Để việc hành hương sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho các tín hữu, Ban Phụng Tự kính gửi Quý Cha bài viết này như một đóng góp cho Năm Thánh, nhằm giúp Quý Cha hiểu hơn về ý nghĩa và mục đích của việc hành hương.
I. Ý NGHĨA CỦA HÀNH HƯƠNG
Hành hương là một phong tục có từ rất lâu trong các tôn giáo cổ, trước cả khi Kinh Thánh được biên soạn. Đó là cuộc lữ hành của các tín hữu về một nơi được thánh hiến do một cuộc hiển linh hoặc do hoạt động của một vị giáo chủ.
Với người Kitô hữu, hành hương là rời khỏi nơi mình ở để đến một nơi linh thiêng nào đó liên quan đến Chúa (đất Palestina), Đức Mẹ (Lộ Đức, Fatima…) hay một vị thánh nào đó.
II. HÀNH HƯƠNG TRONG THÁNH KINH[1]
1. Hành hương trong Cựu Ước
a. Hướng về những thánh điện cổ.
Trước khi thống nhất các thánh điện nhờ cuộc cải cách của Giosias, tại Giêrusalem có nhiều trung tâm hành hương gắn liền với lịch sử thánh, nơi dân chúng đến để tìm gặp Thiên Chúa như Sikem (Gs 24,25), Bêtel (1Sm 10,3 ; 1V 12,29tt), Bersabê (Am 5,5), thánh điện Silô, nơi để hòm bia và cũng là nơi mỗi năm người ta cử hành một ngày lễ của Giavê (Qa 21,19).
Những câu chuyện cổ còn thuật lại các buổi hội họp tôn giáo ở Mispa (1Sm 7,5tt), ở Gilgal (1Sm 11,15), ở Gabaon (1V 3,4), ở Đan (1V 12,19). Nhưng từ khi Đavít rước hòm bia về Giêrusalem (2Sm 6) và từ khi Salomon xây cất đền thờ (1V 5-8), những cuộc hành hương về Giêrusalem giữ một tầm quan trọng vượt bực (1V 12,27).
Từ lâu, luật của giao ước (Xh 23,14-17) bắt buộc mọi nam công dân phải trình diện trước Giavê mỗi năm ba lần vào các dịp lễ trong các thánh điện trên toàn quốc.
b. Hướng về thánh điện duy nhất
Cuộc cải cách của Giosias do Ezekias phác hoạ (2V 18,4.22; 2 Ks 29-31) huỷ bỏ những thánh điện địa phương và chỉ định cử hành lễ Vượt Qua (2V 23 ; 2 Ks 35) và hai ngày lễ khác là Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều ở Giêrusalem (Đnl 16,1-17).
Cuộc cải cách này đã bị chống đối khi Giosias chết. Nhưng sau thời lưu đầy, đền thờ Giêrusalem trở thành thánh điện duy nhất. Chính nơi đây, vào những dịp đại lễ trong năm, khách hành hương từ khắp xứ Palestina và cả đến những người tản mác ở ngoại quốc cũng trẩy về càng ngày càng đông. Những Thánh vịnh lên đền (x. Tv 120-134) diễn tả lời cầu nguyện và tâm tình của khách hành hương: họ trìu mến nhà Chúa và thành thánh; họ tin, thờ lạy và vui mừng được hiệp thông vào các cử hành phụng tự của dân Chúa.
Kinh nghiệm này thường hay xảy ra ở Israel, nó đem lại cho hy vọng cánh chung một ẩn dụ cảm kích : Israel quan niệm “ngày cứu rỗi” theo như những cuộc hành hương, giống cuộc hội họp của dân tộc và sau cùng là của cả lương dân (x. Is 2,2-5 ; 60 ; 66,18-21 ; Mik 7,12 ; Zec 14,16-19 ; Tb 13,11).
2. Hành hương trong Tân Ước
a. Tân Ước không đem lại điều gì mới mẻ cho việc hành hương trong Cựu Ước như vừa trình bày. Cũng như dân chúng, vào năm 12 tuổi, Đức Giêsu “lên” đền thờ Giêrusalem với cha mẹ theo luật dậy (x. Lc 2,41tt), và trong thời gian công khai rao giảng Tin Mừng, Người còn “lên” đó vào những dịp lễ khác nữa (x. Ga 2,13 ; 5,1 ; 7,14 ; 10,22tt ; 12,12).
Thánh Phaolô, hơn 25 năm sau ngày Chúa chịu nạn, vẫn giữ việc hành hương vào dịp lễ Ngũ Tuần (x. Cv 20,16 ; 24,11).
b. Điều mới mẻ là Đức Kitô loan báo Đền Thờ sẽ bị tàn phá (x. Mc 13,2). Hơn nữa, với sự sống lại của Đức Giêsu, từ nay trọng tâm việc phụng tự của các tín hữu là chính con người vinh quang của Người, “Đền thờ mới” và duy nhất (x. Ga 2,19-21; 4,21-23).
Bởi đó, chính đời sống đức tin của dân Thiên Chúa được diễn tả như cuộc hành hương cánh chung đích thực (x. 2C 5.6tt ; Dt 13,14). Cuộc hành hương này là cuộc xuất hành do Đức Kitô hướng dẫn (x. Cv 3,15 ; 5,31; Dt 2,10). Mục đích của nó là những thực tại thiêng liêng : Giêrusalem trên trời, cuộc hội họp của những người con đầu lòng được ghi khắc trên trời (x. Dt 12,22tt) và một đền thờ là chính “Chúa, Thiên Chúa toàn năng… và là Con Chiên” (Kh 21,22-26).
Vì gắn chặt với lịch sử, nên Hội Thánh không từ chối giá trị những cuộc hành hương đến những nơi ngày xưa Đức Kitô đã sống hoặc đến những nơi mà Người đã hiện ra với các thánh. Hội Thánh coi những cuộc tụ họp tại những nơi ghi dấu hoạt động của Đức Kitô như một dịp để các tín hữu hiệp thông trong đức tin và kinh nguyện. Hơn nữa, đó còn là cơ hội thuận lợi để Hội Thánh nhắc cho con cái mình biết : họ đang được Chúa hướng dẫn trên đường tiến về Người.
III.LINH ĐẠO CỦA VIỆC HÀNH HƯƠNG
Sách “Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ” của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích xác định linh đạo đặc thù của việc hành hương gồm 5 chiều kích[2] sau :
1. Chiều kích Cánh Chung
“Chiều kích chính yếu này là nguồn gốc của việc hành hương : đó là một cuộc “đi lên Đền Thánh”, nghĩa là một thời điểm và một ẩn dụ về con đường dẫn đưa tới Nước Trời. Thực thế, cuộc hành hương giúp người tín hữu nhận thức chiều kích cánh chung của đời mình với tư cách là một người đã chịu phép rửa. Người tín hữu là một khách lữ hành, mà sự hiện hữu lại ở giữa bóng tối của niềm tin và sự khao khát thấy thực tại muôn đời, ở giữa giới hạn chật hẹp của thời gian và khát vọng một cuộc sống vĩnh hằng, ở giữa sự mệt nhọc phải bước đi trên đường và sự đợi chờ được an nghỉ luôn mãi, ở giữa nước mắt chốn lưu đầy với ước mong hạnh phúc nơi quê hương trên trời, ở giữa sự xôn xao của cuộc đời hoạt động và niềm say mê sự thanh thản của chiêm niệm.”
“…Khách hành hương nhận ra rằng : ‘trên đời này chúng ta không có thành trì nào bền vững’ (Dt 13,14), vì thế, ngoài mục đích trước mắt là Đền Thánh, người ấy tiến bước qua sa mạc của cuộc đời, hướng về Nước Trời là Đất Hứa đích thực.” Với nhiều tín hữu, đây cũng là “một cơ hội đặc biệt thuận lợi để tiếp cận Bí tích Sám Hối.”
“Khi cuộc hành hương được thực hiện đúng cách, người tín hữu sẽ rời ngôi đền thánh với quyết tâm ‘thay đổi cuộc đời’, nghĩa là hướng cuộc đời mình về Thiên Chúa một cách cương quyết hơn ; như thế, người hành hương ước mong đem lại cho cuộc sống của mình một chiều kích siêu việt hơn.”
2. Chiều kích Lễ Hội
“Trong cuộc hành hương, chiều kích Sám Hối đi đôi với chiều kích lễ hội. Người ta thậm chí có thể xác quyết, chiều kích lễ hội nằm ngay trung tâm của cuộc hành hương.”
