Hình như lịch sử Hội Thánh đông tây kim cổ chưa hề có 100 giáo dân lãnh đạo các xứ họ chịu chết vì đức tin cùng một ngày như tại Bắc Ninh.
Năm 1859 vua Tự Đức ra lệnh tập trung những người đứng đầu các xứ họ để kiểm soát chặt chẽ các thành phần tính cực trong hàng ngũ người Công Giáo, đồng thời các xứ họ sẽ như rắn mất đầu. Lần lượt trong 3 đợt, hơn 100 đầu mục trong tỉnh Bắc Ninh lúc ấy bị giam tại thành Bắc Ninh. Trong đợt thứ ba, có cả một số quân nhân Công Giáo. Theo lời dụ dỗ và đe dọa hoặc sau các lần tra tấn, một số đã bước qua Thánh Giá để được tha. Một số khác đã chết trong tù. Còn lại đúng 100 người đã bị tổng đốc Nguyễn Văn Phong ra lệnh hành quyết khẩn cấp ngày 4.4.1862.
1 Bản tường trình của cha Salvador Masso[1]
Tháng 12 năm 1859, tuân lệnh quan Tổng Đốc[2], quan các phủ, huyện đã giải các đầu mục xứ họ Công Giáo tới tỉnh lỵ gọi là Bắc Ninh[3].
Sau khi đầu mục các xứ họ toàn tỉnh Bắc Ninh đã tập trung, họ được dẫn tới công đường. Tại đây, trong phòng xử, đã có 3 vị quan toà. Ảnh Đức Trinh Nữ Maria hoặc ảnh thánh Tôma và tượng Chúa Chịu Nạn đã được đặt sẵn. Viên chánh án nói với đầu mục các xứ họ: “Này đây chiếu chỉ vua đã ra, các ngươi hãy quá khoá, ta sẽ tha cho các ngươi về với vợ con”. Những đầu mục đứng hàng trên, thay mặt cho tất cả, thưa với quan chánh án: “Bẩm quan lớn, chúng tôi theo đạo Chúa Giêsu do tổ tiên truyền lại, chúng tôi không dám bước qua Thánh Giá”. Thế là viên chánh án ra lệnh cho lính tráng đứng gần đó, chừng 50 người, hỏi từng đầu mục một: “Ai muốn quá khoá? Ai không?” Ai được hỏi vậy mà trả lời không muốn liền bị viên chánh án mắng: “Ngươi trả lời như thế sao? Ta sẽ sai lính về phòng điều tra đem roi và cọc tới đây”. Theo lệnh viên chánh án, lính dẫn các đầu mục đi thẳng vào trại giam.
Mười đầu mục được tách riêng ra, rồi mỗi lần 5 người bị lính bắt nằm sấp mặt xuống đất, hai tay hai chân bị trói vào cọc đã đóng sẵn, bị đánh bằng những gậy đầu bịt tua, một phần để khỏi nát thịt hay gãy xương, phần xác để cho bị thấm đòn đau hơn. Viên chánh án truyền cho lính đánh đòn những ai không chịu bỏ đạo, cứ sau 5 tượng lại hỏi: “Có chịu quá khoá không?” Có mấy người bị đòn đau quá nên bước qua ảnh tượng để được tha. Những người trung thành lại bị đánh tiếp 5 trượng nữa, rồi lại được yêu cầu quá khoá. Qua 5 hay 6 lần, nhiều đầu mục vẫn không chịu nghe quan mà chối đạo, lại còn tuyên xưng đức tin nữa. Thấy không sao lay chuyển được các đầu mục, quan truyền đánh mỗi người đến 60 trượng. Có 10 đầu mục trung thành với Chúa được quan cho đứng bên phải, còn những người yếu tin đứng bên trái. Với 10 người khác được coi tựa như đầu mục, lính cũng tra khảo như vậy, và bị đòn nhừ tử. Phêrô Bình, Matthêu Ba, Đaminh Canh, Đaminh Công, Tôma Phụng, Gioan Khải, những người đã chứng kiến tận mắt, cho biết những điều trên và làm chứng.
