CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN
LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Chương 11: NƯỚC KITÔ THỜI KHỦNG HOẢNG
(1303 – 1453)
* Giáo hội thời Sứ Đồ * Giáo hội thời tử đạo * Đế quốc Roma tòng giáo * Việc hình thành kinh Tin Kính * Truyền thống : Các Giáo Phụ * Âu Châu ki-tô hóa (tk 6-11) * Bối cảnh phát sinh Chính Thống Giáo * Những nền tảng Nước Kitô (tk 11-13) * Ảo vọng quyền lực * Hoa trái của lòng tin * Nước Kitô thời khủng hoảng Phần III : GIÁO HỘI THỜI PHỤC HƯNG * Phục hưng và cải cách * Cuộc canh tân Gíao hội (c.đồng Trentô) * GH và cuộc khủng hoảng lương tâm Tk.18 * Phúc Âm hóa toàn thế giới (Tkỷ 15-18) Phần IV : GIÁO HỘI THỜI HIỆN ĐẠI * Từ Cách Mạng 1789 đến Vatican I * GH giữa thế giới Tân Tiến (1870-1939) * Sự trưởng thành các xứ truyền giáo Tk. 19 * Giáo Hội thời Vatican II (1939-1985) Phần V : GIÁO HỘI VIỆT NAM * GHVN thời sơ khai (tk 16-17) * GHVN xây dựng và phát triển * GHVN thời cận đại (1802-1933) * Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam * Giáo hội Việt Nam hiện nay * Lược sử Giáo hội Việt Nam
Đức Gregorio XI đưa giáo triều về giáo đô năm 1376
Phần I : GIÁO HỘI THỜI THƯỢNG CỒ
Phần II : GIÁO HỘI THỜI TRUNG CỒ
I. CHẤM DỨT THẦN QUYỀN CHÍNH TRỊ
1,1. Phong trào quốc gia tại Châu Âu
Ngôi hoàng đế La-Đức bị bỏ trống gần 20 năm (1254-73). Những vị hoàng đế sau đó do các ông hoàng bầu lên, nên không có thực quyền. Các vị vua Anh và Pháp dần dần củng cố ngai vàng riêng với tổ chức tập trung quyền hành về kinh tế lẫn tư pháp. Tây Ban Nha thì muộn hơn, chờ đến khi thắng Hồi Giáo tại trận Grenade năm 1492. Hậu quả của phong trào quốc gia này là những cuộc chiến tranh giữa các nước, tiêu biểu là chiến tranh “Trăm Năm” giữa Anh và Pháp (1337-1453). Để củng cố quyền bính, tranh chấp giữa các vua với giáo hoàng là điều chắc chắn xảy ra.
1,2. Anagni (1303)
Cuộc tranh chấp giữa vua Philipe le Bel nước Pháp, với đức Bonifacio VIII xảy đến hai lần, cả hai đều đụng độ mạnh. Vua nước Pháp được các luật gia cố vấn, xác định quyền của hoàng cung. Còn giáo hoàng cũng là một luật gia cứng rắn nhất định không nhân nhượng về quyền giáo hoàng.
Năm 1297, để ngăn cản chiến tranh, giáo hoàng cấm các giáo sĩ nộp thuế cho vua Anh, Pháp. Ngược lại vua Philippe cấm đưa tiền và vàng ra khỏi nước. Tình hình lắng dịu khi Roma phong thánh cho vua Louis IX. Lần thứ hai, khi vua Pháp đưa ra tòa kết án giám mục Pamiers Saisset, khâm sai Tòa thánh, vu cáo tội dấy loạn năm 1301. Đức Bonifacio VIII có lẽ còn nhớ đến 100.000 khách hành hương dịp “Năm Thánh” 1300, ban hành một Tông Chiếu triệu tập công đồng giải quyết chuyện nước Pháp. Vua Pháp liền họp Đại Hội Quốc Dân (10-4-1302) tại nhà thờ Đức Bà Paris và được cả ba giới giáo sĩ, quí tộc lẫn thứ dân Pháp hoan nghênh.
Đức Bonifacio VIII ban hành Thông Điệp Duy Nhất Thánh (Unam Sanctam 1302) khẳng định thần quyền tối thượng của chức vị giáo hoàng, mà các vua phải tuân phục. Đáp lại, nhà Vua tự khẳng định quyền tối cao trong vương quốc và tố cáo giáo hoàng lên chức bất hợp pháp, mại thánh và bội ước. Ngày 7-9-1303 Guillaume de Nogaret đem quân vây bắt Đức Bonifacio VIII tại Anagni. Vị giáo hoàng 86 tuổi buồn sầu và từ trần ba tuần sau đó, dù dân địa phương nổi dậy bênh vực Ngài.
Lâu đài Anagni trở thành biểu tượng thay thế Canossa, xóa mờ những kỷ niệm Gregorio VII – Henry IV, Alexandro III – Frederic I, và Gregorio IX – Frederic II.
1,3. Đặt lại vấn đề thần quyền
Tại Đức, Vua Louis Bavière bị đức Gioan XXII ra vạ năm 1324. Ngài tuyên bố Frederic d’Autriche mới là vua. Linh mục Ockham ủng hộ vua Louis Bavière, khẳng định quyền của vua Đức trong lãnh vực trần thế, chủ trương quốc giáo tự trị.
Marsilius de Padua đi xa hơn, thượng tôn công đổng, phủ nhận giáo hoàng Gioan XXII. Ông cùng vua Louis nước Đức đặt giáo hoàng Nicolas V (Ofm 1328-30), có điều chẳng bao lâu vị này từ chức. Theo ông, giáo hoàng chỉ quyền triệu tập công đồng chứ không có quyền tài phán. Chủ thuyết độc tài hoàng đế bắt đầu manh nha từ đây.
II. KHỦNG HOẢNG NGÔI GIÁO HOÀNG
2,1. Giáo triều Avignon (1309-76)
Sau 11 ngày họp tuyển cử, hai nhóm hồng y (theo vua Philippe hoặc giáo hoàng Bonifacio) đã bầu giám mục Bordeaux lên chức giáo hoàng. Đức Clêmente V đăng quang tại Lyon năm 1305, ngài ở lại đất Pháp theo ý vua Philippe và vì Nước Tòa Thánh đang có nội chiến. Năm 1309, ngài lập tòa tại Avignon. Năm 1348, đức Clemente VI mua thành phố này với giá 80.000 phật lăng (năm 1791 cách mạng Pháp truất hữu).
Nhiều người nói về Avignon như cuộc lưu đày Babylon. Nhưng thực tế thành phố này khá thuận lợi cho việc cai quản Giáo hội, vừa yên tĩnh vừa dễ dàng giao lưu với các vùng trong Nước Kitô. Có ba vấn đề đáng lưu tâm :
a/. Ảnh hưởng nước Pháp
Bảy vị Giáo hoàng Avignon, đều quốc tịch Pháp ; 113 trong số 134 hồng y thời Avigon là người Pháp. Hơn nữa do áp lực của vua Philippe Le Bel, đức Clemente V giải tán Dòng Đền Thờ tại công đồng Vienne (1311-12).
b/. Nỗ lực tập trung quyền hành
Các giáo hoàng, nhất là Gioan XXII, gia tăng số nhân viên giáo triều (có khi đến 4000) ; mũ giáo hoàng được đức Benedictô XII thêm tầng thứ ba. Từ nay việc bầu giám mục được thay thế dần bằng việc đặt giám mục “nhờ ân huệ Thiên Chúa và Tông Tòa”.
c/. Lạm phát về chi tiêu
Vì số nhân viên đông và việc xây cất giáo triều Avignon Tòa Thánh cần rất nhiều tiền. Ngoài lợi tức của Nước Tòa Thánh, và quà cáp hằng năm của các vua, thánh đường, tu viện… ta thấy xuất hiện các loại thuế nhậm chức của Giám mục và viện phụ, thuế bó buộc cho các Giám mục đi “ad limina” (về Tòa Thánh trong hạn 5 năm). Dĩ nhiên chúng ta không quên những khoản chi phí chính đáng để cứu trợ cơn dịch đen, cứu tế xã hội, và việc thiết lập các Tòa Giám mục mới tại Á Châu.
Việc trở về Roma
Chân phước Urbano V (1362-70) quyết định đưa giáo triều về Roma và được đón tiếp long trọng ngày 16.10.1367. Thế nhưng khi ngài đặt tám hồng y mà chỉ có một vị người Ý (7 vị Pháp), dân Roma dự định nổi loạn. Đức Urbano V quay trở lại Avignon và băng hà.
Đức Gregorio XI lên kế vị (1370-78), được sự cổ võ tích cực của thánh nữ Catharina Sienna, mới thực sự đưa giáo triều về giáo đô năm 1376. Từ nay các giáo hoàng ngụ tại điện Vatican thay vì ở Laterano.
2,2. Cuộc ly giáo Tây phương (1378-1417)
Tháng 4.1378, sau hai ngày bầu cử căng thẳng giữa tiếng la ó của dân chúng đòi có tân giáo hoàng người Roma hoặc người Ý, giám mục Bari là Bartolomeo Prignano đắc cử, lấy hiệu là Urbano VI (1378-89). Vì tính ngài cứng cỏi lại dự định đặt nhiều Hồng y ngưới Ý, nên cuối cùng tháng 5, 13 Hồng y bỏ xuống Avignon tuyên bố cuộc bầu cử trước thiếu tự do và bầu Giáo Hoàng mới Clementê VII (1378-94) người Genève, lập giáo triều tại Avignon. Vua Pháp Charles V công nhận Clementê VII đưa đến cuộc ly giáo kéo dài 40 năm.
a/. Tình hình chia rẽ
Nước Kitô bị chia đôi theo địa dư : Phía Roma có Đức, Anh, Ái, Bỉ, Ý và Đông Âu ; Phía Avignon có Pháp, Savoie, Napoli, bán đảo Ibérique. Mỗi bên đều có các vị thánh ủng hộ. Kế vị Urbano VI là Bonifacio IX (1389-1404). Kế vị Clementê VII là Benedicto XIII (1394-1423). Các Giáo hoàng ra vạ tuyệt thông lẫn nhau.
Các nhà thần học Paris đề nghị ba giải pháp là thoái vị, hòa giải với trọng tài, hoặc công đồng. Thế nhưng cả hai giáo hoàng không chịu thoái vị. Phía Roma có hai giáo hoàng mới là Innocente VII (1405-06) và Gregorio XII (1406-17). Năm 1407, vua Pháp Charles VI tự nguyện mời hai bên hòa đàm nhưng không thỏa thuận được địa chỉ. Giải pháp hai cũng thất bại.
Các Hồng y của hai bên thấy vậy liền họp nhau tại Pisa (1409) kết án thủ lãnh cả hai phe là bè phái, lạc đạo và bội ước, đồng thanh bầu Alexandro V (1409-10) rồi bầu Gioan XXIII (1410-19), trụ sở ở Bolonia, Đức. Thế là Giáo hội có cùng lúc ba giáo hoàng.
b/. Công đồng Constancia kết thúc phân ly
Theo yêu cầu của hoàng đế La-Đức Sigismund, giáo hoàng Gioan XXIII đứng ra triệu tập công đồng Constancia (1414-18). Ngay phiên họp đầu, công đồng yêu cầu ba giáo hoàng từ chức :
* Gioan XXIII bỏ trốn, bị bắt giam, cách chức, nhưng sau được tự do khi nhận quyền giáo hoàng mới.
* Gregorio XII tuyên bố thoái vị.
* Benedicto XIII dầu đã 90 tuổi vẫn không từ chức nên bị công đồng truất phế. Sống cô đơn tại một đan viện ở Valencia, ngài vẫn nghĩ mình là giáo hoàng.
Năm 1415, công đồng Constancia xác định công đồng có quyền tối cao trong Giáo hội, kết án Jean Hus và bầu đức Martino V (1417-31). Ngài chủ tọa nốt công đồng, ra nhiều sắc lệnh cải tổ rồi mới về Roma đăng quang. Đại ly giáo chấm dứt, Công đồng chung được quyết định trong tương lai sẽ họp định kỳ.
2,3. Công đồng hiệp nhất Florencia (1439-43)
Theo quyết định của công đồng trước, đức Martino V triệu tập công đồng Pavia (1423) và Bâle (1431). Công đồng Bâle tuy ít Giám mục, nhưng lại có nhiều giáo sĩ, các bề trên dòng và đại học tham dự. Công đồng đề cao việc canh tân nhấn mạnh đến việc giảm thuế các loại. Đức Eugenio IV (1431-47) trong hướng đại kết, đã hội ý với hoàng đế Byzantin, quyết định dời công đồng Bâle về Ferrera (1438) rồi Florencia (1439-43).
Hồng y Aleman với 10 giám mục và 300 chuyên viên vẫn cố chấp họp lại Bâle. Họ truất phế đức Eugenio IV và đặt ông hoàng xứ Savoie lên ngôi là Felix V (1439-49). Khi vị này từ chức, họ đặt Giáo hoàng Nicolas V trùng danh hiệu với Đức Nicolas V (1447-55), nhưng ít người hưởng ứng.
Công đồng Florencia có những thành quả sáng chói ít là bên ngoài. Các ông hoàng phía Chính Thống đang cần viện binh để đối đầu với sức tiếp quân của Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, phía Roma liền đặt điều kiện “hiệp nhất”. Công đồng Florencia gổm 150 vị bên Tây và 700 Nghị Phụ Đông Phương, đã đi sâu vào những tranh luận thần học và kết thúc tốt đẹp với sắc lệnh hiệp nhất “Laetentur coeli” vì “bóng mây buồn thảm của thời gian dài chia cắt đã qua, ánh quang của sự hiệp nhất ước mơ bấy lâu đã chiếu sáng tất cả”. Đông phương được dùng bánh có men trong Thánh Lễ. Nhiều Giáo hội trở về hiệp nhất Arménie (1439), Jacobit (1442), Syria (1444), Chaldea và Maronit (1445). Thế kỷ sau thêm Ucraina (1596), Rumani (1697)…
Thế nhưng việc hiệp nhất không được trọn vẹn. Các giáo chủ ủng hộ hiệp nhất như Isidoro thành Kiev, Josephus thành Constantinople bị các giáo sĩ và dân chúng phản đối. Còn các Giám mục phản đối bản văn như Marco thành Epheso thì được tung hô như người hùng bảo vệ Chính Thống Giáo. Tình hình thêm xấu khi Tây Phương thờ ơ trước vận mạng của Constantinople, bị rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ năm 1453. Với thời gian việc đại kết vẫn có thể thành sự, nhưng trước mắt, quan hệ Đông Tây chấm dứt, các dị biệt ngày càng tăng.
Cuối cùng, uy tín giáo hoàng được củng cố. Đức Eugenio IV tuyên bố chỉ nhìn nhận những sắc lệnh Constancia không nghịch với quyền tối cao của giáo hoàng. Thế nhưng, nửa sau thế kỷ XV, vì lạc vào chính sách đề cao nước Ý và cơn hỏa mù thời phục hưng, các giáo hoàng chỉ bận tâm làm đẹp thành phố Roma, mang tiếng nhiều về tệ nạn xa hoa, háo danh, vụ lợi và thiên tư con cháu trong gia tộc.
III. CUỘC KHỦNG HOẢNG XÃ HỘI
3,1. Những bất hạnh của thời đại
a/. Chiến tranh, ôn dịch và chết chóc
Âu Châu thế kỷ XIV – XV còn chồng chất những tai ương, kinh hoàng nhất là “Cơn Dịch Đen” (1347-49) thảm sát 1/3 dân số. Rồi chiến tranh các vùng như Chiến Tranh “Trăm Năm”. Nhưng nạn nhân các cuộc chiến còn ít hơn nạn nhân trong các cuộc cướp phá, thiêu hủy làng mạc đô thị. Nhiều thánh đường thiếu mái, nhiều giáo sĩ bị giết, nhiều nơi không tìm ra bánh rượu để dâng lễ.
Vì thế người ta luôn bị cái chết ám ảnh. Các tranh ảnh sách vở thuật lại những cái chết thê thảm. Các cuộc khiêu vũ quỉ thần (hóa trang thần chết và các bộ xương khô) nhấn mạnh con người bình đẳng trước thần chết. Người ta ít khóc người chết và chuẩn bị chết với các nghệ thuật chết. Ở Paris, nghĩa trang là nơi nhiều người tụ họp nô đùa giải trí nhất.
b/. Ma quỉ với con người
Trước cái chết mọi nơi, người ta tìm cách giải thích. Đúng là Thiên Chúa trừng phạt tội con người ? Đó là nguồn gốc các “đoàn rước đánh tội” đến đổ máu giữa phố. Thế nhưng thảm họa vẫn chưa dứt, satan được gán cho mọi bất hạnh. Cơn sốt ma quỉ kéo dài đến thế kỷ XVII, cụ thể qua các bà phù thủy. Nhiều người thích coi bói và liên lạc với ma quỉ dù hàng ngàn người phải lên dàn lửa. Một thần học sai lầm cộng với tâm lý bệnh hoạn là lời giải thích cho các biểu hiện ngoại nhiên về quỉ ma.
3,2. Cuộc khủnghoảng tri thức
Các xáo trộn trong Giáo hội, các tranh chấp giữa giáo hoàng – hoàng đế, việc có hai ba giáo hoàng giữa một xã hội mất ổn định, khiến người ta ngày càng bán tín bán nghi. Tương quan triết thần đã mất dần thế quân bình của thế kỷ XIII.
Phái Duy Danh của Ockham (+1350) đề cao vai trò dân chúng hơn ý kiến Giáo hội. Theo ông, người ta không thể dùng lý trí để biết Thiên Chúa, các ý niệm thần học chỉ là mớ danh từ. Vì thế ông cổ võ đọc Thánh Kinh và hạnh các thánh. Thiên Chúa hoàn toàn tự do thưởng phạt ai tùy ngài muốn.
Wiclif (+1384) đề cao Thánh Kinh so với Truyền Thống và nhân danh triết học (Ockham) chối việc Mình Thánh biến đổi bản thể. Trong bối cảnh đại ly giáo, ông chối bỏ thần học truyền thống. Theo ông, không thể đồng hóa Giáo hội với các thủ lãnh chống lại luật Chúa vì Giáo hội là toàn thể những người được tiền định, có Đức Kitô là thủ lãnh. Cuốn “Thánh Thể” bị Công đồng Lyon (1382) lên án, ông vâng lời xin hiệp thông với Giáo hội và qua đời cách thánh thiện.
Jean Hus (+1415) : trong bối cảnh ba giáo hoàng, Hus không coi Giáo hội cơ chế là Giáo hội thực. Bị Gioan XXIII kết án, nhưng ông vẫn được dân Tiệp Khắc ủng hộ. Jean Hus mạnh dạn đến công đồng Constancia, chứng minh ý kiến mình có căn bản Tin Mừng. Bị bắt giam, ông viết thư tự nhận mình tử đạo cho chân lý. Cuộc hành trình Jean Hus gây ra nội chiến nhiều thập niên, vì ngay khi đó, 450 lãnh chúa viết thư bênh vực ông là người chính thống về giáo lý.
3,3. Những thay đổi trong đời sống đức tin
Trước ám ảnh cái chết, mối ưu tư ơn cứu độ và vì mất tín nhiệm nơi giáo quyền, đời sống Kitô hữu có nhiều biến chuyển. Nói chung họ dựa vào kinh nghiệm cá nhân hơn là uy tín phẩm trật. Như trường hợp Jeanne d’Arc (+1431), cô tin vào thị kiến hơn là Giám mục, đan sĩ và thần học gia Ăng-lê. Tuy nhiên khuynh hướng kinh nghiệm cá nhân đã chuyển thành hai chiều trái ngược : hoặc trở thành mê tín, hoặc đào sâu đích thực đời sống nội tâm.
Nhiều người tự tìm ơn cứu rỗi bằng những phương thế trong tầm tay : gia tăng số kinh số lễ, tôn kính thánh tích. Có người, nhất là các ông hoàng, sau những thời kỳ buông thả, đã tìm cách đền bù bằng những khắc khổ ngẫu hứng bệnh hoạn.
Lòng đạo đức thời này cũng đi sâu hơn vào lòng yêu mến nhân tính Đức Kitô. Một tác giả nói thời này được ơn khóc lóc. Mỗi tín hữu tốt đều phải cảm thương cuộc khổ nạn Đức Kitô cùng đau khổ với Ngài.
Đầu thế kỷ XIV, nở rộ phong trào thần bí có nền tảng thần học.
Ba vị Dòng Đaminh là Eckhart (+1327), Gioan Tauler (+1361) và chân phước Henri Suso (+1366) cùng với linh mục Rysbroek Flamand dòng Augustin (+1381) tạo nên phong trào thần bí lưu vực sông Rhin nhấn mạnh sự “chiêm ngưỡng mến yêu và ước muốn kết hiệp với Thiên Chúa” vượt qua mọi ngôn từ.
Cuối thế kỷ XIV, ước vọng sống thiêng liêng lan tràn đến giáo dân nam nữ ngoài tu viện. Họ họp thành các nhóm thần bí bị nghi ngờ như nhóm Béguine, Béghard, hoặc gia nhập các dòng Ba Carmelo, Phanxicô, Đa Minh … như thánh nữ Catharina Sienna (1347-80). Những thành phần này dựa vào cảm tính tôn giáo và các phương thế tiến đức. Linh đạo của họ như tác phẩm “Đối Thoại” của thánh Catharina thích hợp với đại chúng nên được phỗ biến rộng rãi hơn.
Linh mục Gerson (+1429) chưởng ấn đại học Paris được coi như người khởi xướng trào lưu “sùng kính tân thời” (Dévotion moderne). Phong trào được kết tinh trong cuốn “Gương Phúc” thường được gán cho Thomas Kempis (+1471) dòng Augustino. Nội dung coi thường thần học, khoa học, trí tuệ, nhấn mạnh việc bỏ ý riêng theo ý Chúa qua cầu nguyện, suy niệm và khẩn nài lòng Chúa xót thương. Với những câu ngắn như châm ngôn, sách đánh động tâm hồn và gợi ý thực hành dễ dàng. Bầu khí sùng mộ “mô-đéc” này giúp ta hiểu về những nhân vật thời phục hưng như Erasme, Luther …
IV. GIÁO HỘI BÊN ĐÔNG PHƯƠNG
4,1. Những tòa giáo chủ cho dân Slave
Do ảnh hưởng các thánh Cyrillo và Methodo, hai Giáo hội Bungari và Serbia gần gũi với Constantinople hơn là Roma. Tòa giáo chủ Bungarie đặt tại Tarnovo, còn Serbia tại Pec. Khi hai nước này bị Hồi quân xâm chiếm, hai Giáo hội này đi dần vào bóng tối.
Tại vùng đất Nga, Giáo hội Kiev có vị trí trung tâm được Constantinople yểm trợ tối đa trong ngành nghệ thuật tiêu biểu là việc xây dựng nhà thờ Sophia ở Kiev. Thế nhưng từ năm 1240, Kiev bị người Mông Cổ chiếm đóng. Các vùng Nga Bắc, đặc biệt là Matxcơva phải hiệp lực giải phóng Kiev (nổi tiếng là trận Kourikovo 1380 do thánh Sergius cầm đầu). Quan hệ với phía Latinh ngày càng xấu đi, thánh Alexander Nevski và ông hoàng Novgorod đã phải vất vả đánh đuổi dòng Teutonic năm 1242. Năm 1325 tòa giáo chủ của dân Nga được chuyển về Matxcơva. Năm 1448, sau khi phản đối sắc lệnh hiệp nhất của công đồng Florencia, một công đồng Nga tuyên bố Giáo hội tự trị, đặt thủ phủ tôn giáo tại Matxcơva.
4,2. Byzantin sụp đổ
Sau cuộc binh thánh giá IV, đế quốc Byzantin tái thiết từ 1261, nhưng thực chất chỉ còn hai bán đảo Bosphore và Mistra. Năm 1453, thành phố bị quân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây … Ngày 28-5-1453, dân chúng còn rước kiệu và dâng lễ tại đền thờ Sophia. Hoàng đế Constantin Dragares XI lãnh bí tích cuối cùng và hôm sau bị giết trên tường thành. Ngày 30-5, Sultan Mahomet II cỡi ngựa bước vào đền thờ Sophia ngổn ngang xác người. Roma đệ nhị đến ngày tàn. Matxcơva đứng ra đảm nhiệm vai trò bảo vệ Giáo hội Chính Thống và tự nhận là Roma đệ tam (1461).
