Vì vậy, để cho có ý nghĩa và đem lại kết quả, công việc loan báo Tin Mừng cần phải luôn được duyệt xét lại và lồng nó trong bối cảnh của thời gian và không gian nhất định. ĐHY STEPHEN KIM, Bài góp ý trong Thượng Hội Đồng Giám Mục 1974, trong I Semi del Vangelo, do DOMENICO COLOMBO góp nhặt, EMI, Bologna, 1975, tr. 168. Nói cách khác, công việc loan báo Tin Mừng cần phải được nhập thế vào trong các thực tại của cuộc sống, hiện đang chi phối hoặc biểu lộ các ước vọng thâm sâu của con người. Trong chiều hướng đó, công việc truyền giáo phải chú tâm đến các hoàn cảnh đang chi phối cuộc sống của con người thời đại, để tìm ra những đòi hỏi thiết yếu cho sứ mệnh của Giáo Hội.
I. TIÊU CHUẨN PHÂN TÍCH THỰC TẠI
Khi nói đến các hoàn cảnh của công cuộc truyền giáo, một vấn đề căn bản phải được đặt ra ngay; đó là phải nhìn các hoàn cảnh cách nào, theo tiêu chuẩn nào? Trong thần học và mục vụ hiện thời, người ta nói rất nhiều đến việc phân tích thực tại và người ta theo phương pháp nhìn xem, phán đoán và hành động. Tuy nhiều người cùng áp dụng phương pháp đó, nhưng mỗi người nhìn cách khác nhau và, vì vậy, kết quả lại rất khác nhau, nhiều khi chống đối kình nghịch nhau và gây nhiều lộn xộn. Nói cho cùng, vấn đề căn bản không phải là nhìn, mà là cách thức nhìn.
Tất cả cùng nhìn một thực tại, nhưng cách nhìn có thể rất khác nhau, đến độ chống đối nhau. Trước nửa chai rượu, người thì nhìn vào nửa trống, người khác thì nhìn vào nửa đầy. Người nhìn nửa trống thì tức giận và chửi rủa, nhưng người nhìn nửa đầy thì lại vui mừng sung sướng và có thể còn mời bạn bè uống chung cho vui. Nguy hiểm một điều là, nếu nhìn trật thì sẽ phán đoán sai, và hành động bậy. Vì vậy, không thể áp dụng phương pháp nhìn xem, phán đoán, hành động một cách máy móc. Không phải cứ áp dụng phương pháp đó là tìm ra đáp số và giải quyết xong vấn đề.
Mỗi người nhìn hoàn cảnh theo cái tâm của mình, hay nói cách khác, cùng một thực tại, nhưng người ta nhìn khác nhau và, vì vậy, tâm tình và phản ứng khác nhau, vì tiêu chuẩn và tinh thần khác nhau. Một điều hiển nhiên: cách nhìn vấn đề của một người lấy Phúc Âm làm tiêu chuẩn và tâm hồn đã được Phúc Âm biến cải hoàn toàn khác cách nhìn của một người lấy một ý thức hệ làm tiêu chuẩn, hay để cho lòng mình bị chi phối bởi một tham vọng, hay một tư lợi nào đó. Sự khác biệt giữa hai người không những chỉ trong cách nhìn thực tại, mà còn các vấn đề nhìn và đặt ra. Vì vậy, vấn đề căn bản chưa phải là việc áp dụng phương pháp cách khoa học, nhưng là tinh thần và tiêu chuẩn của người dùng các phương pháp. Người ta có thể lái các phương pháp khoa học tùy theo cái tâm của mình.
Các giám mục châu Mỹ La Tinh nhóm họp trong Đại Hội Đồng CELAM lần IV tại Santo Domingo đã ý thức rõ ràng vấn đề này. Chính vì vậy, văn kiện Santo Domingo đã không bắt đầu bằng việc phân tích thực tại, nhưng bằng lời tuyên xưng đức tin: Được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II triệu tập và được Thánh Thần Chúa hướng dẫn, chúng tôi, các Giám mục của Giáo Hội tại Châu Mỹ Latinh và Caribe, tụ họp tại Santo Domingo nhân dịp Đại Hội Đồng IV, tiếp tục các Đại Hội Đồng trước tại Rio de Janeiro, Medellín và Puebla, tuyên xưng đức tin và tình yêu của chúng tôi đối với Chúa Giêsu Kitô, Đấng hằng hữu muôn đời, `hôm qua, hôm nay và mãi mãi’ (Dt 13,8). CELAM, Văn kiện Santo Đomingo, số 1. Các Giám mục Hội Đồng CELAM nhóm họp tại Santo Đomingo hết sức ý thức và nhậy cảm trước các vấn đề của châu này, nhưng đồng thời các ngài cũng biết là nhìn các vấn đề dưới ánh sáng Phúc Âm có khác việc nhìn các vấn đề không với ánh sáng Phúc Âm. Vì vậy, trước tiên các ngài tuyên xưng đức tin và sau đó mới nhìn các vấn đề dưới ánh sáng của đức tin.
Trước văn kiện Santo Đomingo, thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế SMĐCT cũng đã ý thức vấn đề này khi đưa ra cái nhìn có tính cách tiên tri. Tiên tri là người có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa ở nơi và khi những người khác không nhận ra. Tiên tri nhận ra Chúa và có bổn phận phải giúp cho người khác nhận ra Ngài. Tất cả cuộc đời của nhà tiên tri được chiếu soi và hướng dẫn dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và vì vậy, cách nhìn các vấn đề khác biệt với cách nhìn của những người không nhận ra Thiên Chúa. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ trong việc nhìn, vì cái nhìn sẽ đưa đến phán đoán và theo đó là hành động. Nếu nhìn mà khác thì cách phán đoán cũng khác và dĩ nhiên các lựa chọn và hành động cũng khác luôn.
Khi nói đến tình trạng của thế giới hôm nay, người ta thường chỉ thấy trăm ngàn vấn đề cần giải quyết, và kết quả thường là nản chí hoặc bạo động. Thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế không nhắm mắt trước các vấn đề của thế giới, nhưng trước tiên nhận sự hiện diện đầy ắp yêu thương của Thiên Chúa và từ đó mới nhìn các vấn đề. Kết quả là thay vì nản chí hoặc trở nên bạo động, thông điệp mở rộng một chân trời chứa chan hy vọng có sức thúc đẩy dấn thân trong tinh thần hiến dâng. Cách nhìn đó thông điệp đã lặp lại tới ba lần: 1) Thiên Chúa đang rộng mở cho Giáo Hội những chân trời của một nhân loại sẵn sàng đón nhận hạt giống Phúc Âm (SMĐCT 3); 2) Trước thềm đệ tam thiên niên của ơn cứu độ, Thiên Chúa đang chuẩn bị một mùa xuân kitô tươi sáng mà tôi thấy đã bắt đầu chớm nở (SMĐCT 86); 3) Tôi nhìn thấy đang rạng ló một thời đại truyền giáo mới, sẽ triển nở tới ngày tươi sáng và nặng chĩu hoa trái, nếu tất cả các tín hữu của Chúa, đặc biệt các nhà tông đồ truyền giáo và các giáo hội trẻ đáp ứng lại các đòi hỏi và thách đố của thời đại này với lòng quảng đại và đời sống thánh thiện (SMĐCT 92). Sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng thế giới, thông điệp đã lặp lại tới ba lần. Theo tâm thức thánh kinh, số ba là con số biểu trưng, nói lên sự vẹn toàn, tính cách từ từ của diễn tiến và có ý nhấn mạnh. Ở đây, lặp lại ba lần thông điệp có ý nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới.
Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, kết luận tỏ tường là điểm nồng cốt có tính cách quyết định trong công cuộc tông đồ truyền giáo không phải là các phương pháp, dụng cụ hay dự án mục vụ, nhưng tinh thần của người tông đồ khi dùng phương pháp, lúc phải thai nghén các dự án và thực hiện các công tác tông đồ. Chính vì vậy, trước khi đặt câu hỏi về việc tông đồ, phải đặt câu hỏi về người tông đồ; trước khi đặt câu hỏi về phương pháp và dụng cụ, phải đặt câu hỏi về tinh thần của người tông đồ. Đó chính là vấn đề về tính cách trung thực của việc tông đồ. GIUSEPPE ĐINH ĐỨC ĐẠO, Tu mi hai chiamato, MGM, Roma, 1987, tt. 19-20. Có điều khác biệt căn bản giữa đời sống và hoạt động của một người tông đồ chỉ nhìn thấy muôn vàn vấn đề cần giải quyết, hoặc nhìn các vấn đề theo phương thức của một ý thức hệ, một tham vọng chính trị hay tư lợi cá nhân hay phe nhóm và đời sống và hoạt động của người tông đồ biết nhìn các vấn đề theo nhãn giới của Thiên Chúa.