Trong lần tra hỏi thứ nhất này, chỉ các đầu mục làng Phượng Mao là Phêrô Hạt và Phêrô Tần không bị đánh đòn, vì quen thân với lính, nên được lính làm ngơ. Còn ông Nicôla Nghĩa, người Cẩm Đường, có quen thân với quan tổng đốc tỉnh Đông, tức Hải Dương, nên được trọng nể, lại khai đang bị đau ốm, do đó không bị đòn lần này, vì theo luật vua, những ai đau ốm thì không bị đánh đòn. Đaminh Canh, Tôma Phụng và Gioan Khải biết thật như vậy và làm chứng. Tra hỏi lần thứ nhất xong, vào ngày 18 tháng 12 năm ấy, mọi người phải mang gông nặng và lại bị giam. Những người đã bước qua Thánh Giá được giam riêng. Tôma Phụng và Gioan Khải làm chứng điều này.
Ngày 20 tháng ấy, các đầu mục lại được dẫn ra trước công đường. Tại đây, cũng như lần trước, đã đặt sẵn những ảnh ở ngưỡng cửa để cho họ bước qua.
Hình Thánh Giá cũng được vẽ trên đất, nhưng những người đi trước vừa tới liền lấy tay xoá đi[4]. Ít phút sau, ba quan lớn của tỉnh ấy hỏi: “Có chịu quá khoá không?”. Họ trả lời: “Chúng tôi không dám”. Viên chánh án liền ra lệnh đánh đòn dữ dội, cứ sau 5 trượng lại hỏi: “Có chịu quá khoá không?” Không ít người đã bước qua Thánh Giá. Riêng những người vững vàng hơn lại bị đánh thêm cho nhừ đòn, đến 4 hay 5 lần, mỗi lần 5 trượng, rồi lại hỏi, rồi lại đánh, cộng chung đến 50 trượng. Đaminh Canh, Tôma Phụng và Gioan Khải chính mắt đã trông thấy và làm chứng.
Hôm sau, quan án sát truyền dẫn các đầu mục tới công đường. Các đầu mục một số địa phương, mà chúng tôi không rõ thuộc địa sở nào, bước vào. Chúng tôi chỉ biết các đầu mục thuộc các địa sở vùng Lương Tài và Gia Bình[5] thôi. Khi tất cả đã bước vào, quan bảo bước qua Thánh Giá để được tha. Họ không chịu nghe. Lập tức quan truyền đánh đòn, cứ sau 5 trượng lại hỏi: “Ai muốn quá khoá?”. Có mấy người bị đòn đau quá thì chối đạo, và được tách khỏi những người khác; còn những ai không chịu bước qua dấu thánh của ơn cứu chuộc[6] thì bị đánh tới 40 trượng rất tàn nhẫn. Cuối cùng, tất cả bị giam, những người chối đạo giam riêng, những người trung thành giam riêng. Nicôla Nghĩa không bị đòn đau vì ốm. Lúc những người này vừa rời khỏi công đường thì nhiều đầu mục các địa phương khác được dẫn vào. Những người mới đến hỏi những người đang ra: “Các bác kỳ này thi đỗ hết chứ?”, và được trả lời: “Chúng em đỗ cả”. Gioan Khải và Tôma Phụng được chính mắt trông thấy những điều trên đây và đứng ra làm chứng.
Những người vào công đường đợt sau được quan án sát khuyên làm điều sai quấy: “Hãy quá khoá, để khỏi bất trung và bất hiếu với cha mẹ. Không quá khoá là bất trung và bất hiếu với cha mẹ, vì xương thịt các ngươi là do cha mẹ mà có, nếu để huỷ hoại đi, các ngươi phạm tội bất hiếu rất lớn đối với cha mẹ”. Nói như vậy, quan muốn nhớ lại lời đáp đầu tiên của các đầu mục trong lần tra hỏi trước, vì họ đã nói: “Cha mẹ chúng tôi có phần riêng, chúng tôi có phần riêng”. Sau hết, quan nói: “Đêm đã khuya, cho các ngươi lui”. Lính dẫn các đầu mục trở lại ngục cũ mà không đánh đập gì. Đaminh Canh đã chính mắt trông thấy như vậy đứng ra làm chứng.
Ngày 24 tháng ấy, các đầu mục lại được đưa ra công đường. Những người đi trước trông thấy dấu Thánh Giá vẽ trên đất cho họ bước qua thì lấy tay xoá đi rồi mới vào trong phòng. Ở đây đã dọn sẵn ảnh tượng đạo để cho họ bước qua, và các quan toà vẫn ngồi như các ngày trước. Viên chánh án truyền cho họ bước qua ảnh tượng, nhưng họ trả lời: “Chúng tôi không dám”. Thế là viên chánh án ra lệnh cho lính lôi 5 người ra, nọc xuống đất và đánh, rồi đến 5 người khác, và cứ như vậy cho đến hết. Cứ mỗi lần đánh 5 trượng, xen vào đó là 4 hay 5 lần hỏi có chịu bỏ đạo không. Một vài người vì đau quá đã bước qua Thánh Giá. Còn những người quan không lay chuyển được thì bị giao cho lính đánh đến 50 trượng rất tàn nhẫn. Đaminh Canh, Tôma Phụng và Gioan Khải được trông thấy tận mắt những điều trên đây làm chứng là đúng như vậy.
