Làm sao biết Chúa muốn tôi làm gi?
Theo Cựu Ước, sự phân định này liên quan đến yếu tố của bóng tối. Đây là sự lựa chọn con đường mà người ta không biết đi đâu : thí dụ điển hình nhất là của Abraham: ” Thiên Chúa đã nói với ông : ” Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” ( St12,1) “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11, 8). Đây là một lời mời gọi mãnh liệt trong Đức tin và Đức cậy. Chúng ta sẽ thấy niềm hy vọng mỗi ngày trong sự lựa chọn này .
Tân Ước nói về sự phân định thiêng liêng : chúng ta phải học cách nhận ra thần khí nào thúc đẩy chúng ta. Nếu đó là Thần Khí của Thiên Chúa dẫn chúng ta, hoặc nếu chúng ta chỉ bị lôi cuốn bởi những khát vọng hoàn toàn phàm tục trong tâm trí chúng ta, hoặc bởi thần khí của sự dối trá : ” Anh em rất thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (1 Ga 4, 1).
I .Trước hết, để phân định, chúng ta phải nhìn vào Đức Giêsu
Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta lãnh nhận được hồng ân Đức tin. Vì vậy chúng ta phải sống trong tinh thần con thảo của Chúa Cha, tin tưởng vào Chúa Giêsu là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” ( Ga14, 5). Trong khi đọc và suy niệm Thánh Kinh, chúng ta học cách sống của Chúa Giêsu để khám phá ra Chúa Giêsu là Ai, đâu là những việc Người làm và cần phải phân biệt đâu là kẻ thù của Người. Hãy xem những gì trong cốt truyện miêu tả việc ma quỷ chống đối Chúa Giêsu và Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ thế nào khi Người bị cám dỗ trong hoang địa (Mt 4,1-11). :
Hãy tiến lại gần Chúa Giêsu và cố gắng để “nhìn thấy” những gì Người có thể giúp bạn. Đừng sợ bước qua ngưỡng cửa của chính mình, để trực tiếp hàn huyên với Chúa, diện đối diện như thể khi bạn đang nói chuyện với một người bạn (Xh 33, 11). Đừng sợ bước vào “cuộc sống mới” mà Người ban tặng cho bạn. Hãy vào học trường của Thầy Chí Thánh để dệt nên cuộc đời bạn một “Ơn gọi”. Hãy nhớ đến Tình Yêu mà Thiên Chúa đã mời gọi bạn. Quả thật, Chúa Giêsu là một người Bạn luôn đòi hỏi, Người chỉ ra một mục tiêu cao và yêu cầu bạn ra khỏi chính mình để gặp gỡ Người. “Ai mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì sẽ sống” (Mc 8, 35). Bạn đừng chậm trễ hướng tới hạnh phúc và ánh sáng! Vì chỉ có nơi Chúa Giêsu chúng ta mới có thể nhận được những câu trả lời không hề gian dối và không hề làm ta thất vọng. (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với các bạn trẻ ở Bulgaria, 26/05/02).
Hãy suy niệm những gì bạn đọc, điều đó sẽ dẫn bạn đến một sự lựa chọn thích hợp trong khi đối diện với chính mình. Bạn sẽ thấy một cuốn sách mới được mở ra : đó là cuốn sách của “sự sống”. Bạn sẽ vượt qua những suy nghĩ thực tế. Trong sự khiêm tốn và với một niềm tin vững mạnh, bạn sẽ khám phá ra những biến chuyển làm rung động con tim bạn và bạn có thể phân định từ những rung cảm đó. Cần có sự thật để hướng tới ánh sáng : “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?.
II .Đời sống người Kitô hữu cần phải phân định liên lỉ
Phân định là không ngừng nhạy cảm trong tỉnh thức. Sự phân định này làm cho người Kitô hữu có thể gánh vác trách nhiệm của mình trong một niềm tin sáng suốt.
Đôi khi con người phải đương đầu với những trạng huống mà các giá trị đạo đức ít được bảo đảm và với những quyết định hết sức khó khăn. Tuy nhiên, cần phải luôn luôn nghiêm túc tìm kiếm những gì là đúng, tốt lành và biết phân biệt đâu là ý muốn của Thiên Chúa thể hiện trong giới Luật của Người. Với mục đích này, con người cố gắng giải thích các dữ liệu về kinh nghiệm và những dấu chỉ của thời đại thông qua các nhân đức như cẩn trọng, những lời khuyên của người hữu trách, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và các ơn lành Người ban.