Chính vì lý do đó, theo thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế, những thúc đẩy mới về công việc tông đồ truyền giáo đòi hỏi phải có các nhà truyền giáo thánh thiện. Nếu chỉ lo canh tân các phương pháp mục vụ, hay tổ chức và điều hành các lực lượng tông đồ cách hoàn hảo hơn, hoặc kiếm tìm các nền tảng thánh kinh và thần học về đức tin cách chính xác hơn, thì chưa đủ. Cần phải khơi dậy ‘lòng khao khát lên thánh’ mới nơi các nhà truyền giáo và trong tất cả cộng đồng kitô, đặc biệt nơi các tín hữu cộng tác gần gũi với các nhà truyền giáo. Thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), số 90.
Giáo huấn của thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế ăn khớp với các kinh nghiệm truyền giáo. Ở đây, tôi xin đan cử kinh nghiệm của cha Fernando Sozzi, nhà truyền giáo người Ý, dòng PIME, mới qua đời cách đây không lâu, sau 50 năm truyền giáo bên Bangladesh, Ngài nói:
“Ngày nay người ta nói nhiều về các phương pháp mục vụ, và người ta tổ chức nhiều cuộc học hỏi. Các việc đó cũng là điều tốt. Nhưng phần tôi thì tôi không tin vào các phương pháp, nhưng vào tinh thần hướng dẫn các phương pháp. Bên Bengala, tôi đã thhử tất cả: tôi huấn luyện các giáo lý viên, tôi đi thăm các cứ điểm truyền giáo trong nhiều tháng, tôi đánh guitar và gảy đàn mandoline, tôi tổ chức các hợp tác xã và ngân hàng tín dụng nông nghiệp, tôi dạy giáo lý cho từng cá nhân và cho các nhóm, tôi tổ chức làm kịch với ý nghĩa tôn giáo. Nói tóm lại, tôi đã thử tất cả các điều mới mẻ. Tuy nhiên, nếu muốn thành thực, tôi phải nói là tôi cảm thấy là nhà truyền giáo thực sự, và có được các ơn trở lại và được dân chúng tín nhiệm, khi tôi cầu nguyện nhiều hơn. Chú trọng đến các phương pháp, cách thức mục vụ, đến thần học là điều hợp lý. Tuy nhiên, một điều không bao giờ được quên, đó là việc tông đồ không phải của chúng ta, nhưng Thánh Thần Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng cứu chuộc và giải thoát con người. Dân chúng, cả những người nghèo nhất, không cần chúng ta, sự trợ giúp và công việc của chúng ta, nhưng họ cần Chúa Giêsu… Cần phải suy niệm những điều này nhiều giờ trong kinh nguyện, nghiền gẫm đến độ có thể gặp được Chúa Giêsu trong tâm hồn và thấy vui sướng được gặp gỡ Ngài và sống say sưa với Ngài.” DC255, Cha FERDINANDO SOZZI, P.I.M.E., truyền giáo bên Bangladesh 1929-1977, trong PIERO GHEDDO, PIME, Una proposta per la missione , EMI, Bologna, 1989, tt. 130-131.
II. TÌNH TRẠNG CỦA NGƯỜI NGHÈO VÀ CÔNG VIỆC TÔNG ĐỒ
Trong số trăm ngàn hoàn cảnh đòi hỏi sự chú ý của công việc tông đồ truyền giáo, cần để ý đến vấn đề nghèo đói vì đây là một vấn đề đang đè nặng trên một số rất đông đảo dân chúng và mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng. Cũng chính vì vậy mà trong những thời gian gần đây, Giáo Hội đã lên tiếng nhiều lần về vấn đề này. Nếu theo thứ tự thời gian, phải kể ngay đến thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế (tháng 12 năm 1990), sau đó là Sứ Điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha năm 1991; bài diễn văn của Đức Thánh Cha trước Đại Hội FAO nhóm họp tại Roma tháng 12 năm 1992, và sau cùng, Sứ Điệp Ngày quốc tế cầu nguyện cho Hòa Bình năm 1993.
Sự nghèo đói có nhiều bộ mặt khác nhau. Tuy nhiên, dưới hình thức trầm trọng nhất, đó là tình trạng đói kinh niên, theo bản thống kê của tổ chức quốc tế FAO, công bố vào dịp Đại Hội tháng 12 năm 1992, hiện nay có 800 triệu người bị đói kinh niên. Tình trạng trầm trọng này chắc chắn kêu gào tình thương yêu của Giáo Hội, và trong Giáo Hội, tinh thần thương yêu của các tông đồ thừa sai.
Trong việc phục vụ người nghèo, các vấn đề cần suy tư có thể được thu gọn lại trong ba lãnh vực chính yếu sau đây. Về thần học: chỗ đứng của việc phục vụ người nghèo trong công tác mục vụ truyền giáo của Giáo Hội; về tu đức: mối bận tâm chính yếu hiện nay là sự trung thực của việc phục vụ người nghèo như công tác công đồ. Đó chính là vấn đề về tinh thần của người tông đồ truyền giáo; về mục vụ: vấn đề ở đây là lãnh vực và phương tiện trong việc phục vụ người nghèo.
1. Bình diện thần học: chỗ đứng của việc phục vụ người nghèo trong công tác mục vụ của Giáo Hội
Lòng thương xót và nhậy cảm đối với tất cả những ai đau khổ (người bệnh, người nghèo, người bị áp bức…) là một diễn tả hòa hợp với bản tính của đức tin kitô và đời sống của Giáo Hội vì đó là những diễn tả và nhu cầu của tình yêu, vốn là bản tính của Giáo Hội. Một đàng, Giáo Hội sinh ra và được dưỡng nuôi trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi, Huấn thị Đến Với Lương Dân (Ad Gentes), số 2. đàng khác, tình yêu đối với Thiên Chúa luôn gắn liền với tình yêu đối với đồng loại (Lc 10,25-27; 1Ga 4, 19-21). Khi một người thương yêu trung thực, thì trở nên nhậy cảm và chú tâm đến những người yếu đuối và đau khổ. Chính vì vậy, việc phục vụ người nghèo, người đau ốm tàng tật luôn gắn liền với đời sống của Giáo Hội và là truyền thống ngàn đời của Giáo Hội.
Trong suốt quá trình lịch sử, biết bao dòng tu đã phát sinh với mục đích xoa dịu các đau khổ của nhân loại trong việc phục vụ các bệnh nhân, cô nhi quả phụ và người nghèo. Trong tâm trí dân chúng, cuộc sống của Giáo Hội thường gắn liền với hình ảnh một linh mục hay nữ tu bên cạnh giường bệnh trong các nhà thương, trong các trại cùi, viện mồ côi, hoặc lăn lộn với dân chúng trong cuộc sống cực khổ hằng ngày. Cũng có những hoàn cảnh, tại một nơi nào đó, một số phần tử của Giáo Hội chạy theo tư lợi và khép kín con tim trước những đau khổ của đồng loại. Tuy nhiên, phải coi đó là những trường hợp đặc thù giới hạn và nhất là không ai dám coi đó là lý tưởng của cuộc sống kitô và truyền bá như thể đó là nếp sống theo Phúc Âm.
Vì vậy, sau những năm bàn cãi sôi nổi với những khuynh hướng chống chọi nhau, ngày nay trong lãnh vực thần học người ta không còn đặt ra vấn đề nếu Giáo Hội phải hay không phải phục vụ người nghèo. Đó là một vấn đề thần học đã lỗi thời. Vấn đề được đặt ra trong lãnh vực thần học hôm nay là vấn đề khác. Đó là chỗ đứng và chiều kích của việc phục vụ người nghèo trong công tác mục vụ truyền giáo của Giáo Hội.
