Thánh vịnh 74 chắc hẳn phản ánh tình trạng của cộng đoàn Israel. Sau khi Giêrusalem thất thủ và đền thánh bị phá hủy bởi đạo binh Babilonia, bị hạ nhục vì trông thấy kẻ thù xúc phạm tới danh Thiên Chúa của mình, dân Israel nôn nóng đợi chờ Thiên Chúa chấm dứt biết bao hổ nhục ấy, bằng cách ra tay toàn năng can thiệp để bảo vệ đoàn chiên bị tản mát.
Văn thể là lời than van công cộng. Thánh vịnh gồm phần dẫn nhập, câu 1; lời cầu khai mào và việc trình bầy trường hợp, các câu 2-11; việc tái gợi lại sự toàn năng của Thiên Chúa, các câu 12-17; lời cầu kết thúc, các câu 18-23.
Các câu 12-17 là phần cử hành Thiên Chúa của Israel như Đấng thực hiện các chiến thắng cho đất nước của dân Ngài trong quá khứ xa xưa. Được lồng vào giữa việc trình bầy trường hợp và lời cầu kết thúc, nó nhắm mục đích thuyết phục Thiên Chúa giờ đây lập lại các cử chỉ quyền năng ấy cho dân Ngài, đồng thời nâng đỡ đức tin và niềm hy vọng của Israel nơi Thiên Chúa cứu độ. Ngôn ngữ của đoạn thánh thi này là một trộn lẫn các ám chỉ lịch sử quy hướng về cuộc Xuất Hành và các hình ảnh huyền thoại thơ phú của việc tạo dựng. Vượt ngoài ý nghĩa lập tức của loại ngôn ngữ này người ta nhận ra rõ ràng và mạnh mẽ tư tưởng mà dân Israel có về sự toàn năng của Thiên Chúa, trong lúc này đây có thể đập tan nát đầu của các quái vật đang áp bức dân Israel, như tác giả thánh vịnh 68 đã khẳng định; “Còn những quân thù địch, Thiên Chúa đập bể đầu; bọn theo đường gian ác, Người đánh cho vỡ sọ.” (Tv 68,22)
”Thế mà lạy Thiên Chúa, Vua chúng con từ muôn thuở, Đấng từng chiến thắng trên toàn cõi địa cầu, chính Ngài đã ra oai xẻ đôi lòng biển, trên làn nước biếc, Ngài đập vỡ sọ thuồng luồng; chính Ngài đã nghiền nát bảy đầu con giao long, vứt nó làm mồi cho thủy quái; chính Ngài đã khơi nguồn cho suối tuôn thác đổ, chính Ngài làm cạn khô sông đang chảy dạt dào.
Ngày là của Chúa, đêm cũng là của Chúa; chính Ngài sắp đặt tinh tú cùng thái dương; chính Ngài vạch biên cương cho cõi đất, thời hạ tiết đông, cũng chính Ngài thiết lập.”
“Vua của con từ thời xa xưa”: ở đây cũng như trong nhiều lần khác liên quan tới lời cầu cộng đoàn, tiếng nói của cộng đoàn được đồng hoá với tiêng nói của người đại diện nó.
“Đấng thực hiện các chiến thắng”: Đối với Israel Giavê là Thiên Chúa của các chiến thắng. Và các chiến thắng ấy được nhắc tới ở đây: chiến thắng của Thiên Chúa trên cảnh hỗn mang thời khai nguyên vũ trụ, chiến thắng của Thiên Chúa Đấng giải thoát dân Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập, trong các thời khởi đầu của lịch sử của dân được tuyển chọn.
