Vua xứ Giuđa bấy giờ đã tuyên thệ phục tùng vua Babylon trước mặt Thiên Chúa. Nhà tiên tri coi lời thề đó như thánh ước vì đã lấy Danh Ðức Giavê mà thề. Do đó, khi vua Giuđa và hàng khanh tướng có ý đồ bội ước, phản lại vua Babylon và cầu cạnh vua Ai Cập, thì nhà tiên tri phải lên tiếng. Ông tố cáo sự lật lọng của nhà Giuđa đối với Thiên Chúa là Ðấng luôn trung thành.
Lẽ dĩ nhiên ông đã lợi dụng cơ hội này để kể hết các bội phản của dân thất ước. Ông bực mình nhất vì thái độ giả hình của họ. Họ cứ vỗ ngực xưng mình là dân của Chúa đang khi không ngớt vứt bỏ lệnh truyền của Người. Họ căn cứ vào việc Chúa đã chọn họ làm dân ưu tuyển, để luôn cư xử bất công với mọi dân khác, coi dân ngoại chỉ như bàn đạp cho họ tiến lên.
Giêrêmia chống đối thái độ giả đạo đức và tự phụ khinh người ấy. Ông luôn nhắc nhở phải trở về với Thiên Chúa và biết rằng Người coi trọng các dân tộc. Nhưng những lời ông nói đều bị bỏ ngoài tai. Vua Giuđa tiến hành ý đồ phản lại Babylon. Nước này đem quân xuống đánh, vây chặt thủ đô Giêrusalem. Giêrêmia cũng bị nằm trong vòng vây.
Và như vậy, Giêrêmia đã trở thành ngôn sứ đặc biệt của Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Cuộc đời của ông báo trước cuộc Tử nạn của Người. Ông là một trong đoàn thể chứng nhân đông đảo bao quanh chúng ta, trong cuộc đời đầy phấn đấu hiện nay.
Cuộc đời của Giêrêmia rất đỗi éo le. Nói đúng hơn, từ ngày Thiên Chúa đặt lời của Người trong miệng ông để ông làm ngôn sứ, tuyên bố các phán quyết của Người thay cho chính Người, Giêrêmia đã trở thành tường đồng cự lại cả xứ, cự lại các vua Giuđa và hàng khanh tướng. Ngay hàng tư tế cũng tuyên chiến với ông (x. chương 1). Chẳng phải tại ông bướng bỉnh. Ngược lại, ông luôn cảm thấy mình chỉ là một đứa trẻ. Nhưng Lời Chúa đã ập xuống trên ông, bắt ông đứng dậy tuyên sấm cho dân phản loạn. Họ đã chối bỏ mạch nước hằng sống để đào cho mình bể rò không chứa được nước (2,13).
Thân phận của Giêrêmia là như vậy. Thân phận của Chúa Giêsu chắc có lẽ cũng giống thân phận đau khổ của Giêrêmia.
Sau khi đã nói về sứ mạng của Mình, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để tiên báo về những hệ lụy sẽ xảy đến cho cuộc đời của những người tin và theo Ngài, Ngài nói: “Các con tưởng rằng Thầy đến đem hòa bình cho trần gian? Thầy bảo cho các con biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,49.51).
Chúa Giêsu đang tiến về Giêrusalem để đi vào cuộc Thương Khó; tâm hồn Người khắc khoải. Chỉ qua cuộc Khổ Nạn–Phục Sinh, ơn cứu độ mới được ban cho loài người. Nhận ra được điều này, chúng ta được mời gọi bỏ đi những phương tiện dễ dãi, những phương tiện to lớn chúng ta đang dùng để bảo đảm mọi phương diện cuộc sống chúng ta. Ngoài ra, nếu muốn đốt lên trên trái đất một ngọn lửa như Đức Giêsu đã nhen lên, chúng ta không thể tránh né “phép rửa” Đức Giêsu đã chịu, tức phải chấp nhận đi qua con đường tự hiến, thất bại, chấp nhận hiến tặng cuộc sống chúng ta.
Thập giá chỉ là một phát minh độc ác của con người để hủy hoại nhau; mãi mãi thập giá vẫn là biểu tượng sự độc ác của con người. Nếu Chúa Giêsu đã ôm trọn Thập giá, thì không phải vì Ngài yêu sự độc ác, tự đày đọa mình, nhưng chính là để thể hiện tình yêu tột độ của Thiên Chúa. Dù con người có độc ác, xấu xa đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tha thứ cho họ. Chiến thắng của Chúa Kitô chính là chiến thắng của tình yêu trên hận thù, của ân sủng trên tội lỗi, của niềm tin trên thất vọng.
Cái chết của Chúa, cuộc thương khó của Ngài, đó là Phép Rửa mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Thầy còn một Phép Rửa phải chịu”. Chúng ta nhớ trên đường lên Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua trong đau thương, hai môn đệ Giacôbê và Gioan nhờ mẹ mình đến xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên tả, bên hữu Chúa và Chúa Giêsu đã có phản ứng như sau: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống hay chịu được Phép Rửa Thầy sắp chịu hay không? Chén Thầy uống các con cũng sẽ uống và Phép Rửa Thầy chịu các con cũng sẽ chịu”.
Chúa Kitô cũng được gọi là Vua, vai trò của Ngài chính là võ trang và chuẩn bị chiến đấu, nhưng khí giới Ngài trang bị cho mình là cái chết trên Thập giá. Chính khi bị treo trên Thập giá, Ngài đã được tôn phong là Vua Do thái. Chúa Giêsu cũng là Vua, vì Ngài đã đánh bại Satan, tội lỗi. Con đường vương giả Ngài đã vạch ra cũng chính là con đường Thập giá. Chúng ta không thể làm môn đệ Ngài, không thể đi theo Ngài, không thể tham dự cuộc chiến của Ngài, mà lại khước từ Thập giá.
Ta đang trên đường lên Giêrusalem, nơi Đức Giêsu sẽ được đưa lên cao. Sau khi mời gọi phải tỉnh thức, được minh họa bằng dụ ngôn người quản lý khôn ngoan trong Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, giờ đây Đức Giêsu nói với những ai theo Người ba lời về thử thách, có ý nói đến những nguy hiểm của cuộc phiêu lưu theo Người: Số phận của người môn đệ sẽ không khác gì Thầy mình.
Ta tiếp tục đi theo con đường của Chúa Kitô; chúng ta tiếp tục đau khổ vì tin rằng bên kia những thất bại, khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta đón nhận mọi bách hại, thù ghét, thua thiệt, vì tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.
Xin Chúa Kitô ban sức mạnh để chúng ta bước theo con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.
Huệ Minh