Vấn đề được đặt ra vì có nhiều tác giả về thần học, Tác giả thần học là những người có kiến thức nhiều về thần học. Không phải tất cả các tác giả thần học đều là thần học gia, vì để được coi là thần học gia, ngoài khả năng trí tuệ, phải có hai yếu tố căn bản: giáo lý chính thống theo Tông Truyền của Giáo Hội và đời sống thánh thiện. Không phải hễ viết lách nhiều về thần học là có thể gọi là thần học gia, nhất là bên châu Mỹ Latinh như Gustavo Gutiérrez, Leonardo Boff, Clodovis Boff coi việc phục vụ người nghèo như công tác căn bản hoặc công tác duy nhất của Giáo Hội, và như điều kiện duy nhất để nên thánh. Như vậy, tất cả công tác mục vụ của Giáo Hội bị bóp nghẹt để đồng hóa với việc phục vụ người nghèo, và cuộc đời của người tín hữu kitô bị xoay vần chung quanh người nghèo. Các suy tư thần học trong chiều hướng này đã gây không ít hoang mang và hiềm khích trong nhiều môi trường, vì những người không làm việc cho người nghèo thì bị nghi kỵ, khinh dể và công việc mục trong những môi trường khác bị chê bai. Thứ tâm thức hẹp hòi này gò bó thế giới mênh mông vào một con đường chật hẹp và khi đem áp dụng vào lãnh vực chính trị đã đẻ ra những hiện tượng độc tài gây nhiều đổ máu. Vì vậy cần đặt lại vấn đề.
Trong chiều hướng coi việc phục vụ người nghèo như công tác căn bản của Giáo Hội và như con đường duy nhất để nên thánh, người nghèo đã trở thành một thứ ngẫu tượng đến độ chiếm chỗ của Chúa Giêsu. Tất cả phải được quy tụ để phục vụ người nghèo. Phúc Âm và chính Chúa được nhắc đến, nhưng nhiều khi chỉ được dùng như một thứ dụng cụ và phương tiện hữu ích. Như vậy thì vấn đề nằm ở chiều sâu của đức tin và của tinh thần. Đó là vấn đề đặt nền tảng, căn nguyên cho đời sống và đức tin kitô.
Cần phải xác định rõ ràng là căn bản cuộc đời kitô không phải là người nghèo, hay bất cứ một thụ tạo nào khác, mà là Chúa Giêsu. Người tín hữu kitô là người đã khám phá được là chính Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, là nguồn sống nên nhất quyết tin thờ Chúa, dâng hiến cuộc sống cho Chúa và lấy mầu nhiệm Chúa làm ánh sáng hướng dẫn cuộc sống. Trong chiều hướng đó, người tín hữu kitô tập rộng mở con tim để yêu thương mọi người như Chúa đã thương yêu họ. Chỉ trong nhãn giới đó, các việc tông đồ mục vụ, trong đó có việc phục vụ người nghèo, mới tìm ra được đúng cương vị và chiều kích của nó.
Nói cho trúng, Chúa Giêsu xuống thế làm người, chịu chết và sống lại không phải chỉ cho một cá nhân hay một nhóm người nào, mà cho tất cả nhân loại. Ngài phải tới tất cả để cứu vớt tất cả. Vì vậy, Ngài kêu gọi và sai một số tông đồ đến người nghèo; một số khác Ngài sai đến người giầu có, người đau ốm bệnh tật; một số khác nữa Ngài lại sai đến giới trí thức, giới trẻ, người già, v.v.
Chúa Giêsu thương yêu tất cả và muốn cứu vớt tất cả, vì tất cả đều quí báu đối với Ngài. Ngài không thiên vị hay ruồng bỏ một ai. Vấn đề là có người thì chấp nhận Ngài, có người lại từ khước Ngài. Nhưng cả những người từ khước Ngài, Ngài cũng không ruồng bỏ, nhưng tìm hết cách cứu vớt. Trong nhãn quan đó, việc phục vụ người nghèo không thể được coi là tất cả công tác mục vụ của Giáo Hội. Dĩ nhiên, vấn đề người nghèo là vấn đề trầm trọng, đòi hỏi sự chú tâm đặc biệt, nhưng không thể coi đó là vấn đề mục vụ duy nhất. Vì vậy, việc phục vụ người nghèo là một ơn gọi. Và trong khi phục vụ người nghèo, cũng phải biết tôn trọng và quí mến những người phục vụ ở các lãnh vực khác, cho các tầng lớp dân chúng khác, vì Chúa Giêsu phải tới tất cả để cứu vớt tất cả. Thương yêu thì phải chú tâm đến những người yếu kém cần giúp đỡ hơn, nhưng không vì vậy mà có thể quên lãng hay loại trừ những người khác, có khác chi người mẹ trong gia đình, chúú tâm, gần gũi đứa con đau ốm, nhưng vẫn một mực thương yêu các đứa con khác.
Công việc mục vụ trong sứ mệnh của Giáo Hội có khác chi một ban hợp tấu trình diễn những điệu nhạc du dương. Trong ban hợp tấu, có nhiều nhạc cụ. Mỗi nhạc sĩ phải chơi nhạc khí của mình hoà hợp với các nhạc khí khác theo sự điều khiển của nhạc trưởng để trình bày một nhạc khúc du dương gây hứng thú cho thính giả. Nếu mỗi nhạc sĩ đòi chơi nhạc khí của mình thả dàn, bất chấp các nhạc khí khác, hay bắt tất cả các nhạc sĩ khác phải chơi cùng nhạc khí như mình, thì đúng là một cái chợ. Các người bán hàng ở chợ hò hét, mạnh ai nấy hò, lấn át các người khác, mong kéo sự chú ý của khách mua hàng.
2. Bình diện tu đức: các đòi hỏi thiêng liêng
Trong sứ mệnh trên dương thế, Chúa Giêsu năng gần gũi người đau ốm, người nghèo khó và những người tội lỗi để an ủi và cứu vớt. Sự hiện diện của Chúa thay đổi cuộc sống và canh tân tinh thần của họ. Từ sự kiện đó, một vấn nạn căn bản đối với công tác tông đồ phục vụ người nghèo phải được đặt ra: sự hiện diện, lời nói và việc phục vụ của người tông đồ có giúp cho người nghèo thay đổi cuộc sống và đổi mới tâm hồn họ không? Đây chính là vấn đề nồng cốt trong công tác phục vụ tông đồ đối với người nghèo. Đó là vấn đề tinh thần của người tông đồ mà tôi xin gồm tóm lại trong mấy điểm chính yếu sau đây:
a) Nguồn gốc của việc phục vụ người nghèo: để có thể được coi là việc tông đồ, công việc phục vụ người nghèo phải phát nguồn từ sự chọn lựa Chúa Giêsu. Ngày nay người ta nói nhiều đến sự chọn lựa người nghèo, nhưng nói cho trúng thì đối với một kitô hữu chỉ có một sự chọn lựa. Đó là sự chọn lựa Chúa Giêsu. Tất cả các công tác mục vụ là hậu quả và áp dụng cụ thể của sự chọn lựa này. Lý do tối hậu của sự dấn thân của Giáo Hội trước tiên chưa phải là các nhu cầu của thế giới, nhưng là tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Người tín hữu tông đồ, theo định nghĩa, là người say mê Chúa Giêsu, vì đã được tình yêu vô bờ bến của Chúa chinh phục. Do đó, cần phải dấn thân để đáp lại tình thương của Chúa và, vì vậy, phải ra đi tới người anh em, vì Thiên Chúa thương yêu nhân loại quá độ đến nỗi đã ban Con Một cho nhân loại (Ga 3, 16-18). Như thế thì dấn thân phục vụ người nghèo là kết quả của tình yêu khăng khít với Chúa. Nên chi, nếu tách rời ra khỏi sự chọn lựa Chúa Giêsu, các công tác mục vụ sẽ biến đối tượng thành ngẫu tượng và trong trường hợp phục vụ người nghèo, sự lựa chọn người nghèo mà người ta thường nói sẽ chỉ là sự lựa chọn chống đối người giầu. Việc phục vụ người nghèo nguy hiểm sẽ không còn phải là do tình thương yêu người nghèo, mà là do lòng ghen ghét và thù hằn người giầu.
Nhìn công tác phục vụ người nghèo như một thực hiện cụ thể sự lựa chọn Chúa Giêsu, mối bận tâm thực sự trong công việc tông đồ truyền giáo không phải là phục vụ người nghèo, nhưng phục vụ người nghèo theo tinh thần của Chúa Giêsu. Đó là việc phục vụ phát nguồn từ một con tim đã có kinh nghiệm được Chúa Giêsu thương yêu và giải thoát, và do đó, có khả năng thương yêu thực sự và thương yêu đại đồng hết mọi người, không loại trừ một người.