“Ngài xẻ đôi lòng biển”: chắc chắn ám chỉ biến cố Thiên Chúa cho nước Biển Đỏ rẽ ra làm hai để cho dân Do thái ráo chân vượt qua, khi họ bị quan quân Ai Cập đuổi theo, và nước Biển Đỏ đã nuốt trửng đạo binh của Pharaô Ai Cập. Trên bình diện huyền thoại thơ phú, chắc hẳn nó nhắc lại cử chỉ của thần Marduk chẻ đôi thân nữ thần Tiamat có nghĩa là “biển” thành hai phần: một phần làm thành thế giới bên trên là trời, một phần làm thành thế giói bên dưới là đất, như kể trong bài thơ Enuma Elish. Tác giả kinh thánh loại bỏ huyền thoại và gán hình ảnh này cho Giavê Đấng Tạo Hoá. Việc phân chia nước bên dưới và nước bên trên được nhắc tới như là công trình thứ hai của Giavê trong chương 1 sách Sáng Thế.
“Các con rồng”: trên bình diện lịch sử chúng là quân binh Ai Cập chết đuối trong Biển Đỏ. Trên bình diện huyền thoại chúng là các thuỷ quái, gần như các thủy quái đồng minh của nữ thần Tiamat trong huyền thoại Babilonia, đã bị thần Marduk đánh bại và thống trị. Ngôn ngữ huyền thoại vay mượn của nền văn chương đông phương được tác giả thánh vịnh dùng để gợi lại sự toàn năng của Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc Israel cũng như trong công trình sáng tạo vũ trụ. Đây là điều có thể nhận ra trong thánh vịnh 89: “Chính Ngài chế ngự trùng dương ngạo nghễ, dẹp yên bao sóng cả sóng cồn. Chính Ngài giày xéo thủy thần Ra-háp, như giày xéo tử thi, tay mạnh mẽ đập tan quân thù. Trời là của Chúa, đất cũng là của Chúa, hoàn vũ với muôn loài, chính Chúa dựng nên.” (Tv 89,10-12).
“Chúa đập nát đầu Leviathan”: được nhiều văn bản kinh thánh coi như một thuỷ quái, có 7 đầu bị thần Baal đánh bại. Huyền thoại “biển” khai nguyên bị thần Baal đánh bại sau một cuộc chiến cam go là một đề tài của huyền thoại siro canaan có ảnh hưởng trên vài văn bản Thánh Kinh Cựu Ước trên bình diện diễn tả văn chương.
“Chúa làm cho vọt ra suối nguồn”: trên bình điện anh hùng ca – lịch sử nó nhắc lại phép lạ ông Môshê chẻ đá tảng làm cho nước vọt ra cho dân Israel giải khát trong sa mạc, như viết trong thánh vịnh 78: “Người rẽ Biển Đỏ cho họ vượt qua, dồn nước lại như tường thành sừng sững… Người xẻ đá giữa sa mạc hoang vu, khiến nước tuôn tràn cho dân được uống, từ khe đá, Người khơi dòng suối chảy, nước đổ dạt dào như những con sông.” (Tv 78,13.15.16). Chương 2 sách Sáng Thế cũng đề cập tới 4 con sông. Thánh vịnh 104 miêu tả nguồn gốc các dòng nước và nhiệm vụ thiện ích của chúng như sau: “Áo vực thẳm choàng lên trái đất, khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao. Nghe tiếng Ngài dọa nạt, chúng đồng loạt chạy dài; sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát, băng qua núi qua đồi, chảy xuôi ra đồng nội về nơi Chúa đặt cho. Ngài vạch đường ranh giới ngăn cản chúng vượt qua, không còn cho trở lại dâng lên ngập địa cầu. Chúa khơi nguồn: suối tuôn thác đổ, giữa núi đồi, lượn khúc quanh co, đem nước uống cho loài dã thú, bầy ngựa hoang đang khát được thoả thuê.” (Tv 104,6-11).
“Chúa khiến cạn các sông”: chắc hẳn ám chỉ phép lạ cho sông Giordan khô cạn để dân Do thái đi qua và tiến vào Đất Hứa (Gs 3,16).
Hai câu 16-17 của thánh vịnh 74 cũng ám chỉ biến cố Xuất Hành nhưng đề tài tạo dựng nổi bật hơn.
