Trang Tin mừng hôm nay, một lần nữa chúng ta thấy Chúa Giêsu xác định nguồn gốc của Ngài là con Thiên Chúa. Chẳng phải con người thời xưa không muốn chấp nhận Chúa Giêsu mà con người thời nay cũng không muốn chấp Người. Vì sao thế? Người thời xưa cho rằng họ biết rõ Đức Giêsu;Người làai? Chỉ là một Giêsu quê ở Nazaret miền Galilê mà nơi đó người ta vẫn thường nói có gì hay ho ở đó đâu.
Họ tự hào mình là những người có phẩm chất tốt về nguồn gốc lẫn tư cách, đặc biệt trong việc giữ luật. Mặt khác, ông Giêsu này đối với người thời xưa cũng như thời nay đều không giống “những người bình thường” (trong những suy nghĩ phàm tục đầy những vị kỷ và tính toán của họ), Nếu chấp nhận ông ta, thì cuộc sống của họ với những bậc thang giá trị họ đặt ra có thể bị xáo trộn. Cuộc sống của họ bị đảo lộn; họ phải lột xác, phải sống mầu nhiệm tình yêu và tha thứ như Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và tha thứ.
Người Do Thái bực bội với Đức Giêsu tới nỗi muốn ném đá Ngài. Họ tấn công Người vì họ cho rằng Người đã phạm thượng đến Thiên Chúa khi tự coi mình là Con Thiên Chúa. Luật Môsê cho phép họ ném đá bất cứ ai dám xúc phạm đến Đức Chúa (Lv 24,16).
Chúa Giêsu đến trần gian để mặc khải về Thiên Chúa, bằng lời rao giảng và hành động của Người. Quả vậy, tất cả những việc Chúa Giê-su làm đều tốt đẹp: cứu chữa kẻ bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, ban của ăn cho người đói khát… những việc ấy tiết lộ Ngài là Con Thiên Chúa. Lời rao giảng của Đức Kitô là Lời Thiên Chúa nên đã lôi cuốn nhiều người đến cùng Ngài. Nhưng một số người Do Thái cứng lòng đã không đón nhận lời rao giảng này.
Sau nhiều lần rình rập bắt lý, lần này không nhịn được nữa, người Do Thái xúm nhau lấy đá ném Đức Giêsu. Người liền phản ứng: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Và họ đã thẳng thắn trả lời: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.
Và rồi ta thấy bi kịch đang đã đến cao trào. Trước kia, các thượng tế, kỳ mục và phái Pharisêu chỉ nói xa nói gần, tìm kế để giăng bẫy Đức Giêsu, nhưng hôm nay họ đã ra mặt công khai tuyên chiến. Trước thái độ đó Đức Giêsu vẫn kiên quyết bảo vệ chân lý, một mực thi hành ý Cha. Người bị lôi lên sườn núi để bị đẩy xuống vực sâu, nhưng giờ của Người chưa đến.
Sở dĩ người Do Thái căm ghét Đức Giêsu vì Người làm nhiều dấu lạ, gây ảnh hưởng và tiếng vang khiến dân chúng đi theo Người. Thái độ ghen ghét hẹp hòi ích kỷ của người Do Thái là nguyên nhân dẫn đến cuộc sát hại Đức Giêsu. Người chết vì làm điều công chính, chết vì yêu thương, một tình yêu bao trùm và lớn hơn mọi thứ tị hiềm ganh ghét của loài người.
Đức Giêsu đã nói : “Cha Ta hằng luôn làm việc và Ta cũng luôn làm việc” (Ga 5,18). Thiên Chúa hằng luôn làm việc, Ngài làm việc gì? Ngài không ngừng trao ban tình thương và sự sống cho mọi loài Ngài đã tạo dựng nên. Vì Ngài chỉ cần rút hơi thở là tất cả trở về cát bụi hư vô (Giob 34,14). Ngài chăm sóc muôn loài, muôn vật: chim trời, cá biển, hoa cỏ đồng nội… (Mt 6, 26 – 30) bằng một tình yêu muôn thuở.