Ngoài ra, phát nguồn từ sự lựa chọn Chúa Giêsu, người tông đồ sẵn sàng chấp nhận phục vụ bất cứ tầng lớp người nào và ở bất cứ nơi nào mà Chúa Giêsu sai đến. Đồng thời, luôn rộng mở tâm hồn chấp nhận đi nơi khác, không chỉ theo nghĩa địa dư, nhưng cả loại công việc tông đồ và lớp người phải phục vụ, vì đã thấm nhuần được tấm lòng của Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên nhân lành, rộng tay đón nhận tất cả không phân biệt loại trừ, trong khi vẫn để tâm đặc biệt đến những người đau khổ và xấu số. Chúa Giêsu thương yêu tất cả và muốn cứu vớt tất cả. Vì vậy, Chúa kêu gọi và sai một số tông đồ đến nhóm người này, một số tông đồ đến nhóm người khác. Nói cho đến tận gốc rễ thì vấn đề căn bản không phải là phục vụ nhóm người này hay nhóm người khác, ở nơi này hay nơi khác, nhưng phục vụ nhóm người và ở nơi Chúa Quan Phòng sai đến và phục vụ với tinh thần của Chúa. Không nhất thiết hễ làm việc cho người nghèo đã là thánh thiện. Hy sinh vất vả làm việc cho người nghèo chỉ vì tham vọng và không biết quí trọng những người phục vụ ở các lãnh vực khác thì cũng là bỏ đi.
Trong chiều hướng đó thì công việc phục vụ người nghèo là một cuộc mạo hiểm đức tin, một cuộc hành trình thiêng liêng, trở về với Phúc Âm để biết nhìn Chúa, nhìn chính mình và nhìn người đồng loại với con mắt của Chúa. Chính vì lý do đó, việc tông đồ phục vụ người nghèo, như bất cứ việc tông đồ nào khác, là một sự kiện nội tâm, kết quả của lòng say mến Chúa Giêsu. Việc phục vụ người nghèo, để có thể là việc tông đồ trung thực, phải bắt nguồn từ đời sống nội tâm sâu sa trong tinh thần chiêm niệm với tất cả các đòi hỏi của đời sống đó. Chỉ trong những điều kiện đó mới có thể lựa chọn ưu tiên người nghèo theo tinh thần và đường hướng của Giáo Hội.
b) Lần theo biên cương tình yêu: công việc phục vụ người nghèo sẽ canh tân và xây đắp thực sự cuộc đời của họ nếu là một diễn tả của tình yêu. Việc phục vụ, giúp đỡ mà không phát xuất từ một con tim biết yêu thương có thể trở thành một hành động áp bức và xỉ nhục chính người nghèo. Trong lịch sử, đã bao lần các dân tộc yếu kém cảm thấy bị nhục nhã và bị bóp nghẹt khi nhận viện trợ! Tuy nhiên, không phải bất cứ tình yêu nào cũng có thể nâng dậy và xây đắp cuộc đời cho người khác. Chỉ có tình yêu trung thực phát sinh từ tình yêu của Chúa Giêsu mới có khả năng đó. Vì vậy, công việc phục vụ người nghèo đòi hỏi một số cố gắng thiêng liêng.
Trước tiên, cần suy niệm về tấm lòng của Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên nhân lành để tìm biết và thấm nhuần đầy đủ chiều kích tình yêu của Ngài:
Đại đồng phổ quát: tình yêu trung thực phải đại đồng phổ quát, vì bản tính của tình yêu là thương yêu. Tình yêu mà không thương yêu thì đâu có phải là tình yêu. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu thương yêu hết mọi người, không chỉ người tốt lành, nhưng cả người tội lỗi xấu xa, vì Ngài là tình yêu. Vì đó, tình yêu đích thực đối với người nghèo đòi hỏi phải có khả năng thương yêu tất cả, không loại trừ ai, kể cả những người giầu. Nếu không biết thương yêu người giầu với tình yêu của Chúa, sẽ không thương yêu người nghèo cách trung thực. Thêm vào đó, khi biết thương yêu tất cả không loại trừ bất cứ ai và cảm nhận được là tất cả thuộc về Chúa vì Chúa muốn cứu vớt tất cả, thì sẽ nhìn và cảm nghiệm các vấn đề và hành động khác với người chỉ có cảm tình với một nhóm người nào đó.
Tinh thần giao ước: tình yêu theo tinh thần giao ước là tình yêu đậm đà như tình yêu của Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể. Có thể tạm lấy tình yêu vợ chồng trong hôn nhân như một hình ảnh. Thứ tình yêu này không phải là đôi cảm tình hay lòng thương hại suông, nhưng lăn xả nhận lấy điều kiện sống của người mình thương yêu làm của mình, đồng thời thông truyền cho người mình thương yêu chính điều kiện sống của mình.
Nhân hậu: đây là thứ tình yêu đối với những yếu đuối, bất toàn của người khác. Tình yêu nhân hậu biết cảm thông, tha thứ và cứu vớt. Đó là tình yêu của Đấng Chăn Chiên nhân lành đi tìm con chiên lầm lạc để đưa về nhà bình an trong tinh thần hòa giải và hiệp thông (Lc 15,4-7).
Tích cực: ai thương yêu thực sự thì tích cực, tìm cách nâng đỡ, chữa chạy, khích lệ. Đó là thái độ của người Tôi tớ Yahve, không bẻ gẫy cây sậy đã giập, và không giập tắt ngọn bùi nhùi đã gần tàn (Is 42,3-4).
Điểm thứ hai là cần phải tiến gần tới Chúa Giêsu và Phúc Âm của Ngài để được thanh luyện và giải thoát khỏi các ý thức hệ, khỏi các tư lợi, tham vọng cá nhân, lòng ganh tị, thù oán v.v. để có thể thương yêu tất cả cách trung thực. Nếu không như vậy thì sẽ áp bức chính những người mình muốn giải thoát. Không ai có thể giải thoát người khác khi chính lòng mình chưa được giải thoát. Đàng khác, bước trên con đường trở về với Phúc Âm, người tông đồ sẽ không để cho lòng mình bị đóng khung duy nhất trong các vấn đề vật chất và xã hội để biết đem Chúa Giêsu đến cho người nghèo. Người nghèo cần Chúa Giêsu, cần tình thương của Ngài trước và trên hết mọi sự. Sự nghèo túng trầm trọng nhất chính là sự nghèo túng không biết Chúa Kitô. Nói cách tích cực, thì ĐTC Pio XI trong thông điệp Về Các Hoạt Động của Giáo Hội, nói là ơn Đức Tin được biết lòng nhân lành của Chúa là ơn cao quí nhất mà người tính hữu kitô phải biết chia xẻ với những người anh em chưa biết Chúa (PIO XI, Thông điệp Về Các Hoạt Động Của Giáo Hội, số 3).
Sau cùng là cố gắng thanh tẩy và giải thoát tâm trí và ý nghĩ khỏi tâm thức và cách nói hàm hồ, tuyyệt đối, phóng đại và vơ đũa cả nắm, vì những cách nhìn và suy tưởng này gây ra hỗn loạn trong tâm trí, bạo động trong lòng, chia rẽ và xung khắc trong cộng đoàn và xã hội. Chẳng hạn cách nhìn và cách suy tưởng coi vấn đề người nghèo chỉ dưới khía cạnh vất chất xã hội hay duy nhất trong nhãn giới áp bức và bất công. Cách suy nghĩ và cách nói này gây ra nhiều hiềm khích và biến người nghèo thành con người nhất diện, HERBERT MARCUSE, One-Dimensional Man, Beacon Press, Boston, 1964, vì không tôn trọng thực tế phức tạp của vấn đề nghèo đói.
Cũng trong chiều hướng này, như đã nhắc ở trên, người ta thường trình bày vấn đề người nghèo như thể vấn đề mục vụ duy nhất của Giáo Hội và việc phục vụ người nghèo như phương thế duy nhất để lên thánh. Một số tác giả nói một cách công khai, nhưng đa số thì nói cách ẩn tàng, nhưng phải đưa đến những kết luận trên vì những kiểu nói hàm hồ, và tuyệt đối.