4,3. Linh đạo Đông phương
Các Giáo hội Đông phương từ Bulgari, Serbia, Russe, Hy-lạp … có nhiều điểm tương đồng : tinh thần đan viện và truyền thống nghệ thuật qua ảnh tượng. Núi thánh Athos tại Hy Lạp quy tụ nhiều đan viện của mọi quốc gia Chính Thống. Sau một thời gian, các đan sĩ về phục vụ tại quê nhà, khá nhiều vị được chọn làm Giám mục, đôi khi làm giáo chủ nữa.
Các vị thánh nổi danh như thánh Gregorio ở Sinai, thánh Théodose ở Tarnovo, thánh Saba ở Serbia, và thánh Sergius vị sáng lập đan viện Chúa Ba Ngôi Nga (+1392). Đặc biệt thánh Gregorio Palamas (+1359) đan sĩ Athos sau làm giám mục Thes-salonica, đã có công tổng hợp thần học Chính Thống “Hésychia”, một dạng định tâm để chiêm niệm.
Nhiều nhà thờ đan viện còn lưu lại các tranh Mosaic, tranh vẽ và tượng của giai đoạn này. Tác phẩm Ba Ngôi Thánh của Andrei Roublev họa năm 1411 được cả thế giới biết tiếng.
TOÁT YẾU
Cuối thế kỷ XIII, Nước Kitô bước vào cuộc khủng hoảng toàn diện : từ quyền bính xã hội đến tri thức. Nền tảng Nước Kitô là quyền Giáo Hoàng bị đặt thành vấn đề. Các quốc gia Tây Âu dần dần dành lấy quyền độc lập.
Vua Pháp Philippe le Bel cho bắt giam tác giả thông điệp nêu cao thần quyền “Duy Nhất Thánh” (1302) tại Anagni năm 1303. Tiếp theo là bảy Giáo Hoàng lập giáo triều tại Avignon, Pháp gần 70 năm. Sau đó Giáo hội còn phải chịu 40 năm ly giáo Tây phương với hai giáo hoàng ở Roma và Avignon, giai đoạn cuối còn thêm vị thứ ba ở Bologne, Đức. Công đồng Constancia 1415 phải cương quyết chấm dứt nhiệm kỳ cả ba vị để bầu đức giáo hoàng Martino V.
Xã hội Âu Châu thì bị xáo trộn vì chiến tranh, tiêu biểu là chiến tranh “Trăm Năm” Anh-Pháp, và vì thiên tai như cơn “Dịch Đen”, tàn sát đến 1/3 dân số. Nhiều tín hữu bị ám ảnh bởi thần chết và quỉ ma phát sinh nhiều dạng mê tín và khổ chế tập thể. Thần học thời này không giải đáp được những thắc mắc của phái Duy Danh (Ockham). Wiclif và Hus thì phê phán cơ chế giáo sĩ.
Nếp sống đạo của tín hữu giai đoạn này cũng có chiều thay đổi : nhiều người tự xoay sở các phương thế đạo đức, nhưng cũng có nhiều tâm hồn đi sâu hơn vào đời sống tâm linh. Phong trào thần bí sông Rhin đề cao sống kết hiệp với Chúa. Việc “sùng kính Tân Thời”, ta còn thấy trong sách Gương Phúc, nhấn mạnh việc bỏ ý riêng để theo ý Chúa.
Việc hiệp nhất hai Giáo hội Đông-Tây được xác định tại công đồng Florencia (1439) do bối cảnh xâm lấn của Hồi quân. Nên khi Constantinople thất thủ năm 1453, tình trạng chia ly còn xấu hơn trước. Từ nay Matxcơva đứng ra đảm nhận vai trò bảo vệ Chính Thống và tự nhận là Roma đệ tam (1461).
CÂU HỎI
1. Bạn biết gì về biến cố Anagni 1303 ?
2. Lý do và hậu quả việc giáo triều đặt tại Avignon ?
3. Theo bạn thời GH có hai, ba Giáo Hoàng, vị nào mới là Giáo hoàng thật ?
4. Nội dung Công đồng hiệp nhất Florencia ?
5. Khủng hoảng Tây Âu : xã hội thế kỷ XIV – XV ?
6. Những thay đổi đời sống đức tin thời Nước Kitô khủng hoảng ?
7. Bối cảnh phát sinh và nội dung sách Gương Phúc ?
8. Tầm quan trọng gia tăng của Tòa Giáo chủ Matxcơva ?
BÀI ĐỌC THÊM
BẦU GIÁO HOÀNG CUỐI THẾ KỶ XIII
Năm 1268, các hồng y họp suốt 17 tháng mà không ai đạt 2/3 số phiếu. Người ta phải giữ (nhốt) các hồng y không cho vị nào rời phòng họp, vua Louis IX thì gửi tối hậu thư thúc giục, còn dân chúng có khi rỡ mái lâu đài giữa mùa mưa gây áp lực, yêu cầu các ngài bầu cử cho nhanh hơn. May mắn thay giáo hoàng đắc cử là một vị thánh, đức Gregorio X (1271-76).
Năm 1292, cuộc họp bầu giáo hoàng cũng mất gần hai năm, mới đưa lên được một đan sĩ 80 tuổi là đức Celestino V. Có điều vị giáo chủ ẩn sĩ này, choáng váng trước những xung đột chính trị đã xin thoái vị để được về rừng sâu. Mười một ngày sau, đức Bonifacio VIII đắc cử, vị giáo hoàng của lâu đài Anagni.
CHIẾN TRANH TRĂM NĂM
Ba người con trai của Philippe le Bel là Louis X, Philippe V và Charles IV đều không có con nối dõi, ngai vàng được chuyển giao cho Philippe VI em họ của các cậu. Công chúa Isabelle em gái các cậu trước đã cưới hoàng tử Anh và sinh hạ Edouard III. Nhân vụ tranh chấp mua bán vải vóc tại Flandre, Edouard III tự xưng là vua nước Pháp và đem quân xâm lấn. Chiến tranh trăm năm có bốn giai đoạn :
+ 1340-64 : Anh chiếm khoảng 1/4 nước Pháp.
+ 1364-80 : Pháp tái chiếm gần hết.
+ 1380-1422 : Vì nội chiến Pháp mất 1/2 lãnh thổ.
+ 1422-52 : Nhờ thánh nữ Jeanne d’Arc Pháp ủng hộ, Charles VII đuổi Anh ra khỏi bờ cõi, chỉ trừ Pas-de-Calais.
Sau chiến tranh trăm năm, quân đội hai bên đều tiến bộ, giai cấp thị dân tiến lên ngang hàng với quí tộc và tăng lữ ; tinh thần quốc gia ngày càng được nâng cao.
TƯ LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN ANAGNI
* Philippe xác định quyền của mình (1297)
Sự điều hành các việc trần thế trong vương quốc chỉ thuộc duy đức vua chứ không thuộc ai khác. Vị này không nhận quyền từ ai cả, không phải vâng phục bất cứ ai trong tất cả mọi vấn đề trần thế thuộc nước mình.
* Bonifacio VIII trong nghị hội
Các vị tiền nhiệm của chúng ta đã truất phế ba hoàng đế Pháp, điều đó còn ghi rõ trong sử biên niên của Pháp và của ta. Vì vua Pháp hiện nay đã phạm những điều tổ tiên y đã phạm, nên nếu không hối cải, ta cũng phải đau buồn truất ngôi y như một đứa con xấu.
* Thông điệp Unam Sanctam
(…) Giáo hội thánh và duy nhất, chỉ có một thân thể, một đầu chứ không thể có hai đầu như quái vật, đầu đó là Đức Kitô và Phêrô, đại diện đức Kitô và các đấng kế vị Phêrô (…) Thế quyền phải vâng phục thần quyền (…). Nếu quyền trần gian sai lạc, quyền thiêng liêng sẽ thẩm xét, nếu quyền thiêng liêng cấp dưới sai lạc, sẽ có quyền cao hơn phán định. Nếu quyền tối cao sai lạc, chỉ có Thiên Chúa chứ không phải con người phán xét được (…). Quyền này tuy được con người thể hiện, nhưng là quyền do Chúa chứ không do con người (…) Vì thế, chúng tôi tuyên ngôn và công bố rằng : việc vâng phục giáo chủ Roma là tuyệt đối cần thiết cho ơn cứu độ của mỗi người.
* Bản cáo trạng đức Bonifacio VIII của Nogaret
Tôi khẳng định cá nhân bị cáo, biệt danh Bonifacio không phải là giáo hoàng. Y không qua cửa mà vào nên phải coi là tên trộm cắp. Tôi khẳng định y đã công khai lạc đạo, mại thánh đáng kinh tởm như chưa từng có từ tạo thiên lập địa đến bây giờ. Cuối cùng tôi khẳng định kẻ gọi là Bonifacio đã phạm những tội ác to lớn, rõ rệt và bất khả chữa trị . Cần phải có một công đồng chung để phán xét và kết án y.
(JC Để đọc LSGH I,p 179)
MARSILIUS DE PADUA (1275-1342)
Con người liên kết với nhau để sống thỏa mãn, giúp nhau tìm kiếm và trao đổi các sản phẩm (…). Các ông hoàng hành động theo luật và quyền được ủy thác, chính là qui luật và thước đo của mọi hành vi dân sự.
(…) Giáo hội là toàn thể những người tin và kêu cầu Danh Đức Kitô… Các tác vụ,linh mục, giám mục, phó tế thôi chưa phải là Giáo Hội… Đức Kitô ấn định quyền kêu gọi, điều tra, thẩm định, giải quyết và kết án, là quyền thuộc về toàn thể tín hữu làm thành một cộng đoàn là công đồng chung.
(Defensor Pacis; theo Pacaut, trong Théocratie, p280-282)
PÉTRAQUE THÓA MẠ AVIGNON
Avignon, Babylon vô đạo, địa ngục của người sống, ỗ tội lỗi nhơ nhớp, cống rãnh của địa cầu. Tại đây người ta không thể thấy đức tin lẫn đức ái, không tôn giáo, không có lòng kính sợ Chúa lẫn liêm sỉ, không có gì ngay chính, không có gì thánh thiện, dù đó là trú sở của Giáo hoàng, với điện thờ và đổn lũy (…)
Các hồng y, thay vì là những tông đồ đi chân không, đã trở thành những kẻ sa hoa, cỡi ngựa phủ toàn vàng, hàm thiếc cũng vàng. Và nếu Chúa không cản tội sa hoa ấy, chẳng bao lâu giày họ cũng bằng vàng. Người ta thấy các ngài như những vị vua Ba tư hay xứ Parthes, mà họ phải tôn thờ và họ không dám đến gần với hai bàn tay trắng.
(JC Để đọc LSGH I. 181)
HƯỚNG NHÌN ĐẠI KẾT
(Theo Roger Aubert, Introduction Générale trong bộ Nouvelle Histoire de l’Eglise, T.I)
Đừng quên rằng những Giáo hội tách rời Roma vẫn tiến triển. Đức Pio XI có nói : “Các mẩu tách khỏi đá có vàng, vẫn có vàng”. Do đó Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo, tuy cách lìa khỏi Una Sancta, vẫn mang theo mình gia sản chung là Thánh Kinh và phép rửa. Đôi khi họ cũng duy trì tất cả các bí tích cũng như hàng giám mục. Ở đó vẫn được nuôi dưỡng bằng những giá trị Kitô giáo tích cực. Hơn nữa, đôi khi có thể họ còn đánh giá chính xác hơn một số nội dung, họ thấy là quan trọng cách đơn phương, nhưng qua thời gian được biện minh là tích cực.
Từ đó người ta sẽ thấy rằng, tuy Roma bảo toàn qua các thời đại điều chủ yếu của gia sản thánh được Đức Kitô ủy thác vẫn có thể được phong phú hơn nhờ tiếp xúc với những anh em ly giáo, chờ ngày hòa hợp, ngày người ta được thấy tất cả đều đoàn tụ trong một tổ ấm.
Trích :
SỐ 7 : HỘI THÁNH VÌ LOÀI NGƯỜI
Bởi vậy, sứ mạng của Hội Thánh không những là đem Phúc âm và ân sủng của Chúa Kitô đến cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế (TĐGD.5). Không có sinh hoạt nào của con người lại xa lạ đối vớ sứ mạng của Hội Thánh, và ngược lại, không có sinh hoạt nào của Hội Thánh, không liên quan tới tất cả cuộc sống con người. Lời rao giảng Tin Mừng và các cử hành bí tích đem ân sủng của Thiên Chúa vào đời sống con người, còn sinh hoạt trần thế của tín hữu, đem thực tại của con người đến với Thiên Chúa. Do đó, đối với người tín hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân, và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa” (MV 43).
Tóm lại, sứ mạng của Hội Thánh là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đem đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để phục vụ tất cả loài người. Đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích trong thông điệp “Đấng Cứu Chuộc con người” rằng: “Con người là con đường của Hội Thánh”. Nghĩa là tất cả mọi con đường của Hội Thánh đều dẫn tới con người” (ĐCCCN.14). Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hội Thánh và xã hội trần thế, vì dù “tin hay không tin, mọi người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cùng chung sống trong thế giới này” (MV 21,6).
SỐ 15 : QUÁ KHỨ HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI ( . . . )
Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội Thánh Người trên đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu nước của mình. Đừng nhìn về quá khứ với mặc cảm và phán đoán tiêu cực. Lịch sử luôn pha lẫn ánh sáng và bóng tối, cũng như đời sống của những người con Chúa vẫn có cả ân sủng và tội lỗi. Nhưng, dựa vào tình thương của Chúa Cha, dựa vào Lời ban sự sống của Đức Giêsu Kitô và sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta hãy mạnh dạn nhìn vào hiện tại và tin tưởng ở tương lai.
Chúng ta có giáo lý của công đồng Vaticano II như luồng gió mát của Chúa Thánh Thần thổi trong Hội Thánh : Chúng ta tự hào là công dân của nước Việt Nam anh hùng, độc lập thống nhất ; và trong đà phát triển chung của cả nước, chúng ta được tình đồng bào thông cảm giúp đỡ trong khối đại đoàn kết dân tộc, nên chúng ta hãy hân hoan chu toàn sứ mạng vinh quang của mình (…).
Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006