Kể từ khi được bầu chọn giáo hoàng năm 2013, Đức Phanxicô đã chọn phong cách đơn giản và tối thiểu nhất. Do đó, giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên trong lịch sử đã cất vào tủ một số phẩm phục và các vật dụng truyền thống dành riêng cho người kế vị Thánh Phêrô.
Vài ngày trước lễ Giáng Sinh năm 2016, nhà thuốc Rôma đón một người khách bất ngờ. Khách hàng không ai khác là Đức Phanxicô, ngài đến mua một đôi giày chỉnh hình mới, thích hợp cho cơn đau ở hông. Nếu sau ngày ngài được bầu chọn, ngài chịu mặc áo trắng mỗi ngày thì ngài dứt khoát giữ đôi giày đen cũ kỹ của mình.
Vì thế các đôi giày vải nổi tiếng của giáo hoàng, loại giày màu đỏ này sẽ được cất vào kho ít nhất trong triều giáo hoàng Đức Phanxicô. Màu sắc rực rỡ của chúng là dấu tích màu sắc giáo hoàng cổ đại, trước khi giáo hoàng Piô V (1566-1572) giữ áo màu trắng của Dòng Đa Minh. Các đôi giày sẽ vẫn màu đỏ. Gắn liền với quyền lực, màu đỏ tượng trưng cho uy quyền giáo hoàng nhưng cũng là màu của Sự Thương Khó Chúa Kitô: do đó, người đứng đầu Giáo hội công giáo thấm trong đôi chân mình máu các vị tử đạo.
Trong nhiều thế kỷ, đôi giày được trang trí bằng thánh giá lớn thêu chỉ vàng. Lần lượt, các tín hữu đến hôn đôi giày giáo hoàng như dấu hiệu của sự tôn kính. Nhưng đến năm 1958, thói quen này thành lỗi thời, Đức Gioan XXIII (1958-1963) thay đổi thánh giá bằng cái khuyên đơn giản làm cho các đôi giày vải của ngài giống giày của các hồng y. Đến đời Đức Phaolô-VI (1963-1978) thì ngài bỏ luôn cái khuyên.
Theo thời gian các đôi giày vải còn thay đổi màu sắc. Vì thế dưới thời Đức Gioan-Phaolô II (1978-2005), giày giáo hoàng có màu đỏ rượu, gần như nâu. Còn Đức Bênêđictô XVI thích trở lại màu đỏ máu. Một màu sắc rực rỡ làm mọi người chú ý và tạo tiếng đồn. Năm 2007, Vatican phải đính chính đây không phải là các đôi giày sang trọng hiệu Prada. Trên thực tế, đó là tác phẩm của một nghệ nhân ý tặng giáo hoàng.
Để chống lạnh và chống nắng
Mũ camauro
Cũng màu đỏ, camauro là chiếc mũ che cổ che tai theo truyền thống các giáo hoàng đội trong mùa đông, mũ được lót bằng lông chồn hay lông thiên nga. Nếu gần đây nó được may bằng vải sa-tanh hoặc nhung thì đầu tiên nó được may bằng lông lạc đà – động vật nguồn gốc cho tên của mũ này. Chiếc mũ này trước tiên là các tu sĩ đội, chỉ từ sau thế kỷ 15 mới dành riêng cho giáo hoàng.
Qua nhiều thế kỷ, các giám mục giáo phận Rôma rất ít dùng mũ đỏ này cho đến khi Đức Gioan XXIII đặt nó lên hàng danh dự lại. Đến nỗi chiếc mũ được chôn theo “giáo hoàng tốt bụng” này năm 1963. Chiếc mũ bị biến mất một thời gian cho đến buổi tiếp kiến chung ngày 21 tháng 12 năm 2005 nó mới xuất hiện lại. Để chống lạnh, Đức Bênêđictô XVI đội chiếc mũ này và ngay lập tức nó lọt vào mắt xanh của giới truyền thông toàn thế giới. Khi được hỏi về sự lựa chọn này, Đức Bênêđictô XVI trả lời rất đơn giản: “Chỉ vì tôi lạnh và tôi rất nhạy cảm với cái đầu. (…) Kể từ đó tôi không đội để khỏi gây các bàn tán phù phiếm”.
Mũ Saturn
Trong buổi tiếp kiến ngày 6 tháng 9 năm 2006, Đức Bênêđictô XVI đội một chiếc mũ giáo hoàng khác, lần này để chống nắng. Đó là chiếc mũ saturn, chiếc mũ tròn được các linh mục ngày xưa đội. Nhưng chiếc mũ giáo hoàng khác là nó màu đỏ và được thêu chỉ vàng. Chiếc mũ này được các giáo hoàng dùng từ lâu nhưng đến đời Đức Gioan-Phaolô II thì thành lỗi thời, ngài hiếm khi đội. Về phần mình, Đức Gioan XXIII thích dùng chiếc mũ saturn màu trắng.
Áo choàng tabarro
Bị bỏ năm 1969 không dùng cho các hồng y, tabarro màu đỏ là trang phục giáo hoàng khác được các nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo tiếp tục mặc, ít nhất cho đến năm 2013. Đây là chiếc áo choàng len lớn màu đỏ dài tới chân. Luôn tự bảo vệ mình khỏi lạnh, Đức Bênêđictô XVI đã mặc chiếc áo này trong buổi tiếp kiến ngày 21 tháng 12 năm 2005. Nhưng có lẽ vì Đức Gioan-Phaolô II cũng đã mặc nên chiếc tabarro ít gây tranh cãi hơn chiếc mũ camauro và vì thế Đức Bênêđictô XVI tiếp tục mặc trong các dịp khác.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch