CHÚA NHẬT VIITHƯỜNG NIÊN – NĂM C
Bài đọc 1: 1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; Bài đọc 2: 1Cr 15,45-49; Phúc Âm: Lc 6,27-38
1. Ðoạn Tin Mừng vừa đọc ghi lại lời Ðức Giêsu dạy môn đệ về cách cư xử đối với kẻ thù và những kẻ gian ác để nên con thảo của Chúa Cha như sau: “Hãy chúc lành cho những kẻ nguyền rủa mình; Xin Chúa ban điều tốt lành cho những kẻ vu khống mình; Lấy ơn báo oán; Làm cho kẻ khác điều mình muốn họ làm cho mình. Ðối xử khoan dung nhân từ với những kẻ vô ơn tệ bạc với mình. Làm ơn và cho vay mà không mong báo đền. Không xét đoán ý trái và đừng vội kết án tha nhân. Hãy quảng đại tha thứ và cho đi”.
2. Có người thắc mắc, khi dạy: “Giơ má bên kia cho kẻ vả mặt mình, không cản nó lấy cả áo trong”… Phải chăng Ðức Giêsu dạy các môn đệ lối sống vô trách nhiệm là khoanh tay để mặc cho kẻ gian ác lộng hành “được đằng chân lân đằng đầu !”, làm hại nhiều người khác?
Thực ra, đây là một kiểu nói cường điệu hóa theo cách của các rabi Do Thái, tương tự như lời Chúa đòi người ta phải tự móc mắt, chặt tay chân, nếu các bộ phận ấy nên dịp tội cho mình (x. Mt 5,29-30). Chúng ta không được hiểu những lời này hoàn toàn theo nghĩa đen. Bằng chứng là chính Ðức Giêsu đã dùng roi đuổi bọn con buôn ra khỏi Ðền Thờ (Ga 2,13-25). Khi bị điệu ra xét xử trước tòa thượng tế Khanna, Người đã không đưa má kia cho tên thuộc hạ của thượng tế vả mặt, mà đã hạch lại: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; Còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23).
Ở đây, Ðức Giêsu đòi môn đệ hãy noi gương Người nhẫn nhịn kẻ gian ác, như có lần Người đã trách hai anh em Giacôbê và Gioan là “con của thiên lôi” (Mc 3,17), khi họ xin Thầy sai lửa trời tiêu diệt làng Samari vì họ dám từ chối thầy trò vào ở trọ (x Lc 9,55). Người dạy Simon Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52).
Ðức Giêsu cũng muốn dạy môn đệ một phương thức đấu tranh bất bạo động là hãy dùng tình thương để cảm hóa kẻ ác, lấy nhu thắng cương, lấy sự hiền lành chinh phục cường bạo, hầu hy vọng có ngày kẻ gian ác hoàn lương.
3. Trong cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ (1861-1865), khi sự hận thù giữa hai miền Nam Bắc ngày thêm sâu đậm. Lần kia, Tổng thống Abraham Lincoln đã bị nhiều người Bắc Mỹ chỉ trích về đường lối của ông là khoan dung với dân nổi loạn ở miền Nam. Họ đã nhắc cho ông nhớ cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc vẫn đang tiếp diễn. Theo họ, quân miền Nam chính là kẻ thù cần phải bị tiêu diệt. Bấy giờ Lincoln trả lời: “Cách tiêu diệt kẻ thù hữu hiệu nhất chính là “biến thù thành bạn” bằng cách đối xử khoan dung tha thứ cho họ”. Lời nói của Lincoln phù hợp với lời Ðức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em… Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao. Vì Người nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác” (Mt 5,27-28.35).
Về vấn đề này, một nhà tâm lý đã phát biểu như sau: “Nếu anh nuôi lòng thù hận, muốn giết chết kẻ thù đã làm hại anh, thì anh hãy sắm sẵn hai quan tài: Một chiếc dành cho kẻ thù sắp bị anh giết, còn chiếc kia dành cho chính anh. Vì anh cũng sẽ sớm bị chết do lòng hối hận và sự sợ hãi bị luật pháp trừng phạt”.
4.Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không thể tránh khỏi bị người khác đố kỵ ganh ghét. Khi bị ai đó thù ghét làm hại, các tín hữu nên thực hành Lời Chúa.
– Hãy tìm ra nguyên nhân sự thù ghét để khắc phục: Nếu ta bị người khác thù ghét do lỗi của ta vì ta đã đối xử bất công thì cần loại bỏ sự bất công đó. Tuy vậy, dù có sống tốt đến đâu thì chúng ta vẫn không tránh khỏi bị kẻ gian ác thù ghét như Ðức Giêsu đã bị các đầu mục Do Thái cố tình chê trách: Ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’ (Mt 11,18-19). Nói chung, sự ganh ghét đều bắt nguồn từ sự tự ái cao và sự sợ hãi: Tự ái vì thói kiêu ngạo không chấp nhận được có người hơn mình, và sợ rằng mình sẽ không còn được người khác kính trọng và yêu thương nữa.
– Kín đáo khen ngợi những ưu điểm của đối phương: Lời khen thành thật và tế nhị về những ưu điểm của đối phương là phương thế hữu hiệu để hóa giải xích mích. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã cố gắng mà vẫn bị ghét thì cũng không nên chán nản và cần chủ động làm hòa.
– Thực thi lòng khoan dung nhân từ: Là nhẫn nhịn chịu đựng và cầu Chúa ban ơn lành cho họ. Ðối xử khoan dung với những kẻ tệ bạc với mình. Không xét đoán ý trái và không kết án cách hồ đồ bất công. Biết quảng đại tha thứ (x. Lc 6,36-38).
5. Lạy Chúa Giêsu, xin cho quả tim con đủ lớn để yêu được những người con tự nhiên có ác cảm. Xin cho vòng tay con rộng mở để ôm cả những kẻ đang ganh ghét, vu khống và làm hại con. Nhờ đó, con hy vọng sẽ được Chúa Cha tha tội như Chúa đã dạy trong kinh Lạy Cha: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
LM ÐAN VINH, TGP. TPHCM