Như một chuyện tình cờ nhưng xem ra là đầy ý nghĩa khi chúng tôi về với Chợ Lách – Bến Tre.
Nói đến xứ sở của trái dừa, nếu không nhắc đến vùng Chợ Lách – Cái Mơn quả là điều thiếu sót thật lớn. Để dệt nên vẻ đẹp của Bến Tre, ắn hẳn sẽ thiếu đi vị ngọt của quả chôm chôm, trái sầu riêng của vùng chợ Lách. Thế cho nên, Lách là một địa danh không thể thiếu khi nhắc đến Bến Tre hay để Bến Tre tròn đầy hơn khi có tên của vùng Lách.
Đạo cũng như đời ! Về với Giáo Phận Vĩnh Long mà không nói hay không nhắc hay không đến với Cái Nhum, có thể nói như chưa hề biết Vĩnh Long. Đơn giản, Cái Nhum như cái nôi của vùng truyền giáo miền Tây sông nước Vĩnh Long này.
Lần về với quá khứ, trở lại với năm xưa để nhìn thấy kỳ công Thiên Chúa đã tuôn đổ dạt dào trên mảnh đất Cái Nhum : Năm 1722 cha José Garcia, một trong số các thừa sai Phan Sinh Tây Ban Nha đến từ Ma-ni-la, Phi Luật Tân, đang truyền giáo ở miền Trung, được cử xuống miền Nam. Cha là vị thừa sai đầu tiên đến Sài Gòn. Cha cùng với một nhóm lưu dân Công Giáo lập ra Họ Chợ Quán. Phần đất truyền giáo được chia cho cha từ Lái Thiêu đến Hà Tiên, ta có thể chia phần đất này thành bảy khu vực. Ở khu vực thứ năm có họ Cái Nhum.
Năm 1731 ở đây đã có giáo dân đến ở. Một ký sự của các thừa sai Phan Sinh Tây Ban Nha viết năm 1751, ước lượng ở Cái Nhum đã có 600 giáo dân. Ta cũng muốn biết số giáo dân khá đông này từ đâu đến. Họ đã được cha José Garcia qui tụ lại đây. Hẳn là họ từ miền Trung ra đi vì đói nghèo, vì bị bắt đạo, họ được cha José Garcia hướng dẫn tới vùng đất mới này lập nghiệp. Họ cũng có thể là các lương dân, cảm cái đức hiền lành nhân ái của vị thừa sai, nên xin theo đạo. Hẳn là các nhóm lưu dân khác cũng được cha José Garcia hướng dẫn, theo dõi và qui tụ lại thành họ đạo như họ đạo Cái Nhum.
Và rồi trải qua 270 năm thăng trầm của lịch sử (1731-2018), Cái Nhum vẫn còn, đang và sẽ nhớ ơn 35 đời Cha sở, quý vị anh hùng tiền bối mạnh dạn sống đức tin kiên vững và nêu gương đời đời cho hậu thế.
Cha Sở hiện tại : Gioan Phạm Hữu Diện được các đấng bậc bề trên gửi về coi sóc họ đạo ngót nghét 9 năm qua. Với tấm lòng nhiệt huyết tông đồ của một người “gốc Bắc” ở miền Nam đã làm dậy lên muối nên men cho vùng đất như chiếc nôi Công Giáo của Vĩnh Long này.
Cứ mỗi lần về với Cái Nhum, “chuyện thay da đổi thịt” cứ dần dần được “lột xác” khởi đi từ tinh thần của Cha Sở và sự cộng tác của mọi thành phần trong họ đạo.
Mẹ Xứ Dừa vẫn hiên ngang trong bão tố của cuộc đời để chở che lũ cháu đàn con.
Mộ hai Đấng Đáng Kính vẫn còn đó như bảo chứng của tình yêu và lòng trung thành vào Đức Kitô.