1. Bạn cần được sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm
Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, chính những người giúp bạn đã có kinh nghiệm gặp Chúa Kitô. Có thể, những người này đã đạt tới một sự trưởng thành thiêng liêng trong cuộc sống riêng của mình, để họ dấn thân phục vụ những người được Thiên Chúa trao phó cho họ chăm sóc. Bởi vì, như lời Thánh Phaolô nói : cứ xem hoa trái đem lại thì chúng ta sẽ nhận biết được tinh thần tốt hay xấu.
“Tôi nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em không còn thỏa mãn những đam mê của tính xác thịt nữa….Hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5, 16 -23).Tình hunynh đệ là động lực thúc đẩy bạn chạy đến giúp đỡ người khác. Phân định thiêng liêng là kết quả của sự ngoan hiền, vâng phục Chúa Thánh Thần. Chính Người ban cho các tâm hồn tìm Chúa có cái nhìn thấu suốt phải làm gì.
2. Sống phù hợp với những yêu cầu của Giáo Hội. Điều cần thiết để phân định ơn gọi
Phân định thiêng liêng không thể tách rời sự hiệp thông với Giáo Hội như Chúa Giêsu phán rằng Ngài sẽ ở với Giáo Hội cho đến tận thế và Ngài đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội. Đây là một số quy tắc áp dụng trong tất cả các trường hợp:
– Không bao giờ được phép làm điều dữ để đạt tới điều lành.
– “Luật vàng” là “Bất cứ điều gì bạn muốn người khác làm cho mình thì bạn hãy làm những điều ấy cho họ” (Mt 7, 12, Lc 6, 31; Tb 4, 15).
Bác ái phải luôn luôn tôn trọng tha nhân và lương tâm tha nhân : “Như vậy phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô” (1 Cr 8, 12). “Tốt nhất là đừng ăn thịt, uống rượu, và tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã ” (Rm 14, 21). Vì vậy, thông thường chúng ta phải phân định trong nội tại con người chúng ta, giữa sức mạnh của Ân Sủng và sức mạnh của tội lỗi.
Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta phân định giữa thử thách, một sự cần thiết cho sự phát triển con người nội tâm (Lc 8,13-15 ; Cv 14, 22 ; 2 Tm 3,12) để có một “nhân đức luôn được kiểm chứng” (Rm 5,3-5) và sự cám dỗ dẫn đến sự tội hay sự chết (Gc 1,14-15). Chúng ta cũng phải phân biệt giữa ” bị cám dỗ” và “đồng tình” với cám dỗ.
Sau cùng, sự phân định là việc lột trần những lời dối trá của ma quỷ : rõ ràng, mục đích của ma quỷ là “tốt, hấp dẫn để xem và ước ao thèm muốn” (Gn 3, 6). Nhưng trong thực tế, hoa quả của cám dỗ là sự chết. Thiên Chúa không áp đặt điều tốt nơi con người, Người muốn chúng ta hoàn toàn tự do …cho dù sự cám dỗ là một cái gì đó tốt. Như lời Thánh Origène nói : “Ngoại trừ Thiên Chúa, nhân loại đều không biết mình đã nhận được những gì tốt lành từ Thiên Chúa, cả chúng ta nữa. Nhưng sự cám dỗ xuất hiện để dạy chúng ta biết mình rõ hơn. Nhờ đó, chúng ta khám phá ra những gì là bất toàn nơi con người mỏng dòn của mình, và buộc chúng ta phải dâng lời tạ ơn Chúa vì những ơn lành hơn là vì sự cám dỗ đã trỗi dậy trong con người chúng ta”.
Hãy để tâm hồn bạn hành động theo sự lựa chọn sẵn có. Cần phải cầu nguyện xin Ơn Mạnh Sức vì Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của mỗi người và Người không ép buộc bất cứ ai. Bạn hãy siêng năng tham dự các Bí tích, đó là sự trợ giúp huyền nhiệm của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi chúng ta.
Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin Thiên Chúa đừng để chúng ta đi vào con đường tội lỗi. Chúng ta đang tham gia vào trận chiến “giữa xác thịt và Thần Khí.” Lời khẩn cầu này nài xin Thần Khí của sự sáng suốt và sức mạnh. “Mỗi người phải có trách nhiệm về sự lựa chọn cuộc đời mình …. Đừng bao giờ quên rằng khi bột không lên men, đó không phải là lỗi của bột nhưng là lỗi của men” (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với các bạn trẻ ở Bulgaria, 27/05/02).