Niềm vui của cuộc hành hương Kitô giáo xuất hiện như sự kéo dài niềm hân hoan của người lữ hành Israel đã từng cảm nghiệm : “Vui dường nào khi người ta bảo tôi : chúng ta cùng đi đến nhà của Đức Chúa” (Tv 122,1). Niềm vui ấy góp phần phá vỡ sự đơn điệu của cuộc sống thường nhật khi tỏ bày một cái nhìn về tương lai khác với cái nhìn của thế gian… Niềm vui đó cũng xuất hiện như cơ hội để bày tỏ tình huynh đệ Kitô giáo.
3. Chiều kích Phụng Tự
“Hành hương chủ yếu là một việc phụng tự: khi tiến bước về ngôi Đền Thánh, người hành hương đến gặp gỡ Thiên Chúa để hiện diện trước tôn nhan Người, thờ lạy Người và cởi mở tấm lòng ra với Người… Lời cầu nguyện của họ mang chiều kích rất đa dạng : ca ngợi và tôn thờ Chúa vì lòng nhân từ và sự thánh thiện của Ngài ; cảm tạ vì những ân huệ đã lãnh nhận ; cầu nguyện nhằm thực hiện một lời khấn đã cam kết trước nhan Chúa ; cầu nguyện để được các ơn lành cần thiết cho cuộc sống ; cầu nguyện để xin Chúa tha thứ những tội lỗi đã phạm…”
4. Chiều kích Tông Đồ
“… cuộc hành hương là một việc loan báo đức tin,và khách hành hương là những ‘sứ giả lưu động của Chúa Kitô’.”
5. Chiều kích Hiệp Thông
“Người hành hương đi đến đền thánh, hiệp thông trong lòng tin và đức ái, không chỉ với những kẻ cùng đi với mình trong ‘cuộc hành trình thánh’ (Tv 84,6) mà còn với chính Chúa nữa…” Họ cũng hiệp thông với cộng đoàn địa phương của mình và qua cộng đoàn ấy với toàn thể Hội Thánh, tức là với các thánh trên trời. Họ cùng hiệp thông với toàn thể nhân loại mà những nỗi đau khổ và niềm hy vọng được đưa vào lời cầu nguyện.
IV.SUY NGHĨ VỀ VIỆC HÀNH HƯƠNG TẠI GIÁO PHẬN TRONG NĂM THÁNH 2015
Mặc dù không thực hiện một cuộc hành hương đúng nghĩa về thể chất là đi đến những linh địa, đền thánh mang những dấu ấn đặc biệt, có nhiều khả năng khơi dậy những cảm xúc đạo đức, nhưng về mặt tâm linh, thì việc hành hương của chúng ta trong Năm Thánh Kim Khánh Giáo Phận về những Nhà thờ, Nhà nguyện được chỉ định vẫn mang trọn vẹn ý nghĩa và lợi ích thiêng liêng.
Hành hương Năm Thánh vừa là lời tuyên xưng đức tin, vừa là hành động biểu lộ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì muôn ơn lành Người đã thương ban cho mỗi người, mỗi gia đình chúng ta qua Hội Thánh, mà cụ thể là qua gia đình Giáo phận.
Hành hương là dịp để chúng ta có thể nhận lãnh ơn toàn xá, đền bù lại những hình phạt mà tội của chúng ta đã gây ra, hoặc chỉ ơn xá cho các linh hồn nơi luyện tội. Nhưng điều quan trọng hơn là nhờ ơn Chúa ban, chúng ta can đảm từ bỏ con người cũ, mà hân hoan tiến bước trên đường trọn lành. Đây mới là ý nghĩa toàn vẹn mà chúng ta cần hướng về.
Như vậy, hành hương vừa có ý nghĩa thể chất vừa có ý nghĩa tâm linh. Chúng ta đến một nơi thánh để thờ phượng Chúa, nhưng chúng ta cần đi vào nội tâm để gặp Người. Nhờ đó, chúng ta cảm nhận tình yêu của Chúa, nhận ra thánh ý Người trên cuộc đời chúng ta và mau mắn thi hành, để làm vững mạnh những bước chân lữ hành trên đường tiến về quê thật là Nước Trời.