“Ngày là của Chúa đêm là của Chúa”: chúng là công trình tạo dựng đầu tiên cùa Thiên Chúa như tả trong chương 1 sách Sáng Thế (St 1,3-5). Nhưng xem ra nó cũng ám chỉ đề tài Xuất hành, trong đó Thiên Chúa thống trị ngày đêm qua cột mây sáng che nắng cho dân Do thái ban ngày, và cột lửa soi sáng đường đi cho họ ban đêm (Xh 13,21-22)
“Mặt trăng” dịch sát chữ là các tinh sao” trong đó có mặt trăng soi chiếu ban đêm và mặt trời soi sáng ban ngày là hai tinh sao quan trọng nhất. Chúng thuộc công trình tạo dựng thứ tư của Thiên Chúa như kể trong chương 1 sách Sáng Thế (1,14-18).
“Chúa thiết định ranh giới của đất”: ở đây không ám chỉ việc phân chia địa lý cho bằng năng động của hai mùa hè và mùa đông của các vùng bên dưới nhiệt đới như Palestina và toàn vùng Nửa Vành Trăng Phì Nhiêu, chạy từ Ai Cập sang tới Mesopotamia.
Các câu 18-23 của thánh vịnh 74 là lời cầu kết thúc. Nó nhằm mục đích lay động Thiên Chúa khỏi tình trạng ngủ bất động bề ngoài của Ngài. Các lý do đã đuợc trình bầy trước: đó là danh dự và tên của Thiên Chúa bị chà đạp cũng như tình yêu xưa kia Ngài có đối với dân của giao ước.
”Lạy Giavê, xin nhớ cho: thù địch phỉ báng Ngài, lũ dân điên rồ nhục mạ Thánh Danh. Thân phận bồ câu, xin đừng trao cho thú dữ, đừng mãi mãi quên đi mạng sống dân nghèo khổ của Ngài. Giao ước thuở xưa, xin nhìn lại, bởi vì khắp hang cùng ngõ hẻm, chỉ thấy sào huyệt quân bạo tàn. Xin chớ để người bị áp bức phải ra về tủi hổ, nhưng xin cho kẻ nghèo người khổ được ca ngợi Thánh Danh. Lạy Thiên Chúa, xin đứng lên biện hộ cho Ngài; xin Chúa nhớ lại rằng: quân điên dại ngày ngày phỉ báng Chúa. Xin đừng quên tiếng kẻ thù Chúa hò la, tiếng quân địch thét gào vang lên mãi.”
Hai câu 19-20 bị hư hại nên bản dịch có tính cách phỏng đoán.
“Kẻ khiêm hạ, khổ đau và bần cùng” dak, ani, ebjôn là các từ ám chỉ “các người nghèo của Giavê” và cộng đoàn Israel được thanh tẩy bởi thử thách của cuộc đầy ải bên Babilonia, và giờ đây sẵn sàng bắt đầu trở lại nhiệm vụ chuyên biệt của nó phát xuất từ giao ước, là chúc tụng Thiên Chúa.
“Lậy Thiên Chúa xin đứng dậy”: đây cũng là lời cầu của tác giả thánh vịnh 7: “Lạy Giavê, trong cơn thịnh nộ, xin đứng lên chế ngự lũ quân thù hung hãn. Xin Ngài thức dậy bênh vực con, Ngài là Đấng cầm cân nảy mực.” (Tv 7,7).
“Xin bênh vực cho Ngài” dịch sát chữ là “xin phán xử phán quyết của Ngài” như lời tác giả thánh vịnh 43 xin: “Lạy Chúa Trời, xin xử cho con” (Tv 43,1).
“Quân điên dại ngày ngày phỉ báng Chúa”: những người giải thích thánh vịnh trong nhãn quan cuộc kháng chiến của anh em nhà Macabei cho rằng “kẻ dại dột” ở đây muốn ám chỉ vua Antioco IV Epifane, là kẻ ăn nói ngang tàng, điên loạn đã phát động cuộc bách hại tín hữu do thái cách tàn bạo chưa từng thấy trong lịch sử, khiến anh em nhà Macabei phải nổi loạn kháng chiến giành độc lập và bảo vệ đạo giáo. Có nhiều văn bản cổ viêt tên ông là “Epimanes” là “người điên”.
TV 74 B
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 09.02.2017)