Chúng ta cần phải cầu nguyện để xin Ơn Khôn Ngoan như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Hãy xin thì sẽ được” (Ga 16, 24). Nhờ lời cầu nguyện mà chúng ta có thể biết được “đâu là ý muốn của Thiên Chúa?” (Rm 12, 2; Ep 5,17) và đạt tới ” sự kiên trì để hoàn thành ý nguyện đó” (Dt 10, 36). Chúa Giêsu dạy rằng để vào Nước Trời, không phải bằng lời nói xuông, nhưng là làm theo ý muốn của Cha Người ở trên trời” (Mt 7, 21).
III. Phân biệt : Ơn gọi – Các ơn gọi
Thiên Chúa luôn mong muốn hạnh phúc cho mỗi người, để lôi cuốn họ theo Người và chỉ có Ngài là Đấng duy nhất có thể thực hiện được điều đó.
Thể diện cao cả nhất của phẩm giá con người trong ơn gọi làm người là để hiệp thông với Thiên Chúa. Người mời gọi con người đi vào trong mối tâm giao với Thiên Chúa, bắt đầu từ sự tồn tại của con người. Bởi vì, nếu con người tồn tại, đó là vì Tình Yêu mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người. Cũng vì Tình Yêu mà Người luôn gìn giữ con người trong sự tồn tại, và con người chỉ có thể sống trọn vẹn chân lý, nếu như con người tự do thừa nhận Tình Yêu và từ bỏ chính mình mà làm theo ý muốn của Đấng Tạo Hóa (GS 19 • 1).
1.Người Kitô hữu được mời gọi trước hết để theo Chúa Kitô, và để bắt chước Người
Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể là những Bí tích khai tâm Kitô giáo. Đó là nền tảng cho ơn gọi nói chung của tất cả các môn đệ theo Chúa Kitô : Ơn gọi nên thánh và sứ vụ rao giảng Tin Mừng khắp thế giới. Các Bí tích mang lại cho chúng ta những Ân Sủng cần thiết cho cuộc sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong cuộc lữ hành hướng về quê hương Thiên Quốc : “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có dập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,1-2).
Vì vậy, với lòng can đảm và khiêm tốn, bạn hãy chấp nhận lời mời gọi mà Thiên Chúa trao cho bạn.Trong quyền năng và lòng nhân từ, Thiên Chúa luôn lời gọi bạn nên thánh. Thật là điên rồ trước vinh dự mà bạn được mời gọi, nhưng đó cũng thật là vô trách nhiệm nếu như bạn từ chối lời mời gọi đó … “Anh em là muối đất, anh em là ánh sáng cho thế gian” (Mt 5,13- 14). Chúa Giêsu không yêu cầu bạn đơn giản là chỉ để nói hoặc làm điều gì đó cho Người, nhưng Chúa mời gọi bạn trở nên muối và ánh sáng cho đời ! Không phải chỉ trong một ngày mà thôi, nhưng là trong suốt cuộc đời bạn. Đó là một cam kết mà Chúa Giêsu mời gọi bạn mỗi buổi sáng và trong mọi hoàn cảnh. … Hãy đem hết khả năng của bạn để mỗi ngày bạn sẽ làm cho đất nước và xứ sở nơi bạn ẩn náu một thửa đất của lòng hiếu khách, thịnh vượng và bình an. (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các bạn trẻ ở Bulgaria, 27/05/02)
2. Bảng lượng định
Để được trợ giúp chúng ta có thể làm một bảng lượng định bằng cách đặt ra những câu hỏi sau :
– Đối với tôi, hôn nhân là gì?
– Ơn gọi tu trì là gì?
– Điều gì lôi cuốn tôi qua cách này hay cách khác?
Chọn lựa một con đường luôn làm chúng ta phải loại bỏ nhiều thứ khác, do đó, chúng ta phải tập từ bỏ dần dần.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Người luôn sống trong mầu nhiệm hiệp thông và tình yêu. Khi dựng nên con người theo hình ảnh của Người, Thiên Chúa đã khắc ghi trong con người một ơn gọi, khả năng, trách nhiệm tương ứng, tình yêu và sự hiệp thông.
Vì vậy, gia đình Kitô giáo là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa các ngôi vị, đó là dấu hiệu và là hình ảnh hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Các hoạt động như sự sinh sản và giáo dục của gia đình luôn phản ánh công trình sáng tạo của Thiên Chúa Cha. Gia đình được mời gọi thông phần vào lời cầu nguyện và hy sinh của Chúa Kitô. Lời cầu nguyện và việc đọc Lời Chúa hằng ngày sẽ củng cố gia đình trong đức ái. Chính vì vậy, gia đình Kitô giáo thực sự là một nơi rao giảng Tin Mừng và là nơi truyền giáo.