Trong lần tra hỏi này, quan lớn nói với ông Giuse Khắc rằng: “Ngươi dại quá. Hãy quá khoá, không thì chết”. Giuse Khắc không chút bối rối thưa lại: “Xin quan lớn cứ giết cả hai cha con chúng tôi”. Viên chánh án nói: “Không giết các ngươi làm gì, nhưng đánh cho chết rồi quăng xác ra ngoài thành”. Đaminh Canh đã nghe được điều này, vì lúc ấy có mặt tại chỗ, và làm chứng đúng là như vậy. Lần này, Nicôla Nghĩa, Giuse Mát, Phêrô Hiệu được các quan tha không đánh đòn vì cáo ốm. Gioan Khải, người quen dùng giấy khi làm chứng, đã theo yêu cầu của những người ốm đau xin lính trình lên quan để được tha đánh đòn, chứng thực đúng thật như vậy.
Sau lần tra hỏi ấy, mọi người lại bị dẫn về ngục. Vì bị đánh rất dã man, nhiều đầu mục bị rách da trên đầu, vết thương rất thối, nên lính la lối ầm ỹ. Đaminh Canh, Tôma Phụng và Gioan Khải làm chứng như vậy.
Ngày 26 tháng 12, viên chánh án cùng với 2 quan lớn ngồi trên toà truyền điệu đầu mục các xứ họ tới công đường. Tại đây đã đặt sẵn tượng Chúa Chịu Nạn, ảnh Đức Mẹ hay ảnh thánh Tôma và nhiều gậy. Nhiều người không đi được, vì trong những lần tra hỏi trước đã bị đánh đau quá, còn vết thương, nên lính phải dùng cáng mà khiêng, trên người quần áo tả tơi. Nhiều người khác lính phải dìu đi. Những người đi trước thấy dấu hiệu ơn cứu chuộc được vẽ sẵn ở ngưỡng cửa, có lẽ do lính, đã cố xoá đi, rồi mới vào đứng trước các quan lớn. Viên chánh án cho đánh đòn như các lần tra hỏi trước, và cứ sau 5 trượng lại ra lệnh cho lính bắt các đầu mục bỏ đạo.
Một số người không chịu được những trận đòn độc ác, nên đã không giữ được lòng trung thành. Những người khác bị đánh đến 50 trượng mà vẫn trung thành tuyên xưng đạo thánh. Sau hết, không lay chuyển được họ, các quan truyền giam những người này vào chung một ngục. Vì các đầu mục bị tra tấn dã man, nhiều người không thể đi được, lính phải dìu hoặc khiêng đi, còn các vết thương thì mỗi ngày một hôi thối hơn, nên lính kêu ca cằn nhằn: “Hôi thối không chịu được”. Vì đạo Chúa, họ phải chịu như vậy và bị giam lâu ngày, nhưng mặt họ luôn hớn hở, lòng họ vững vàng. Họ vui vẻ khích lệ nhau và sốt sắng đọc kinh lần hạt Mân Côi. Đaminh Canh, Tôma Phụng và Gioan Khải đã tận mắt và làm chứng những điều trên đây là thật. Trong lần tra hỏi này, Nicôla Nghĩa và Đaminh Sử không bị đánh đòn vì đau ốm. Gioan Khải xác nhận điều này.
