ý đến nhà tạm hơn bàn thờ bằng những trang hoàng hoa lá, ánh sáng và đốt nhiều đèn (nến) gần nhà tạm đang khi cử hành Thánh Thể. Từ trục trung tâm, nhà tạm có thể được cố định trên bàn thờ cũ, trên một cái cột, hay gắn nhà tạm vào trong một cái tháp Thánh Thể, hoặc vào hốc tường[xii].
Nói rằng vị trí tốt nhất của nhà tạm trong cung thánh là nằm ở trên trục trung tâm của nhà thờ, có nghĩa là, nếu muốn dịch chuyển nhà tạm ở bức tường phía đầu cung thánh sang bên phải hoặc bên trái một chút cũng được. Nhưng nếu dịch chuyển quá xa về một phía sẽ gây lúng túng cho các thừa tác viên phụng vụ khi đi lại và bái chào trong cung thánh, cũng như gây bất tiện cho những người đến viếng Thánh Thể, họ phải hướng về một phía không phải trung tâm của nhà thờ.
Cũng trong trường hợp dịch chuyển nhà tạm sang một phía, thường chỉ thấy ở một số nhà thờ tại Việt
– Thứ nhất, tòa tôn vinh Sách Thánh không được dự liệu trong bất cứ tài liệu phụng vụ chính thức nào của Giáo Hội. Các đối tượng thường được nhắc đến và có chức năng phụng vụ trong cung thánh là bàn thờ, giảng đài, ghế chủ tọa …Chúng được cung hiến hoặc làm phép, nhưng không có bất cứ nghi thức làm phép nào dành cho tòa tôn vinh Lời Chúa này.
– Thứ hai, Sách Tin Mừng (hay Sách Bài Đọc) được kính trọng trong Phụng vụ Lời Chúa với những nghi thức và cử điệu gần tương tự như đã được dành cho bàn thờ và bí tích Thánh Thể, chẳng hạn: rước Sách Tin Mừng lúc đầu lễ và khi tung hô Tin Mừng, Sách Phúc Âm được thừa tác viên công bố Tin Mừng xông hương, hôn kính… Làm thế, Hội Thánh tỏ bày sự tôn kính đối với Lời Chúa và niềm tin của Hội Thánh vào sự hiện diện của Đức Kitô, Người đang nói với dân theo một cách thế đặc biệt trong việc công bố những văn bản thánh trong phụng vụ. Tuy nhiên, như lời dạy của Đức Phaolô VI, sự hiện diện của Đức Kitô trong Lời Chúa là đích thực, nhưng sự hiện diện này chấm dứt khi kết thúc các Bài Đọc Sách Thánh, còn sự hiện diện của Thánh Thể là chân thực, đích thực và bản thể “theo nghĩa đầy đủ nhất”. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi mọi cách thức tôn vinh dành cho Sách Tin Mừng nên chấm dứt một khi phụng vụ Thánh Thể bắt đầu. Như vậy, sự hiện diện luôn luôn của tòa tôn vinh Sách Thánh phía đầu cung thánh và đặt ngang bằng đối xứng với Nhà tạm là không cần thiết.
– Thứ ba, không nên có sự trùng lắp hai đối tượng như nhau trong cùng một thánh đường hay trong cùng một cử hành phụng vụ; rõ ràng là đã có Sách Bài Đọc hay những dịp long trọng, đã có sẵn Sách Tin Mừng trong Thánh Lễ rồi, nên không cần thiết phải có thêm một cuốn Sách Thánh ở trên tòa tôn vinh Sách Thánh; Hơn nữa, người ta quên rằng giảng đài chính là nơi hay là tòa tôn vinh Sách Thánh rồi mà không cần một nơi tôn vinh nào khác. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn thiết lập một vị trí tôn vinh Sách Tin Mừng nơi cung thánh hay một nơi nào khác thích hợp như lệnh truyền được đưa ra cho các giáo xứ ở Rôma bởi đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II nhân dịp chuẩn bị Năm Thánh 2000, thì nên tham khảo văn kiện “Built on Living Stones”(BLS) của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ởsố 62, tài liệu này cho biết: “Sự cung kính của chúng ta dành cho Lời Chúa được diễn tả không chỉ trong việc chăm chú lắng nghe và suy niệm Kinh Thánh, mà còn bằng cách chúng ta trao và cư xử đối với Sách Tin Mừng. Giảng đài có thể được thiết kế không chỉ cho việc đọc và giảng Lời Chúa, mà còn để trưng bày cuốn Sách Tin Mừng mở ra hay một bản sao chép Sách Thánh trước hay sau cử hành Phụng vụ”. Tài liệu này rõ ràng chọn lựa vị trí cho tòa tôn vinh Lời Chúa bên ngoài cử hành phụng vụ vẫn là giảng đài chứ không thêm một tòa nào khác hay ở một vị trí nào khác. Theo QCSLRM số 175, khi phó tế công bố Tin Mừng xong, thầy có thể hôn Sách Tin Mừng hay mang Sách Tin Mừng đến cho đức giám mục chủ tế hôn. Sau đó, phó tế có thể đem Sách Tin Mừng đến bàn đồ lễ hay một nơi thích hợp và xứng đáng khác. Nhưng dường như thích hợp hơn nữa nếu thầy phó tế mang Sách Tin Mừng để trở lại giảng đài, để rồi, ngoài giờ cử hành phụng vụ, Sách Tin Mừng sẽ được trưng bày tại đây[xiii].
