Ở mức đơn giản, Chúa Giêsu hỏi : “Người ta bảo Thầy là ai ?”. Câu trả lời “điều người ta nghĩ về Chúa” có thể không hoàn toàn chính xác, các cảm tưởng của người khác có thể có một phần sự thật. Và một phần sự thật ấy có thể giúp chúng ta có một cái nhìn về chính Chúa. Tuy nhiên, dựa vào điều người khác nói thì thật khó mà đi vào tương quan thiết thân với Chúa.
Kế đến, Chúa Giêsu hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Với câu hỏi này, Chúa Giêsu đòi những ai muốn theo Ngài làm môn đệ phải trả lời ở một mức độ riêng tư hơn. Phải làm thế nào để có thể biết, hiểu và kể lại cho người khác về Chúa bằng chính kinh nghiệm của mình. Đây là điều rất quan trọng và thiết yếu. Mỗi người phải trả lời được câu hỏi này trước mặt Chúa và cho mọi người một cách xác tín mạnh mẽ.
Và ở đỉnh cao của tương quan hay nói cách khác là với tâm ình của thầy trò, Thầy hỏi “Còn các con, các con bảo thầy là ai ?” Chúa muốn mọi người phải trả lời với một sự hiểu biết sâu xa hơn về Thiên Chúa. Đây là điều không thuộc về con người, nhưng là do chính Thiên Chúa tiết lộ, Thiên Chúa ban ơn để cho chúng ta biết về Ngài. Vào ngày phán xét, làm thế nào chúng ta biết tường tận và được nhìn thấy Chúa đó là điều quan trọng nhất. Ngài là ai trước mắt chúng ta và chúng ta là ai trước nhan Ngài.
Sau khi biết ý kiến của dân chúng, Người muốn biết ý kiến của các môn đệ của Người. Đang khi dân chúng còn mù mờ về vai trò và con người của Đức Giêsu thì Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Phêrô, thay mặt mọi người tuyên xưng trong đức tin. Chúa Giêsu xác nhận niềm tin của Phêrô.
Câu trả lời của Phêrô thể hiện rằng ông nhận ra trong Chúa Giêsu sự kiện toàn của những lời tiên tri trong Cưu Ước và rằng trong Chúa Giêsu chúng ta có sự mạc khải trọn vẹn về Cha của chúng ta. Sự thú nhận của Phêrô không mới. Lần đầu, sau khi đi trên mặt nước, những môn đệ khác đã tuyên xưng điều tương tự trong đức tin: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14,33). Trong Phúc Âm của Gioan, Mácta tuyên xưng y như Phêrô: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng phải đến thế gian” (Ga 11,27).
Chúa Giêsu công bố Phêrô là “Có Phúc!” bởi vì ông đã nhận một mạc khải từ Chúa Cha. Trong hoàn cảnh này cũng thế, câu trả lời của Chúa Giêsu cũng không mới. Lần đầu Chúa Giêsu đã có lời công bố y như vậy về niềm vui của các môn đệ khi mắt thấy tai nghe những điều mà không ai trước đây được biết (Mt 13,16), và đã tôn vinh Chúa Cha vì đã mạc khải Người Con cho những kẻ bé mọn chứ không phải bậc thông thái (Mt 11,25). Phêrô là một trong số những người bé mọn mà Chúa Cha muốn mạc khải cho. Nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu không đến từ “người phàm mắt thịt”, nghĩa là, cũng không phải hoa trái của nỗ lực phàm nhân, mà là một ơn ban của Chúa Cha ban cho ai tuỳ ý Người.
Phêrô được khen là có phúc vì nhận được mạc khải từ trên cao. Thế nhưng chỉ một khoảnh khắc sau, chính Phêrô lại bị Thầy mình trách là “Satan” vì lòng dạ tăm tối, chỉ “hiểu biết những sự thuộc về loài người” và đang “làm cớ cho Thầy vấp phạm”.
Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Đức Giêsu đã mời gọi Phêrô đứng lên để cùng cộng tác trong công trình xây dựng Hội thánh của Ngài: “Phêrô! con là đá, trên tảng đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày”(Mt 16,18). Với lời nói này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh trên trần gian. Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phêrô là Đá Tảng, nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng được vững bền. Phêrô giữ chìa khoá Nước Trời, nhưng chính Chúa gìn giữ toà nhà Nước Trời.
Vị Giáo hoàng tiên khởi, với biết bao yếu đuối sa ngã, cuối cùng đã lấy cái chết của mình để xác minh chân lý thập giá. Từ chỗ muốn dạy cho Thầy mình về sự khôn ngoan của thế gian đến việc khám phá và ôm ấp giá trị sâu xa sự điên rồ của Thiên Chúa. Từ chỗ phủ nhận và ngăn chận Thầy mình bước đi trên con đường khổ đau, đến việc chính mình anh dũng tiến vào. Nhưng nhờ đâu mà Phêrô có được thái độ và hành vi hào hùng đó? Phải chăng chính nhờ niềm xác tín vào Đức Giêsu, Đấng ông đã tuyên xưng. Nếu không có xác tín, hẳn ông đã chẳng dám theo.
Niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu thúc đẩy người ta vâng theo lời Ngài. Khi Chúa bảo “Hãy lui ra sau Ta”, Phêrô vâng lời lui ra chứ không giận dỗi bỏ đi. Khi bị mắng là “Satan”, Phêrô vẫn khiêm tốn nhìn nhận tầm nhìn nông cạn của mình chứ không tự ái phản đối.
Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Đức Giêsu đã mời gọi Phêrô đứng lên để cùng cộng tác trong công trình xây dựng Hội thánh của Ngài: “Phêrô! con là đá, trên tảng đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày”(Mt 16,18). Với lời nói này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh trên trần gian. Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phêrô là Đá Tảng, nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng được vững bền. Phêrô giữ chìa khoá Nước Trời, nhưng chính Chúa gìn giữ toà nhà Nước Trời.
Lời tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” là cốt lõi của nìềm tin Kitô giáo. Lời rao giảng và hành động của Ngài là gì đối với chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta tin Ngài là ai. Nếu tin Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống, thì việc lắng nghe và thực hành lời Ngài, cũng như sống theo cách hành động của Ngài, chúng ta sẽ được cứu độ.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, ta vẫn thưa với Chúa rằng “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” . Và ước gì cuộc đời mỗi người chúng ta trở thành một câu trả lời sống động cho Chúa Giêsu, cho anh chị em và cùng với anh chị em, trả lời cho cả xã hội ngày nay rằng: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người đang sống ở giữa chúng ta.
Huệ Minh