Sau bốn hay năm tháng, vì các thương tích do những trận đòn khó lành được, các quan lựa những đầu mục chính bắt giam riêng, cho canh gác, mong lấy những lời ngọt ngào mà lay chuyển lòng kiên nhẫn, rồi những người khác sẽ theo gương họ mà bỏ đạo. Bởi vậy, 7 đầu mục là Nicôla Nghĩa, Gioan Hậu, Giuse Phác, Tôma Vọng, Gioan Linh, Gioan Hai Phác, Gioan Ôn, tất cả được truyền dẫn đến công đường, bị ép phải bước qua Thánh Giá. Quan hứa ai tuân lệnh sẽ được tha cho về nhà với vợ con. Tuy nhiên, tất cả đều chống lệnh, nên phải no đòn với 50 trượng. Ngày hôm sau, những người khác bị điệu ra công đường cũng chống lệnh như vậy, nên cũng bị đánh 50 trượng. Lần này không ai bước qua Thánh Giá, và cũng không ai thoát khỏi no đòn. Sau đó, mọi người lại bị đưa về giam trong ngục, trên mình phải mang gông và xiềng. Từ hôm ấy, không ai bị đánh nữa. Anna Đảm, Maria Thuỷ, những người đến giúp các giáo hữu bị tù, làm chứng như vậy. Gioan Phác xin các quan cho mình chịu đòn thay cho cha đã già, được chấp thuận, nên bị đòn liên hồi. Maria Thuỷ, người đã nghe chính miệng Gioan Phác và các đầu mục khác nói, làm chứng như vậy.
Bị giam cầm chừng 2 năm 5 tháng[7], trải qua bao khó khăn, cực hình, bị lính và quân canh hành hạ đủ cách, các đầu mục vẫn tỏ ra nhẫn nhục lạ lùng. Anna Bôi, Maria Thuỷ, Maria Ban, Maria Mầu, những người giúp các đầu mục những việc cần thiết như mua thức ăn, nấu nướng, giặt giũ, mang nước rửa các vết thương, làm chứng những điều sau đây: Hễ hôm sau các chứng nhân đức tin phải ra công đường, thì tối được loan báo là quan lớn truyền cho các đầu mục hôm sau sẽ ăn thịt nướng để kịp tới công đường lúc tảng sáng. Thế là các ông khuyên bảo nhau, đọc kinh lần hạt Mân Côi, giục lòng ăn năn tội, rồi bảo nhau: “Mai ra công đường, chúng ta phải can đảm. Các bậc đàn anh làm sao chúng ta cũng làm vậy. Cứ trông cậy Đức Mẹ cao cả sẽ giúp chúng ta can đảm để nhẫn nại chịu đựng mọi sự. Nhất định không ai chối đạo, không ai bước qua Thánh Giá”. Hôm sau, trời còn sớm, các đầu mục đã vào công đường. Viên chánh án nói: “Quá khoá đi, ta sẽ cho về làm ăn vui vẻ với vợ con”. Các đầu mục trả lời: “Bẩm quan lớn, chúng tôi không dám bước qua Chúa mà chúng tôi tôn thờ”. Lập tức các ông bị đánh đòn. Rồi vì họ cứ tuyên xưng Chúa Giêsu, quan truyền tống giam trong ngục. Vì bị đòn nhiều lần đau quá, vai mang gông nặng, bước đi không được, nên về tới ngục là các ông ngã lăn ra đất.
Hằng ngày, các đầu mục dành 3 buổi nhất định để lần hạt Mân Côi, một ngày 3 lần cho đủ 15 ngắm. Họ giữ chay các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu hằng tuần. Mọi ngày khác, mỗi người ăn uống tuỳ ý. Những điều này, họ tự bảo nhau giữ. Ngoài ra, lúc nào cũng có 3 đầu mục đi khích lệ những người khác. Mỗi tuần một lần, thầy giảng Toán, thuộc địa phận Trung[8], vì đạo mà bị đày ở thành này, tới thăm các giáo hữu bị giam cầm, khuyên bảo họ kiên nhẫn chịu đựng mọi sự khó vì đạo Chúa. Các phụ nữ có đạo làm chứng những điều trên đây là đúng thật. Trong thời gian bị giam, các đầu mục có 6 lần được giải tội và được chịu Mình Thánh Chúa. Những giáo hữu khác, bị bắt giam sau các đầu mục, và cũng bị chôn sống với các ông, được chịu các bí tích không phải 6 lần, nhưng tuỳ theo thời gian bị giam cầm, như được kể lại trong các bản tường trình riêng.
Các thứ mục[9] và binh lính, bị bắt được giải đến tỉnh ngày 21 tháng 3 năm 1861, cũng bị tống giam chung một ngục với các đầu mục. Tuy nhiên, những người này không được chịu các bí tích, vì khó lòng một thầy cả đến được chỗ canh, nơi thầy cả Gioan Điền, dòng Thánh Đaminh, từng làm được cho những người bị giam giữ.
