Các ân huệ đó phải lôi kéo sự chú ý và sự hiểu biết của mọi dân tộc trên trái đất, làm sao để họ cũng hiệp ý với dân Israel chúc tụng Thiên Chúa. Nỗi lo lắng truyền giáo này nổi bật trong suốt thánh vịnh, từ đầu khi giới thiệu lý do lời cầu, trong điệp khúc, trong phần chính của thánh vịnh và trong phần kết luận. Tất cả là đề tài được lập đi lập lại và định tính cho sáng tác tế nhị này.
Văn thể là thánh thi với điệp khúc mở đầu, các câu 2-4; phần giữa, các câu 5-6 và phần kết, các câu 7-8.
Phần đầu tiên các câu 2-4 của thánh vịnh 67 gồm hai yếu tố: thứ nhất là việc giới thiệu với Thiên Chúa các lời khấn nguyền của dân Ngài ở ngôi thứ ba, và lý do ở ngôi thứ hai, muốn ban cho lời xin ân huệ của Thiên Chúa một mục đích truyền giáo: đó là qua các ân huệ ban cho dân Israel Thiên Chúa cũng được các dân tộc khác nhận biết, và như thế họ cũng cảm thấy được thúc đẩy chúc tụng Ngài.
“Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài. Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!”
“Ước chi Thiên Chúa nhân hậu với chúng ta và chúc phúc cho chúng ta”: là lời các tư tế chúc lành cho dân, như ghi trong chương 6 sách Dân số: “Nguyện Giavê chúc lành và gìn giữ anh (em)! Nguyện Giavê tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! Nguyện Giavê ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)!” (Ds 6,24-26). Tác giả tháng vịnh 4 thưa với Chúa: “Lạy Giavê, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.” (Tv 4,7). Tác giả thánh vịnh 31 cũng xin với Chúa: “Xin toả ánh tôn nhan rạng ngờitrên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ.” (Tv 31,17)
“Để trên trái đất đường lối Ngài được biết, giữa muôn dân ơn cứu độ của Ngài”: đây cũng là tư tưởng tương tự rộng mở ơn cứu rỗi cho tất cả mọi dân tộc, chứ không cho rằng nó chỉ được dành riêng cho Israel là dân được tuyển chọn mà thôi. Chiều kích đại đồng này của ơn cứu rỗi hay được các ngôn sứ rao giảng. Chẳng hạn ngôn sứ Isaia khẳng định rằng khi Giavê sẽ đặt trên “chồi lộc” của vua Đavít “thần khí khôn ngoan và hiểu biết”, thì khi đó “toàn trái đất sẽ tràn đầy sự hiểu biết Giavê” (Is 11,9). Còn ngôn sứ Giêrêmia thì nói về Giêrusalem như sau: “Đối với Ta, Giê-ru-sa-lem sẽ là một danh hiệu để hân hoan, là một lời ca ngợi, một vẻ huy hoàng trước toàn thể chư dân trên mặt đất, vì chư dân sẽ nghe biết mọi điều tốt lành Ta sẽ làm cho chúng. Họ sẽ sợ hãi và run rẩy vì tất cả mọi điều tốt lành, tất cả sự bình an Ta sẽ thực hiện cho thành ấy.” (Gr 33,9).
“Đường lối của Chúa” là tổng hợp các nguyên tắc hướng dẫn cung cách sống luân lý của con người, và phân tích cho cùng nó định đoạt sự thành công hay thất bại của con người. Khi quy hướng về Thiên Chúa nó có thể ám chỉ các nguyên tắc luân lý được nhìn trong nguồn gốc của chúng. Tuy nhiên ở đây vì “sự cứu rỗi” trong câu tiếp theo cũng như vì bối cảnh của thánh vịnh, trên “đường lối Chúa” diễn tả cung cách hành xử mà Thiên Chúa có đối với con người, là lòng lành và hành động cứu rỗi của Ngài.
Phần hai của thánh vịnh 67 các câu 5-6 là phần chính trong đó tác giả mời mọi dân tộc nhận biết sự thống trị tối cao mà Thiên Chúa thực thi với sự công bằng, nghĩa là với lòng tốt và sự ân cần, và vì thế tín hữu tươi vui biết ơn Ngài.
“Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này. Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.”
Đây đã là thái độ của tác giả thánh vịnh 57: “Lạy Thiên Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ, giữa lòng muôn nước, con đàn hát xướng ca. Vì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh, và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm” (Tv 57,10-11). Đó cũng là tâm tình của tác giả thánh vịnh 48: “Lạy Thiên Chúa, giữa nơi đền thánh, chúng con hồi tưởng lại tình Chúa yêu thương. Danh thánh Chúa gần xa truyền tụng, tiếng ngợi khen Ngài khắp cõi lừng vang. Tay hữu Chúa thi hành công lý, khiến núi Xi-on tưng bừng hoan hỷ; thành thị miền Giu-đa hớn hở nhảy mừng vì những điều Ngài đã phán quyết.” (Tv 48,10-12).
“Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ”: lời mời vui lên là cử chỉ tự phát của người đã được sống kinh nghiệm các hoa trái lòng lành của Chúa trên chính mình, nên cảm thấy cần nới rộng lời chúc tụng Chúa của mình cho càng nhiều người tham dự chừng nào có thể. Trong lời cầu cá nhân lời mời gọi này thường được hướng tới các người “công chính”, các người “kính sợ Thiên Chúa” và những người có “con tim ngay thẳng”. Trong lời cầu công cộng đôi khi nó vượt qua biên giới của quốc gia được tuyển chọn và đi tới tận cùng các bờ cõi trái đất, và đôi khi tới tất cả mọi thụ tạo sinh động cũng như không sinh động. Điển hình là thánh vịnh 148: “Ca tụng Giavê đi, tự cõi trời thăm thẳm, ca tụng Người, trên chốn cao xanh. Ca tụng Chúa đi, mọi sứ thần của Chúa, ca tụng Người, hỡi toàn thể thiên binh! Ca tụng Chúa đi, này vầng ô bóng nguyệt, ca tụng Người, muôn tinh tú rạng soi. Ca tụng Chúa đi, hỡi cửu trùng cao vút, cả khối nước phía trên bầu trời. Nào ca tụng thánh danh Giavê, vì Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành; Người định nơi cho tất cả đến muôn đời muôn thuở, ban truyền lề luật, luật đó chẳng hề qua. Ca tụng Giavê đi, từ mười phương đất, này thủy quái dị hình, này tất cả vực sâu,
lửa hồng mưa đá, tuyết trắng mây mù, ngọn cuồng phong, cấp thừa hành lời Chúa. Núi với đồi trùng trùng điệp điệp, cây ăn trái và đủ loại bá hương, thú vật rừng hoang cùng là gia súc, loài bò sát và mọi giống chim trời. Bậc vua chúa cũng như hàng lê thứ, khanh tướng công hầu, thủ lãnh trần gian, ai là nam thanh, ai là nữ tú, khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng! Nào ca tụng thánh danh Đức Chúa, vì thánh danh Người cao cả vô song, và oai phong vượt quá đất trời.” (Tv 148, 1-13). Đôi khi ý nghĩa của việc nới rộng đó không đi quá giá trị thuần tuý trang trí, nhưng trong trường hợp của chúng ta ở đây lời chúc tụng và lời mời chúc tụng không chỉ là lý do văn chương mà có lý do truyền giáo và là một tuyên bố lập trường thuận lợi cho các dân tộc ngoại quốc trong vấn đề tính cách đại đồng của ơn cứu độ.
Hai câu 7-8 là phần cuối của thánh vịnh 67 có cùng mục đích như phần đầu: đó là xin Thiên Chúa tiếp tục tuôn đổ các phúc lành xuống trên dân được tuyển chọn, như Ngài đã từng làm trong quá khứ mới đây, làm sao để mọi dân tộc trên trái đât có thể được lôi cuốn vào trong vòng cứu độ của những người kính sợ Thiên Chúa.
“Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái: Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc. Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!”.
“Trái đất đã cho hoa trái”: đây là lý do chính của lời tạ ơn trong thánh thi. Chính Thiên Chúa đã ban phúc lộc cho dân Ngài qua hoa mầu ruộng đất, mà dân đáng được hưởng vì biết tuân giữ các giới răn của Chúa. Điều này đã được sách Lêvi nhấn mạnh trong chương 26: “Nếu các ngươi theo các quy tắc của Ta, nếu các ngươi giữ các mệnh lệnh của Ta và đem ra thực hành, thì Ta sẽ ban mưa cho các ngươi đúng mùa, đất sẽ sinh hoa màu, cây cối ngoài đồng sẽ ra trái; các ngươi sẽ được gặt lúa cho đến thời hái nho, và sẽ được hái nho cho đến thời gieo giống; các ngươi sẽ được ăn bánh của mình no nê và sẽ được sống yên hàn trên đất các ngươi.” (Lv 26,3-4). Ngôn sứ Edekiel cũng nhắc cho dân Do thái biết điều này khi viết trong chương 34: “Ta sẽ đặt chúng ở các vùng chung quanh ngọn đồi của Ta; Ta sẽ cho mưa xuống đúng mùa, đó là những trận mưa phúc lành. Cây cối trên đồng sẽ trổ sinh hoa trái, đất đai sản sinh hoa lợi. Chúng sẽ sống an toàn trên đất của chúng” (Ed 34,26-27). Ngôn sứ Hosea cũng ghi lại lời Chúa nói với dân: “Vào ngày đó, Ta sẽ đáp lại, – sấm ngôn của Giavê – Ta sẽ đáp lại trời, và trời sẽ đáp lại đất. Đất sẽ đáp lại lúa mì, rượu mới và dầu tươi, và những thứ đó sẽ đáp lại Gít-rơ-en.” (Hs 2,23-24).
“Để mọi ranh giới địa cầu kính sợ Ngài”: Sự kính sợ của các dân tộc ở đây không phải do sự đe dọa của các hình phạt của Thiên Chúa, như thường thấy trong Thánh Kinh Cựu Ước, nhưng là tâm tình đặc biệt của sự kinh ngạc và kính tôn mà con người cảm thấy, khi đứng trước một biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa. Trong nghĩa nó là việc thừa nhận sự hiện diện năng động của Thiên Chúa trong thế giới và nơi con người, và một cách chuyên biệt nơi dân Israel. Lòng kính sợ là bước đầu tiên dẫn đến ơn cứu độ và trong ngôn ngữ kinh thánh nó cùng nghĩa với sự hoán cải, quay về với Thiên Chúa, quy hướng về Ngài.
TV 67