Thầy Ronald Drahozal là người đầu tiên phục vụ giúp đỡ những người nghiện ma túy sống trên đường phố tại nước Bangladesh. Thầy nhìn những người nghiện, những người sống trên đường phố và bị gia đình khinh bỉ, với đôi mắt thương xót và yêu thương họ vô điều kiện.
Ngày 16 tháng 10 vừa qua (2018), người dân Bangladesh đau đớn thương khóc sự ra đi vĩnh viễn của nhà truyền giáo Công giáo nổi tiếng người Mỹ, thầy Ronald Drahozal, người đã truyền giáo tại Bangladesh hơn 50 năm, người được dân chúng nhớ đến như người tiên phong và ánh sáng dẫn đường.
Thầy Drahozal sinh năm 1937 tại Cedar Rapids, tiểu bang Iowa của Hoa kỳ. Năm 1958, thầy tuyên khấn và trở thành tu huynh trong dòng Thánh giá. Sau đó thầy theo học tại đại học St. Edward ở thành phố Austin, bang Texas. Năm 1962, năm 25 tuổi, thầy đến Đông Pakistan (ngày nay là Bangladesh) và dạy học tại trường trung học thánh Nicôla, thuộc quân Gazipur. Trong 8 năm, thầy điều hành một khóa đặc biệt về phát triển nhân bản và tâm linh cho các chủng sinh của giáo phận Tangail. Thầy cũng phụ trách chương trình ứng sinh muốn gia nhập dòng Thánh giá ở Bangladesh. Thầy dạy học tại các trường ở thủ đô Dhaka và các làng xung quanh.
Kế hoạch của Thiên Chúa
Nhưng dần dần, thầy Drahozal bắt đầu cảm thấy điều gì đó trong lòng nói với thầy rằng dạy học là kế hoạch của thầy, tuy nhiên Chúa có kế hoạch khác dành cho thầy. Dù không có kinh nghiệm về những người nghiện ngập ma túy và phục hồi cho họ, thầy Drahozal bày tỏ mong muốn được làm việc trong lãnh vực này. Đầu tiên thầy đến Nepal và Ấn độ để gặp các tu huynh và linh mục cùng dòng đang điều hành các trung tâm phục hồi. Thầy đã nói chuyện và lắng nghe những người nghiện; thầy đọc và học mọi thứ thầy có thể học; sau đó thầy trở lại Dhaka để bắt đầu thành lập một trung tâm mà hầu như không có nguồn tài lực nào. Nhưng qua những cố gắng và khó khăn, thầy nhận ra mình đang làm công việc của Chúa. Năm 1988, thầy sáng lập và điều hành trung tâm hỗ trợ và phục hồi chức năng cho người nghiện ở thủ đô Dhaka, gọi tắt là BARACA. Thầy điều hành trung tâm từ năm 1988-1994.
Công việc của Thiên Chúa
Khi thầy Drahozal bắt đầu làm việc với những người nghiện, thầy đã gặp hàng núi thử thách. Tất cả những người nghiện thầy biết đều nói rằng họ không biết bất cứ ai có thể cai nghiện ma túy và thành công. Họ nghĩ rằng họ sẽ chết khi vẫn dùng ma túy. Nhưng ngày nay đã có hàng ngàn người ở Bangladesh cai nghiện thành công. Thầy Drahozal nói rằng: “Tôi thật sự biết rằng đây là công việc của Thiên Chúa, chứ không phải của tôi. Kết quả thật là tuyệt vời, vượt trên khả năng, sự khôn ngoan và kiến thức của tôi.”
Trung tâm cư trú phục hồi chức năng cho người nghiện (APON)
Khi tổ chức bác ái Bangladesh lãnh nhận việc điều hành trung tâm BARACA, thầy Drahozal rời trung tâm này và đã thành lập một nơi cư trú phục hồi chức năng cho người nghiện, gọi tắt là APON, với tài trợ từ gia đình họ hàng và với sự giúp đỡ của một tu huynh cùng dòng, đó là thầy Donald Becker. Dưới sự lãnh đạo của thầy Drahozal, từ một tổ chức bé nhỏ, APON phát triển thành một cơ sở nổi tiếng và có ảnh hưởng khắp Bangladesh cũng như các nước láng giềng. Hiện cơ sở này điều trị cho hơn 230 người nghiện ma túy, trong đó có 80 trẻ em.
Dưới sự điều hành của các tu huynh dòng Thánh giá ở Bangladesh, cơ sở APON tin rằng “mọi người nghiện có quyền căn bản về sức khỏe tốt, trong đó có việc được chữa trị và phục hồi. Cho nên, chương trình của cơ sở mở rộng cho mọi người nghiện ma túy, nam cũng như nữ, trai cũng như gái, không phân biệt hoàn cảnh xã hội, kinh tế, tôn giáo, phái tính và tuổi tác. APON là tổ chức đầu tiên chữa trị cho các người nữ nghiện ma túy và cũng là tổ chức đầu tiên và duy nhất có chương trình phục hồi cho trẻ em, đặc biệt là các trẻ em đường phố.
Kinh nghiệm bác ái từ gia đình
Theo thầy Drahozal, kinh nghiệm thời thơ ấu có thể là lý do thúc đẩy thần dấn thân trợ giúp cho những người nghiện ngập ở Bangladesh. Cha mẹ của thầy luôn giúp đỡ cho những người hàng xóm nghèo khổ. Một lần, trong mùa Giáng sinh, mẹ của cậu bé Drahozal đã đưa cậu đến nhà một người đàn ông, một người vừa nghèo lại vừa nghiện ma túy. Khi người đàn ông đó mở cửa nhà ông ta, mẹ của Drahozal đã trao cho ông ta món quà Giáng sinh là một bộ quần áo mới. Người đàn ông vô cùng biết ơn và hạnh phúc. Thầy Drahozal vẫn còn nhớ rõ ràng về sự việc của ngày hôm đó.
Vai trò của gia đình trong việc chữa trị và tái hội nhập người nghiện ma túy
Thầy Drahozal đã dùng phần lớn cuộc đời cho việc chữa trị và phục hồi những người nghiện ma túy ở Bangladesh. Chính hoạt động của thầy đã giúp cho hàng ngàn người trẻ Bangladesh chiến đấu chống lại sự nghiện ngập ma túy. Đức cha Gervas Rozario của giáo phận Rajshahi nói về thầy Drahozal: “Thầy đã dạy cho những người nghiện hiểu về giá trị của sự sống và giúp cho các gia đình nhận ra rằng họ có vai trò chủ yếu trong việc chữa trị và chữa lành người nghiện ma túy.” Đức cha cũng nói thêm rằng những nỗ lực của thầy đã giúp giảm đi ảnh hưởng của ma túy và các tội phạm liên quan đến ma túy ở Bangladesh. Ngài nói: “Thầy đã có những đóng góp to lớn trong việc thiết lập hòa bình trong xã hội thông qua công việc của mình. Nghiện ma túy là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng bất ổn trong gia đình và xã hội.”
Hồng Thủy