Ngày 24 tháng 3 năm 1862, dưới thời vị vua Tự Đức, giặc giã nổi lên trong nước, kéo đến bao vây thành này[10] rất đông[11]. Các quan đuổi những người đến giúp các tín hữu bị tù ra ngoài. Hằng ngày khi mặt trời lặn, tù nhân phải mang xiềng xích, hoặc mang gông cùm, nằm đất, chân bị xích, tay bị trói vào một cây tre lớn đặt trên ngực nhiều người. Ban đêm bị hành hạ như vậy, đến sáng thì được tháo khỏi cây tre. Song mỗi khi giặc giã ồn ào thêm, tù nhân lại bị xích chân và trói tay như ban đêm, đề phòng họ theo giặc[12]. Có khi hai hoặc ba ngày liền họ chẳng được ai cho ăn gì.
Ngày mồng 6 hoặc mồng 7 của tuần trăng thứ ba, tức là ngày 4 hay 5 của tháng 4 năm ấy[13], khi mặt trời lặn, các quan ra lệnh dẫn họ đi chôn trong hai cái hố lớn đã đào sẵn cho việc này[14].
Tiểu đội trưởng Ất, người ngoại đạo, làm chứng: “Quan án sát truyền lệnh cho tôi phải chôn các đầu mục. Khi họ tới miệng hố mới được đào trước đó không lâu để chôn họ, lính lập tức dùng gươm giáo đâm chém chừng 30 người, nhưng chỉ có 5 hay 6 người bị chém đứt đầu. Lúc ấy viên chánh án ngồi trên cao nói lớn: Đây là phép nước. Phải truy lùng, trừng trị, tiêu diệt chúng. Đẩy chúng xuống hố”.
Binh sĩ Tân, người ngoại giáo, nói: “Tôi thấy các đầu mục bị điệu đi chôn, và nghe họ kêu: Lạy Chúa Giêsu, xin mở cửa thiên đàng cho chúng con lên với Chúa…” Người ngoại giáo này không nghe được gì khác, cũng chẳng rõ họ đọc gì, nhưng cho biết khi tới miệng hố thì 5 hay 6 người bị chém đứt đầu, những người khác thì tự ý xuống hoặc bị đẩy xuống.
Đại đội trưởng Mẫu, cũng người ngoại giáo, nói: “Tôi chỉ huy việc chôn họ. Tôi thấy các đầu mục bị trói, nhưng rất hớn hở đến nơi thụ hình, trước khi đi cũng vậy. Họ sốt sắng đọc kinh, nhưng tôi không hiểu họ đọc gì, chỉ nhớ họ đọc lớn tiếng và liên tục. Tôi biết rõ việc họ tới nơi thụ hình. Hôm sau, các hố chôn bị voi dùng chân giày cho bằng, để nếu ai còn sống sẽ chết mau hơn”[15].
2 Bản báo cáo của Tổng Đốc Nguyễn Văn Phong
Tháng Ba năm nay[16], bọn phiến loạn đông đảo đến vây thành này tứ phía. Trong thành có giam giữ 100 tên đầu mục đạo tây dương không chịu bỏ tà đạo. Sau khi đã tra xét cẩn thận và biết rõ chúng là những kẻ cố chấp, bản chức thừa lệnh Hội Đồng Đề Hình9 đã họp khẩn cấp và quyết định chém đầu chúng. Nay việc đã xong[17], bản chức gửi tổng số và danh sách những tử tội thụ hình đó lên Đô Sát Viện. Bản chức xin tường trình để các quan thượng Hình Bộ được rõ.
