Việc Dạy giáo lý đào tạo những nhà Truyền giáo? (HDTQVDGL 30)
Nhìn lại việc truyền giáo:
Hướng về Đại Hội Dân Chúa, trong bài “Thử xem lại việc truyền giáo tại Việt Nam”, LM FX. Trần Kim Ngọc cho rằng việc truyền giáo bị chững lại:
“Thời kỳ cấm cách qua đi, bầu trời trở lại bình yên, Giáo Hội có nhiều cơ hội để thể hiện chính mình hơn; tuy nhiên trong cái thời ổn định này, thì công cuộc rao giảng Tin Mừng hầu như bị chững lại.”…“Một điều thật nghịch lý là càng được yên ổn bao nhiêu thì Giáo Hội lại không tiến được tí nào bấy nhiêu! Chúng ta thử lấy hai con số cách nhau hơn 30 năm để so sánh: năm 1970, theo thống kê của Thánh Bộ Truyền giáo, dân số Việt Nam là 38.113.000 trong đó có 2.491.839 người tín hữu, người Công giáo chiếm 6,5% dân số; theo thống kê năm 2004, dân số Việt Nam là 82.300.000 trong đó 5.670.000 tín hữu, người Công giáo chiếm tỉ lệ 6,88%. Hai con số ấy chênh nhau không là bao, cho thấy công cuộc truyền giáo đang khựng lại, nếu không muốn nói là không có một sự truyền giáo nào [1] Vì tỉ lệ gia tăng số người công giáo thấp hơn so với mức tăng dân số tự nhiên của cả nước.” [2]
Về lý do của việc chững lại ấy, LM. Trần Kim Ngọc nói rằng không phải do thiếu nhân sự, thời thế hay tài chánh và để lại cho chúng ta một câu hỏi bỏ ngõ. Chúng ta hãy cùng nhau thử trả lời câu hỏi sau khi đã cẩn thận xem lại giáo huấn của Hội Thánh.
Việc Dạy giáo lý đào tạo những nhà truyền giáo
HDTQVDGL đưa ra nhận xét như sau
-“Việc huấn luyện làm tông đồ và truyền giáo là một trong những công tác cơ bản của việc dạy giáo lý. Tuy nhiên, trong lúc mà hoạt động giáo lý tiến hành việc đào tạo cho những người tín hữu có một sự nhạy cảm mới để họ làm chứng tá Kitô giáo, đối thoại liên tôn và dấn thân vào đời, thì việc giáo dục sứ mệnh đến với muôn dân lại còn yếu kém và thiếu sót . Thường thì việc dạy giáo lý dành cho việc truyền giáo một quan tâm phụ thuộc và có tính cách giai đoạn.”(HDTQVDGL 30)
-Một trong sáu nhiệm vụ của việc dạy giáo lý theo Thánh Bộ Giáo Sĩ trong Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý là khai tâm cho việc truyền giáo (HDTQVDGL 86).
“Việc dạy giáo lý là thời điểm chủ yếu của tiến trình rao giảng Tin Mừng”(HDTQVDGL 63, 64)
-Một trong những điểm quan trọng trong việc canh tân việc Dạy giáo lý theo tinh thần công đồng Vaticanô II là đặt việc Dạy Giáo Lý trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh (HDTQVDGL Phần I, chương II ).
-HDTQ cũng nhận xét rằng việc dạy giáo lý lâu nay ít quan tâm đến việc truyền giáo (HDTQVDGL 30).
Một thực tế.
Giáo Hội Pháp đã trải qua một kinh nghiệm đau thương. Đó là một thời gian dài sau làn sóng giáo dân di dân về thành phố tìm kiếm việc làm, họ vượt tầm kiểm soát của Giáo Hội, họ sống trong tình trạng “trắng” giáo lý nhiều thế hệ, và vì “dốt” giáo lý họ không còn sống đạo nữa. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng lý do chính nằm ở việc dạy giáo lý. Cứ nhìn xem các lớp giáo lý sau thêm sức vắng bóng các em hoặc thấy các em chẳng mấy hứng thú khi đi học giáo lý, hoặc quan niệm xem việc học giáo lý là việc dành cho các em thiếu nhi. Và nhìn chung không mấy giáo xứ quan tâm dạy giáo lý cho người lớn, tức là giáo lý thường xuyên. Phải chăng việc dạy giáo lý đang có vấn đề hoặc chưa được quan tâm đúng mức? Phải chăng đó là lý do dẫn đến việc thiếu nhân sự trầm trọng cho công cuộc rao giảng Tin Mừng?
