Bài đọc: 2 Kgs 22:8-13; 23:1-3; Mt 7:15-20.
Theo thuyết Chính Danh của Khổng Tử: làm vua phải biết lo cho dân được ấm no và bình an, làm dân phải biết tuân giữ các mệnh lệnh và chu toàn bổn phận của mình; làm cha phải biết thương yêu và giáo dục con cái nên người, làm con phải biết vâng lời và báo hiếu cha mẹ. Nếu mọi người trong nước và trong gia đình đều biết sống đúng như danh hiệu của mình, dân chúng sẽ an cư lạc nghiệp, gia đình sẽ yên vui hạnh phúc, và đất nước sẽ bình an.
Các bài đọc hôm nay muốn đưa ra những tấm gương để mọi người nhìn vào đó và nhận ra mình đã sống đúng với danh hiệu của mình chưa. Trong bài đọc I, khi sửa chữa Đền Thờ, thượng tế Hilkiah đã tìm lại được quyển Sách Luật đã bị bỏ quên lâu năm. Ông đưa cho viên ký lục của vua đọc. Sau đó viên ký lục này trình lên đức vua. Khi vua Josiah đọc Sách Luật, ông kinh hoảng về những lời dạy trong đó, và truyền cho thượng tế Hilkiah canh tân toàn thể vương quốc theo sự chỉ dẫn của Sách dạy. Vì thế, vua đã cứu vương quốc mình thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đề phòng cho dân chúng đừng tin các ngôn sứ giả. Họ là những chó sói đội lốt người chăn chiên để rình chờ cắn xé chiên. Để giúp dân nhận ra những ngôn sứ giả, Chúa Giêsu khuyên dân chúng đừng đánh giá bằng bộ áo họ mặc; nhưng nhìn vào cuộc sống của họ, vì cây tốt không thể sinh quả xấu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Chúng ta đã không vâng nghe các lời trong sách này mà làm theo mọi điều đã viết trong đó.”
1.1/ Sách Luật của Thiên Chúa bị bỏ quên: Một điều ngạc nhiên đây là Sách mà hầu hết các học giả đều đồng ý là Sách Đệ Nhị Luật, một trong Ngũ Thư (5 quyển sách đầu tiên của Cựu Ước). Làm sao một sách quan trọng như thế lại bị bỏ quên trong Đền Thờ đến nỗi thầy thượng tế cũng không biết cho đến khi vua truyền phải sửa chữa Đền Thờ?
Thượng tế Hilkiah nói với ký lục Shaphan: “Tôi đã tìm thấy sách Luật trong Nhà Đức Chúa.” Ông Hilkiah trao sách cho ông Shaphan đọc. Ký lục Shaphan đến gặp vua và trình lên vua rằng: “Tư tế Hilkiah đã đưa cho tôi một cuốn sách.” Sau đó, ông Shaphan đọc sách trước mặt vua.
Nghe những lời ghi chép trong sách Luật, vua xé áo mình ra, rồi truyền lệnh sau đây cho tư tế Hilkiah, cho ông Ahikam, con ông Shaphan, cho ông Achbor, con ông Micaiah, cho ký lục Shaphan và ông Asaiah, tôi tớ của vua: “Hãy đi thỉnh ý Đức Chúa cho ta, cho dân và toàn thể Judah về những lời ghi chép trong sách đã tìm thấy đây, vì Đức Chúa đã bừng bừng nổi cơn thịnh nộ chống lại chúng ta, bởi lẽ tổ tiên chúng ta đã không vâng nghe các lời trong sách này mà làm theo mọi điều đã viết trong đó.”
1.2/ Vua Josiah canh tân đất nước đúng như những gì Sách dạy.
Là người biết kính sợ Đức Chúa, “Vua sai người tập họp chung quanh vua mọi kỳ mục của
Chính vì hành động kính sợ Đức Chúa và canh tân kịp thời của vua Josiah, Thiên Chúa đã đình chỉ việc giáng phạt Judah.
2/ Phúc Âm: Hãy coi chừng các ngôn sứ giả
2.1/ Ngôn sứ thật và ngôn sứ giả: Đời nào cũng có các ngôn sứ giả. Lịch sử Do-thái không thiếu những hạng người này như được ghi chép nhiều lần trong Sách ngôn sứ Jeremiah và Ezekiel. Thánh Phaolô cũng đề phòng môn đệ Timothy về hạng người này và gọi họ là “chó sói” như Chúa Giêsu gọi hôm nay: “Họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.” Ngày nay, cũng đầy dẫy những linh mục giả lợi dụng chiếc áo để gieo những lạc thuyết sai lầm và tìm kiếm lợi nhuận. Làm sao để nhận ra các ngôn sứ giả? Trước tiên chúng ta phải biết một ngôn sứ thật.
(1) Ngôn sứ thật: Theo định nghĩa đúng, người ngôn sứ là người nói những gì Thiên Chúa muốn nói như một sấm ngôn hay một sứ điệp, chứ không nhải là người nói tiên tri những gì sẽ xảy ra, dầu đôi khi có thể như vậy. Ngôn sứ là cái miệng của Thiên Chúa dùng để nói những gì Ngài muốn nói với con người. Ngày nay, ngôn sứ thật phải biết Lời Chúa và giảng Kinh Thánh, chứ không phải giảng văn chương và nói chuyện chính trị. Ngôn sứ thật phải dạy dân biết Luật của Thiên Chúa và can đảm sửa sai khi cần thiết.
(2) Ngôn sứ giả: Họ không nói lời của Thiên Chúa, thay vào đó họ nói những gì họ muốn hay lời của người khác rồi đổ cho Thiên Chúa. Họ không dạy cho dân biết Kinh Thánh và Lề Luật của Thiên Chúa, nhiều khi cũng chẳng chịu học biết để dạy. Họ không dám sửa dạy dân chúng vì sợ mất lòng và bị ghét. Họ thích nói những gì dân chúng muốn như: khen ngợi nhiều, đừng bắt làm nhiều, nhất là đừng khui tội của dân chúng ra để lương tâm họ bị cắn rứt.
2.2/ Phương cách để nhận ra các ngôn sứ giả: Để giúp các tín hữu nhận ra những ngôn sứ giả, Chúa Giêsu dạy: Nhìn quả biết cây; cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Các tín hữu có thể nhìn cách sống của một người để biết ngôn sứ thật hay giả. Hai điều chúng ta có thể rút ra từ những lời dạy của Chúa Giêsu:
(1) Đừng nhìn bên ngoài mà đánh giá: Đừng đánh giá bởi bộ áo bên ngoài vì “Chiếc áo không làm nên thầy tu.” Chúa Giêsu mô tả: “Họ xúng xính trong bộ áo thụng! Họ đeo những hộp kinh lớn trên trán và các tua áo dài… Họ đọc kinh nhiều và dài để nuốt hết gia tài các bà góa.”
(2) Phải nhìn việc làm để đánh giá vì ý hướng bên trong của họ ta không thấy. Họ không quan tâm gì đến phần hồn của chiên; nhưng để ý đến những gì chiên mang lại cho họ. Họ như chó sói đội lốt chiên luôn rình chờ để cắn xé đoàn chiên. Một số các đặc điểm của các ngôn sứ giả:
+ Tham lợi nhuận vật chất: họ thích tiền và những của biếu xén.
+ Ham danh vọng: Họ lợi dụng chức vụ để xây dựng danh tiếng cho mình. Họ chỉ nhận lời làm những gì mang lại danh thơm tiếng tốt và chê bỏ những gì tầm thường, hèn kém.
+ Thích quyền hành: Họ mong những chức vụ cao trọng trong Giáo Hội để được ăn trên ngồi chốc, hay chán nản bi quan khi cấp cao không nhận ra tài năng quan trọng của họ.
+ Thỏa mãn xác thịt: Họ lạm dụng niềm tin của phụ nữ và con trẻ để thỏa mãn xác thịt. Đây là thứ tội mà Chúa Giêsu kinh tởm và buộc tội: “Thà buộc cối đá và quăng xuống biển còn hơn!”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy biết sống đúng với danh hiệu của mình. Nếu là ngôn sứ, hãy dạy dân biết Lời Chúa và chỉ đường cho dân đến với Ngài. Nếu là Kitô hữu, hãy vâng lời và làm những gì Thiên Chúa truyền dạy.
– Chúng ta đừng đánh giá người khác theo cái vỏ bên ngoài; nhưng hãy nhìn vào việc làm của họ.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP