Bài Tin mừng người mắc bệnh phong được Chúa Giêsu chữa lành mời gọi tôi suy gẫm và thực hành Bí Tích Giao Hòa
1.Tôi cũng được mời gọi vượt mọi ngăn cản để đến với Chúa Giêsu nơi Tòa Cáo GiảiNgười mắc bệnh phong đã vượt mọi rào cản của luật Do Thái và dư luận đố kỵ của xã hội để chạy đến xin Chúa chữa lành với lòng tín thác hoàn toàn: “Lạy Ngài, Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy:
– 1855-1861 – 1874 :Người ta phạm tội trọng khi cùng lúc có chất liệu nặng, ý thức đầy đủ, và tự ý ưng thuận. Tội trọng phá huỷ đức mến trong chúng ta, cướp đi ân sủng thánh hoá và dẫn chúng ta đến cái chết đời đời trong hỏa ngục nếu không sám hối. Tội trọng được tha thứ cách thông thường nhờ Bí tích Rửa tội và Bí tích Thống hối, còn gọi là Bí tích Hòa giải.
– 1862-1864 – 1875 : Khác biệt cách triệt để với tội trọng, người ta phạm tội nhẹ khi chất liệu là nhẹ, hoặc thậm chí chất liệu là nặng, nhưng không có đầy đủ ý thức hay không hoàn toàn ưng thuận. Tội nhẹ không cắt đứt tương quan với Thiên Chúa, nhưng làm suy yếu đức mến. Tội nhẹ biểu lộ lòng quyến luyến lệch lạc đối với của cải trần thế, ngăn cản sự tiến triển của linh hồn trong việc thực hành nhân đức và trong việc thực thi điều thiện luân lý. Tội nhẹ đáng chịu những hình phạt tạm thời để thanh luyện.
– 1430-1433 – 1490 : Thống hối nội tâm là biểu hiện của “tâm hồn tan nát” (Tv 50 [51],19), được ân sủng thần linh thúc đẩy để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Lòng thống hối bao hàm sự đau khổ và quay lưng lại với tội lỗi đã phạm, quyết tâm trong tương lai sẽ không phạm tội nữa và tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Lòng thống hối được dưỡng nuôi bằng niềm hy vọng vào sự thương xót của Thiên Chúa.
– 1434-1439 : Việc thống hối được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt qua việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí. Các hình thức thống hối này, và nhiều hình thức khác, có thể được người Kitô hữu thực hành trong đời sống hằng ngày của họ, đặc biệt trong Mùa Chay và ngày thứ sáu là ngày sám hối.
– 1450-1460 – 1487-1492 : Những việc hối nhân phải làm là : xét mình cẩn thận; ăn năn tội cách trọn khi phát xuất từ lòng yêu mến Chúa và cách không trọn khi dựa vào những động lực khác, và quyết tâm không tái phạm nữa; xưng tội, tức là xưng thú tội lỗi với linh mục; đền tội, tức làm một số việc thống hối mà cha giải tội ấn định để đền bù những hậu quả do tội gây ra.
– 1456 : Chúng ta phải xưng tất cả các tội trọng nhớ được mà chưa xưng sau khi đã xét mình cẩn thận. Việc xưng thú các tội trọng là phương tiện thông thường duy nhất để được ơn tha tội.
– 1457 : Mọi tín hữu khi đến tuổi khôn buộc phải xưng các tội trọng của mình ít nhất một năm một lần và, trong mọi trường hợp, phải xưng các tội trọng trước khi rước lễ.
– 1458 : Hội thánh tha thiết khuyên chúng ta xưng thú các tội nhẹ, mặc dầu điều này không phải là cần thiết theo nghĩa hẹp, bởi vì việc xưng thú như vậy giúp tạo nên lương tâm ngay thẳng và giúp chiến đấu chống lại những hướng chiều về đàng xấu, để chúng ta được Đức Kitô chữa lành và được tiến triển trong đời sống theo Thánh Thần.
2.Lòng thương xót vô bờ của Chúa thể hiện qua :
– Bàn tay Ngài chạm đến kẻ mắc ô uế
– Lời Ngài : Ta muốn, anh hãy sạch đi. Lập tức bệnh phong biến khỏi anh và anh được sạch
– 1461-1466 – 1495 : Đức Kitô đã ủy thác thừa tác vụ Giao hòa cho các Tông đồ của Người, cho các Giám mục kế nhiệm các ngài, và cho các linh mục, là những cộng tác viên của Giám mục. Như vậy, tất cả các vị ấy trở thành khí cụ của lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa. Các ngài thực thi quyền tha thứ các tội lỗi nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.
– 1440-1449 : Hai yếu tố chính yếu của Bí tích Giao hòa là: hành vi của người sám hối, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, và lời xá giải của linh mục, nhân danh Đức Kitô, trao ban ơn tha thứ và xác định cách đền tội.
– 467 : Vì sự tế nhị và cao cả của thừa tác vụ này và vì phải tôn trọng những người xưng tội, mọi cha giải tội buộc phải giữ “ấn tín tòa giải tội,” nghĩa là phải bí mật tuyệt đối về những tội lỗi người ta đã xưng thú cho ngài trong tòa giải tội. Vấn đề giữ ấn tín tòa giải tội không có luật trừ, ai vi phạm sẽ bị những hình phạt rất nặng.
3.Chúa Giêsu đã truyền cho người được khỏi bệnh phải đi trình diện tư tếtheo luật dạy để được hòa nhập với mọi người và được dâng của lễ trước Nhan Chúa.
– 1468-1470 – 1496 : Hiệu quả của Bí tích Thống hối là : được giao hòa với Thiên Chúa, và như vậy, được tha thứ tội lỗi; được giao hòa với Hội thánh; được trở lại tình trạng ân sủng nếu như đã mất; được tha thứ hình phạt đời đời đáng phải chịu vì các tội trọng đã phạm và, ít nhất một phần, những hình phạt tạm là hậu quả của tội; được bình an thư thái trong lương tâm và được an ủi; được gia tăng sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu trong cuộc lữ hành.
Bí tích Hòa Giải cũng mời gọi hối nhân đã được tha thứ mau chóng hòa nhập với mọi người và siêng năng đến với Chúa bằng việc cầu nguyện và tham dự các nghi thức Phụng vụ để lãnh nhận ơn Chúa.
4.Người được khỏi bệnh đã đi loan truyền hồng ân mình lãnh nhận khắp nơi:
Bí tích Hòa Giải mời gọi hối nhân biết nhận ra lòng thương xót Chúa, loan báo và thực thi lòng thương xót Chúa với mọi người.
Chúa nói với chị Faustina: Khi con xưng tội, Máu và Nước từ mạch xót thương này tuôn ra từ trái tim Ta trào xuống trên linh hồn con (1602)… Trong Tòa Án Xót Thương (tòa giải tội), những phép lạ xảy ra không ngừng (1448)… Và nơi đây, những linh hồn khốn khổ gặp Thiên Chúa của xót thương. Hãy tới dưới chân vị Đại Diện của Ta, chính Ta đợi con ở đó. Ta ẩn mình dưới vị linh mục. Chính Ta hành động trong hồn con (1602)… Con hãy xưng tội trước mặt Ta. Vị linh muc chính là màn che cho Ta; đừng thăm dò xem đây là loại linh mục nào mà Ta đang sử dụng: hãy mở tâm hồn ra mà xưng tội với Ta, và Ta sẽ chiếu tràn ngập ánh sáng của Ta trong con (1725)… Cho dù một linh hồn giống như xác chết tan rữa, theo con mắt loài người thì không có hy vọng gì phục hồi, mọi sự coi như đã tiêu tan; nhưng đối với Thiên Chúa lại không vậy. Phép lạ Lòng Thương Xót Chúa sẽ phục hồi lại linh hồn đó một cách toàn diện… Vì từ nguồn mạch xót thương này mà các linh hồn đến mức lấy ân sủng độc nhất là – lòng tín thác trông cậy. Nếu sự trông cậy của họ càng nhiều thì lòng khoan dung của Ta sẽ không ngừng giới hạn” (1448)
Cầu nguyện:
“Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Ngài“.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần nhờ Chúa thương xót hơn
Lm Dom Châu Hoàng Ngọc