-Việc Dạy giáo lý lâu nay chỉ chú trọng đến việc bảo vệ đức tin thay vì loan truyền đức tin hay rao giảng Tin Mừng. Tức chỉ chú trọng đến khía cạnh fides quae (giáo thuyết) mà bỏ quên khía cạnh fides qua (gắn bó tín thác) (x. HDTQVDGL 92, 93). “Đề cao một sự tổng hợp tiệm tiến và chặt chẽ của việc liên kết toàn diện con người với Thiên Chúa (fides qua) và những nội dung của sứ điệp (fides quae)” (HDTQVDGL 144). “Quả thật, là một Kitô hữu có nghĩa là thưa tiếng “xin vâng” cùng Đức Giêsu Kitô, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng lời “xin vâng” này có hai mức độ: một là phó thác cho Lời Chúa và tin cậy vào đó, nhưng cũng có nghĩa là ở giai đoạn sau, là luôn luôn cố gắng hiểu và hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của Lời này.” (CT 20).
-Sự kiện diễn tả điều ấy là lẫn lộn việc dạy giáo lý và giáo lý, một bên là giảng dạy, một bên là giáo thuyết phải dạy. Dẫn đến coi việc dạy giáo lý như là việc dạy học ở trường: có những cuốn sư phạm giáo lý còn lấy việc tổ chức lớp học ở trường áp dụng vào lớp giáo lý hoặc cứ nghĩ rằng hễ là giáo viên giỏi tất nhiên là giáo lý viên giỏi. Đàng khác coi giáo lý là lý thuyết suông, nên nhào nhét kiến thức đức tin bằng cách học thuộc lòng như “vẹt”, cha ông ta gọi là học “trừ bìa”.
-Chúng tôi còn nhớ một học sinh trung học không công giáo hiện nay anh là một bác sĩ khoa nhi nổi tiếng, thuở còn là học sinh của một trường tư thục công giáo, học kỳ nào anh cũng đứng nhất về giáo lý.
-Việc dạy giáo lý qúa chú trọng đến các phương pháp mà không quan tâm đến sư phạm đức tin, chỉ vì quá chú trọng đến truyền đạt kiến thức đức tin. (CT 61)
-Chỉ chú trọng đến giáo lý thiếu nhi, lãng quên giáo lý cho người lớn, tức thiếu ý thức đào tạo việc trưởng thành đức tin. Phải quan niệm dạy giáo lý như là trường dạy đức tin (HDTQVDGL 30)
-Coi việc học giáo lý như môn học văn hóa, nên phụ huynh không quan tâm hỗ trợ, vì việc học thêm ở trường cần thiết hơn. Trong khi đó giờ giáo lý là giờ cầu nguyện gặp gỡ Chúa.
-Lối sống Kitô hữu là lối sống hấp dẫn người khác, nhưng thực tế bị xem thường, vì thiếu chứng tá Kitô hữu và nhiệt tình truyền giáo.
Việc truyền giáo bị khựng lại, đâu là lý do?
-Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo, theo bản chất, thế nhưng không được đào tạo đến nơi đến chốn. Giống như mỗi con người đều cao quí như nhau, nhưng nếu không được giáo dục để thành nhân, những con người ấy sẽ hành động và sống không ra người.
-Việc dạy giáo lý đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo những nhà truyền giáo. Nhưng công tác này không được quan tâm đúng mức, hoặc đang bị hiểu sai, tức là đến lớp giáo lý chỉ để học một mớ kiến thức về đạo, nhằm chịu các bí tích. Còn các ý niệm về trường dạy đức tin trưởng thành, hướng đến việc truyền giáo thì không được quan tâm.
-Vì những lý do đó, trường dạy giáo lý không cho ra trường những nhà truyền giáo, mà chỉ nhồi nhét thành những “con vẹt”, không đón nhận mạc khải, tin mừng nào thì làm sao nghĩ tới việc truyền giáo, tức loan tin mừng cho người khác.
Việc truyền giáo bị chững lại vì ta không tạo điều kiện cho việc dạy giáo lý làm hết chức năng của nó là đào tạo những nhà truyền giáo.
Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu, Ban Giáo Lý GP Phan Thiết