Lòng nhiệt thành của các linh mục hướng dẫn và nỗi khao khát tìm gặp Chúa của từng tín hữu là yếu tố thiết yếu để cuộc hành hương sinh nhiều hoa trái. Chúng ta cần ý thức, tích cực tham dự các cử hành phụng vụ và đạo đức chung, nhưng cũng cần có những lúc thinh lặng nội tâm để gặp Chúa, để nhìn lại những ơn huệ Chúa ban và nhận ra những sai sót đời mình.
Xếp đặt chương trình hành hương chu đáo là một điều cần, nhưng quan trọng hơn, là làm cho nó có được cái ‘hồn’ khi thực hiện trong tác động của Chúa Thánh Thần. Muốn vậy, sự cộng tác của từng người bằng việc mở lòng ra với Chúa và với nhau, cùng nhau cử hành các việc đạo đức và phụng vụ trong ý thức đức tin và lòng mến sâu xa, biết sử dụng những phút giây thinh lặng cần thiết để cầu nguyện riêng, để biết mình, để tìm kiếm thánh ý Chúa trên đời mình hầu bắt đầu lại một đời sống mới trong Đức Kitô là những điều thật cần thiết vậy.
Kếtluận
Qua Bí tích Rửa tội, đời sống Kitô hữu được tháp nhập vào Mầu Nhiệm Vượt Qua, bước theo Đức Kitô trên hành trình tiến về Giêrusalem trên trời. Đời người tín hữu trở thành một cuộc hành hương thiêng liêng nhiều gian khó nhưng tràn đầy niềm vui và hy vọng.
Mỗi cuộc hành hương của Năm Thánh nếu được hiểu và thực hiện đúng đắn, chúng ta chắc chắn được đón nhận dồi dào ơn sủng để canh tân đời sống đức tin. Chúng ta thêm xác tín đời mình là lữ thứ để biết gắn bó hơn với những giá trị vững bền mà mối mọt không thể gậm nhấm (x. Mt 6,19-20) ; thêm khao khát tìm kiếm Chúa như cùng đích hạnh phúc tối thượng đời mình ; được thúc đẩy mạnh mẽ để sống lời dạy của ĐTC Phanxicô : “giao nộp đời mình cho Chúa Giêsu để sống thiết thân với Ngài”[3]. Một khi có Chúa hiện diện trong lòng, thì đời ta sẽ hồn nhiên tỏa sáng tình Chúa, tình người vì : “cách chứng minh thuyết phục nhất chống lại sự chối đạo là sự hiện diện của các thánh nhân và cái đẹp do Đức Tin trổ sinh”[4]. Đồng thời, khi thực sự sống thiết thân với Chúa, chúng ta sẽ cảm nhận rằng : Chúa là kho tàng tuyệt đối quý giá của đời ta và nghiệm ra rằng : “được là Kitô hữu thật là một ân phúc tuyệt vời” (ĐTC Bênêđictô XVI).
“Ra khỏi chính mình để sống trọn vẹn hơn cho Chúa và tha nhân” là ý nghĩa của cuộc hành hương nội tâm mà mỗi người chúng ta mong được củng cố mạnh mẽ hơn sau mỗi lần chúng ta thực hiện cuộc hành hương về nhà thờ Chính Toà, về Nhà nguyện Toà Giám Mục, về các Nhà thờ đã được chỉ định trong Năm Thánh này để tìm gặp Chúa, tìm kiếm thánh ý và sức mạnh của Ngài.
Đó chính là điều thiện hảo cao cả mà chúng ta cùng cầu nguyện và hy vọng cho mỗi người, mỗi đoàn hành hương nhận được trong Năm Thánh này.
ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc, 31/10/2014
Lm. Giuse Đinh Văn Huấn
(WGP.Xuân Lộc)
[1] X. Trích từ Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh II, Hành Hương, tr. 156-159.
[2] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, ban hành ngày 17/12/2001. Chương 8, số 286. Bản dịch của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc HĐGMVN từ trang 331-335.
[3] Đức thánh cha Phanxicô, Sứ điệp Ngày Cầu Nguyện cho Ơn gọi lần thứ 50.
[4] Đức thánh cha Phanxicô, Sứ điệp Ngày Cầu Nguyện cho Ơn gọi lần thứ 50.