Các câu 56 tới 65 miêu tả sự bất trung của dân Chúa và việc Thiên Chúa bỏ rơi dân Israel thời các Thủ Lãnh, trong khi các câu 65-72 đề cập tới việc thức tỉnh ơn huệ của Thiên Chúa với sự tuyển chọn vua Đavít.
Các câu 56 tới 64 của thánh vịnh 78 là đoạn “xưng thú” tội lỗi sau diễn văn kỷ niệm của đoạn trước đó. Khung cảnh của loạt tội lỗi của dân Israel không phải là sa mạc khô cằn, vùng đất tự nhiên của thử thách nữa (x. 95,8-9; Mt 4,1), mà là chính đất Canaan mà dân Do thái lãnh nhận từ Thiên Chúa như gia tài, là nơi ở an ninh và thanh bình. Giai đoạn khốn khó thời các Thủ Lãnh đuợc trình bầy theo lược đồ tiến trình của các bất trung của dân Israel khiến cho Thiên Chúa thịnh nộ đánh phạt họ, nhưng đứng trước các rên siết của họ Ngài lại thương hại cứu vớt họ. Văn bản ở đây nhấn mạnh trên phần đầu của lược đồ tức trên tội lỗi và sự đánh phạt (cc. 56-59), và liên quan tới sự đánh phạt là biến cố Israel thua trận trước người Philitinh dưới thời thầy cả Eli như kể trong chương 4 sách Samuel I. Và đây cũng là khởi đầu sự suy tàn của trung tâm thờ tự Shilo (cc. 60-64).
“Thế mà họ thử thách, phản lại Chúa Chí Tôn, lệnh Người đã ban truyền, họ chẳng tuân chẳng giữ. Họ xa lìa, phản bội, chẳng khác gì cha ông, luôn tráo trở thất thường như cánh cung sai chạy. Họ lập đàn thờ quấy mà trêu giận Chúa Trời, lại tôn sùng ngẫu tượng khiến Chúa phải ghen tương. Nghe thấy thế, Người nổi cơn thịnh nộ, quyết tình ruồng rẫy Ít-ra-en, và từ bỏ ngôi đền Si-lô là lều Chúa ngự giữa loài người. Hòm Bia thánh tượng trưng uy quyền vinh quang Chúa, Người cũng để tay thù chiếm đoạt mang đi. Quá bất bình với dân được chọn làm gia sản Người phó mặc họ cho lưỡi gươm hung tàn. Lửa chiến chinh huỷ diệt đời trai tráng, thiếu nữ chẳng còn được nghe điệu vu quy! Hàng tư tế bị gươm đao sát hại, goá phụ thương chồng mà chẳng được khóc than!”
“Và rồi họ thử thách Ngài… “: thái độ phản bội này của dân Israel trong đất Canaan được sách các Thẩm Phán tóm gọn trong chương 2 như sau: “Họ đã lìa bỏ Giavê, Thiên Chúa của tổ tiên, Đấng đã đưa họ ra khỏi đất Ai-cập, và họ đã đi theo các thần ngoại lai trong số các thần của các dân chung quanh. Họ sụp lạy các thần ấy và chọc giận Giavê. Họ đã lìa bỏ Giavê để làm tôi thần Ba-an và các nữ thần Át-tô-rét.” (Tl 2,12-13).
“Họ suy giảm như một cung tên thất bại”: trong cùng nghĩa với nhận xét của ngôn sứ Hosêa: “Chúng quay về với cái hư không. Chúng chẳng khác nào cánh cung sai chậy. Thủ lãnh chúng ngã gục dưới lưỡi gươm, vì thốt ra những lời giận dữ; trong đất Ai-cập, chúng sẽ nên trò cười.”
“Họ trêu giận Ngài với các nơi cao của họ”: Dân Israel lập các bàn thờ thần ngoại trên các nơi cao. Thái độ tôn thờ thần ngoại này diễn tả sự ngoại tình của dân Do thái đối với Giavê là Phu Quân của họ. Vì thế nó “khiêu khích” Giavê khiến cho Ngài “ghen tương” và nổi cơn thịnh nộ đánh phạt Israel, người vợ bất trung, như khẳng định trong chương 32 sách Đệ Nhị Luật: “Chúng đã thờ các thần không phải là Thiên Chúa khiến Ta phải ghen tương, thờ những thần hư ảo mà trêu giận Ta; Ta sẽ dùng một dân không phải là dân khiến chúng phải ghen tương, dùng một dân tộc ngu si mà trêu giận chúng.” (Đnl 32,21).
Các nơi cao “bamốt” trong tiếng Do thái là các nơi thờ tự thường được xây trên các đỉnh đồi. Trong thời tiền đavít chúng được chấp nhận, nhưng sau khi phụng tự được tập trung trong đền thờ Giêrusalem thì chúng trở thành bất hợp pháp . Ngoài ra vì sự trộn lẫn với các việc tôn thờ các thần ngoại nên chúng là các tổ của thói tục tônthờ thần ngoại, như đã bị tố cáo trong sách các Vua, sách Sử Biên và các ngôn sứ.