Danh sách 100 vị đầu mục tử đạo Tại Bắc Ninh ngày 4.4.1862
1. Nguyễn Văn Khương (Nicôla Nghĩa)[18], 63 tuổi, quê Cẩm Đường
- Nguyễn Văn Hậu (Giuse Phác), 30 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Súi (Gioan Bảo), 43 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Cảnh (Gioan Baotixita Hậu), lương y, 70 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Trù (Phêrô Thắng), nông dân, 60 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Cảnh (Phêrô Cảnh), quân nhân, 33 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Hậu (Phêrô Thông), quân nhân, 29 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Thiện (Gioan Đũa), quân nhân, 42 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Tập (Gioan Hưởng), quân nhân, 21 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Sỹ (Phêrô Ngõng), quân nhân, 21 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Hiệu (Phêrô Lộ), quân nhân, 20 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Tiến (Phêrô Thân), quân nhân, 42 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Tư (Phêrô Chu), quân nhân, 23 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Lược (Đaminh Mẹo), quân nhân, 21 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Chiết (Phêrô Triết), quân nhân, 21 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Lung (Đaminh Tường), quân nhân, 30 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Bảo (Đaminh In), quân nhân, 20 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Thịnh (Đaminh Xiên), quân nhân, 22 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Lợi (Đaminh Lợi), quân nhân, 18 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Quản (Đaminh Ưa), quân nhân, 22 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Ảnh (Phêrô Linh), quân nhân, 35 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Lộc (Đaminh Lộc), quân nhân, 23 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Mới (Vinh sơn Vững), quân nhân, 49 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Phú (Phêrô Vũ), quân nhân, 22 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Cung (Đaminh An), quân nhân, 27 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyen Văn Nhữ (Đaminh Lữ), quân nhân, 41 tuổi, quê Xuân Hoà
- Nguyễn Văn Tiêu (Đaminh Diêm), quân nhân, 24 tuổi, quê Xuân Hoà
- Phan Văn Luật (Phêrô Độ), nông dân, 40 tuổi, quê Xuân Thuỷ
- Phan Văn Tú (Phêrô Hiếu), quân nhân, 32 tuổi, quê Xuân Thuỷ
- Phạm Văn Hạt (Phêrô Hạt), nông dân, 40 tuổi, quê Phượng Mao
- Phạm Tuấn Khanh (Phêrô Tuấn) nông dân, 40 tuổi, quê Phượng Mao
- Phạm Quang Bốn (Phêrô Thạnh), quân nhân, 30 tuổi, quê Phượng Mao
- Phạm Quang Đôn (Đaminh Lực), quân nhân, 40 tuổi, quê Phượng Mao.
- Đồng Văn Chí (Antôn Chí), quân nhân, quê Nam Định, ở Tử Nê.
- Nguyễn Văn Tập (Phêrô Tập), nông dân, 41 tuổi, quê Phong Cốc.
- Nguyễn Văn Tài (Giêrônimô Tin), quân nhân, 37 tuổi, quê Phong Cốc.
- Trần Văn Khải (Phêrô Khải), quân nhân, 41 tuổi, quê Phong Cốc.
- Nguyễn Văn Viêm (Giêrônimô Điển), quân nhân, 37 tuổi, quê Cầu Giát.
- Lê Vậy (Phêrô Dụng), lương y, 31 tuổi, quê Cứu Sơn.
- Nguyễn Văn Liên (Phêrô Hiếu), lương y, 58 tuổi, quê An Khoái.
- Đinh Đồng Đào (Đaminh Thăng), 40 tuổi, quê Kẻ Nê.
- Nguyễn Văn Điền (Đaminh Vương), quân nhân, 21 tuổi, quê Kẻ Nê.
- Nguyễn Văn Liêm (Đaminh Đẩu), quân nhân, 23 tuổi, quê Kẻ Nê.
- Nguyễn Văn Giám (Đaminh Liệu), 41 tuổi, quê Hương La.
- Nguyễn Bình Nhuận (Đaminh Kiểm), quân nhân, 27 tuổi, quê Hương La.
- Nguyễn Văn Ngũ (Gioan Phan), quân nhân, 33 tuổi, quê Ngọc Cục.
- Nguyễn Văn Bình (Phêrô Uyên), 28 tuổi, quê Dị Sử.
- Nguyễn Đình Trực (Đaminh Khải), 30 tuổi, quê Dị Sử.
- Chu Quang Thông (Phêrô Nhiêu), 63 tuổi, quê Thọ Ninh.
- Chu Quang Thuỳ (Tôma Vang), lương y, 47 tuổi, quê Thọ Ninh.
- Nguyễn Văn Hợp (Đaminh Kim), 33 tuổi, quê Thọ Ninh.
- Nguyễn Đình Lệ (Đaminh Đạt), nông dân, 48 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Văn Trương (Đaminh Trương), nông dân, 42 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Đình Trại (Gioan Linh), 62 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Đình Kiểu (Tôma Nhung), nông dân, 45 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Văn Hạnh (Đaminh Cung), nông dân, 48 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Văn Hợi (Đaminh Hợi)[19], giáo viên, 36 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Văn Duệ (Đaminh Duệ), nông dân, 45 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Văn Thuận (Đaminh Thuận)[20], nông dân, 41 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Văn Do (Tôma Thân), nông dân, 51 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Đình Môn (Đaminh Khoát), 32 tuổi, quê Lai Tê.
- Trần Tinh (Đaminh Tĩnh), nông dân, 38 tuổi, quê Lai Tê.
- Đỗ Cao Từ (Đaminh Từ), giáo viên, 36 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Đình Nghiêm (Đaminh Nghiêm), lương y, 24 tuổi, quê Lai Tê.