Trong những ngôi nhà thờ cổ, nhà tạm có thể đặt trong cung thánh trên một bàn thờ cổ không còn dùng để dâng lễ nữa[xiv]. Tuy nhiên, không được trang trí bàn thờ này cách đặc biệt lộng lẫy bởi vì nó có thể làm phân tán tâm trí người ta khỏi bàn thờ – nơi diễn ra cử hành Thánh Thể[xv]. Cũng nên có khoảng cách vừa đủ giữa bàn thờ cũ và bàn thờ cử hành[xvi].
Ngoài vấn đề về vị trí nhà tạm, ở đây, xin mở rộng bàn thêm một vài chi tiết quan trọng khác nữa liên quan đến nhà tạm:
[1] Ý muốn của Hội Thánh được diễn tả rõ rệt qua Đức Phaolô VI khi ngài mô tả nhà tạm như là “trái tim sống động của mỗi nhà thờ chúng ta”[xvii].Do đó, phải tạo ra một không gian rộng đủ cho việc cầu nguyện và sùng kính riêng tư tại vị trí của nhà tạm trong cung thánh, tức là tại khu vực chung quanh hay phía trước nhà tạm[xviii], chẳng hạn như nên có những ghế ngồi hay bàn quỳ ở đó; Sách Thánh và những sách thiêng liêng cũng nên có sẵn ở đây nhằm hỗ trợ dân chúng tôn thờ Chúa[xix]. Phải làm sao để tất cả mọi người, kể cả những anh chị em đi xe lăn hay khuyết tật, có thể dễ dàng đến trước nhà tạm để cầu nguyện riêng. Nếu Thánh Thể được lưu giữ trong phòng nguyện, tốt nhất là ai nấy đều có thể tiến vào phòng nguyện này một cách dễ dàng từ khu vực hay không gian quy tụ của nhà thờ, từ gian chính nhà thờ, hay từ lối vào bên ngoài.
[2] Trước nhà tạm hay gần nhà tạm phải có một ngọn đèn đặc biệt luôn luôn cháy sáng, để chỉ và tôn kính Đức Kitô đang hiện diện[xx]. Đây phải là ngọn lửa sống động được đốt bằng dầu hay sáp thực sự. Tuy nhiên, vì những lý do thực tế, đức giám mục có thể cho phép sử dụng đèn điện. Chẳng hạn như những lý do sau: khói của ngọn lửa làm hư hại trần nhà cổ kính và nghệ thuật; hoặc làm hư hại những tác phẩm quý giá và nghệ thuật gần đấy; hoặc rất hiếm khi có tư tế đến đây dâng lễ… Liên quan đến việc nhà tạm phải luôn luôn được nhìn thấy, đèn nhà tạm có thể được lắp đặt trên giá đỡ ở bức tường, hay để trên một giá đứng hay treo lên theo hình thức truyền thống. Tuy nhiên, cũng như những đối tượng khác, đèn không được để ngay trước nhà tạm hay cửa nhà tạm. Thực hành Rôma khuyên nên dùng một bóng đèn trong suốt nhưng cũng có thể thay thế bằng bóng đèn màu đỏ. Ở một vài nơi, người ta cũng cho chiếu trực tiếp ánh sáng điện liên tục về phía nhà tạm hay xung quanh nhà tạm nhưng thực hành này không thay cho đèn nhà tạm[xxi].
