Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, những người pharisiêu cùng nhau kéo đến Đức Giêsu. Họ đến vì lý do nào, trong đoạn Tin Mừng hôm nay mặc dù rất ngắn nhưng Thánh Sử Maccô sẽ cho chúng ta thấy rõ lòng dạ của người pharisiêu.
Thánh Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.
Nếu phải chứng minh mình là Đấng Mêsia, Chúa Giêsu chỉ cần làm một dấu lạ cũng đã đủ rồi. Chúa Giêsu đã làm biết bao điềm thiêng dấu lạ, ấy thế mà những người Pharisêu vẫn chưa cho là đủ lại còn đòi hỏi “một dấu lạ từ trời.” Cái gì khiến những người Pha-ri-sêu khó tin nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến thế nhỉ?
Thực ra không cần Chúa Giêsu phải làm thêm dấu lạ nào nữa mà cần biết cởi mở tâm hồn, biết xoá bỏ mọi thành kiến, như một Nicôđêmô khi đến gặp Chúa Giêsu ban đêm (Ga 3,1-21). Phải khiêm tốn như người phụ nữ xứ Canaan lượm nhặt cả “những vụn bánh từ bàn ăn rơi xuống” để rồi nhận được ơn trọng đại hơn nhiều: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được vậy” (Mt 15,21-28). Phải có lòng khao khát tột cùng muốn được gặp Chúa, gần Chúa, để được Chúa chữa lành.
Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, gần nhất là phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8,1-10), nhưng những người Pharisêu vẫn “chê” đó là dấu lạ “dưới đất” mà có lần họ đã họ xuyên tạc là Ngài dựa vào quyền thế của Bêendêbun để thực hiện (Mc 3,22). Thế nên họ đã “đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người”.
Không phải là Chúa Giêsu không đáp ứng yêu cầu của họ, bởi vì Ngài là chính “dấu lạ từ trời,” điều đã được chứng thực khi Ngài chịu phép rửa: “Có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Ta” (Mc 1,11). “Dấu lạ từ trời” đó có tên là Giona khi Ngài sẽ trỗi dậy vinh hiển sau ba ngày chịu mai táng trong lòng đất. Cũng như dân Do Thái trong sa mạc thử thách Chúa, để rồi cứng lòng tin vẫn hoàn cứng lòng tin “dù đã thấy những việc Chúa làm” (Tv 95,8-9), người Pharisêu cũng vẫn cứng lòng tin, dù đã thấy biết bao dấu lạ, ngay cả dấu lạ Giona!
Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ trong mấy năm sứ vụ. Những phép lạ đó không nhằm ra oai biểu diễn quyền uy, cũng không nhằm lôi kéo sự tôn vinh của dân chúng. Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc đền thờ: một cám dỗ làm điều ngoạn mục để thu hút quần chúng.Ngài cũng từ chối xuống khỏi thập giá: một hành vi đủ làm bẽ mặt những kẻ giết Ngài. “Cứ xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy và tin” (Mc 15, 32). Chúa Giêsu không mua niềm tin của đám đông bằng sự phản bội Cha. Ngài đã ở lại trên thập giá như một người có vẻ thua cuộc…
Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong mấy năm rao giảng Tin Mừng. Trừ quỷ và chữa những bệnh nan y là những dấu lạ Ngài hay làm. Ngài chữa người mù bẩm sinh, người phong, người nhiều năm bất toại. Ngài hoàn sinh con gái ông Giairô, con trai bà góa thành Nain, và nhất là cho anh Ladarô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại. Có những dấu lạ Ngài làm trên thiên nhiên mà chỉ các môn đệ biết, như bắt bão táp phải lặng yên hay đi trên mặt nước lúc sóng gió. Cũng có dấu lạ trước mặt cả ngàn người như làm cho bánh hóa nhiều. Không ai có thể phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ (Ga 11, 47).
Nhưng Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn phô trương. Ngài cũng không dùng dấu lạ để mua lòng tin của dân chúng. Dấu lạ của Đức Giêsu không qui về vinh quang hay lợi lộc cho Ngài, nhưng nhắm đến việc khai mở Nước Thiên Chúa và hạnh phúc nhân loại. Nhiều lần Ngài thắng được cám dỗ làm dấu lạ. Ngài đã không biến đá thành bánh để ăn cho no bụng hay nhảy xuống từ nóc Đền thờ để dân chúng kinh ngạc tung hô. Ngài cũng không biểu diễn vài dấu lạ trước mặt Hêrôđê để được tha. Trên thập giá, Ngài đã không đáp lại thách đố của các nhà lãnh đạo. “Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình đi!” (Lc 23, 35). Đức Giêsu đã làm dấu lạ cho người khác, nhưng không làm cho mình. Ngài không tự cứu lấy mình, nghĩa là không xuống khỏi thập giá.
Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.
Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, Satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể.
Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan: “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi”. Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.
Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.
Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.
Qua đoạn Tin Mừng rất ngắn này, chúng ta soi mình trong những hành vi của người pharisiêu.
Có bao lần chúng ta đến với Chúa để hạch hỏi Người: Tại sao? Vì sao điều đó lại xảy ra với con? Hoặc có khi nào chúng ta đòi Chúa phải cho con điều này, ban cho con ơn kia, thìcon mới tin Chúa , hay mới giữ đạo? Có bao giờ chúng ta đã thử thách Chúa, khi không tin tưởng phó thác vào Ngài mà chỉ cậy dựa trên: địa vị, của cải… đời này?
Huệ Minh