Như Chúa Cha, Đức Giêsu cũng hằng luôn làm việc : Người không ngừng loan báo cho con người rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, Người chạnh lòng xót thương những kẻ bé nhỏ nghèo hèn, khổ đau vì bệnh tật, tội lỗi… Người làm việc không mệt mỏi vì chạnh thương con người “như đàn chiên không người chăm sóc” (Mt 9, 39). Người chia sẻ và cảm thông với mọi nỗi vui buồn sướng khổ của con người.
Trước tiên cần nhận thức rằng Đức Giêsu là cứu cánh duy nhất của cuộc đời và chúng ta cần Người để được cứu độ. Từ nhận thức đó tôi khao khát được biết Người, mà muốn biết Người tôi phải tìm hiểu, tiếp xúc với Người, cùng sống với Người trong cuộc sống, lắng nghe Người nói gì với tôi, làm gì cho tôi. Tôi phải dành thời gian để đối thoại với Người, cùng Người bàn bạc, nhận định và xin ý kiến của Người.
Trong cuộc sống hôm nay, bi kịch của thói ghen ghét vẫn còn nhan nhản khắp nơi. Khi chúng ta kết án người khác chỉ vì một lý do cỏn con lúc đó chúng ta đang hành động như những người Do Thái xưa. Biết bao cảnh chết chóc huynh đệ tương tàn, vợ chồng ly biệt, bạn bè xa cách chỉ vì sự thù hận ghen ghét. Đó là một thói xấu hằng len lỏi gặm nhấm tâm hồn chúng ta khiến chúng ta có những hành động xấu. Người ta dễ dàng sát hại nhau vì tranh giành địa vị, quyền lợi.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại thân phận mình cũng đầy những tội lỗi bất toàn và yếu đuối để cảm thông tha thứ cho người khác. Đừng vì ghen ghét mà hành động thiếu khôn ngoan, lỗi tình bác ái đối với người đồng loại. Chúng ta hay có thái độ che đậy cái xấu của mình nhưng lại thích moi móc cái xấu của người khác. Thái độ đó đi ngược với Tin Mừng, vì thế Giáo hội khôn ngoan dành cho chúng ta thời gian chay tịnh để nhìn nhận lại chính mình và có quyết tâm sửa đổi.
Sống trong một xã hội hưởng thụ, nơi đó những giá trị của Lời Chúa ít được tôn trọng, những Kitô hữu cũng dễ bị tác động. Hãy để cho việc làm của Đức Kitô thách thức lòng tin của chúng ta và thế giới. Đồng thời hãy tin rằng Lời Chúa là sự sống và sức mạnh cho những kẻ tin. Sống Tin Mừng với tất cả niềm vui và trở nên nhân chứng của Chúa cho thế giới hôm nay là điều mà Đức Kitô chờ đợi nơi chúng ta. Có thể người ta không nghe lời chúng ta nói về Chúa nhưng họ sẽ tin vào Chúa nếu họ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa qua hành động và thái độ sống của chúng ta.
Để biết Người, ta phải nghe và đọc Kinh Thánh vì Người là trung tâm của mạc khải Kinh Thánh. Đặc biệt trong Tin Mừng, ta sẽ được chiêm ngắm con người của Đức Giêsu Kitô: Tôi sẽ được nghe Người nói, nhìn những việc Người làm…
Và điều quan trọng nhất là mỗi người chúng ta phải đặt niềm tin nơi Người, tôi sẽ thấyNgười vẫn tiếp tục hành động trong cuộc sống của ta như xưa kia Người đã hành động. Đó là những hành động đầy chăm sóc và thương yêu. Hãy để cho giáo huấn của Người và tình yêu của Người biến đổi trái tim tôi, để đi đến xác quyết tôi sẽ là môn đệ của Người, để tiếp tục gieo rắc tình yêu của Người cho cuộc đời thêm tươi đẹp.
Huệ Minh