Để tránh thứ tâm thức trên, cần phải có một cuộc trở lại sâu sa trên bình diện trí thức để thấm nhuần tâm thức của Thiên Chúa. Cần phải nhìn vấn đề nghèo đói dưới tất cả các khía cạnh phức tạp của nó và nhìn ơn gọi làm người với đầy đủ chiều kích của một con người, có khía cạnh thể xác, vật chất, xã hội, v.v., và cũng có khía cạnh tâm linh nữa. Ngoài ra, cũng cần phải đặt công việc phục vụ người nghèo trong bối cảnh của sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội, vì Giáo Hội được sai đi để đem ơn cứu chuộc đến cho hết mọi người. Như đã nói ở trên, Thiên Chúa không thiên vị ai (Cv 10,34), vấn đề là tại con người. Có người mở lòng đón nhận, có người lại khép kín tâm hồn từ khước Chúa và Phúc Âm của Ngài. Tuy nhiên, cả với những người khép kín tâm hồn, Chúa vẫn tiếp tục tìm kiếm để cứu vớt. Nói cho đúng, Thiên Chúa không lựa chọn một cá nhân hay một nhóm, một tầng lớp người nào để gảy những người khác đi, nhưng Chúa đã lựa chọn nhân loại vì thương yêu đại đồng tất cả. Kẻ thiếu thốn hơn thì được Chúa để ý hơn, không phải vì Chúa không thương yêu những người khác, nhưng vì những người này cần hơn những người khác.
c) Nghèo khó theo tinh thần Phúc Âm: những người có thể phục vụ để cuộc đời người nghèo được xây đắp và canh tân là những người đã đạt đuợc mối phúc thật của người nghèo. Đó là những người biết sống sự khó nghèo như Phúc Âm chứ không như ý thức hệ. Sống nghèo với ý thức hệ thì đâm ganh tị và thù ghét những người tốt số hơn. Sống nghèo theo tinh thần Phúc Âm thì được tự do, thảnh thơi và hạnh phúc vì đã tìm được kho tàng thực sự là Chúa Giêsu. Do đó, trong lòng phát sinh ra lòng thương xót và nhân từ với những người lầm đường, bám víu lấy kho tàng giả.
Không phải hễ nói nhiều về người nghèo hay từ bỏ giầu sang sống nghèo là đã đạt được mối phúc thật của người nghèo theo tinh thần Phúc Âm. Sống nghèo mà lòng đầy căm phẫn, hận thù đâu có phải là phúc thật. Về điểm này, thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô đã đưa ra một phân biệt rất tế vi: Cho dù tôi có phân phát tất cả của cải tôi có và nhảy vào lửa thiêu đốt thân xác, nếu tôi không có đức ái thì cũng chẳng có ích chi (1Cr 13,3). Điều đó có nghĩa là có thể phân phát hết của cải và thiêu đốt thân xác mà không có chút thương yêu, nói chi chỉ bàn cãi về người nghèo hay từ bỏ đôi tiện nghi và sống đôi chút khó nghèo. Nếu không có thương yêu thì đâu có hạnh phúc được, và nếu chính mình chưa tìm ra hạnh phúc thì nói chi việc đem hạnh phúc đến cho người khác.
d) Trong tinh thần hiệp thông của Giáo Hội: tinh thần hiệp thông với Giáo Hội phải được coi là một trong những đòi hỏi căn bản của việc tông đồ. Lý do là vì công việc tông đồ không phải là một sáng kiến riêng tư của một cá nhân hay một nhóm người, nhưng là sứ mệnh mà Giáo Hội đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu; nên chi các việc tông đồ là sự tham dự vào sứ mệnh của cả Giáo Hội và do đó phải được thể hiện trongchiều hướng của Giáo Hội. Chính vì vậy, việc tông đồ phục vụ người nghèo, như bất cứ công việc tông đồ nào khác, đòi hỏi nơi người tông đồ khả năng sống trong tình hiệp thông với Giáo Hội. Sống hiệp thông với Giáo Hội, một đàng có nghĩa là phải hiểu biết và sống theo truyền thống sống động của Giáo Hội. Đàng khác, phải biết tôn trọng và quí mến các phần tử của Giáo Hội theo ơn gọi và trách nhiệm của mỗi phần tử, vì tuy tất cả Giáo Hội cùng hiệp nhất trong đức tin và sứ mệnh, nhưng khác biệt trong ơn gọi và trách nhiệm. Hiến chế Ánh Sáng muôn Dân (Lumen Gentium), số 12.
3. Bình diện mục vụ: lãnh vực và phương tiện
Một trong những đóng góp quan trọng của các môn khoa học nhân văn cho vấn đề phục vụ người nghèo là sự hiểu biết rộng rãi hơn về các nguyên nhân của tình trạng nghèo đói trên thế giới. Chúng ta có thể kể ra một số nguyên nhân các môn khoa học nhân văn đã khám phá ra: văn hoá (quan niệm về việc làm, về thiên nhiên, v.v.), các phong tục tập quán, các tiêu chuẩn luân lý về cuộc sống, những dị đoan, khuynh hướng trí tuệ, thành kiến văn hoá, địa dư và lịch sử, hạ tầng cơ sở về kinh tế, cơ cấu chính trị và xã hội, khả năng kỹ thuật của dân chúng, sự có mặt của những chuyên viên kỹ thuật, kinh tế, thương gia có khả năng và lương tâm…
Vì vậy, trong sứ mệnh phục vụ người nghèo, ngoài việc phải tìm cách cứu trợ những trường hợp khẩn cấp, còn cần phải dấn thân loại trừ những chướng ngại vật và cấu tạo những điều kiện cần thiết cho sự phát triển toàn diện của con người trên mọi bình diện của ơn gọi làm người. Trong chiều hướng này, việc phục vụ người nghèo bao gồm nhiều khía cạnh và nhiều bình diện khác nhau. Từ thực tại phức tạp của tình trạng nghèo đói trên thế giới, một số câu hỏi được đặt ra cho Giáo Hội trong sứ mệnh phục vụ người nghèo: Ai phải dấn thân phục vụ người nghèo? Trong lãnh vực nào và với phương tiện nào?
a) Dấn thân theo ơn gọi và sứ vụ riêng biệt: Giáo Hội được Chúa kêu gọi để sống cho thế giới, để trở nên bí tích phổ quát của ơn cứu độ cho tất cả nhân loại. Hiến chế Ánh Sáng muôn Dân (Lumen Gentium), số 9 & 48. Vì vậy, tất cả con cái Giáo Hội phải dấn thân cho thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả phải làm cùng một việc, nhưng mỗi người phải dấn thân cho thế giới trong bình diện phù hợp với ơn gọi và sứ vụ đặc thù của mình trong lòng Giáo Hội. Tất cả Giáo Hội cho tất cả thế giới. Trong nhãn quan phổ quát đó, có phần tử trong Giáo Hội đuợc kêu gọi dấn thân trực tiếp phục vụ người nghèo, có phần tử được kêu gọi dấn thân trực tiếp phục vụ người già, giới trẻ…
Ngay cả trong việc phục vụ người nghèo, không phải tất cả cùng xô nhau làm một việc. Vấn đề nghèo đói phức tạp, đòi phải hành động trên nhiều lãnh vực khác nhau: văn hoá, xã hội, chính trị, nghiệp đoàn, giáo dục, thiêng liêng… Trong khi các công tác từ thiện bác ái như trường học, nhà thương, cô nhi viện, v.v. có thể phù hợp cho mọi phần tử trong Giáo Hội, chính trị và nghiệp đoàn là lãnh vực đặc thù của người tín hữu giáo dân trưởng thành; còn linh mục và tu sĩ phải đứng trên mọi cơ cấu tổ chức chính trị và nghiệp đoàn để soi sáng và hướng dẫn lương tâm theo ánh sáng của Phúc âm. Nhất thiết phải tôn trọng ơn gọi và sứ mệnh đặc thù của mỗi phần tử trong Giáo Hội, hay nói theo lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, không được giáo sĩ hoá người giáo dân, cũng không được giáo dân hoá hàng giáo sĩ. ĐTC GIOAN PHAOLO II, Bài huấn từ nói với đại diện hàng linh mục Thụy sĩ tại Einsiedeln, trong Insegnamenti di Giovanni Paolo II, VII/1 (1984), tr. 1791; xem Bài huấn từ cho Hội Đồng Giám Mục Thụy sĩ, ib., tr. 1784.