“Nhà tạm Shilo”: trung tâm thờ tự Shilo được nhắc tới trong sách Giôduê (18,1), sách các Thẩm Phán (21,19) và bốn chương đầu sách Samuel I, như là trụ sở nơi giữ Hòm Bia giao ước và là trung tâm chính trị của Liên hiệp các chi tộc Israel. Các văn bản thánh kinh không đề cập tới việc từ bỏ trung tâm thờ tự Shilô ngoài hai văn bản sách ngôn sứ Giêrêmia (7,12.14 và 26,6) nhưng chúng đề cập tới biến cố Hòm Bia bị quân Philitinh đánh cướp thời thầy cả Eli (x. 1 Sm 4).
“Lều của nơi Ngài ngự giữa con cái loài người”: đây là khẳng định thần học cựu ước rất quan trọng và có ý nghĩa liên quan tới sự hiện diện của Thiên Chúa “shekinah” mà loài người có thể đạt đến, mà sách Khải Huyền áp dụng cho thành thánh Giêrusalem thiên quốc (Kh 21,3).
“Ngài khiến cho sự mạnh mẽ của nó thành nô lệ và vinh quang của nó trong quyền của quân thù“: ám chỉ biến cố Hòm Bia giao ước bị quân Philitinh đánh cướp trong trận giao tranh với dân Israel tại Afec (1 Sm 4,10-11). Hòm Bia giao ước là nơi vinh quang của Thiên Chúa hiện diện. Nó vang vọng lời con dâu thầy cả Eli nói trước khi chết lúc sinh con: “Nàng gọi đứa trẻ là Ikhabốt và nói: “Vinh quang đã bị cướp khỏi Israel, vì Hòm Bia Thiên Chúa đãbị chiếm đoạt” (1 Sm 4,22).
“Các tư tế của nó đã gục ngã vì gươm”: ám chỉ Hofni và Pinkhas là hai tư tế con thầy cả Eli đã bị giết chết trong trận đánh tại Afec (1 Sm 4,11).
“Các goá phụ của nó”: tức của dân Israel, nhưng ở đây ám chỉ hai bà vợ của hai tư tế Hofni và Pinkhas, không khóc than chồng bị quân Philitinh giết trong trận đánh tại Afec.
Các câu 65 tới 72 của thánh vịnh 78 là đoạn cuối trong đó tác giả trình bầy một giải pháp vĩnh viễn cho cảnh lên xuống trong lịch sử tôn giáo của dân Do thái: Thiên Chúa gỡ lại chiến thắng trên chính sự bất trung của Israel, bằng cách chuộc nó khỏi tình trạng hổ nhục không thể sửa chữa được, trong đó Israel đã rơi vào (cc. 65-66), và qua một sự lựa chọn chính xác, bằng cách ban cho dân Ngài một vị hướng đạo chắc chắn và trung thành “nơi Đavít tôi tớ Ngài” (c. 70).
Ý định kín ẩn của tác giả thánh vịnh là giới thiệu việc tuyển chọn Đavít và Sion như điểm tột đỉnh của lịch sử chính trị tôn giáocủa dân nước được tuyển chọn : trong vương quyền của Đavít, sau cùng nó tìm thấy một yếu tố ổn định và các biến cố sóng gió của quá khứ, ít nhất trên bình diện lý tưởng, nhường chỗ cho một viễn tượng mới của sự an bình và tin tưởng.
“Bấy giờ Chúa như người đang ngủ, như tướng hùng đã thấm men say, bỗng tỉnh giấc, đánh cho quân thù quay lưng chạy, phải thảm thê nhục nhã muôn đời. Chúa loại bỏ nhà Giu-se, chi tộc Ép-ra-im, Người không tuyển chọn, nhưng tuyển chọn chi tộc Giu-đa và núi Xi-on, nơi Người ưa thích. Chúa xây thánh điện Người như trời xanh cao thẳm, và cũng như trái đất Người đặt vững muôn đời. Chúa chọn Đa-vít, người tôi trung, cất nhắc ông, thuở còn là mục tử, cho vời đến, lúc đang giữ bầy chiên, để chăn dắt dân Người là Gia-cóp, và Ít-ra-en sản nghiệp của Người. Ông chăn dắt họ với một lòng liêm chính, tay dẫn đưa khéo léo tài tình.”
