CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Bài đọc 1: Am 6,1a.4-7; Bài đọc 2: 1Tm 6,11-16; Phúc Âm: Lc 16,19-31
Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Anh em hãy dùng tiền bạc mà mua lấy bạn bè, để khi hết tiền bạc, anh em sẽ được họ mời đón vào sự sống đời đời” (Lc. 16, 9). Chúa nhật hôm nay, Chúa kể dụ ngôn về một người phú hộ giàu có, không biết sử dụng tiền bạc, để rồi phải chết đời đời trong chốn cực hình. Ông đã thờ ơ lãnh đạm, không nhìn thấy Lazarô nghèo khó cần giúp đỡ đang nằm ngoài cổng nhà ông. Sự dửng dưng trước nỗi thống khổ của người khác đã đủ làm cho ông phú hộ phải chịu cực hình trong ngày phán xét
Ðại văn hào Nga Maksim Gorky (1868 – 1936) đã từng quan niệm: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Tình thương chính là nền tảng để xây dựng những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, phân biệt giữa người và ác thú. Thế nhưng, có một mặt trái đáng buồn trong thời đại chúng ta hiện nay là con người đang dần mất đi tình thương ấy, trái lại đã sống với lòng ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mình.
Nơi bài đọc 1, tiên tri Amos phê bình lối sống của những người giàu có chỉ biết sống trong giàu sang nhung lụa mà chẳng quan tâm gì đến cuộc sống chung quanh. Sai lầm của họ là xây dựng sự bảo đảm cho mình trên những cái chóng qua, mau tàn, vui chơi hưởng thụ, mà quên rằng an ninh duy nhất của Israel là đặt trên nền tảng Giao Ước. Lối sống giống như vậy cũng có trong thời Tân Ước, được Phúc Âm thánh Luca kể chuyện về một ông nhà giàu dư ăn dư mặc. Ông mải mê tiệc tùng mà không hề nghĩ đến người nghèo chung quanh. Ông là người vô cảm. Hiện tượng Kinh Thánh nói ở đây không chỉ còn đơn lẻ, nhưng bây giờ đang là lời cảnh báo về sự dửng dưng của con người.
Thiên Chúa không tán đồng lối sống chỉ biết mình mà không hề biết đến người khác. Những người phú quý thời tiên tri Amos, và ông nhà giàu trong dụ ngôn của Chúa Giêsu không phải là những người tội lỗi ngập đầu, nhưng họ bị kết tội vì dửng dưng vô cảm với những người anh em nghèo đói ngay trước cửa nhà mình.
Trong Bài đọc 2, thánh Phaolô khi thấy dân chúng quanh mình sống vô tâm, ngài đã viết thư cho môn đệ thân tín là Timôthê và căn dặn anh: “Con hãy theo đuổi Ðức Công chính… Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa… Con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tới ngày Chúa lại đến” (1Tm 6,11-14), và cuối thư, ngài dặn Timôthê giúp người khác sống tốt, đừng sống vô tình đến nỗi giống như anh nhà giàu trong dụ ngôn của Phúc Âm mà chúng ta đang nhắc đến: “Anh hãy truyền đạt hạng giàu có đời này là đừng kiêu hãnh, đừng đặt hy vọng vào cái vô thường phú quý, nhưng là vào Thiên Chúa… Họ hãy làm ơn làm nghĩa, hãy giàu có việc lành, hào phóng, rộng rãi thông chia, và tích trữ cho mình số vốn hậu hĩ cho mai sau” (1Tm 6,17-19)
Như thế, ngay từ thời các tông đồ, Giáo hội sơ khai đã không chấp nhận người tín hữu sống dửng dưng, vô cảm. Vô cảm chính là sự trơ lỳ cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, “máu lạnh” với những hiện tượng của đời sống chung quanh: gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không lên án… mà chỉ tìm lợi lộc và vun vén quyền lợi bản thân. Phần chúng ta là con cái Chúa, chúng ta phải gieo rắc yêu thương như những hạt mưa, hạt mưa càng to, càng nặng thì càng dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, đau thương. Mưa nhiều lần, nó sẽ thấm đậm làm cho ướt đất.
Lm. Ðaminh NGÔ CÔNG SỨ, GP Xuân Lộc