- Nguyễn Văn Túc (Đaminh Sử), lương y, 44 tuổi, quê Trạm Du.
- Nguyễn Văn Xương (Phêrô Khanh), lương y, 40 tuổi, quê Đông Tiến.
- Nguyễn Văn Ngư (Phêrô Hoà), nông dân, 44 tuổi, quê Đạo Ngạn.
- Nguyễn Văn Hanh (Phêrô Hạnh), ngư phủ, 60 tuổi, quê Đạo Ngạn.
- Bùi Danh Phác (Gioan Hai Phác), lương y, 60 tuổi, quê Nếnh Trần.
- Bùi Khoán (Phanxicô Nghiêm), 40 tuổi, quê Sen Hồ.
- Trần Văn Tình (Giuse Tính), quân nhân, 30 tuổi, quê Nếnh Sen.
- Trần Văn Thuận (Phêrô Nghi), nông dân, 30 tuổi, quê Sen Hồ.
- Nguyễn Văn Kỳ (Đaminh Hiển), 40 tuổi, quê Cổ Pháp.
- Hoàng Văn Đốc (Giuse Thư), 27 tuổi, quê Khánh Khê.
- Hoàng Đình Lễ (Phêrô Trưởng), nông dân, 30 tuổi, quê Khánh Khê.
- Nguyễn Danh Uy (Phêrô Nhâm), nông dân, 52 tuổi, quê Hoàng Mai.
- Nguyễn Văn Dũng (Đaminh Dũng), nông dân, 66 tuổi, quê Như Thiết.
- Thân Văn Lượt (Gioan Nghìn) nông dân, 55 tuổi, quê Thiết Nham.
- Thân Danh Ổn (Gioan Ổn), 61 tuổi, quê Thiết Nham.
- Thân Văn Quán (Gioan Nhiêu), nông dân, 43 tuổi, quê Thiết Nham.
- Thân Văn Bảy (Phêrô Hữu), nông dân, 42 tuổi, quê Thiết Nham.
- Thân Đình Sâm (Phêrô Sâm), 40 tuổi, quê Nghĩa Mỹ.
- Hoàng Đình Tình (Giuse Tình), nông dân, 57 tuổi, quê Thiết Sơn.
- Nguyễn Văn Đa (Phêrô Đa), nông dân, 60 tuổi, quê Ngọc Cục.
- Nguyễn Văn Thể (Gioan Thể), nông dân, 44 tuổi, quê Ngọc Cục.
- Nguyễn Văn Hanh (Phanxicô Hanh), nông dân, 67 tuổi, quê Ngọc Cục.
- Trần Văn Giáp (Phêrô Cần), quân nhân, 33 tuổi, quê Tiên Nha.
- Nguyễn Văn Mật (Giuse Mật), 68 tuổi, quê Mỹ Lộc.
- Vũ Đình Khanh (Gioan Bích), lương y, 47 tuổi, quê Thanh Dã.
- Hoàng Văn Nhẫn (Giuse Nhẫn), lương y, 48 tuổi, quê Xuân Lai.
- Nguyễn Văn Đông (Gioan Vĩnh), nông dân, quê Đông Bài.
- Đặng Đình Xuân (Phêrô Xuân), thầy giảng, bị bắt tại Bắc Ninh.
- Nguyễn Văn Nghĩa (Đaminh Nghĩa), thầy giảng, bị bắt tại Ngọc Cục.
- Nguyễn Văn Sỹ (Phêrô Cát), giúp cha Yên, bị bắt ở Nội.
- Nguyễn Văn Trinh (Gioan Trinh), Nhà Đức Chúa Trời, chừng 20 tuổi, quê Nam Định.
- Nguyễn Văn Tam (Gioan Tam), Nhà Đức Chúa Trời, chừng 20 tuổi, quê Hưng Yên.
- Nguyễn Văn Miện (Phêrô Miện), thầy giảng, bị bắt tại phố Hồ, Bắc Ninh.
- Nguyễn Văn Tư (Gioan Tư), Nhà Đức Chúa Trời, chừng 20 tuổi, quê Nam Định.
- Nguyễn Minh Duật (Đaminh Thư), Nhà Đức Chúa Trời, chừng 20 tuổi.
- Nguyễn Văn Thuỷ (Gioan Thuỷ), thầy giảng, giúp cha Gioan Diệu, bị bắt ở Nội.
