Trong Cựu Ước, việc sống tiết dục là một điều vô cùng khó hiểu, nếu không muốn nói là một trừng phạt của Thiên Chúa. Người nào không có con thì bị cho là do Thiên Chúa quyền rủa. Sự phong nhiêu, sinh con đẻ cái là một phúc lành lớn lao. Ta được biết đến câu chuyện của những người phụ nữ hiếm muộn đã bị người đời chê bai, nhưng được Thiên Chúa đoái thương ban cho mụn con dù tuổi đời đã lớn, như vợ của ông Manoac, mẹ của Samson (x.Thp 13,1 – 14,20), hay bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel (x.1Sam 1), hay gần hơn là bà Elisabet, mẹ của Gioan Tẩy Giả. Tiên tri Giêrêmia là người bị Thiên Chúa bắt phải sống độc thân. Thiên Chúa không cho ông kết hôn, sinh con đẻ cái như một hình ảnh để ám chỉ sự khô cằn của dân Do Thái, do dân này đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Sự độc thân trở nên một hình phạt, chứ không phải là điều đáng ao ước.
Đức Giêsu cũng không nói nhiều đến sự độc thân và khiết tịnh. Chỉ có một số ít trường hợp, Ngài chỉ nói một cách qua loa sơ sài để dạy các môn đệ một số vấn đề liên quan đến luân lý và mầu nhiệm Nước Trời. Chẳng hạn, nơi Mt 22,30-31, Đức Giêsu mặc khải rằng: “trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các Thiên Thần trên trời.”. Nơi khác, Ngài nói theo kiểu rất mơ hồ: “Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu!”(Mt 19,12). Lc 18,29 còn đề cập đến chuyện “bỏ nhà, bỏ vợ, bỏ anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa”. Thánh Phaolo cũng có nhắc đến sự độc thân theo gương ngài để lo việc rao giảng Tin Mừng (x. 1Cor 7,25-40). Rồi ngay từ khi đời tu vừa chớm nở, các ẩn sĩ đã xem việc sống độc thân là một trong những điều kiện hàng đầu để lo chuyên tâm chiêm niệm Thiên Chúa. Họ sống một mình trong sa mạc, ngoài chuyện từ bỏ mọi của cải, ăn uống đạm bạc, hoà mình với thiên nhiên, họ còn kiêng khem luôn cả chuyện tính dục. Từ lời dạy của Đức Giêsu cũng như từ kinh nghiệm của các bậc tiền bối, ta thấy được những ý nghĩa của đời khiết tịnh.
Lời khấn khiết tịnh giúp người tu sĩ cung hiến cho Thiên Chúa khả năng yêu thương của riêng mình để có thể đạt tới sự thánh hoá bản thân và mưu ích cho tha nhân cách hữu hiệu hơn, dễ dàng hơn. Người tu sĩ dâng hiến cho Thiên Chúa một trái tim không hề bị sẻ chia, để mong sao được thuộc về Chúa cách trọn vẹn hơn. Họ dâng hiến hết tất cả tâm tình, phái tính, dục tính và mọi bản năng chiếm đoạt cũng như thống trị cho Chúa Thánh Thần để được thanh luyện và thánh hoá. Con người họ sẽ được sử dụng cho tình yêu, bắt xác thịt phụ thuộc tinh thần, chứ không có sự phân tách, sẻ chia. Người tu sĩ khấn khiết tịnh như một lời đáp cho lời mời gọi của Chúa muốn họ chỉ sống riêng cho Chúa, chứ không cho một đối tượng nào khác. Hôn nhân cũng là một con đường dẫn đến Chúa, nhưng người tu sĩ chọn sống khiết tịnh vì theo sự thúc đấy của Chúa, họ chọn một tình yêu khác phù hợp với mình hơn, họ chọn một tình yêu thiêng liêng hơn, không qua đụng chạm xác thịt.