[3] Dù Nhà tạm có hình thức nào cũng nên có màn che như dấu hiệu trước tiên về sự Hiện Diện Đích Thực của Chúa[xxii]. Màn che có thể màu trắng hay tốt hơn là theo màu của ngày lễ hoặc của mùa phụng vụ, nhưng không bao giờ là màu đen. Màn che tiêu biểu cho lều thánh của Chúa. Đây là một dấu chỉ mầu nhiệm nghịch lý, bởi vì mạc khải bằng cách che dấu sự hiện diện của Đấng Emmanuel “ở tạm” giữa chúng ta. Có thể viền quanh nhà tạm bằng lụa hay bằng kim loại quý.
Tóm lại, trong mọi trường hợp, nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa phải được đặt ở một chỗ nổi bật, dễ thấy, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện. Đối với các nhà thờ chính tòa, đền thánh hay những ngôi nhà thờ lớn có tính cách lịch sử – vì là nơi thường xuyên có khách du lịch hay hành hương viếng thăm hoặc là nơi có quá nhiều cử hành phụng vụ trong ngày tại cung thánh – cho nên chọn lựa ưu tiên nhất là đặt nhà tạm ở bên ngoài cung thánh nhà thờ, trong một phòng nguyện gắn liền hoặc gần sát với nhà thờ; hay nếu không thể được, thì đặt nhà tạm ở một gian nhánh của thánh đường. Khi không thể thực hiện việc đặt để nhà tạm ở hai vị trí nêu trên, hoặc là đối với các nhà thờ nhỏ, thì đặt nhà tạm trong cung thánh. Trong trường hợp này, vị trí tốt nhất của nhà tạm là nằm trên trục trung tâm của nhà thờ, ở phía đầu cung thánh và phải xa khỏi bàn thờ để bày tỏ sự khác biệt giữa cử hành Thánh Thể cách chủ động và tôn thờ Thánh Thể cách bị động. Điều này có nghĩa là dù nhà tạm được định vị gắn với bức tường phía đầu cung thánh, nhà tạm nằm trên bàn thờ cũ, trên một cái tháp hay trên một cái cột thì chọn lựa tốt nhất vẫn là nằm trên trục trung tâm của thánh đường. Đối với nhà tạm gắn với bức tường phía đầu cung thánh, nếu không muốn nó nằm trên trục trung tâm của thánh đường thì cũng chẳng sao. Rất có thể dịch chuyển nhà tạm qua phía trái hay phía phải trục trung tâm một chút. Tuy nhiên, việc thiết lập một tòa tôn vinh Sách Thánh cho đối xứng với nhà tạm này là không cần thiết.
[i] Kiểu tháp này vẫn được sử dụng cho mãi tới thế kỷ XIX.
[ii]x. Joseph Ratzinger. Der Geist der Liturgie, Verlag Herder Freiburg im Breisgau, 8th edition, 2007, Bản dịch Việt ngữ : “Tinh Thần Phụng Vụ” từ bản tiếng Anh “The spirit of Liturgy”. Dịch giả: Nguyễn Luật Khoa, ofm. Nxb. Tôn Giáo, 2007, tr. 101-103.
[iii]x. Sách Các Phép 1196
[iv]x. Ibid 1197
[v]x. Ibid 1200-1201
[vi]x. Giáo Luật 938#3; Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (QCSLRM) số 314. Đúng là “Phải khóa cửa nhà tạm để tránh nguy cơ phạm thánh.”Vào thứ năm tuần thánh, một nhà tạm thứ hai sẽ được dùng để cất trữ Mình Thánh.
[vii]X. QCSLRM 341
[viii]QCSLRM 314; GL 938#2
[ix]Peter Elliott, Ceremonies of The Modern Roma Rite, [Ignatius.
[x]QCSLRM 315a; Built on Living Stones(BLS) 2000, 79
[xi]x. Crispino Valenziano, “Liturgial Architecture”(trong Anscar J. Chupungco, OSB, Handbook for Liturgical Studies, Vol. V), p. 392.
[xii]x. BLS 72
[xiii]x. BLS 62
[xiv]x. QCSLRM 315a
[xv]x. QCSLRM 303
[xvi]x. BLS 80
[xvii]Phaolô VI, Credo of the People of God, 30/06/1968
[xviii]x. BLS 79
[xix]Peter Elliott, Ceremonies of The Modern Roma Rite, 78 – Rất cần thiết với những nơi tổ chức chầu Thánh Thể liên tục
[xx]x. GL 940
[xxi]Peter Elliott, Ceremonies of The Modern Roma Rite, 76
[xxii]x. Thánh Bộ Phụng Tự, Inaestimabile Donum, 4/1980, số 25
Lm Giuse Phạm Đình Ái,sss