“Ngài thức giấc”: là kiểu nói nhân hình ám chỉ việc ân huệ của Thiên Chúa trở lại bất thình lình đối với dân Ngài bị áp bức. Tác giả thánh vịnh 44 đau đớn hỏi Thiên Chúa như sau: “Lạy Chúa, xin tỉnh giấc! Ngài cứ ngủ được sao? Xin trỗi dậy đi nào, đừng đuổi xua mãi mãi! Sao Ngài còn ẩn mặt, quên rằng chúng con bị khổ cực đoạ đày?” (Tv 44,24-25).
“Ngài đánh chúng trên lưng” là kiểu nói ám chỉ sự tan rã của thù địch. Ở đây chắc hẳn ám chỉ các tai ương Giavê giáng xuống trên quân Philitinh sau khi họ cướp Hòm Bia giao ước như kể trong chương 5 sách Samuel I.
“Ngài ruồng rẫy lều của Giuse”: ám chỉ việc ruồng bỏ các chi tộc sống ở miền trung bắc, được đại diện bởi chi tộc Efraim con của Giuse, là các chi tộc đã thực thi một loại bá quyền nào đó trong thời các Thủ Lãnh, đạt tột đỉnh với việc thua trận của Israel trước quân Philitinh và sự tàn lụi của trung tâm thờ tự Shilo, nằm trong vùng đất của chi tộc Efraim. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận rằng trong câu này có tiềm ẩn cuộc tranh luận chống lại Samaria là thủ đô vương quốc miền bắc, bằng cách nêu bật việc tuyển chọn chi tộc Giuđa qua đó nhấn mạnh việc rẫy bỏ người Samaria là các kẻ thừa tự của các chi tộc miền bắc, dưới khiá cạnh ít nhất là địa lý.
“Trái lại Ngài chọn chi tộc Giuđa, núi Sion, là đối tượng tình yêu thương của Ngài”: cho tới biến cố triều đại nhà Đavít mặc dù đã được tổ phụ Giacóp chúc lành như kể trong chương 49 sách Sáng Thế, và lời chúc lành của ông Balaam, như kể trong chương 24 sách Dân Số, chi tộc Giuđa đã không có phần nổi bật nào trong lịch sử của dân Israel. Việc lựa chọn chi tộc Giuđa với Đavít và núi Sion Giêrusalem là đề tài được tác giả thánh vịnh 132 khai triển rộng rãi. Trong khi thời xa xưa của lịch sử Israel là thời đại mà các thế hệ sau này nhớ tới như là thời lý tưởng, thời son trẻ trong lịch sử cuộc tình của Giavê Thiên Chúa với dân Israel (Gr 2,2; Ed 16,6-14). Nó trùng hợp với biến cố Xuất Hành, ra khỏi Ai Cập để tiến bước trong sa mạc Sinai hướng về Đất Hưá. Trong văn bản ở đây, mang linh hứng của trường phái Đệ Nhị Luật, nó bao gồm cả việc tuyển chọn nhà Đavít và việc tập trung phụng tự trên núi Sion.
“Ngài xây thánh điện của Ngài”: việc xây đền thánh do Đavít đự định và được vua Salomon thực hiện (x. 1 R 6) ở đây được coi như công trình do Thiên Chúa hướng dẫn bởi các chiều kích vũ hoàn. Hình ảnh dinh thự thánh có đỉnh đạt tới trời, như dấu chỉ của “sự siêu việt”, và có nền móng đạt tới vực thẳmdấu chỉ của sự ổn định không thể suy sụp, là một hình ảnh thường gặp trong nền văn chương của vùng Mesopotamia xưa kia, tức vùng Lưỡng Hà là Iran Iraq ngày nay.
“Ngài chọn Đavít tôi tớ Ngài”: đây là tước hiệu chỉ đuợc dành cho một ít nhân vật trong Thánh Kinh Cựu Ước như tổ phụ Abraham, ông Môshê, ông Giođuê và ông Gióp. Ngài “thu nhận ông từ các chuồng chiên” là đề tài hay được nhắc tới trong nhiều văn bản kinh thánh kể lại sự kiện Thiên Chúa chọn Đavít chú bé chăn chiên, thay thế vua Saul làm “mục tử” chăn dắt dân Ngài là nhà Israel (x. 1 Sm 13,14; 15,11-13; 2 Sm 7,8).
“Và Ngài làm cho ông chăn dắt nó theo sự toàn vẹn của ông và bàn tay khéo léo tài tình của ông”: Từ chú bé chăn chiên, Đavít trở thành người lãnh đạo, mục tử chăn dắt dân Chúa. Đó là sức mạnh biến đổi của ơn tuyển chọn. Một sự biến đổi tương tự cũng đã xảy ra với bác thuyền chài Phêrô và các bạn ông: từ các người đánh cá trên hồ Galilêa Chúa Giêsu đã biến các ông thành những người “đánh lưới người ta” cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Khi chọn ai, Thiên Chúa ban cho người đó ơn thánh biến đổi trợ giúp họ chu toàn sứ mệnh Ngài giao phó.
TV 78 D
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 31.03.2017)