Bài đọc: Isa 48:17-19; Mt 11:16-19.
Thiên Chúa dựng nên mỗi người khác nhau: về nhân vị, về sở thích, về cách thức suy nghĩ. Những khác biệt này làm cho mỗi người có ơn gọi, cách sống, và cách làm việc khác nhau. Lý do Thiên Chúa dựng nên con người khác nhau là vì Ngài muốn mọi người bổ xung cho nhau, đòan kết với nhau, để cùng nhau sinh sống.
Vấn đề tranh chấp xảy ra là khi có những con người độc tài, họ bắt những người khác phải theo sự suy nghĩ, cách sống, và cách làm việc của họ. Thiên Chúa, Đấng có thể bắt buộc, nhưng Ngài vẫn để tự do cho con người hành động; nhưng ngược lại, con người nhiều khi bắt ngay cả Thiên Chúa phải làm theo ý muốn của mình.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề này. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Isaiah khuyên con người phải nghe theo sự dạy dỗ của Thiên Chúa để được hưởng muôn ơn phúc lộc Ngài ban cho. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nêu lên lối phê bình không có nền tảng của con người: “Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám.” Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.””
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hạnh phúc thay những ai đi trong đường lối của Thiên Chúa!
1.1/ Phải vâng nghe những lời dạy dỗ của Thiên Chúa: Tiên Tri Isaiah nói thay Chúa: “Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, Đức Thánh của
1.2/ Ân huệ dành cho những ai làm theo ý Chúa: Có rất nhiều ích lợi cho những ai đi sống theo đường lối của Thiên Chúa; Tiên Tri liệt kê 3 điều chính:
(1) Tâm hồn được bình an: Người làm theo ý Chúa có bình an trong tâm hồn vì biết mình đã làm đúng, và biết chắc sẽ có kết quả tốt như lời bảo đảm của TT Isaiah: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như giòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển.”
(2) Con đàn, cháu đống: “Giòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số.” Người xưa quan niệm: con cái là hồng ân Thiên Chúa ban, nhưng tâm trạng của con người thời nay khác hẳn với những gì Chúa dạy: họ sợ con đàn cháu đống. Tâm trạng này cần được xét lại vì Thiên Chúa chẳng nói hay làm điều gì sai.
(3) Được Thiên Chúa nhớ tới muôn đời: “Tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta.” Người không nghe lời Thiên Chúa là tự mình khai trừ tên tuổi mình ra khỏi số những người con của Thiên Chúa. Ngài luôn để ý đến những ai kêu cầu và bước đi trong đường lối của Ngài.
2/ Phúc Âm: Những bất tòan của đường lối con người.
Thiên Chúa trình bày sự thật và để con người có tự do chọn lựa sống theo đường lối Ngài; ai theo, sẽ được hưởng muôn vàn ân huệ. Khác với tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa, nhiều người chẳng có sự thật hay ân huệ; nhưng lại bắt người khác làm theo ý muốn và cách thức của mình. Chúa Giêsu lên án 2 tật xấu của con người đương thời:
2.1/ Muốn mọi sự theo ý mình: Chúa Giêsu nói: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.””
(1) Muốn mọi sự phải theo ý mình: Người ích kỷ không quan tâm đến ý của người khác nghĩ gì; đối với họ, chỉ có ý của họ là nhất. Họ quên đi họ phải theo ý của Thiên Chúa; và tùy trường hợp, họ phải theo ý của người có trách nhiệm.
(2) Muốn mọi người phải theo ý mình: Làm việc gì cũng phải có nơi chốn, hợp thời gian; chứ không phải khi mình muốn là mọi người phải làm theo ý mình. Chúa tạo dựng con người có đầy đủ trí khôn và ý muốn, chứ không phải là người máy hay những con múa rối để mình muốn điều khiển cách nào thì điều khiển. Trong ví dụ hôm nay, Chúa Giêsu muốn vạch ra những cái phi lý của người đương thời: Ngòai chợ chứ có phải đám đình đâu mà nhảy múa! Ngòai chợ tòan người sống chứ có người chết đâu mà đấm ngực than khóc!
2.2/ Thói luôn phê bình người khác: Người đương thời phê bình cả lối sống khắc khổ của Gioan Tẩy Giả và lối sống phóng khóang của Chúa Giêsu. Sự phê bình của họ được Chúa Giêsu tóm tắt như sau: “Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám.” Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hậu quả của nó.”” Con người thích phê bình vì nhiều lý do:
(1) Muốn chứng tỏ mình hay hơn: Nhiều người thích phê bình để chứng tỏ mình biết nhiều, và không muốn chấp nhận cái hay của người khác. Họ quên đi một điều là trong thế gian luôn có người hay hơn và họ cần phải học hỏi.
(2) Vì ghen tị và không muốn ai hơn mình: Nhiều người phê bình vì sợ bị mất ảnh hưởng nơi dân chúng. Điều này rất đúng với các Kinh-sư và Biệt-phái. Họ không muốn chấp nhận những dạy dỗ của Chúa Giêsu không phải vì họ không biết đó là sự thật, nhưng vì họ sợ mất ảnh hưởng và quyền lợi trên dân chúng. Họ muốn triệt hạ Chúa Giêsu vì họ sợ dân chúng sẽ chạy theo Ngài.
(3) Không muốn chấp nhận sự thật để khỏi phải thi hành điều sự thật đòi hỏi: Đây là điều thường xảy ra cho những người vô thần. Họ không tin không phải vì họ không nhận ra Thiên Chúa, nhưng vì sợ nếu tin, họ phải giữ những điều Chúa dạy.
2.3/ Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hậu quả của nó: Để biết ý nào là ý khôn ngoan, cần phải xem vào hậu quả thì mới biết được. Nếu hậu quả tốt thì là ý khôn ngoan, hậu quả xấu là ý điên rồ. Mọi người tuôn đến với Gioan Tẩy Giả vì biết ông là người thánh thiện và ông chuẩn bị tâm hồn con người để đón nhận Thiên Chúa. Mọi người tuôn đến với Chúa Giêsu vì biết Ngài có quyền năng chữa bệnh, khôn ngoan, và yêu thương họ thực sự; chứ không như các Biệt-phái và Kinh-sư.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải học hỏi để tìm ra tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa; sau đó, chúng ta phải có can đảm để sống theo tiêu chuẩn và đường lối của Ngài.
– Hậu quả của việc sống theo đường lối Thiên Chúa là chúng ta sẽ có bình an thực sự trong tâm hồn, đạt được kết quả tốt và vững bền, nhất là luôn được Thiên Chúa ghé mắt trông coi.
– Chúng ta cần suy xét cẩn thận về tiêu chuẩn và đường lối của con người. Chúng ta cần nhận ra tất cả những nguyên nhân đen tối ẩn núp đàng sau.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP