Trước sự hỗn loạn niềm tin của xã hội với những điều ai ai cũng lên án như Dâng sao giải hạn, giẫm đạp lên nhau cướp lộc cầu may, chùi ném tiền lẻ vào cửa chùa chân phật… thiết nghĩ những người Công giáo chúng ta phải lấy đó làm bài học cho niềm tin chân chính của mình.
Các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Rô-ma được con chiên của mình cung kính gọi là Đức Thánh Cha, coi như một vị thánh giữa trần gian. Điều này cũng không gì lạ khi các ngài được Chúa chọn cách đặc biệt để lãnh đạo dân Chúa nơi trần gian này. Sự thánh thiện của các ngài được minh chứng trong thế kỷ 20 khi có hơn một nửa trong số 9 vị Giáo hoàng được tuyên phong hàng các Thánh.
Các ngài cao trọng trước mặt Chúa và người đời, được gọi là “Thánh” giữa trần gian như vậy mà chưa vị nào dám lên tiếng: “anh chị em hãy đến với tôi, tôi sẽ xin ơn Chúa cho”. Trái lại, các ngài còn khiêm tốn, như ĐGH Phanxico của chúng ta: “anh chị em hãy cầu nguyện thật nhiều cho tôi…”.
Trong thế kỷ 20 vừa qua còn có 3 vị thánh sống nổi tiếng khác là chị Lucia (1908-2005, người chứng kiến Đức Mẹ Fatima), cha Pi-ô Năm Dấu Thánh (1887-1968) và mẹ Tê-rê-sa thành Calcutta (1910-1997). Cũng chưa ai trong 3 vị này dám tuyên bố ai muốn xin ơn Chúa hãy đến với tôi…
Sở dĩ tôi nói điều này để chúng ta biết về những đặc sủng Thiên Chúa ban cho những ai mà Ngài yêu mến cách đặc biệt. Các vị đó phải là người có lòng khiêm nhường và đời sống nội tâm sâu sắc cách đặc biệt. Chính nhờ hai điều này mà các ngài mới có thể tiếp xúc với Thiên Chúa và thực thi Thánh Ý Người cách đúng đắn được.
Trọn một năm trước tôi được bề trên trao cho mục vụ ở giáo họ Xẻo Dinh, vùng U Minh Thượng, Kiên Giang. Qua mối tương quan và hoạt động từ thiện, tôi dám nói là nếu muốn đưa người ta vào đạo tôi có thể rửa tội một lúc hàng chục người. Ca đoàn và giúp lễ của tôi cả lương và giáo, giáo dân đi dự lễ ngày thường cũng khoảng 20 em người lương. Sở dĩ tôi không dám là vì mình ở đây không lâu, môi trường ở đây cần phải có sự chuẩn bị đời sống đức tin cẩn thận, và nhất là sau khi họ đã vô đạo rồi tôi có còn ở đó để tiếp tục giáo dục đức tin cho họ được không…
Nếu như tôi muốn lập công với Giáo hội và câu View trên fb, tôi đã làm điều đó cách hoành tráng, và có thể bây giờ đã rất nổi tiếng vì những điều theo cách nhìn của những người thích bề nổi là “diệu kỳ”, như những gì hiện đang được Share cách chóng mặt trên fb hiện nay.
Hiện tại xứ tôi đang mục vụ có nhà hưu cho các cha dưỡng lão. Có vị năm nay trên 60 năm linh mục, một đời hy sinh cho Chúa và Giáo hội. Ngoài việc dâng lễ riêng mỗi ngày, cha còn tham dự các thánh lễ khác của nhà thờ Giáo xứ như một người giáo dân. Tuy chưa phải “thánh sống”, nhưng đời sống của ngài đủ nói lên một người “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” của Chúa. Thế mà chưa bao giờ ngài dám nói “anh chị em nào đến với tôi, tôi sẽ xin ơn Chúa liền cho”, hoặc không đến được thì gọi điện thoại hay nhắn tin…
Giáo hội luôn muốn con cái mình có một đức tin trưởng thành, nghĩa là biết mình đang thờ ai và đức tin mình chọn lựa đó như thế nào. Trước sự hỗn loạn niềm tin của xã hội với những điều ai ai cũng lên án như Dâng sao giải hạn, giẫm đạp lên nhau cướp lộc cầu may, chùi ném tiền lẻ vào cửa chùa chân phật… thiết nghĩ những người Công giáo chúng ta phải lấy đó làm bài học cho niềm tin chân chính của mình.
Người Do-thái thời Chúa Giê-su chỉ mong xem phép lạ để rồi mới chịu tin Chúa. Đức Giê-su đã bỏ họ mà đi (Mc 8,11-13). Đừng để niềm tin hời hợt của chúng ta chỉ biết chú trọng đến điềm thiêng dấu lạ như chữa bệnh, cải đạo…ào ào trên fb để khoe khoang hay khẳng định đức tin của mình.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(WGP.Long Xuyên)