Nói như thế không có nghĩa là linh mục và tu sĩ được đứng ngoài các vấn đề chính trị như kẻ ngoài cuộc. Ơn gọi và sứ mệnh linh mục, tu sĩ đòi buộc nơi họ sự khôn ngoan của Phúc Âm và lòng can đảm để đưa ra những phán đoán về giá trị của các chương trình và hoạt động chính trị; để hướng dẫn tìm kiếm những cơ cấu xã hội và chương trình hoạt động biết tôn trọng phẩm giá và ơn gọi làm người của tất cả mọi phần tử trong xã hội. Chính vì sứ mệnh đó, các linh mục tu sĩ chỉ đứng trên các cơ cấu chính trị, nghiệp đoàn không chưa đủ, mà còn phải giữ cho lòng mình được tự do trước các ý thức hệ, các chương trình chính trị để có thể soi sáng tất cả các thực tại trần thế với ánh sáng Phúc Âm. Về phần nguời tín hữu giáo dân dấn thân trong các hoạt động chính trị và nghiệp đoàn, cần phải lắng nghe các linh mục tu sĩ khi nói lên tiếng nói nhân danh Phúc Âm, trong tinh thần thông hiệp với các chủ chăn trong Giáo Hội.
b) Lãnh vực hoạt động đặc thù: theo truyền thống của Giáo Hội, được tái xác nhận trong thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế, sứ mệnh của Giáo Hội không phải là hành động trực tiếp trong lãnh vực kinh tế, kỹỹ thuật, chính trị hay đóng góp vật chất cho việc phát triển; sứ mệnh của Giáo Hội không phải là đóng góp để người ta có nhiều hơn, nhưng để người ta sống xứng đáng hơn bằng cách lấy Phúc âm thức tỉnh lương tâm các dân tộc. Thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), số 58.
Đối chiếu với thực tại, sứ mệnh của Giáo Hội như quan niệm ở trên đặt ra hai câu hỏi: thứ nhất, quan niệm như thế sứ mệnh của Giáo Hội chẳng hóa ra trừu tượng và xa xôi với các nhu cầu cụ thể của người nghèo sao? Thứ hai, tại sao trong thực tế, khi dấn thân phục vụ người nghèo, rất nhiều khi các linh mục tu sĩ cũng lao mình trong công tác từ thiện có tính cách vật chất, xã hội?
Để giải đáp vấn đề thứ nhất, cần phải nhìn vào thực tại của người nghèo cụ thể. Các vấn đề của người nghèo rất phức tạp và thuộc nhiều bình diện: cá nhân, xã hội, kinh tế, chính trị, luân lý, tinh thần, tôn giáo, v.v. Trong những năm gần đây, người ta tạo ra huyền thoại người nghèo, tô điểm họ như thể tất cả hoàn toàn là thánh và là những người vô tội bị áp bức. Chắc chắn là có nhiều người nghèo ngay thẳng, quảng đại, thánh thiện và bị áp bức vô tội, nhưng đàng khác cũng có vô số người nghèo lòng đầy tham lam, thù hận, ghen tương, tội lỗi xa lánh Thiên Chúa… Biết bao bất công và áp bức do chính người nghèo gây ra cho người nghèo! Có người nghèo thánh thiện vô tội, nhưng chắc chắn không phải là tất cả. Nhưng cả những người thánh thiện cũng không hoàn toàn vô tội. Nếu chúng ta nói mình vô tội, chúng ta đang tự lừa dối mình và sự thật không ở nơi chúng ta. Nếu chúng ta nhìn nhận tội lỗi chúng ta, Ngài là Đấng trung thành và công chính sẽ tha thứ cho chúng ta và gột rửa chúng ta khỏi mọi lỗi lầm. Nếu chúng ta nói là chúng ta không tội lỗi, chúng ta làm cho Ngài trở thành kẻ nói dối và lời của Ngài không ở nơi chúng ta (1Ga 1, 8-10).
Do đó, người nghèo cần nhiều chuyên viên giỏi về kinh tế, chính trị, kỹ thuật, v.v., nhưng họ cũng cần nhiều ờchuyên viênở giỏi về Chúa. Người nghèo cần cơm áo và công bằng xã hội, nhưng họ cũng cần tình thương và nhất là cần Chúa để được giải thoát khỏi biết bao sức mạnh vô hình của sự dữ đang áp bức nội tâm. Biết bao người nghèo đang khắc khoải vì thất vọng, vì thù hận và ghen tương; họ mong ước biết tha thứ và thương yêu, biết tin tưởng để tìm lại nguồn vui của cuộc sống. Trước thực tại đó, sứ mệnh của Giáo Hội rất ư thiết thực với tình trạng của người nghèo, vì chỉ có Chúa mới có thể giải thoát tâm trí khỏi các sức mạnh vô hình và đem lại an bình cho tâm hồn và ban sức mạnh để có thể sống cách vui thú và theo đúng phẩm giá con người ngay trong tình trạng nghèo khó. Cũng chính vì vậy, sứ mệnh của Giáo Hội luôn cần thiết, và không được nhìn duy chỉ như dụng cụ để giải quyết các vấn đề vật chất xã hội. Tông huấn Rao Giảng Phúc Âm (Evangelii Nuntiandi), số 30-38.
Tuy không trực tiếp dấn thân trong lãnh vực chính trị và kinh tế, sứ mệnh thông truyền tình thương của Chúa là nền tảng cho những nỗ lực thăng tiến trung thực. Theo chứng tá của nhiều nhà truyền giáo, đóng góp to lớn của các nhà truyền giáo cho việc phát triển các dân tộc không phải là những giúp đỡ vật chất, các trường học và nhà thương (tất cả đều cần thiết), nhưng là việc thông truyền tình thương của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Chứng tá của cha GIOVANNI FRANCESCHI, truyền giáo bên Bờ biển Ngà (Phi châu) từ năm 1975, trong PIERO GHEDDO, PIME, Una proposta per la missione, EMI, Bologna, 1989, p. 176; xem Thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), số 58-59. Vì vậy, trong sứ mệnh phục vụ người nghèo, cần phải luôn nuôi dưỡng sống động mối lo lắng thông truyền niềm vui và lòng khao khát làm cho người khác biết và gặp được Chúa. Thông điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), số 40. Cần phải ra đi đến với người nghèo, nhưng cần phải đến với họ bằng con tim đầy ắp sự hiện diện của Chúa và thấm nhuần Phúc âm để thông truyền cho họ Chúa Kitô và Phúc âm của Ngài để giúp họ tìm gặp được Ngài và học sống Phúc âm chính trong tình trạng nghèo khó của họ.
Về vấn nạn thứ hai, sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa và thông truyền tình thương của Ngài đòi hỏi Giáo Hội phải thể hiện tình thương đối với mọi người, nhất là những người đau khổ, trong hoàn cảnh cụ thể của họ. Vì vậy, sứ mệnh phục vụ người nghèo của Giáo Hội không thể làm ngơ trước những nhu cầu cụ thể. Chính trong bối cảnh của các vấn đề vật chất xã hội, truyền thống của Giáo Hội đã phân biệt các lãnh vực chuyên biệt vì có những cách dấn thân trong lãnh vực xã hội vật chất phù hợp với sứ vụ đặc thù của linh mục tu sĩ, chẳng hạn như công tác từ thiện xã hội, hay giáo dục, văn hoá; có những cách dấn thân phù hợp với ơn gọi của người giáo dân; đó là lãnh vực chính trị, nghiệp đoàn.
c) Phương tiện hoạt động: mỗi lãnh vực hoạt động đòi hỏi phải có phương tiện thích hợp. Điều này không có nghĩa là có thể xử dụng bất cứ phương tiện nào, mà phải duyệt xét các phương tiện theo tinh thần Phúc âm, vì không phải mọi phương tiện đều tốt như nhau. Không phải vì mục đích tốt mà có thể dùng một phương tiện bất chính.
Trong lãnh vực phục vụ của Giáo Hội, bên cạnh công tác từ thiện bác ái, không thể bỏ quên việc dạy giáo lý, cử hành các bí tích, suy niệm Lời Chúa…, Tông huấn Rao Giảng Phúc Âm (Evangelii Nuntiandi), số 40-48. vì Giáo Hội rao giảng Phúc âm khi chỉ dựa trên sức mạnh thần thánh của sứ điệp để cải hóa lương tâm các cá nhân và lương tâm tập thể của con người; cải hóa các hoạt động, đời sống và môi trường sống cụ thể của họ. Tông huấn Rao Giảng Phúc Âm (Evangelii Nuntiandi), số 18.