——————-
[1] Bản tường trình được soạn năm 1873, không rõ tác giả. Cha Salvador Masso, quen gọi là cha Chính Tế, bề trên phụ tỉnh dòng Thuyết Giáo tại Việt Nam lúc ấy, cho biết bản gốc bằng tiếng Việt Nam, chính cha đã dịch sang tiếng Latinh. Nay chúng tôi dịch ngược lại sang tiếng Việt Nam.
[2] Tổng đốc Ninh Thái (gồm Bắc Ninh và Thái Nguyên).
3] Thời ấy, tỉnh Bắc Ninh bao gồm tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hiện nay, cùng với một số huyện của thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương hiện nay.
[4] Không xoá bằng chân, vì như vậy bị coi là đã chà đạp Thánh Gía.
[5] Hai huyện phía đông nam tỉnh Bắc Ninh hiện nay.
[6] Dấu Thánh Giá.
[7] Từ tháng 12.1859 đến tháng 4.1862, qua 3 lần ăn Tết.
[8] Hai giáo phận Bùi Chu và Thái Bình hiện nay.
[9] Những giáo dân trong ban lãnh đạo các xứ họ, dưới vị đầu mục quen gọi là ông chánh trương hay ông trùm.
10] Thành Bắc Ninh, do quan tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Văn Phong chỉ huy.
[11] Đầu năm 1862, ông Nguyễn Văn Thịnh, thường được gọi là Cai Tổng Vàng, nổi dậy chiếm Bắc Giang (cách Bắc Ninh 20 km về phía bắc), kéo quân đến uy hiếp thành Bắc Ninh.
[12] Quân nổi dậy ở bên ngoài thành, thỉnh thoảng lại bắc loa đòi quan tổng đốc Ninh Thái trả tự do cho các người Công Giáo đang bị giam giữ. Có lẽ vì thế nên các quan hoảng sợ.
[13] Trong 100 bản tường trình về các vị đầu mục, các tác giả thường ghi là ngày mồng 6 hay mồng 7 tháng 3 âm lịch, hoặc ngày mồng 4 hay mồng 5 tháng 4 dương lịch. Tuy nhiên, bản tiểu sử bằng tiếng Latinh trong tài liệu của Tòa Thánh về ông Nicôla Nghĩa, quê Cẩm Đường, ghi là mồng 3 hay mồng 4 tháng 4. Riêng bản tiểu sư ông Gioan Linh, quê Lai Tê, ghi rõ là ngày 4 tháng 4 năm 1862. Ký ức của con cháu vị tử đạo Giuse Hoàng Thế Nhẫn ở họ Xuân Lai ghi chắc chắn:
Giữa năm Nhâm Tuất tháng 3,
Chiều hôm mồng 6 điệu ra biên thành
Một dây đầu mục rành rành
Đều du xuống hố cực hình tự nhiên…
Ngày mồng 6 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1862) nhằm ngày mồng 4.4.1862. Như vậy, chúng ta có thể chắc chắn các vị đầu mục thụ hình ngày mồng 6 tháng 3 năm Nhâm Tuất, tức ngày 4.4.1862.
[14] Trước nguy cơ quân nổi dậy chiếm thành, ngày 3.4.1862 tổng đốc Nguyễn Văn Phong triệu tập Hội Đồng Đề Hình gồm Tổng Đốc, Bố Chính (phụ trách quân sự) và Án Sát (phụ trách tư pháp), cùng với các phụ tá nhóm họp để đối phó. Hội Đồng này quyết định xử tử khẩn cấp toàn bộ 100 đầu mục đang bị giam trong thành.
[15] Như vậy, các ngài bị kết án trảm quyết (chém đầu), nhưng vì các lý hình vội và sợ, chỉ một số bị đâm hoặc chém, và chỉ ít vị bị chém đứt đầu. Khi cải táng ngày 5.10.1863, nhiều vị xác vẫn còn nguyên và không có dấu vết đâm chém. Đó là trường hợp của vị tử đạo Giuse Hoàng Thế Nhẫn: dân làng Xuân Lai luôn luôn nhớ là ngài bị chôn sống và bị voi giày.
[16] Năm Nhâm Tuất, tức tháng 4.1862.
17] Tiền trảm hậu tấu: bình thường phải có lệnh của vua mới được thi hành án tử hình, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, một số quan, nhất là ở xa triều đình, được vua cho phép chém trước, báo sau.
[18] Trong ngoặc đơn là tên thánh và tên quen gọi, đa số theo tên người con đầu lòng.
19] Con ông Trại (Linh).
[20] Em ông Kiểu (Nhung).