Chọn độc thân vì Nước Trời không phải là chọn một tình yêu đối nghịch với tình yêu nhân loại, càng không phải là khinh miệt hôn nhân, không phải biến mình trở nên khác người, nhưng là mở ra với một tương quan mới, có dính dáng đến giới tính, nhưng không qua chuyện tính dục. Những người đi tu thường được gọi là người sống độc thân vì Nước Trời, vì họ chọn yêu Chúa như đối tượng độc nhất và nguồn mạch, để rồi từ đó, họ được mời gọi yêu mọi con người bằng một tình yêu phổ quát, cho đi, không thu vén. Họ chọn không thuộc về ai để có thể thuộc về tất cả. Như thế, họ chẳng những không mất khả năng trao hiến mà còn trao hiến cách phổ quát và rộng rãi hơn. Giáo luật 599 còn nói đến sự khiết tịnh trong đời tu như một dấu chỉ cho Thiên Đàng, cho một thế giới mới sẽ đến và là nguồn sinh lực phong phú trong một con tim không chia sẻ.
Cần phải hiểu rằng người tu sĩ chọn độc thân không phải vì sợ kết hôn, hay vì “ế”, hay chỉ để có giờ để hoạt động tông đồ nhưng là để con tim được giải thoát hoàn toàn để hiến thân cho Thiên Chúa qua việc phục vụ nhân loại. Thực tế mà nói, nhờ độc thân, tu sĩ được người khác tin tưởng cởi mở vấn đề của họ. Họ trở thành chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa mà họ cảm nghiệm được nên có thể nói rằng lý do để người dâng hiến sống độc thân chính là vì Nước Trời. Người ta cho rằng sống độc thân là kỳ cục, ấy là vì họ không hiểu được nét huyền diệu của sự quyến rũ nơi tình yêu Thiên Chúa. Sự khiết tịnh giúp người tu sĩ được tự do khỏi và tự do cho: tự do khỏi chính mình (khỏi những xu hướng bản năng, khỏi những đòi hỏi của dục tính, khỏi sự ghen tương, ích kỷ), tự do đối với người khác (chỉ có Thiên Chúa chiếm hữu mình chứ không có ai khác), tự do khỏi môi trường (có thể đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì), và tự do để sống cho người khác.
Đời sống khiết tịnh trong đời tu là một của lễ tạ ơn và là một cuộc trao hiến. Người tu sĩ chứng minh cho thế giới thấy, Thiên Chúa và tình yêu của Ngài hoàn toàn có thực. Họ làm chứng cho sự hiện diện của ơn Chúa trong thế gian này vì nếu không có ơn Chúa, không ai có thể sống độc thân được. Lời khấn khiết tịnh không phải là một sự ràng buộc cho bằng là một sự tháo cởi khỏi mọi rào cản để nên giống Chúa Kitô, Đấng mà họ theo đuổi hơn. Lời khấn ấy nhắc nhở người tu sĩ về tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo Hội. Qua đời sống độc thân vì Nước Trời, các tu sĩ làm chứng cho một tình yêu không cần đến thoả mãn nhục dục, nhờ đó, họ có thể tạo nên một sức cảm hoá lớn. Họ cũng làm chứng cho sự phục sinh, sự sống mới nơi mà người ta không còn dựng vợ gả chồng nhưng sống như các Thiên Thần (x.Mt 22,30-31). Sự độc thân giúp người tu sĩ thêm ứng trực và năng động hơn trong mọi nơi mọi lúc. Sự phục vụ thêm cảm hoá vì không giới hạn đối tượng và không gian. Không bị tương quan nào kiềm kẹp, người tu sĩ có thể đến với mọi hạng người, có thể tiếp xúc với bất kỳ người nào và hình thành những tương quan tình yêu phổ quát. Không bị mối bận tâm nào giữ, không phải lo kiếm kế sinh nhai cho gia đình riêng, người tu sĩ không có bận tâm nào khác ngoài mối bận tâm lo mở mang Nước Chúa.
Nói tóm lại, chính tình yêu Thiên Chúa và mầu nhiệm Nước Trời là nền tảng và cũng là động lực giúp người tu sĩ chọn và sống đời khiết tịnh của mình một cách hiệu quả nhất.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