4. Hai đề nghị mục vụ thường được nhắc đến
Tới đây cần nhìn lại hai công tác mục vụ người ta thường nhắc đến. Đó là Tố cáo bất công và Dấn thân hòa mình.
a) Tố cáo bất công: Trong các suy tư mục vụ và truyền giáo, người ta nói nhiều đến công tác tố cáo bất công: Phải tố cáo bất công luôn luôn, bất cứ từ đâu tới. Tuy nhiên, công tác mục vụ này, như hiện nay người ta đang thi hành, đã gây nên không ít thắc mắc.
Chắc chắn cần phải có can đảm nói lên sự thật (tố cáo bất công), tuy dù có gây ra nguy hiểm cho chính bản thân, vì đây là một đòi hỏi của tình yêu. Một tình yêu mà không tôn trọng sự thật thì không còn phải là tình yêu trung thực. Tuy nhiên, trong việc nói sự thực (tố cáo bất công), phải tôn trọng triệt để 3 điều kiện thiêng liêng sau đây:
Trước tiên, cần phải tôn trọng sự thật. Khi tố cáo bất công, cần phải tìm hiểu cặn kẽ những người có trách nhiệm thực sự để khỏi phạm tội bất công khi tố cáo những người vô tội. Vì vậy, cần phải tránh những lời tố cáo hàm hồ, phóng đại và chưa được kiểm chứng, hoặc bị thúc đẩy bởi những công thức theo ý thức hệ, hay bởi những tư lợi ích kỷ và tham vọng cá nhân.
Điều kiện thiêng liêng thứ hai là nói lên sự thật với lòng bác ái. Nói lên sự thật (tố cáo bất công) phải phát xuất từ một con tim biết thương yêu thực sự, và vì vậy, thương yêu tất cả, ngay cả người mình phải tố cáo, để cứu vớt và xây đắp. Vì vậy, không bao giờ được viện lẽ tố cáo bất công để nói cho hả giận hay trả thù. Tình thương yêu cũng có khả năng hy sinh và từ bỏ quyền lợi của mình. Một người không biết hy sinh quyền lợi của chính mình vì tình yêu sẽ không có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình và của người yếu kém mà không gây thêm bạo động và nhiều bất công mới.
Điều kiện thứ ba là sự khôn ngoan của tình yêu. Người mà thương yêu thực sự thì biết khi nào phải nói sự thực để soi sáng và sửa chữa, khi nào phải im lặng chịu đựng, với tấm lòng quảng đại, những thiếu sót và cả lòng độc ác của người khác để giải thoát họ khỏi sức mạnh của sự dữ. Sự khôn ngoan của tình yêu biết tìm lời nói và cách thức thích hợp cũng như biết chờ giây phút thuận tiện. Đồng thời, biết điều dở, mà cũng biết điều hay của người khác. Trọng tâm của lòng thương yêu không phải là nói lên điều lỗi lầm của người khác, nhưng là giúp họ nhìn ra sự thật và thay đổi cuộc sống. Điều làm ta vui thích không phải là cái chết của người tội lỗi, nhưng là người tội lỗi thay đổi cuộc đời để được sống (Ed 33,11).
Đàng khác, sự khôn ngoan của tình yêu cũng biết liệu chừng trong việc nói lên điều tốt và điều dở của người khác. Một người luôn luôn tố cáo người khác là người có tinh thần tiêu cực, không biết thương yêu nên thường làm cho vấn đề thêm rắc rối và trầm trọng hơn; làm ô nhiễm môi trường sống và xã hội với sức bạo động trong con tim của mình. Trong cuộc sống thường nhật, một người cứ luôn tố cáo bất công là người có bệnh chỉ trích, hay nói theo cách nói thông thường thì đó là người bới bèo ra bọ, và trở nên một người rất khó sống đối với những người bên cạnh.
Thiếu những yếu tố thiêng liêng trên, việc tố cáo bất công sẽ trở thành hành động xỉ nhục và không xây dựng người khác. Vì vậy, trong việc thực hành tố cáo bất công, phải xét mình cẩn thận để xem tinh thần nào và tâm tình nào là căn nguyên thúc đẩy. Ngoài ra, vấn đề nghèo đói trên thế giới là một vấn đề trầm trọng đòi phải có sự cộng tác của tất cả mới có thể giải quyết được. Các nhà chính trị trong thế giới hôm nay đã hiểu được điều này. Cả những đại thù địch cũng tập kính trọng nhau, đối thoại với nhau và hòa giải với nhau để giải quyết các xung khắc về chính trị và quyền lợi, chứ không đứng chửi rủa trách móc nhau. Việc mục vụ tố cáo luôn luôn không những nguy hiểm là không theo đúng tinh thần Phúc âm, mà còn không theo kịp đà tiến của thế giới đương thời.
Mở Rộng Biên Cương: chỉ tố cáo bất công (người và cơ cấu) liệu có giải quyết được vấn đề nghèo đói trên thế giới không? Tố cáo bất công. Đồng ý. Nhưng sau đó thì sao? Có đề nghị gì cụ thể không? Chỉ trích, đập phá thì dễ, nhưng điều mà thế giới chờ mong là xây dựng. Vì vậy, vấn đề phải đặt ra là liệu có khả năng đưa ra được những đề nghị cụ thể có sức vạch ra hướng đi và huy động các khả năng để thực hiện?
Tình yêu thì tích cực và, do đó, không thể ngừng lại với việc tố cáo bất công, nhưng phải biết đưa ra những đề nghị có giá trị. Thách đố thực sự đối với người tín hữu kitô, trong vấn đề nghèo đói, không phải là nói lên những sai lầm (nhiều khi rất cần thiết), nhưng là sự khôn ngoan, phát nguồn từ Phúc Âm, có khả năng phát minh ra được những đề nghị cụ thể, thực tế và có sức huy động các khả năng cấu tạo nên một nền văn hóa biết tôn trọng mọi người và giúp họ phát triển toàn diện trong một xã hội công bình hơn và nhiều tình thương yêu đại đồng hơn; đồng thời cũng rộng mở để vươn lên cõi linh thiêng của Thiên Chúa. Trong thực tế, lịch sử đã cho chúng ta thấy là rất nhiều khi người ta chỉ trích, đập phá các cơ cấu bất công rồi thay vào đó bằng những cơ cấu còn bất công và độc ác gấp bội.
Tuy nhiên, nếu chỉ đề nghị được các cơ cấu mới công bằng hơn thì cũng chưa giải quyết được vấn đề. Nói cho cùng thì các cơ cấu chỉ là dụng cụ trong tay người dùng. Không có một cơ cấu nào, dù có hoàn hảo và công bằng đến đâu, mà không có thể bị lèo lái để phục vụ các tư lợi ích kỷ cá nhân hay phe nhóm đảng phái. Các cuộc cách mạng nối đuôi nhau diễn tiếp trong lịch sử, nhưng thường thì chỉ đưa đến kết quả là thay thế một nhà độc tài bằng một nhà độc tài khác, nhiều khi còn dã man hơn, mặc dù luôn dưới nhãn hiệu công bằng và lợi ích của giới nghèo. Vì vậy, yếu tố căn bản của tất cả vấn đề là cải hoá tâm hồn con người. Đây chính là thách đố thứ hai đối với tín hữu kitô và đây cũng chính là lãnh vực hoạt động đặc thù và độc đáo của Giáo Hội mà không ai có thể thay thế.
Các hoạt động của Giáo Hội nằm trong lãnh vực thiêng liêng và nhắm vào lương tâm con người để biến đổi tinh thần và tâm hồn để họ vươn lên Thiên Chúa và, do đó, có thể tiến tới người anh em trong công bằng và tình thông hiệp. Đó chính là điều tông huấn Rao Giảng Tin Mừng khi nói về ý nghĩa của công việc rao giảng Phúc Âm: Không có một nhân loại mới, nếu trước tiên, không có con người mới trong chiều hướng mới của Phép Rửa và đời sống theo tinh thần Phúc Âm. Mục đích của việc rao giảng Tin Mừng nhắm vào cuộc thay đổi nội tâm và, nếu cần phải gói ghém lại trong đôi lời, muốn cho trúng thì có lẽ phải nói là Giáo Hội rao giảng Phúc Âm khi chỉ dựa trên sức mạnh thần thánh của Sứ Điệp để cải hoá lương tâm cá nhân và tập thể của nhân loại, cải hoá các hoạt động họ đang dấn thân, cuộc đời và môi trường sống cụ thể của họ. Tông huấn Rao Giảng Phúc Âm (Evangelii Nuntiandi), số 18.
