Thế nhưng, mỗi người lại sống cuộc đời gọi là phù vân này rất khác nhau. Có người nghĩ cuộc đời quá ngắn nên tranh thủ hưởng thụ bằng cuộc sống ăn chơi sa đoạ. Có người lại “tối mày tối mặt” để tích lũy cho mình thật giầu có. Có người tìm công danh. Có người trau truốt cho sắc đẹp. Có người đi tìm tình bạn. Có bao nhiêu người là có bấy nhiêu cách sống khác nhau.
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giàu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem theo được của cải nào sau khi chết hay không?
Kẻ ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.
Cuộc sống hiện tại có thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta thành kẻ ngu dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. “Cái khó không những bó cái khôn”, mà còn trói buộc lòng quảng đại của chúng ta.
Hôm ấy có người trong đám đông nói với Người: “Thưa Thầy xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Không hiểu thói quen thời bấy giờ có thể chúng ta thấy hành động của người ấy lố bịch. Ai lại đưa vấn đề chia gia tài ra nói với Ðức Giêsu! Và lại đưa ra khi Người đang ở giữa quần chúng như thế! Ở đây Người không phải là vị tiên tri đang rao giảng Lời Chúa sao? Người đâu có đến để làm thẩm phán hay trọng tài trên của cải vật chất?
Nhưng người kia đã theo thói quen thời bấy giờ, thời mà pháp luật và việc thi hành pháp luật khá uyển chuyển. Pháp luật dạy gia tài cha mẹ để lại thì phải chia cho con cái và người con cả có quyền được nhiều hơn. Nhưng lòng tham của người này có thể khiến việc phân chia không được công bằng và kịp thời. Người con cả có thể trì hoãn việc phân chia để có thì giờ ăn huê lợi, hoặc có thể không chia đủ phần cho các em. Những người này có thể đem nội vụ ra kiện cáo trước pháp luật. Nhưng thường khi sự thủ tục phức tạp và tốn phí, người ta có thể xin những người có uy tín trong xã hội giúp đỡ. Các tiên tri ở trong số những người này. Và uy tín của Chúa Giêsu bấy giờ có khả năng sắp đặt những câu chuyện như thế.
Tuy nhiên, Người lại không phải là hạng người như vậy. Ðang lúc ở giữa đám đông rao giảng Tin Mừng cứu độ. Người càng muốn tránh những thái độ thông thường khiến người ta có thể lầm về sứ mạng của mình.
Hơn nữa, ở đây, căn cứ vào những lời Người nói tiếp theo, kẻ đứng ra kiện cáo có vẻ là con người tham lam, ít ra thánh Luca đã hiểu như vậy. Người dùng câu chuyện này làm tiền đề đi vào giáo huấn của Chúa. Chính giáo huấn này mới là cốt yếu. Chúng ta phải để ý đến giáo huấn này, chứ đừng đứng lại trong câu chuyện chia gia tài kia và thắc mắc vô ích.
Ðó chỉ là cớ và khởi điểm cho một huấn thị về đời sống đạo đức. Thấy có kẻ để hở ra lòng tham lam của cải, Ðức Giêsu quay ra nói với quần chúng: “Hãy coi chừng, hãy lo giữ mình khỏi mọi thứ tham lam vì không phải ai được sung túc là đời sống kẻ ấy được bảo đảm đâu”.
Rồi Chúa Giêsu kể ví dụ về người phú hộ tưởng có nhiều của là được hạnh phúc vững bền, bởi vì nhỡ đêm nay chết, mọi điều người ấy đã sửa soạn sẽ về tay ai? Không nghĩ xa như vậy, thì thật là ngốc, không khôn ngoan như tác giả các sách khôn ngoan nói chung và như tác giả sách Giảng viên nói riêng, và vì ngốc như vậy, kẻ phú hộ ở đây được mô tả với những lời lẽ không được gây thiện cảm.
Quả vậy, còn nhớ trong sách Giảng viên, ta đã thấy con người khôn suy nghĩ được đồng hóa với Salomon, với con người đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương. Còn ở đây kẻ phú hộ được mô tả suy tính trong lòng mình: “Ta phải làm gì? Ta phải phá các lẫm cũ đi, xây những lẫm to hơn, chất lúa má vào đó, rồi sẽ nhủ hồn ta rằng: hồn ơi mày có chán của cải, nghỉ đi, ăn đi, hưởng đi”. Tất cả nói lên một lòng dạ bẩn thỉu, ích kỷ, không biết nghĩ gì tới người khác và xã hội.
Tác giả Luca theo Chúa Giêsu, ghét những tâm lý như vậy; và không thể chấp nhận được những kẻ làm giàu để hưởng thụ. Chúa tể của hạng người này là cái bụng! Khốn cho kẻ giàu có! Họ cậy có chắc của cải, tưởng là bảo đảm được đời sống. Nhưng đồ ngốc, ngay đêm nay, người ta (tức là Thiên Chúa) đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi điều ngươi đã sửa soạn kia sẽ về tay ai?”. Dĩ nhiên người này sẽ được dùng, nhưng còn ngươi sẽ thế nào?
Kết luận Chúa Giêsu bảo người ta: “Như thế đó, kẻ lo cất cho mình mà không biết làm giàu nơi Thiên Chúa”. Người muốn nói không nên chỉ lo cất cho mình; mà nhất là phải biết làm giàu nơi Thiên Chúa nữa. Người cũng không lên án việc làm ăn ở đời. Người đòi chúng ta phải biết nghĩ đến tha nhân và xã hội nữa khi làm ăn. Và nhất là Người dạy chúng ta phải chất chứa công phúc trước mặt Chúa.
Phải chăng Ðức Giêsu đã chẳng trả lời cho thắc mắc xao xuyến của tác giả sách Giảng viên. Ông lo lắng về tương lai sau khi lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương; thì Ðức Giêsu bảo đang khi sống ở đời này chúng ta phải biết làm giàu nơi Thiên Chúa. Những tích trữ này, mối mọt không làm gì được, như lời sách Tin Mừng Mátthêu đã viết.
Con người được trao quyền làm chủ trái đất và cai quản mọi loài. Làm chủ chứ không làm nô lệ cho của cải vật chất. Của cải trần thế là phương tiện thiết yếu giúp con người đạt tới cứu cánh. Con người dùng những sản phẩm do mình tạo ra để phục vụ đời sống. Con người không thể lệ thuôc làm tôi tớ cho của cải vật chất. Chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền của. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu” (Lc 12, 15). Tất cả vũ trụ đều đang thay đổi, nay còn mai mất. Của cải không thể bảo đảm kéo dài đời sống hạnh phúc. Các phương tiện vật chất chỉ giúp cho cuộc sống con người được thanh thản, thoải mái và tiện lợi hơn.
Biết rằng ai cũng cần có tiền bạc của cải để nâng cao mức sống và đáp ứng những nhu cầu cần thiết.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời. Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của Thiên Chúa.
Dù phải vất vả để lội ngược dòng để trung thành với những giá trị Nước Trời, chúng ta cũng hãy can đảm tiến bước và tín thác vào Chúa.
Huệ Minh