Dãy phòng học đơn sơ khiêm tốn nhưng ngày ngày vẫn chuyển tải từng con chữ đến cho những trẻ em nghèo và bất hạnh …
Tinh tế, nhạy cảm và thật mềm mỏng để hòa nhịp cùng với nhịp đập, con tim của những người miền Nam chân chất đơn sơ miệt vườn, ngày mỗi ngày cùng với quý Cha Phó và quý Dì Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum cùng với quý ông Biện và từng thành phần dân Chúa trong họ đạo, Cha Gioan Phạm Hữu Diện cứ ngày mỗi ngày âm thầm lặng lẽ đưa họ đạo đi lên từng bước. Không chỉ xây dựng cơ sở vật chất nhưng Cha chú tâm đến phần “linh hồn” của họ đạo.
Rất dễ thương khi cứ chiều mỗi chiều và những ngày kính nhớ Đức Mẹ, không ai bảo ai từ Cha đến con, Dì đến Thầy trong họ đạo cứ quây quần bên Mẹ Xứ Dừa để dâng lời ca tiếng hát tôn kính Mẹ. Cứ như vậy, lòng đạo của Cái Nhum cứ dần dần ấm lại và nhiệt huyết tông đồ cứ lan tỏa như muối như men giữa lòng đời.
Với lòng nhiệt huyết tông đồ và như một mục tử “nhuốm mùi chiên”, Cha Gioan đặc biệt có lòng kính mến Đức Mẹ để rồi Đức Mẹ Xứ Dừa ngày nào còn ấp ủ trong tâm can nay trở thành nơi linh thiêng để con cái trong cũng như ngoài họ đạo đến bên Mẹ để thủ thỉ, thỏ thẻ tâm tình với Mẹ. Mẹ Xứ Dừa đứng đó hiên ngang chở che con cái của Vĩnh Long, cách riêng của Cái Nhum. Cùng với dòng máu tử đạo của 2 đấng Đáng kính Luy Phan Văn Ngò và Phêrô Nguyễn Văn Dinh của họ đạo đã dấy lên lòng sùng kính Mẹ cũng như 2 đấng tiền nhân của mình.
Trong thực trạng mà ai ai cũng thấy ở Cái Nhum rằng nhà cửa ngày mỗi ngày cứ xuống cấp dần theo năm tháng, với thao thức làm cho Cái Nhum ngày mỗi đẹp hơn để rồi Cha Gioan cùng với hai Cha phó và quý Dì cùng với bổn đạo hiệp nhất với nhau dự định xây sửa, trùng tu Thánh Đường cũng như xây mới những công trình phục vụ cho nhu cầu phụng thờ Chúa. Hẳn nhiên chẳng ai muốn “rớ” vào vì tốn quá nhiều tiền của mà đôi khi còn bị trách móc, thế nhưng không vì thế mà cứ để cho Cái Nhum cứ ọp ẹp mãi. Và như vậy, sau khi bàn thảo, Cha Gioan nhờ ơn Chúa và sự cộng tác của mọi người đã chuẩn bị bắt tay vào việc.
Để bắt tay vào việc, Cha Gioan luôn nghĩ :
Nhìn về quá khứ với tâm tình biết ơn
Sống hiện tại với lòng đam mê
Ôm ấp tương lai với niềm hy vọng
(Tông thư Đức Thánh Cha Phanxicô gởi tất cả những người Thánh hiến)
Nguyện chúc ý tưởng thánh thiện của Cha Gioan và họ đạo mau được thành hiện thực để Cái Nhum ngày một đổi mới phù hợp với nhu cầu mục vụ của hiện tại hơn. Và, cũng xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Xứ Dừa và 2 Đấng Đáng Kính ban cho họ đạo Cái Nhum muôn ơn lành hồn xác để mãi mãi Cái Nhum vẫn là cái nôi của Công Giáo của Vĩnh Long cũng như là nơi sống là những chứng nhân anh dũng cho Chúa như các Thánh Tử đạo cũng như các đấng đáng kính của Vĩnh Long đã sống.
Người Giồng Trôm