Trong việc thực hiện sứ mệnh đó, có lẽ không phải là vô ích nhắc lại cuộc đời và sứ mệnh của Chúa. Để khiến cho bão táp yên lặng, để hoá bánh và cá ra nhiều cho dân chúng ăn no nê, để chữa lành bệnh tật… Chúa chỉ cần nói một lời, nhưng để cải hoá con người, Chúa đã phải chấp nhận chết trên Thánh Giá.
b) Dấn thân hòa mình (inserción ): trong công tác mục vụ vào những năm gần đây, có phong trào, nhất là bên châu Mỹ La tinh, đến chung sống với người nghèo gọi là inserción, tạm dịch là dấn thân hòa mình. Phong trào này nói lên tình yêu Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong lòng con cái Giáo Hội. Chính vì vậy, việc hòa mình với dân nghèo là một thúc đẩy thiêng liêng, trước khi là một chương trình mục vụ.
Tuy nhiên, đồng thời cũng có nhiều triệu chứng lệch lạc và có những đề nghị làm hoang mang nhiều tâm hồn: không thiếu các tu sĩ, với đầy thiện chí và lòng tốt, đến sống hòa mình với dân nghèo, nhưng thay vì xây đắp và cải hóa cuộc đời dân nghèo, chính họ lại bị phá sản tâm hồn, đánh mất bản tính tu sĩ của mình và có khi cả đức tin, để đồng hóa hoàn toàn với người nghèo, chạy theo các cuộc đấu tranh, theo nếp sống và các tiêu chuẩn, giá trị không mấy rõ ràng của họ…
Vì vậy, cần phải làm sáng tỏ ý nghĩa và các đòi hỏi thiêng liêng của việc dấn thân hòa mình để có thể trung thành với ơn của Chúa Thánh Thần và để bảo vệ việc hòa mình như một biểu lộ chân thực tình yêu của Thiên Chúa, cứu độ và xây đắp người nghèo.
Căn bản thần học: việc dấn thân hòa mình dựa trên căn bản và mẫu mực của mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm sâu thẳm của tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Tình yêu, khi chân thành và sâu sa, thì muốn chia sẻ cuộc sống với người mình thương yêu: tham dự điều kiện sống của người yêu, đồng thời cũng thông truyền chính kho tàng sức sống của mình để làm cho người mình thương yêu được thêm thăng tiến và giầu có. Theo tinh thần mầu nhiệm Nhập Thể, cần phải chú tâm đến hai yếu tố thiết yếu của việc dấn thân hòa mình:
Yếu tố thứ nhất: cốt tủy của mầu nhiệm Nhập Thể là tình yêu. Vì thương yêu, Chúa Giêsu đã mặc lấy bản tính loài người và thông truyền đời sống thần linh của Ngài để cứu vớt và biến đổi loài người. Điều đó có nghĩa là khi hòa mình vào lịch sử nhân loại, Chúa Giêsu không chỉ chấp nhận địa vị và điều kiện sống của con người, nhưng Ngài cũng thông truyền đời sống thần linh của Ngài để gột rửa và biến hóa con người. Theo đó thì việc dấn thân hòa mình lần theo hai giai đoạn: 1) Hòa mình vào môi trường của người nghèo với tình yêu sâu đậm để thông phần vào cuộc sống của họ: 2) Thanh tẩy, xây đắp và biến đổi tất cả môi trường (con người, tâm thức, tình cảm, giá trị, tiêu chuẩn và nếp sống, cơ cấu xã hội) theo tinh thần Phúc Âm để làm cho đời sống của họ thêm sung mãn và rộng mở để vươn lên Thiên Chúa.
Yếu tố thứ hai: ngày nay người ta chỉ hạn hẹp vấn đề dấn thân hòa mình trong việc phục vụ người nghèo. Tuy nhiên, dưới ánh sáng mầu nhiệm Nhập Thể, tinh thần dấn thân hòa mình phải áp dụng cho mọi hình thức tông đồ, vì đó là đòi hỏi của tình yêu cứu độ. Danh từ dấn thân hòa mình (inserción) thì mới, nhưng tinh thần và áp dụng thì đã có từ ngàn đời. Các thánh và các nhà đại truyền giáo luôn luôn là những vị dấn thân hòa mình hết mình. Các ngài lăn xả vào môi trường sống của người dân các ngài có sứ mệnh phục vụ và với tình yêu sâu đậm, các ngài chia sẻ cuộc sống của họ và đem Phúc Âm biến đổi tất cả. Chính vì vậy, việc dấn thân hòa mình và một công tác tinh thần và các hình thức thực hiện cụ thể có thể khác biệt tùy theo công việc tông đồ và ơn gọi của mỗi người. Chỉ đứng khơi khơi bên ngoài thì không thể mong biến đổi tâm hồn và môi trường sống của con người.
Đòi hỏi thiêng liêng: ngoài có đòi hỏi thiêng liêng nói chung trong việc phục vụ nguời nghèo đã nói ở trên, trong chiều hướng dấn thân hòa mình, cần phải nhấn mạnh đến mấy điểm sau đây:
Trước tiên, thương yêu con người cụ thể, chứ không ý tưởng hay chương trình. Nếu không thương yêu con người cụ thể thì không thể có dấn thân hòa mình thực sự. Tình yêu đích thực, một đàng biết kính trọng và quí mến người nghèo và các giá trị trung thực nơi họ; đàng khác cũng muốn thông truyền những gì là tốt, là quí giá của mình thể họ được thăng tiến. Đối với môm đệ của Chúa, chắc chắn không có kho tàng nào quí giá hơn Chúa Giêsu. Vì vậy, công việc dấn thân hòa mình đòi hỏi một đời sống thiêng liêng sâu đậm và lòng tin vững mạnh vào Chúa, vào giá trị và sức mạnh của Phúc Âm để có thể có lòng khao khát hiến tặng Chúa Giêsu và Phúc Âm cho người nghèo.
Chính vì vậy, điểm tối cần thiết thứ hai là lòng say mến Chúa Giêsu. Lòng thương yêu thúc đẩy người tông đồ hòa mình chia sẻ cuộc sống với dân nghèo phải đặt căn bản, hay nói đúng hơn, phải phát sinh từ tình yêu của Chúa. Nhiều người đến với dânn nghèo, sống với họ và chia xẻ cuộc sống của họ, nhưng động lực thúc đẩy có thể rất khác nhau. Đối với người tông đồ, lý do nồng cốt của việc dấn thân hòa mình không thể là gì khác hơn là tình yêu của Chúa Giêsu: đến và sống với dân nghèo vì Chúa Giêsu và nhân danh Ngài và do đó thương yêu họ theo tinh thần và đường lối của Chúa. Điều này đòi hỏi nơi người tông đồ một mối tình thân mật thật sâu đậm với Chúa và với Phúc Âm của Ngài, thông biết không phải chỉ bản văn, nhưng tinh thần Phúc Âm và sống theo tinh thần đó đến độ trở thành phúc âm sống. Điểm tựa và tiêu chuẩn là Chúa Giêsu chứ không phải người nghèo. Dân nghèo là đối tượng của sự phục vụ và tình yêu chứ không phải mẫu gương, cũng không phải nguồn gốc của cuộc đời tông đồ.
KẾT LUẬN
Người nghèo trong thế giới hôm nay không phải chỉ là dăm ba người, nhưng là một đoàn lũ đông đảo đang chờ đợi tình thương của các môn đệ của Chúa. Những cái nhìn quân bình dẫn đến dấn thân với tình yêu trung thực và tinh nguyên, ăn rễ sâu trong con tim của Chúa chắc chắn sẽ là nguồn hy vọng cho những người anh em xấu số trong hoàn cảnh nghèo túng.
Giuse Đinh Đức Đạo
Linh mục Giuse Đinh Đức Đạo hiện làm giáo sư tại Đại Học Urbaniana (Pont. Università Urbaniana), Roma. Trong số ra hồi tháng 6, 1993, tạp chí (bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý) Omnis Terra đã đăng bài viết này; trong tiếng Anh, bài viết mang tựa đề The present day situations of the Mission ‘ad gentes’: at the service of the poor, Omnis Terra 27(June 1993) 287-293.
[HTTH SỐ 10, NĂM THỨ TƯ (1994)]