Bạn hãy nhìn vào những người đi theo Chúa, họ đã chứng tỏ sự làm chủ bản thân. Chính Ân Sủng và Tình Yêu của Thiên Chúa là liều thuốc chữa lành họ khỏi những căn bệnh của sự tham lam chiếm hữu, của thú vui và quyền lực. Đừng quên các đặc sủng mà Thiên Chúa ban cho “những tâm hồn khát khao tìm kiếm Chúa” một cách kỳ diệu và qua các trung gian nhân loại. Các đặc sủng này mở ra con đường chắc chắn cho những ai tìm kiếm Chúa với một con tim chân thành.
Hãy xem các thánh là những người đã mang lại nhiều hương thơm qua các lối sống khác nhau. Biết bao điều tốt đẹp mà những người dâng mình cho Chúa đã làm cho thế giới, hôm qua cũng như hôm nay! Phải chăng thế giới chúng ta không cần những chứng nhân sống động và các tiên tri hùng hồn đầy lòng từ tâm về Tình Yêu Thiên Chúa? Phải chăng thế giới không còn cần những người nam và người nữ, bằng cuộc sống và việc làm của họ để gieo mầm hòa bình và tình huynh đệ ?
Trong và qua Giáo Hội, một số thành viên được Thiên Chúa mời gọi phục vụ cách đặc biệt trong các cộng đoàn. Những người này đã được tuyển chọn và thánh hiến nhờ bí tích Truyền Chức Thánh mà Chúa Thánh Thần làm cho họ hành động trong Chúa Kitô- là Đầu để phục vụ tất cả các phần tử của Giáo Hội. Linh mục giống như “hình ảnh” của Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm. Bởi vì, Bí Tích Thánh Thể là Bí tích biểu hiện tràn đầy các bí tích của Giáo Hội. Chính nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể mà chúng ta có trước tiên là các giám mục và trong sự hiệp thông với Ngài là các Linh mục và Phó tế.
Kết luận
Mục đích chung của chúng ta là muốn biết đâu là Thánh Ý Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần phải khẩn cầu Người trong kinh nguyện và để xác tín sự lựa chọn, chúng ta cần phải bàn hỏi với Cha linh hướng xem thần khí nào dẫn dắt chúng ta. Đừng sợ ! Trên 365 lần, Kinh Thánh không ngừng nói như vậy và Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần lên tiếng “Đừng sợ”, ” hãy tiến ra xa “.
“Tôi tin rằng tuổi trẻ không chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành mà còn là một khoảng thời gian cuộc sống mà Thiên Chúa ban cho bất cứ bạn trẻ nào như một món quà và một nhiệm vụ. Đó là thời gian cần phải tìm kiếm, như người thanh niên trong Tin Mừng (Mt 16,20), trả lời những câu hỏi cơ bản và khám phá ra không chỉ ý nghĩa của sự tồn tại, mà còn có một dự án cụ thể để xây dựng nữa…. Đó cũng là thời gian mà các bạn trẻ xây dựng cho mình một nền móng, một cơ hội không thể đánh mất được, bởi vì cơ hội qua đi sẽ không trở lại”! (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các bạn trẻ ở Bulgaria, 27/05/02)
Mọi người đều phải chịu trách nhiệm lớn lên trong Chúa ! Thất bại trong việc lựa chọn này không phải là một trở ngại để tiến lên nhưng là một giai đoạn, một kinh nghiệm làm cho chúng ta hướng về tương lai. Mặc dù đi sai đường rất dễ buồn. Tuy nhiên, chúng ta nên tạ ơn Chúa. Vì chính Chúa là Người Thầy và do đó, hãy để Người hướng dẫn và thường xuyên thưa với Chúa Giêsu để “ý Cha được thực hiện” hoặc “không phải ý con nhưng là ý Chúa” và cầu xin Đức Trinh Nữ Maria biết thưa Xin Vâng như Mẹ để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.
Các bạn là những người trẻ hãy làm Vinh danh Thiên Chúa vì biết bao ơn tuyệt hảo Người đã ban cho các bạn trong cuộc sống. Thiên Chúa có chương trình Tình Yêu của Người cho mỗi chúng ta. Bạn cần phải kiên nhẫn, Người sẽ làm cho bạn khám phá ra điều kỳ diệu đó theo thời gian, nếu như bạn biết quảng đại làm chứng cho Tình Yêu của Người mà thời đại của chúng ta đang rất cần những chứng nhân như bạn! Hãy nhìn Đấng treo trên Thập Giá và bạn sẽ hiểu thế nào là TÌNH YÊU.
Maria Thiệu Chuyên
Biên dịch theo ” Comment savoir ce que Dieu veut de moi?” trong catholique.org.